The request was aborted: Could not create SSL/TLS secure channel. Xây dựng hệ thống Viện kiểm sát thực sự trong sạch, vững mạnh
17/01/2015 - Lượt xem: 2298
Sáng 16/1, Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao đã tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ công tác kiểm sát năm 2015. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Cùng dự có các đồng chí: Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu; Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Trần Quốc Vượng; Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình; Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Hòa Bình; lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương và địa phương.

Năm 2014, thực hiện chủ trương “Đổi mới, chất lượng, kỷ cương, hướng về cơ sở”, ngành Kiểm sát nhân dân đã đoàn kết, thống nhất, nỗ lực tổ chức thực hiện nhiều biện pháp và đạt được những kết quả tích cực trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao.

 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu tại Hội nghị.
(Ảnh: Kim Sơn) .


Theo đó, công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo tội phạm đạt kết quả tốt hơn, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng phát hiện, khởi tố, điều tra, xử lý tội phạm. Chất lượng các quyết định truy tố đạt cao, số quyết định truy tố đúng người, đúng tội đạt 98%.

Chất lượng, hiệu quả hoạt động của Cơ quan điều tra VKSND tối cao được nâng lên. Năm 2014, cơ quan điều tra VKSND tối cao thụ lý 116 tố giác, tin báo về tội phạm; đã xác minh, giải quyết 106 tố giác, tin báo về tội phạm, đạt 91,4% (tăng 0,2%), ra quyết định khởi tố 29 vụ án, chuyển cơ quan khác giải quyết theo thẩm quyền 9 tố giác…Thụ lý điều tra 46 vụ/35 bị can, trong đó riêng ngành công an chiếm đến 20 vụ/21 bị can (43,5% về số vụ), kết thúc điều tra đề nghị truy tố 16 vụ/25 bị can.

Đáng chú ý, trong năm qua, Viện Kiểm sát các cấp đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm thực hành quyền công tố và kiểm sát tốt việc giải quyết tố giác, tin báo và kiến nghị khởi tố tội phạm về tham nhũng; đã thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra 522 vụ/1.062 bị can; giải quyết 325 vụ/731bị can; quyết định truy tố 295 vụ/632 bị can, đạt 98%. Trong đó, đã thực hiện quyền công tố và kiểm sát điều tra 18 vụ án lớn về tham nhũng, kinh tế chức vụ như: các vụ án xảy ra tại Ngân hàng Agribank, Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam, Ngân hàng TMCP Đại dương và vụ án xảy ra tại Ban Quản lý các dự án đường sắt thuộc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam…; thực hành quyền công cố, kiểm sát xét xử sơ thẩm, phúc thẩm 6 vụ (Vụ Dương Chí Dũng, Vụ Vũ Quốc Hảo, vụ Nguyễn Hữu Mãng, vụ Huỳnh Thị Huyền Như, vụ Vũ Việt Hùng và vụ Nguyễn Đức Kiên). Công tác giải quyết các vụ án lớn về tham nhũng, kinh tế chức vụ có nhiều chuyển biến; tiến độ nhanh hơn; kết quả xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật, được Đảng, Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao, dư luận xã hội đồng tình, ủng hộ.

Trong năm 2014, cơ quan điều tra VKSND tối cao đã phát hiện, khởi tố điều tra 14 vụ án về tham nhũng trong hoạt động tư pháp, chiếm 30,4% số vụ án thụ lý điều tra theo thẩm quyền.

Bên cạnh những chuyển biến tích cực, ngành Kiểm sát còn một số hạn chế, thiếu sót như: một số đơn vị, Viện Kiểm sát địa phương chưa kiểm sát chặt chẽ, kịp thời việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm. Việc điều tra, xử lý một số vụ án, nhất là án về tham nhũng, kinh tế, chức vụ còn chậm, chất lượng chưa đạt yêu cầu đề ra; một số đơn vị, Viện Kiểm sát địa phương còn chậm phát hiện vi phạm, thiếu sót để kiến nghị, kháng nghị yêu cầu cơ quan hữu quan khắc phục, phòng ngừa, để xảy ra tình trạng cán bộ vi phạm kỷ luật nghiệp vụ, vi phạm pháp luật phải xử lý…

 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo Hội nghị. (Ảnh: Kim Sơn) .


Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng biểu dương và ghi nhận sự nỗ lực, quyết tâm to lớn của ngành KSND hoàn thành tốt các yêu cầu cải cách tư pháp của Đảng, thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu cơ bản được Quốc hội giao tại các Nghị quyết của Quốc hội, góp phần quan trọng kiềm chế sự gia tăng tội phạm, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân, tạo môi trường ổn định cho sự phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước.

Đồng tình với những hạn chế, thiếu sót báo cáo đã nêu, Tổng Bí thư đề nghị ngành Kiểm sát cần nghiêm túc, thẳng thắn nhìn lại những việc đã làm tốt, những việc chưa làm tốt, tập trung phân tích kỹ nguyên nhân để thấy rõ hơn trách nhiệm, tìm ra giải pháp tích cực, hữu hiệu khắc phục những hạn chế, thiếu sót, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động.

Nhấn mạnh năm 2015 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng, Tổng Bí thư nêu rõ, nhiệm vụ quan trọng của ngành Kiểm sát là phải tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng; đổi mới mạnh mẽ và toàn diện để xây dựng hệ thống viện kiểm sát thực sự trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu và kỳ vọng của Đảng, nhân dân.

Theo đó, cần tiếp tục triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 và khẩn trương thực hiện Luật Tổ chức VKSND vừa được Quốc hội thông qua; tiếp tục đẩy mạnh công tác hoàn thiện thể chế, thực hiện tốt nhiệm vụ chủ trì xây dựng Dự án Bộ Luật tố tụng hình sự… để Hiến pháp và Luật thực sự đi vào cuộc sống, tạo sự chuyển biến tích cực trong tổ chức và hoạt động của ngành trong thời gian tới.

Cùng với đó, thực hiện tốt chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp. Trong đó, Tổng Bí thư lưu ý, thực hiện chức năng này đòi hỏi phải chú trọng cả hai mặt: không làm oan người vô tội và không bỏ lọt tội phạm. Nhiệm vụ của ngành Kiểm sát không chỉ là phát hiện cái sai, cái vi phạm, mà quan trọng hơn là phải phát hiện cho được những nguyên nhân, điều kiện dẫn đến vi phạm đó. Thông qua mỗi vụ án cụ thể, cần làm rõ trách nhiệm của công tác quản lý, những kẽ hở của cơ chế, chính sách hay sự lạc hậu của pháp luật để chủ động tham mưu cho Đảng, Quốc hội, kiến nghị với Chính phủ và các cơ quan hữu quan áp dụng biện pháp phòng ngừa, khắc phục hữu hiệu. “Đó chính là trách nhiệm chính trị của ngành Kiểm sát trước Đảng, trước nhân dân”, Tổng Bí thư khẳng định.

Nhấn mạnh mặc dù thời gian qua chúng ta đã có nhiều cố gắng trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, song Tổng Bí thư cho rằng, tham nhũng vẫn đang là thách thức, là vấn đề bức xúc của xã hội; công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng vẫn chưa đạt kết quả như mong muốn. Do vậy, Tổng Bí thư đề nghị, với vị trí, trách nhiệm quan trọng của cơ quan được giao nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, Viện Kiểm sát phải phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các cơ quan có liên quan để chủ động trong nắm thông tin về tội phạm tham nhũng, nhất là những vụ án tham nhũng lớn, có tổ chức; đẩy nhanh tiến độ xử lý các vụ án tham nhũng, mở rộng điều tra cả hành vi và đối tượng tham nhũng.

