The request was aborted: Could not create SSL/TLS secure channel. Tư tưởng Hồ Chí Minh về phong cách làm việc của người cán bộ
26/06/2017 - Lượt xem: 2201
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao vai trò của đội ngũ cán bộ. Người coi “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy”, “cán bộ là tiền vốn của Đoàn thể” và đi đến kết luận: “Công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”.

Vai trò của người cán bộ lớn bao nhiêu thì trách nhiệm của người cán bộ cũng nặng nề bấy nhiêu. Do đó, để làm tốt chức trách, người cán bộ phải đủ đức, đủ tài. Và đức, tài của người cán bộ lại được thể hiện sinh động qua phong cách làm việc. Với thực tiễn cách mạng, với tầm nhìn của một nhà tư tưởng lớn, Hồ Chí Minh cho rằng, bồi dưỡng, rèn luyện phong cách làm việc tốt là yêu cầu thường xuyên, cấp bách cho từng con người trong bộ máy nhà nước phục vụ nhân dân và cán bộ phải rèn luyện để có được những tác phong trọng yếu sau đây:

Một là, phong cách dân chủ hay “cách làm việc dân chủ”

Hồ Chí Minh cho rằng, đây là phong cách hàng đầu mà người cán bộ cần phải có. Do bản chất của “Chế độ ta là chế độ dân chủ, tư tưởng phải được tự do. Tự do là thế nào? Đối với mọi vấn đề, mọi người tự do bày tỏ ý kiến của mình, góp phần tìm ra chân lý. Đó là một quyền lợi mà cũng là một nghĩa vụ của mọi người”[4]. Vì thế, người cán bộ phải tạo ra được không khí dân chủ thực sự trong nội bộ bằng cách thành tâm lắng nghe và khơi gợi cho quần chúng, cán bộ cấp dưới nói hết quan điểm, ý kiến của mình. Được như vậy thì cấp dưới và quần chúng mới hăng hái đề ra sáng kiến. Những sáng kiến đó được coi trọng, được khen ngợi thì những người đó càng thêm hăng hái sáng tạo và làm việc. Ngược lại, nếu người cán bộ không dân chủ thì mọi người “dù có ý kiến cũng không dám nói, dù muốn phê bình cũng sợ, không dám phê bình. Thành thử cấp trên và cấp dưới cách biệt nhau. Quần chúng với Đảng rời xa nhau… Họ không dám nói ra thì họ cứ để trong lòng, rồi sinh ra uất ức, chán nản. Rồi sinh ra thói “không nói trước mặt, chỉ nói sau lưng, “trong Đảng im tiếng, ngoài Đảng nhiều mồm”, sinh ra thói thậm thà thậm thụt” và những thói xấu khác”[5]. Như vậy, phong cách dân chủ của người cán bộ không chỉ khơi nguồn sức sáng tạo, phát huy tinh thần cống hiến của quần chúng nhân dân mà còn làm cho tổ chức cơ quan, đoàn thể thêm gắn bó.

Người có tác phong dân chủ là người thực hành tốt nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách” để phát huy trí tuệ và kinh nghiệm của nhiều người. Có công to, việc lớn gì cũng phải bàn bạc kỹ lưỡng trong tập thể rồi mới ra quyết định và động viên tất cả mọi người tích cực thực hiện.

Người có tác phong dân chủ sẽ không bao giờ “độc tôn chân lý” mà ngược lại, họ thành thực trưng cầu ý kiến phê bình của cấp dưới và nghiêm túc sửa mình với tinh thần cầu thị. Làm như vậy thì chắc chắn người cán bộ sẽ được nhân dân yêu mến, cấp dưới nể trọng.

Nói về sức mạnh của dân chủ, Hồ Chí Minh từng nói:  “Thực hành dân chủ là cái chìa khóa vạn năng có thể giải quyết mọi khó khăn”[6]. Nếu người cán bộ không có tác phong dân chủ hoặc “miệng thì nói dân chủ, nhưng làm việc thì họ theo lối “quan” chủ”[7] là họ tự tước đi của mình vũ khí hữu hiệu nhất để hoàn thành nhiệm vụ. Khi đó, dù có “đầy túi quần thông cáo, đầy túi áo chỉ thị mà công việc vẫn không chạy”[8]. Tuy nhiên, dân chủ mà Hồ Chí Minh nói đến là dân chủ có định hướng, dân chủ phải đi đến sự tập trung chứ không phải dân chủ quá trớn, dân chủ vô tổ chức.

