Gia Lai là một tỉnh nằm trong chiến dịch Tây Nguyên trong năm 1975. Trong thời kỳ chống Mỹ, phạm vi chiến trường Tây Nguyên (B.3) gồm các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Phú Bổn, Đắk Lắk và một phần tỉnh Quảng Đức. Đây là một địa bàn rất quan trọng về chính trị, kinh tế và quân sự. Thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đều cho rằng muốn chiến thắng ở Nam Việt Nam phải kiểm soát được Tây Nguyên.
Trong quá trình tiến hành chiến tranh xâm lược, chúng đã xây dựng ở Tây Nguyên một hệ thống đường giao thông hiện đại, nhiều sân bay, kho tàng, trại biệt kích nằm dọc biên giới, biến Tây Nguyên thành một khu căn cứ quân sự lớn, một điểm xuất phát các cuộc hành quân đàn áp phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân ba nước Đông Dương; đồng thời xây dựng ở Tây Nguyên những phòng tuyến ngăn chặn đường vận tải chiến lược của ta từ Bắc vào Nam, ngăn chặn sự giao lưu giữa miền núi với đồng bằng Trung Bộ.
Do ý nghĩa quan trọng của chiến dịch Tây Nguyên, Bộ Chính trị quyết định cử Đại tướng Văn Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam vào chiến trường Tây Nguyên thành lập cơ quan đại diện của Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh trực tiếp chỉ đạo chiến dịch. Dưới sự chỉ đạo tập trung, thống nhất của Bộ Chính trị Trung ương Đảng, với sự tham gia của tất cả các ngành, các cấp trong và ngoài quân đội, “mọi yêu cầu của chiến dịch đều cố gắng bảo đảm được. Quân no, lực lượng lớn, vũ khí lương thực đủ, tinh thần phấn chấn, khí thế cao. Chưa bao giờ ta mạnh và đánh tập trung lớn ở đây như năm nay”[1].

Ở Gia Lai và Kon Tum, tỉnh ủy thành lập Ban chỉ đạo tác chiến để phối hợp với bộ đội chủ lực. Các đoàn đội công tác[2] đều được chấn chỉnh tổ chức, tập huấn về chính trị, quân sự. Thực hiện kế hoạch nghi binh đã thống nhất với Bộ Tư lệnh chiến dịch Tây Nguyên, tỉnh ủy, tỉnh đội Gia Lai và Kon Tum huy động hàng nghìn dân công các huyện 40, 67, 30, 80, Diên Bình, Tân Cảnh (Kon Tum) huyện 4, huyện 5 (Gia Lai) đi làm đường hướng về thị xã[3] và tung tin ta “chuẩn bị đánh Kon Tum, Pleiku”. Bộ đội địa phương tỉnh và dân quân du kích diệt một số đồn địch, mở rộng thêm vùng giải phóng, thu hút sự chú ý của địch lên hướng Bắc Tây Nguyên.
Ngày 17-2-1975, thực hiện tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương là “tranh thủ bất ngờ cao độ, bảo đảm trận đầu thắng giòn giã và có dự kiến kế hoạch phát triển thắng lợi kịp thời, diệt được nhiều sinh lực địch, giải phóng các địa bàn quan trọng[4]”.
Từ ngày 1 đến ngày 4-3-1975, các lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc Tây Nguyên tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động nghi binh, tạo thế, triển khai lực lượng và thực hành bao vây, chia cắt chiến dịch. Ngày 4-, quân ta đánh và cắt các con đường chiến lược số 19, số 21, số 14. Việc giao thông của địch giữa thị xã Quy Nhơn với Pleiku, Kon Tum; giữa thị xã Nha Trang với Buôn Ma Thuột, Gia Nghĩa và giữa thị xã Pleiku, Cheo Reo với thị xã Buôn Ma Thuột bị ngừng trệ hoàn toàn. Quân địch ở Tây Nguyên bị hãm vào thế cô lập, bị chia cắt với lực lượng ở vùng duyên hải Trung Bộ. Tập đoàn lực lượng địch ở Tây Nguyên cũng bị cắt thành hai cụm Bắc và Nam, không chi viện, ứng cứu được cho nhau bằng đường bộ. Ngày 8-3, ta đánh chiếm quận lỵ Thuần Mẫn. Ngày 9-3, ta đánh chiếm quận lý Đức Lập, Đắc Song, Núi Lửa, mở thông hoàn toàn đường vận tải chiến lược Bắc - Nam ở phía Đông Trường Sơn. Phía Bắc Tây Nguyên, ta đánh chiếm quận lỵ Thanh An áp sát phía Tây thị xã Pleiku.