Để chống tham nhũng hiệu quả, Tổng Bí thư yêu cầu, trước hết, nội bộ của ngành phải thực sự trong sạch, vững mạnh. Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo viện kiểm sát các cấp phải thường xuyên chăm lo, giáo dục, rèn luyện bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức; duy trì kỷ cương, kỷ luật nghiêm minh trong đội ngũ cán bộ của ngành, đặc biệt là các đơn vị được giao nhiệm vụ chuyên trách xử lý án tham nhũng. “Cán bộ, kiểm sát viên làm công tác này phải luôn giữ cho mình thật sự trong sạch, thật sự liêm chính, phải là người có bản lĩnh, dũng khí, kiên quyết đấu tranh bảo vệ cái đúng, không khoan nhượng với tham nhũng. Cán bộ làm công tác chống tham nhũng mà “tay đã nhúng chàm” thì không thể chống được tham nhũng”, Tổng Bí thư đặc biệt lưu ý.

Nêu rõ vừa qua Quốc hội đã quyết định giao cho Cơ quan điều tra của ngành Kiểm sát chuyên trách điều tra tội phạm tham nhũng trong lĩnh vực tư pháp, Tổng Bí thư nhấn mạnh, đây là nhiệm vụ quan trọng và cũng là thách thức rất lớn đối với ngành Kiểm sát. “Ngành Kiểm sát phải khẩn trương chuẩn bị mọi điều kiện về tổ chức bộ máy, cán bộ, bảo đảm để thực hiện tốt nhiệm vụ quan trọng này”, Tổng Bí thư yêu cầu.

Đối với công tác xây dựng Đảng, xây dựng ngành, Tổng Bí thư nêu rõ, đây là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng, có ý nghĩa quyết định. Đối với cán bộ kiểm sát, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã yêu cầu phải: “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”. Do vậy, người cán bộ kiểm sát phải có cái tâm trong sáng, tinh thông nghiệp vụ, nhìn nhận, đánh giá sự việc một cách chính xác, khách quan; phải rèn cho mình phương pháp làm việc khoa học, cẩn trọng, khiêm tốn. Ngành Kiểm sát và mỗi cán bộ kiểm sát phải là tấm gương trong việc chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thực sự trở thành chỗ dựa của công lý…/.

 

Thực hiện Nghị quyết số 37 của Quốc hội, ngành Kiểm sát đã thực hiện đạt và vượt 4/4 chỉ tiêu cơ bản. Cụ thể, kiểm sát 100% các vụ án hình sự ngay từ khi khởi tố.Tỷ lệ truy tố đúng thời hạn đạt 99,98%, tăng 0,04% so với năm 2013 và vượt chỉ tiêu 4,8%. Tỷ lệ truy tố đúng tội danh đạt 99,8%, tăng 0,1% và vượt chỉ tiêu 4,8%. Tỷ lệ kháng nghị các loại án được Tòa án chấp nhận đạt 83,4%, vượt chỉ tiêu 13,4%...

Trong năm 2015, ngành Kiểm sát nhân dân tập trung thực hiện 4 nhóm nhiệm vụ trọng tâm là: Thực hiện hiệu quả chủ trương cải cách tư pháp; Đẩy mạnh công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế; Tăng cường công tác xây dựng Đảng, xây dựng Ngành; Nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của Đảng và của Ngành, triển khai thực hiện tốt Luật Tổ chức VKSND năm 2014…

 

Theo ĐCSVN

(Bấm vào đây để nhận mã)

Tin liên quan

60 năm chiến thắng điện biên phủ

Ảnh Xem tất cả >>

Video

Kỳ họp thứ 2 HĐND tỉnh Gia Lai khóa XII: Thông qua 14 nghị quyết quan trọng

Công an Gia Lai: Hỗ trợ công dân các tỉnh đi xe máy từ vùng dịch về

Những chuyến xe nặng nghĩa tình

Kỳ họp thứ nhất HĐND tỉnh Gia Lai bầu các chức danh chủ chốt của HĐND và UBND tỉnh

Nông dân "bắt nhịp" nông nghiệp-dịch vụ

Tỷ giá - Thời tiết

Chọn thành phố

Liên kết website

Biển Hồ  Biển Hồ
Quản lý văn bản Văn phòng Tỉnh ủy
BlueZone
Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XII, nhiệm kỳ 2021 - 2026
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Gia Lai năm 2016
LÊN ĐẦU TRANG