Hồ Chí Minh không chỉ yêu cầu người cán bộ phải có phong cách làm việc dân chủ mà bản thân Người còn là tấm gương ngời sáng về việc thực hiện tác phong đó. Lịch sử cho thấy, dù trong những hoàn cảnh gấp rút đến đâu, trước khi  quyết định những vấn đề lớn liên quan đến sự nghiệp cách mạng và số phận dân tộc, Hồ Chí Minh đều tiến hành thảo luận dân chủ trong tổ chức. Khi viết các tác phẩm quan trọng như Tuyên ngôn Độc lập, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (1946), Lời kêu gọi đồng bào và chiến sỹ cả nước (1966), Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân (1969)…, Người đều xin ý kiến đóng góp của các đồng chí trong Thường vụ Trung ương Đảng và Bộ Chính trị. Trong các cuộc họp do Hồ Chí Minh chủ tọa, Người thường yêu cầu mọi người hãy “nhìn quanh chân trời”, xem tình hình thế giới ra sao, tình hình trong nước thế nào và ai biết gì cứ nói, tất cả cùng lắng nghe, bàn bạc thấu đáo rồi mới đi đến quyết định. Cuối đời, trong lần làm việc với các cán bộ tuyên huấn về cách làm và xuất bản sách “Người tốt, việc tốt”, Người còn nói: “Bác muốn bàn luận dân chủ, các chú có ý kiến gì trái với Bác thì cứ cãi, nhất trí rồi về làm mới tốt được. Không nên: Bác nói gì, các chú cứ ghi vào sổ mà trong bụng thì chưa thật rõ, rồi các chú không làm hay làm một cách qua loa”[9]. Tinh thần dân chủ, phong cách dân chủ của Hồ Chí Minh bắt nguồn từ lòng yêu thương và tôn trọng con người nên Người thực hiện nó như một điều tất yếu.

Hai là, phong cách quần chúng

Thấu hiểu vai trò của quần chúng nhân dân trong lịch sử và coi quần chúng không chỉ là động lực mà còn là mục tiêu của cách mạng, Hồ Chí Minh yêu cầu người cán bộ phải có tác phong quần chúng.

Trước hết, người cán bộ phải gần gũi quần chúng, lắng nghe và thấu hiểu mong muốn của quần chúng. Hồ Chí Minh nghiêm khắc phê bình những cán bộ cậy thế ở trong ban này, ban nọ rồi coi khinh dân, lên mặt với dân. Người cũng phê phán lối lãnh đạo quan liêu, chỉ đạo phong trào trên giấy tờ. Người yêu cầu người cán bộ phải thường xuyên đi xuống cơ sở mà mình phụ trách, lắng nghe ý kiến của quần chúng. Ngược lại, nếu “cách xa dân chúng, không liên lạc chặt chẽ với dân chúng, cũng như đứng lơ lửng giữa trời, nhất định thất bại”[10]. Tuy nhiên, lắng nghe quần chúng không có nghĩa là “theo đuôi quần chúng” vì “trong dân chúng, có nhiều tầng lớp khác nhau, trình độ khác nhau, ý kiến khác nhau. Có lớp tiền tiến, có lớp chừng chừng, có lớp lạc hậu”[11].  Người cán bộ phải có bản lĩnh vững vàng để vừa nâng cao trình độ giác ngộ, dân trí của quần chúng, tạo ra sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của một bộ phận quần chúng “chậm tiến”, vừa thực hiện tốt vai trò lãnh đạo của mình.

