50 năm đã trôi qua nhưng truyền thống “Ba đảm đang” vẫn được trao truyền qua các thế hệ hội viên, phụ nữ huyện Đan Phượng để tên gọi thân thương “Quê hương người gái đảm” vẫn được lưu danh khắp muôn phương.
Vào thời điểm này cách đây 50 năm, khi đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc nhằm ngăn chặn sự chi viện của hậu phương lớn cho tiền tuyến lớn miền Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Đan Phượng (nay thuộc thành phố Hà Nội) đã gửi thư lên Ban Chấp hành Đảng bộ Hà Đông lúc đó hứa quyết tâm vận động phụ nữ trên địa bàn huyện thực hiện tốt 3 nhiệm vụ: gánh vác thêm phần việc của chồng con, anh em, hoàn thành mọi nhiệm vụ sản xuất ở địa phương để chồng con, anh em yên tâm lên đường chiến đấu; khuyến khích chồng con, anh em gia nhập bộ đội hoặc tiếp tục ở lại chiến trường chiến đấu cho đến ngày không còn tên lính Mỹ nào trên đất nước ta; tích cực tham gia mọi công tác chính quyền, đoàn thể, bảo vệ trị an, phục vụ chiến đấu ở địa phương, sẵn sàng gia nhập quân đội chiến đấu giết giặc khi Tổ quốc cần.
|
Huyện Đan Phượng - “Quê hương người gái đảm” - Ảnh: Minh Châu
|
Phong trào do phụ nữ Đan Phượng phát động đã được Báo Nhân Dân ngày 18/3/1965 đưa tin trên trang nhất, để rồi vinh dự được cả nước biết đến với tên gọi thân thương: “Quê hương người gái đảm”.
Khởi nguồn từ phong trào của phụ nữ Đan Phượng, để khơi dậy phong trào thi đua yêu nước của quần chúng phụ nữ, ngày 22/3/1965, Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã phát động phụ nữ cả nước thi đua thực hiện “3 đảm nhiệm”, sau đó được Chủ tịch Hồ Chí Minh đổi tên thành “Ba đảm đang”.
Với các nội dung đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ cách mạng: “Đảm đang sản xuất, công tác, thay thế nam giới đi chiến đấu; Đảm đang gia đình, khuyến khích chồng con yên tâm chiến đấu; Đảm đang phục vụ chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu khi cần thiết”, phong trào đã nhanh chóng phát triển thành cao trào cách mạng sôi nổi, rộng lớn, huy động sức mạnh tổng hợp của hàng triệu phụ nữ từ nông thôn đến thành thị, từ miền ngược đến miền xuôi góp phần đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, khẳng định vai trò hết sức quan trọng của người phụ nữ Việt Nam trong thế kỷ XX.
Lật giở lại những trang sử hào hùng của 50 năm về trước, Chủ tịch Hội LHPN huyện Đan Phượng Hoàng Thị Oanh cho biết, sau một thời gian phát động, Đan Phượng đã có hàng nghìn phụ nữ viết đơn tình nguyện cho chồng con đi chiến đấu. Thông qua phong trào, vai trò, trách nhiệm của người vợ, người mẹ được khẳng định qua việc dạy dỗ con cái trưởng thành, tận tụy phụng dưỡng cha mẹ, giữ đạo thủy chung. Giá trị đó còn được nhân lên, tiếp thêm sức mạnh cho các anh vững tay súng nơi chiến trường.
Không những thế, chị em ở nhà còn được tổ chức bổ sung vào các đơn vị chiến đấu, bố trí trực chiến ngày đêm ở các trận địa. Trong số 9 đồng chí anh dũng hy sinh bảo vệ Đập Phùng ngày 28/4/1967 có 4 nữ chiến sỹ. Trải qua hai cuộc kháng chiến, Đan Phượng có 2.412 liệt sỹ, 269 mẹ Việt Nam anh hùng, Đảng bộ, nhân dân Đan Phượng và 3 xã Tân Lập, Tân Hội, Đan Phượng được Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nhiều tập thể, cá nhân được tặng giấy khen, bằng khen, huân chương, huy chương các loại về chính sách hậu phương quân đội.
Tiếp nối truyền thống vẻ vang của thế hệ đi trước, phong trào phụ nữ huyện Đan Phượng hôm nay có nhiều đổi mới, bám sát nhiệm vụ chính trị địa phương và nội dung các phong trào do Hội Phụ nữ cấp trên phát động.
Điển hình là phong trào hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, tham gia xây dựng nông thôn mới, bảo vệ môi trường, xây dựng chỉnh trang đường làng, ngõ xóm sáng – xanh – sạch đẹp. Các cơ sở Hội đã vận động được 128 hộ là cán bộ, hội viên tự nguyện hiến hơn 1.550 m2 đất để mở rộng, chỉnh trang đường làng, ngõ xóm, vận động xã hội hóa đóng góp trên 5 tỷ đồng và 2.670 ngày công làm đường ngõ xóm, lắp đèn chiếu sáng…
5 năm qua, Hội LHPN huyện phối hợp với các ngành chức năng đã giúp đỡ về giống, vốn, hỗ trợ sản xuất cho 100% phụ nữ nghèo, giúp 548 gia đình hội viên phụ nữ làm chủ thoát nghèo, vận động cán bộ, hội viên và nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, duy trì và nhân rộng các mô hình kinh tế cho thu nhập cao như mô hình trồng đu đủ, bưởi diễn ở xã Thượng Mỗ, mô hình trồng hoa xã Hạ Mỗ, Song Phượng, Đồng Tháp, mô hình chăn nuôi bò sữa xã Phương Đình, nuôi lợn siêu nạc xã Trung Châu… giúp nhiều chị em phụ nữ vươn lên khá giả, có của ăn, của để.
Trên địa bàn huyện, đám cưới con cán bộ hội viên phụ nữ và đám tang của gia đình các hội viên được thực hiện theo nếp sống mới văn minh, tiết kiệm. Các chị cũng đã vận động, xây sửa 21 Nhà tình nghĩa và “Mái ấm tình thương” cho các gia đình chính sách, phụ nữ nghèo trị giá gần 400 triệu đồng, dành 1,2 tỷ đồng tặng sổ tiết kiệm cho các Mẹ Việt Nam anh hùng, phụ nữ nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn… góp phần quan trọng đưa huyện Đan Phượng trở thành huyện nông thôn mới.
“50 năm đã trôi qua, tinh thần của phong trào “Ba đảm đang” vẫn luôn là tài sản vô giá, nguồn lực quan trọng tiếp lửa cho các thế hệ phụ nữ. Cùng với các phẩm chất “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” của phụ nữ Việt Nam thời đại mới, phụ nữ Đan Phượng dù ở bất kỳ vị trí công tác nào vẫn mang trong mình ngọn lửa cách mạng, thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước, tích cực học tập, rèn luyện xây dựng gia đình hạnh phúc, tổ chức Hội vững mạnh, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của huyện nhà”, chị Hoàng Thị Oanh khẳng định.
Theo Chủ tịch Hội LHPN thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Ngọc Thanh, nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng dấu ấn phong trào “Ba đảm đang” vẫn không hề phai nhạt, mãi là niềm tự hào của phụ nữ Việt Nam, phụ nữ Hà Nội. Trong mỗi giai đoạn lịch sử, tinh thần của phong trào “Ba đảm đang” luôn được Hội LHPN thành phố vận dụng, phát huy phù hợp với tình hình, đặc biệt là kinh nghiệm trong xây dựng tổ chức phong trào thiết thực, sáng tạo, hiệu quả để xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
Theo ĐCSVN