Trong khi đó, ở Tây Nguyên, CIA và Bộ Tổng tham mưu Việt Nam cộng hòa vẫn khẳng định: hướng đối phó chính là Pleiku và Kon Tum. Chúng cho rằng hành động cắt đường số 19, 14 và 21 chỉ là hoạt động phối hợp của ta. Có thể nói, cho đến khi quân và dân ta đã dàn xong thế trận tiến công địch ở Nam Tây Nguyên, nhằm vào mục tiêu then chốt là thị xã Buôn Ma Thuột, Mỹ - ngụy vẫn tiếp tục phán đoán sai về ta. Ta đã hoàn thành bước chuẩn bị theo kế hoạch, tạo ra những nhân tố chắc thắng cho trận đánh mở đầu.
11 giờ ngày 11-3, bộ đội ta đánh chiếm sở chỉ huy Sư đoàn 23 nguỵ - mục tiêu cuối cùng trong thị xã Buôn Ma Thuột. Ngày 12-3, hai ngày sau trận Buôn Ma Thuột, những người Mỹ ở Pleiku và Kon Tum bắt đầu di tản. Ngay trong ngày 11-3, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương nghe Bộ Tổng tham mưu báo cáo diễn biến 10 ngày đầu tháng 3 ở chiến trường Tây Nguyên, các chiến trường phối hợp và bàn định hướng phát triển của chiến dịch. Bộ Chính trị nhận thấy, đặc điểm nổi bật của tình hình lúc này là tinh thần địch sa sút nhanh chóng, khả năng chiến đấu hạn chế. Nhưng vào thời điểm ngày 11-3, với tinh thần hết sức thận trọng, Bộ Chính trị chỉ mới nhận định cuộc tổng tiến công chiến lược có thể đã bắt đầu. Nhân tố mới đã và đang xuất hiện. Cục diện chiến trường đang chuyển biến mau lẹ. Bộ Chính trị đề ra chủ trương nhanh chóng nắm bắt thời cơ, giành thắng lợi lớn hơn nữa. Trong sử dụng lực lượng và phát triển tiến công phải linh hoạt, tập trung, không phân tán, khẩn trương và mạnh bạo. Hướng tiến công tiếp theo có thể là Huế, Đà Nẵng và khi có thời cơ đánh mạnh vào Sài Gòn. Trước mắt, Bộ Chính trị chủ trương củng cố vùng mới giải phóng, sẵn sàng đánh địch phản kích; đồng thời mở rộng tiến công ra xung quanh thị xã Buôn Ma Thuột, giải phóng hoàn toàn tỉnh Đắk Lắk; bao vây, cô lập Pleiku, Kon Tum, nhanh chóng phát triển về hướng Cheo Reo. Ở Tây Nguyên, chú trọng công tác tiếp quản và chính sách dân tộc.
Trong kế hoạch chiến dịch giải phóng Tây Nguyên, Bộ tư lệnh chiến dịch đã dự kiến tình huống, sau khi mất Buôn Ma Thuột, địch sẽ phản kích để chiếm lại. Ngày 12-3, Bộ Tổng tư lệnh thông báo cho Bộ tư lệnh chiến dịch tin địch đang chuẩn bị lực lượng phản kích. Bộ Tổng tư lệnh nhấn mạnh nhiệm vụ cấp thiết nhất của mặt trận là tập trung lực lượng nhanh chóng tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Buôn Ma Thuột và viện binh của chúng. Việc đó “sẽ có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển của chiến dịch”[5].
Từ ngày 12 đến ngày 18-3, bằng một loạt trận đánh xuất sắc, quân ta đập tan hoàn toàn cuộc phản kích “tái chiếm Buôn Ma Thuột” của Quân đoàn 2 Sài Gòn, tiêu diệt hoàn toàn Sư đoàn 23, một sư đoàn được quân Sài Gòn suy tôn là “Nam bình, Bắc phạt, Cao nguyên trấn”.
Ngày 13-3, Tổng thống Thiệu triệu tập Hội đồng An ninh quốc gia họp khẩn cấp bàn biện pháp đối phó. Ngày 14-3, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, Thủ tướng Trần Thiện Khiêm, Tổng tham mưu trưởng quân đội Sài Gòn Cao Văn Viên và Tư lệnh Quân đoàn 2 Phạm Văn Phú họp kín ở Cam Ranh bàn kế hoạch rút bỏ Pleiku và Kon Tum theo đường số 7.