Tiếp đến, người cán bộ phải biết cách tổ chức phong trào phù hợp với trình độ, năng lực thực tế của  quần chúng.  Người phê phán mạnh mẽ lối lãnh đạo quan liêu, áp đặt. Người nói: “Nếu cứ làm theo ý muốn, theo tư tưởng, theo chủ quan của mình, rồi đem cột vào cho quần chúng, thì khác nào “khoét chân cho vừa giầy”… Ai cũng đóng giầy theo chân. Không ai đóng chân theo giầy”[12]. Người cán bộ không được phép cứng nhắc mà phải căn cứ vào thực tế để đề nghị cấp trên điều chỉnh quy tắc, kế hoạch chưa hợp lý. Hồ Chí Minh còn chỉ ra cách thức làm nghị quyết và làm công tác chỉnh đốn cán bộ như sau: “Nghị quyết gì mà dân chúng cho là không hợp thì để họ đề nghị sửa chữa. Dựa vào ý kiến của dân chúng mà sửa chữa cán bộ và tổ chức của ta”[13]. Người cán bộ còn phải biết dựa vào quần chúng, biết phát huy sức mạnh của quần chúng để triển khai công việc và hoàn thành công việc. Tóm lại, “cách làm việc, cách tổ chức, nói chuyện, tuyên truyền, khẩu hiệu, viết báo… của chúng ta, đều phải lấy câu này làm khuôn phép: “Từ trong quần chúng ra. Về sâu trong quần chúng”[14].

Thứ nữa, trong công tác và trong sinh hoạt, người cán bộ phải giản dị, hòa đồng với quần chúng, không cho phép mình hưởng điều gì có tính chất “đặc quyền, đặc lợi”. Người cảnh tỉnh những suy nghĩ lệch lạc trong cán bộ , rằng “phải ăn mặc bảnh mới giữ được oai tín, giữ được thể diện. Nói thế hết sức sai. Muốn có oai tín thể diện, thì phải làm việc cho giỏi. Nếu ăn mặc bảnh, mà được oai tín thể diện, thì mấy chàng Sở Khanh chẳng nhiều oai tín lắm ư? Mà Hồ Chủ tịch, quanh năm bốn mùa, chỉ mặc một bộ áo vải ka ki cũ, mỗi ngày có rau ăn rau, có mắm ăn mắm. Như thế, Người chẳng mất oai tín thể diện đi sao”[15]? Suốt đời, vị Chủ tịch kính yêu của nhân dân Việt Nam đã sống một cuộc đời thanh bạch đến khắc khổ bởi cho rằng, khi đời sống của nhân dân còn khó khăn mà người cán bộ lại hoang phí thì “hoang phí là tội ác”[16].

Khi người cán bộ thấm nhuần tác phong quần chúng, họ sẽ được quần chúng nhân dân yêu thương, tin cậy, ủng hộ và khi đó, việc gì họ làm cũng thành công.

Ba là, phong cách khoa học

Giáo dục cho cán bộ phong cách làm việc khoa học để nâng cao hiệu quả công việc là điều Hồ Chí Minh rất chú trọng.

Theo Người, cán bộ làm việc gì cũng phải có mục đích và kế hoạch rõ ràng, thiết thực. Muốn có kế hoạch khoa học thì người cán bộ phải “xét kỹ hoàn cảnh mà sắp đặt công việc cho đúng. Việc chính, việc gấp thì phải làm trước. Không nên luộm thuộm, không có kế hoạch, gặp việc nào làm việc ấy”[17]. Hết sức tránh chuyện vạch ra “chương trình công tác thì quá rộng mà kém thiết thực” và căn bệnh “đánh trống bỏ dùi” gây lãng phí tiền của, nhân lực và thời gian của nhân dân.

Người làm việc khoa học phải biết quý trọng thời gian, biết giờ nào làm việc ấy và có năng lực giải quyết công việc một cách tốt nhất trong một thời gian ngắn nhất. Người từng nói: “Ai đưa vàng bạc vứt đi, là người điên rồ. Thì ai đưa thời giờ vứt đi, là người ngu dại”[18]. Người cán bộ phải biết tiết kiệm thời gian của mình nhưng cũng phải biết tiết kiệm thời gian cho người khác. Cách tốt nhất là tập trung giải quyết dứt điểm từng công việc. Người giải thích: “Đích nghĩa là nhằm vào đó mà bắn. Nhiều đích quá thì loạn mắt, không bắn trúng đích nào”[19].

Phong cách làm việc khoa học yêu cầu người cán bộ giải quyết công việc trên cơ sở dữ liệu khách quan, với tầm tư duy chiến lược. Tức là người cán bộ phải trên nền tảng thực tế để lựa chọn ra phương án khả thi nhất và phương án ấy phải đặt trong tổng thể chiến lược lâu dài. Không được rơi vào “bệnh cận thị - Không trông xa, thấy rộng. Những vấn đề to tát thì không nghĩ đến mà chỉ chăm chú những việc tỉ mỉ”[20]. Người cán bộ không được vì cái lợi nhỏ trước mắt mà làm tổn hại đến lợi ích to lớn, lâu dài. Tầm nhìn –  đó chính là phẩm chất của người có tư duy khoa học và có cách làm việc khoa học.

Phong cách khoa học còn đòi hỏi người cán bộ phải có “con mắt xanh” để nhìn đúng người, nhìn ra việc, sắp xếp công việc cho hợp lý. Lại phải biết cách kiểm tra, giám sát công việc và cấp dưới một cách hiệu quả. Kiểm tra để biết đường lối, nghị quyết của Đảng được tổ chức thi hành như thế nào và cần điều chỉnh như thế nào vì “tình hình khách quan thay đổi hàng giờ hàng phút, một chủ trương của ta hôm nay đúng, hôm sau đã không kịp thời, nếu ta không tỉnh táo kiểm điểm những tư tưởng hành vi của ta để bỏ đi những cái quá thời, sai hỏng, nhất định ta sẽ không theo kịp thế”[21]. Kiểm tra còn có tác dụng phân loại, đánh giá cán bộ vì “có kiểm tra… mới biết rõ năng lực và khuyết điểm của cán bộ, mới sửa chữa và giúp đỡ kịp thời”[22]. Người làm việc khoa học, chặt chẽ thì cấp dưới không thể “qua mặt”.

Phong cách khoa học còn đòi hỏi người cán bộ sau mỗi công việc phải biết rút ra kinh nghiệm cho lần sau và cho người khác. Hồ Chí Minh viết: “Công việc gì bất kỳ thành công hoặc thất bại, chúng ta cần phải nghiên cứu đến cội rễ, phân tách thật rõ ràng rồi kết luận. Kết luận đó sẽ là cái thìa khóa phát triển công việc và để giúp cho cán bộ tiến tới”[23]. Đi “từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng” là cách tư duy và hành động của người có đầu óc khoa học.

Bốn là, phong cách nêu gương, nói đi đôi với làm

Trong văn hóa phương Đông, nêu gương được coi là phương pháp giáo dục trọng yếu nhất, “một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”[24]. Xưa kia Khổng Tử nói rằng, nhà cầm quyền “tự mình giữ theo chính đạo, thì chẳng cần đợi ra lệnh, dân cũng ăn ở theo chính pháp. Còn nếu như tự mình chẳng giữ theo chính đạo thì dẫu ra lệnh buộc dân theo, dân cũng không theo”(Luận ngữ). Lãnh tụ của giai cấp vô sản - V.I.Lênin thì khẳng  định: Những người cán bộ, đảng viên không có một đặc quyền nào, trừ một quyền là luôn luôn ở phía trước. Thấm nhuần tất cả những quan điểm mang tính chân lý đó, Hồ Chí Minh căn dặn cán bộ:  “Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”[25]. Người còn nói rõ: “Tự mình phải chính trước, mới giúp được người khác chính. Mình không chính, mà muốn người khác chính là vô lý”[26], “mình trước hết phải siêng năng, trong sạch mới bảo người ta trong sạch, siêng năng được”[27].

Theo Hồ Chí Minh, sinh ra là con người, ai cũng có 3 mối quan hệ: Với mình, với người và với việc. Người cán bộ phải thực hành nêu gương trên cả 3 mặt đó. Với mình thì không tự cao tự đại; luôn thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Với người thì luôn chân thành, khiêm tốn, đoàn kết, khoan dung. Với việc thì luôn thực hành nguyên tắc “dĩ công, vi thượng”. Và đạo đức công vụ của người cán bộ không nằm ngoài đạo đức công dân. Họ trước hết phải là một công dân tốt, phải vận động mọi thành viên trong gia đình sống và làm việc theo pháp luật. Nếu người cán bộ không vận động được những người trong gia đình mình sống gương mẫu thì cũng không đủ tư cách vận động quần chúng. Khi người cán bộ thực hiện công tác dân vận thì phải thực hiện phương châm “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm” chứ không phải chỉ đứng trên cao diễn thuyết. Tức là người cán bộ phải biết gương mẫu mọi nơi, mọi lúc, trong công việc cũng như trong cuộc sống đời thường. Người giải thích cho cán bộ về nghĩa vụ “đi đầu” của người cán bộ: “Không ai bắt buộc ai vào Đảng làm chiến sỹ xung phong. Đó là do sự “tự giác”, lòng hăng hái của mỗi người mà tình nguyện làm đảng viên, làm chiến sỹ xung phong. Đã vậy, thì mỗi người đảng viên phải cố gắng cho xứng đáng là một người trong những người đại biểu của dân tộc”[28].