Theo dõi sự phát triển của tình hình, ngày 13-3, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương dự kiến: “Trường hợp địch bị tiêu diệt một bộ phận sinh lực lớn, mất thị xã Buôn Ma Thuột và nhiều quận lỵ, việc chia cắt chiến lược đường 19 thực hiện tốt, thì có khả năng chúng tập trung các lực lượng còn lại ở Tây Nguyên về Pleiku. Cũng nên nghĩ đến khả năng chúng buộc phải thực hiện rút lui chiến lược. Vì vậy cần hình thành bao vây Pleiku với các thứ hỏa lực, kể cả các loại pháo cao xạ, nhằm triệt đường tiếp tế của chúng, chuẩn bị tốt để tiêu diệt địch cả trong hai tình huống”[6].
Căn cứ vào dự kiến của Bộ Chính trị và sự phân tích mới nhất về âm mưu và hành động của địch, chiều ngày 15-3, cơ quan đại diện Bộ Tổng tư lệnh tại mặt trận thông báo cho Bộ tư lệnh chiến dịch “khả năng địch rút chạy khỏi Kon Tum và Pleiku”. Vào thời điểm này, các trận đánh quân địch phản kích đang tiếp diễn ác liệt xung quanh Buôn Ma Thuột. Sự chỉ đạo của Bộ tư lệnh chiến dịch chủ yếu tập trung vào đánh phản kích. Khi được thông báo, Bộ tư lệnh chiến dịch đã gấp rút triển khai ngay kế hoạch ngăn chặn, không cho địch rút chạy và tổ chức lực lượng truy kích tiêu diệt chúng. Lần đầu tiên trong cuộc chiến tranh Đông Dương và trong phạm vi một chiến dịch, một lực lượng lớn quân địch với trang bị hiện đại đã phải rút bỏ một địa bàn chiến lược quan trọng[7].
19 giờ ngày 16-3, đồng chí Văn Tiến Dũng chỉ thị cho Bộ Tư lệnh chiến dịch: “Địch đã rút chạy theo đướng số 7, tổ chức truy kích ngay”. Bộ Tư lệnh chiến dịch triển khai nhanh chóng, quyết tâm cao. Bộ đội quán triệt sâu sắc nhiệm vụ, nắm thời cơ tiêu diệt hoàn toàn quân địch. Bộ Tư lệnh chiến dịch nhanh chóng điều động sư đoàn 320, trung đoàn 95, 1 tiểu đoàn xe tăng, 1 trung đoàn cao xạ,1 trung đoàn pháo binh,toàn bộ lực lượng bồ đội địa phương, dân quan du kích các huyện dọc đường số 7 của Nam Gia Lai và hai huyện H2 và H3 vào trận truy kích địch.
Kiên quyết chấp hành mệnh lệnh của trên, bộ đội ta đã đốt nứa khô, dép cao su làm đuốc, chạy bộ, tranh thủ từng giờ, từng phút để chặn địch lại và tiêu diệt chúng. 16 giờ ngày 17-3, đơn vị đi đầu của ta đã đến chặn địch cách Cheo Reo 4 km về phía Đông.
Trong thế thất bại, không được chuẩn bị và với tâm lý lo sợ một đòn tiêu diệt mới, cuộc rút lui có kế hoạch lúc đầu của địch đã nhanh chóng biến thành cuộc tháo chạy hỗn loạn mà chúng gọi là “tùy nghi di tản”. Lực lượng địa phương và một số bộ phận dân chúng ở hai thị xã Pleiku, Kon Tum thấy các đơn vị quân chính quy rút chạy cũng hốt hoảng chạy theo. Lính ngụy đập phá nhà dân cướp của, bắn giết nhau tranh chỗ trên xe. Đường 7 nhỏ hẹp, nhiều chỗ bị hư hỏng, xe địch chen lấn, húc đổ nhau để chạy lên trước. Khi nghe tiếng súng của ta chặn đầu, quân địch càng trở nên hoảng loạn. Có binh sĩ ngụy quay súng bắn lại chỉ huy. Máy bay ném bom ngăn chặn ta lại rơi xuống đầu quân đội Sài Gòn đang tháo chạy.
Cùng với thời gian địch rút chạy,ngày 16-3, sư đoàn 968 từ phía tây đã quét sạch địch ở quận lỵ Thanh An Nhân dân hai bên đường 19 (tây) từ Bàu Cạn trở lên biên giới vui mừng được giải phóng.Cờ cách mạng- Cờ đỏ sao vàng và cờ của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam phấp phới bay dọc đường 19, xung quanh quân lỵ Thanh An. Một bộ phận của sư đoàn tiến nhanh về thị xã Pleiku, cùng lúc trung đoàn 95A từ phía đông tiến lên Lệ Cần, cùng cán bộ thị xã, các đội công tác phát động quần chúng giải phóng toàn bộ khu vực phía đông thị xã.[8]
Trưa ngày 17-3, các đồng chí lãnh đạo Ban cán sự thị xã, tung đoàn 95A, tiểu đoàn 29 của sư đoàn 968 chia làm nhiều cánh, nhiều mũi vào tiếp quản thị xã Pleiku .