Một trong những nội dung quan trọng mà người cán bộ cần nêu gương là nói đi đôi với làm. Với Hồ Chí Minh, nói đi đôi với làm không chỉ là một chuẩn mực trong đạo đức truyền thống mà còn là chuẩn mực đạo đức công vụ tối thiểu. Việc nói đi đôi với làm mang lại cho quần chúng lòng tin và sự tôn trọng đối với người cán bộ, do đó, người cán bộ dễ dàng thực thi quyền lãnh đạo của mình. Người phê phán những cán bộ “chỉ biết nói là nói, nói giờ này qua giờ khác, ngày này qua ngày khác. Nhưng một việc gì thiết thực cũng không làm được”[29]. Nhân dân không bao giờ tin cậy những cán bộ nói mà không làm, nói nhiều làm ít, nói hay làm dở, nói một đàng làm một nẻo. Muốn rèn luyện được phong cách nói đi đôi với làm, người cán bộ phải thường xuyên tự kiểm điểm, soi xét chính mình, đồng thời phải khuyến khích cấp dưới và quần chúng nhận xét, phê bình, góp ý cho mình, nhắc nhở mình về những điều mình đã hứa. Người cán bộ cũng phải biết tránh căn bệnh hình thức, bệnh “hữu danh, vô thực”, chạy theo những thứ hào nhoáng bên ngoài.

Phong cách làm việc của người cán bộ trong tư tưởng Hồ Chí Minh có nhiều nội dung nhưng tất cả đều gắn bó chặt chẽ với nhau, bổ sung cho nhau và xuất phát từ yêu cầu về tài và đức của người cán bộ. Những người làm việc dân chủ, gần gũi quần chúng là bởi họ trọng dân, yêu dân, tin dân. Họ làm việc khoa học vì họ có đầu óc phân tích, có tư duy rành mạch và sự nhạy cảm trong công việc. Họ nói đi đôi với làm, có ý thức nêu gương bởi họ có lòng tự trọng, có tinh thần trách nhiệm cao. Người cán bộ có đức, có tài sẽ có tác phong làm việc tốt và ngược lại. Nhưng những ai có ý thức tu dưỡng, rèn luyện cho mình phong cách làm việc tốt thì dần dần cái tài sẽ lớn lên, cái đức sẽ dầy thêm. Và đây cũng là chính là những chỉ dẫn để người cán bộ có đức có tài tiếp tục phấn đấu, vươn lên, toàn tâm, toàn ý phục vụ cho sự nghiệp cách mạng của đất nước, của dân tộc./.

PGS.TS. Trần Thị Minh Tuyết - Học viện Báo chí và Tuyên truyền

(Bấm vào đây để nhận mã)

Tin liên quan

60 năm chiến thắng điện biên phủ

Ảnh Xem tất cả >>

Video

Kỳ họp thứ 2 HĐND tỉnh Gia Lai khóa XII: Thông qua 14 nghị quyết quan trọng

Công an Gia Lai: Hỗ trợ công dân các tỉnh đi xe máy từ vùng dịch về

Những chuyến xe nặng nghĩa tình

Kỳ họp thứ nhất HĐND tỉnh Gia Lai bầu các chức danh chủ chốt của HĐND và UBND tỉnh

Nông dân "bắt nhịp" nông nghiệp-dịch vụ

Tỷ giá - Thời tiết

Chọn thành phố

Liên kết website

Biển Hồ  Biển Hồ
Quản lý văn bản Văn phòng Tỉnh ủy
BlueZone
Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XII, nhiệm kỳ 2021 - 2026
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Gia Lai năm 2016
LÊN ĐẦU TRANG