13 giờ ngày 18-3, tướng Tư lệnh quân đoàn 2 Sài Gòn Phạm Văn Phú ra lệnh: “mở đường máu mà tháo thân, mạnh đơn vị nào đơn vị ấy chạy, xe không đi nổi thì phá xe, tìm đường, bỏ qua mọi tình huống mà chạy cho thoát, lấy Củng Sơn làm tụ điểm”. Ngày 18-3, bộ đội ta chiếm Cheo Reo. Ngày 21-3, ta bao vây, tiêu diệt cụm quân địch ở Phú Túc. Phối hợp nhịp nhàng với các cánh quân đang truy kích từ phía Tây xuống, Bộ tư lệnh Quân khu V lệnh cho bộ đội địa phương tỉnh Phú Yên đánh chiếm cầu Sơn Hòa ở phía Đông Củng Sơn, chặn đường rút chạy của địch. Ngày 24-3, quân ta tiêu diệt “tụ điểm” cuối cùng của cánh quân địch rút chạy ở Củng Sơn.
Trong khi đó, ở Bắc Tây Nguyên, ngày 17-3-1975, các lực lượng vũ trang địa phương và nhân dân các dân tộc phối hợp với một bộ phận bộ đôi chủ lực giải phóng thị xã Kon Tum và thị xã Pleiku. Đồng chí Võ Chí Công, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Khu ủy Khu V, Chính ủy quân khu V đã vào thị xã Pleiku và Kon tum kiểm tra tình hình, trực tiếp chỉ đạo cấp ủy đảng địa phương và các lực lượng vũ trang truy quét địch, ổn định đời sống nhân dân, xây dựng và củng cố chính quyền cách mạng.
Trước những diễn biến mới của tình hình, ngày 18-3-1975 Bộ Chính trị quyết định giải phóng miền Nam trong năm 1975. Trước mắt, diệt ngay Quân đoàn 1 của địch, không cho chúng rút chạy về Sài Gòn. 25-3-1975, Tây Nguyên hoàn toàn giải phóng.
Như vậy,có thể khẳng định rằng với việc giải phóng tỉnh Gia Lai không chỉ có ý nghĩa đối với toàn thể Nhân dân trong toàn tỉnh mà nó còn có ý nghĩa chiến lược quan trọng trong việc Bộ Chính trị quyết định giải phóng miền Nam trong năm 1975. Qua đó, góp phần đẩymạnh thắng lợi trong chiến dịch Tây Nguyên để cùng với chiến dịch Huế- Đà Nẵng tạo thành những động lực quan trọng thúc đẩy chiến dịch Hồ Chí Mính lịch sử đem đến sự toàn thắng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 góp phần thống nhất đất nước đưa non sông thu về một mối cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
ThS. Vũ Thị Thảo- Trường Chính trị tỉnh Gia Lai
__________
[1]Điện ngày 9-3-1975 của Tiền phương Bộ ở mặt trận Tây Nguyên gửi Quân ủy Trung ương và Bộ Chính trị, lữu trữ tại Bộ Quốc phòng.
[2]Ở Gia Lai, Tỉnh ủy tổ chức được 48 đội công tác huyện (366 cán bộ), 27 đội công tác xã (187 cán bộ) hoạt động ở 68 khu ấp và vùng ven thị xã, thị trấn. Tỉnh còn điều động hàng trăm cán bộ các ngành về vùng “trọng điểm” phối hợp hoạt động với cán bộ địa phương.
[3]Ở Tây Nguyên, một số huyện được đặt tên bằng số.
[4]Điện ngày 21-2-1975 của Quân ủy Trung ương gửi Bộ tư lệnh chiến dịch, lưu trữ tại Bộ Quốc phòng.
[5]Điện ngày 12-3-1975, Lưu trữ tại Bộ Quốc phòng.
[6]Điện lúc 10 giờ ngày 13-3 của Quân ủy Trung ương gửi Tiền phương Bộ ở Tây Nguyên, lưu tại Bộ Quốc phòng.
[7]Lực lượng còn lại của Quân đoàn 2 ở Tây Nguyên rút chạy gồm: 6 liên đoàn biệt động, ba thiết đoàn, sáu tiểu đoàn pháo (có cả pháo 175mm), 1 tiểu đoàn bộ binh, 1 tiểu đoàn biệt động quân và các đơn vị công binh, thông tin, bảo an, không quân, cơ quan quân đoàn.
[8] . Nguyễn Thị Kim Vân; Lịch sử Gia Lai từ nguồn gốc đến năm 1975, NXBKHXH, tr.715.