Trước khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 47-NQ/TW, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai đã ban hành Chỉ thị số 21-CT/TU ngày 01 tháng 02 năm 2005 về đẩy mạnh thực hiện chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình và chỉ đạo triển khai thực hiện trong toàn Đảng bộ tỉnh.

Ảnh minh họa (nguồn: internet)
Sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 47-NQ/TW, các cấp ủy, chính quyền, mặt trận, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, các tầng lớp nhân dân đã có chuyển biến tích cực trong nhận thức về vai trò, vị trí của việc thực hiện chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình. Các chỉ tiêu quan trọng của công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình đều được đưa vào nghị quyết, kế hoạch, nội dung công tác thi đua hằng năm của địa phương, đơn vị. Các ban, ngành liên quan đã tiến hành khảo sát, đánh giá tình hình đảng viên thực hiện chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình, nêu lên những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân, từ đó có những biện pháp, góp phần thực hiện tốt chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình trên địa bàn tỉnh.
Công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao trình độ dân trí cho lớp trẻ, các đối tượng ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh đã bước đầu thu được kết quả quan trọng. Thông qua nhiều kênh tuyên truyền, nhận thức của người dân về sử dụng các biện pháp tránh thai, về quy mô gia đình ít con có nhiều tiến bộ. Đa số các cặp vợ chồng từ 35 tuổi trở xuống có nhận thức đúng và thực hiện khá tốt chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình. Đã giảm đáng kể tình trạng sinh con sớm, sinh con dự phòng; quy mô gia đình từ 1 đến 2 con được chấp nhận; tỷ lệ các cặp vợ chồng trong tuổi sinh đẻ sử dụng các biện pháp tránh thai tăng; mức sinh giảm qua từng năm. Sự phối hợp giữa các ngành, địa phương được tăng cường. Các cơ quan dân số tỉnh duy trì ký kết liên tịch với các ban, ngành, đoàn thể, các huyện, thị xã, thành phố nhằm đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả tuyên truyền, vận động.
Về quy mô dân số: Là tỉnh miền núi, có mức sinh còn cao, việc điều chỉnh quy mô dân số mà cụ thể là giảm tỷ lệ tăng dân số tự nhiên là một trong những mục tiêu quan trọng. Nghị quyết của tỉnh hằng năm đều đề ra chỉ tiêu giảm mức sinh, nhờ đó, mức sinh hằng năm ngày càng giảm và tỷ lệ sinh con thứ 3 theo đó cũng giảm theo. Thông qua các hoạt động lồng ghép của các câu lạc bộ, chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình đã góp phần tuyên truyền, giáo dục đến người dân một cách có hiệu quả.
Cơ cấu dân số: Qua thống kê nhiều năm tỷ lệ chênh lệch giới tính trẻ em mới sinh trên địa bàn tỉnh vẫn ở mức độ cho phép (107 nam/100 nữ). Các cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể đã triển khai nhiều hoạt động, nhất là hoạt động tuyên truyền nhằm làm chuyển đổi nhận thức, tránh tình trạng mất cân bằng giới tính do quan niệm trọng nam khinh nữ; bảo vệ và tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số tiếp cận với thông tin, các phương pháp kế hoạch hóa gia đình cũng như nâng cao trình độ hiểu biết người dân về chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình. Đồng thời, triển khai các giải pháp nhằm hạn chế tình trạng chẩn đoán giới tính thai nhi nhằm mục đích lựa chọn giới tính cho thai nhi.
Về phân bố dân cư: Dân cư phân bố không đồng đều, tập trung đông ở khu vực đô thị và các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển, ở vùng sâu, vùng xa dân cư thưa thớt, lao động chủ yếu sản xuất nông nghiệp. Tỷ lệ gia tăng cơ học giảm từ 3,9% xuống còn 1,87%. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với tỉnh, nhiều năm qua đã có những chủ trương, chính sách nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế phát triển ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa của tỉnh. Cấp ủy, chính quyền địa phương cơ sở đã tích cực thực hiện định canh định cư xóa đói giảm nghèo, chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi. Nhiều vùng dân cư đã được phát triển, nhiều lao động được tiếp nhận vào làm công nhân các công ty cao su, công ty cà phê và định canh định cư ở các vùng canh tác theo quy hoạch, tạo công ăn việc làm cho lao động vùng sâu, vùng xa, góp phần tạo sự ổn định dân cư, giảm thiểu sự di dân tự do.
Về chất lượng dân số: Nhận thức sâu sắc về nguồn lực con người là yếu tố cơ bản trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở thường xuyên quan tâm đến việc nâng cao chất lượng dân số. Việc triển khai thực hiện Đề án Sàng lọc trước sinh, sơ sinh; mô hình Tư vấn khám sức khỏe tiền hôn nhân, giảm tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống... đã bước đầu góp phần quan trọng vào mục tiêu nâng cao chất lượng dân số. Việc đầu tư hỗ trợ kinh phí từ ngân sách Trung ương và hỗ trợ ngân sách địa phương hằng năm đã cơ bản đảm bảo cho các hoạt động thực hiện mục tiêu dân số và kế hoạch hóa gia đình, nâng cao chất lượng dân số.
Các chương trình quốc gia về y tế được triển khai hiệu quả. Tình hình dịch bệnh giảm nhiều, nhất là các bệnh sốt rét, phong, bướu cổ; tỉnh đã có chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn khi vào điều trị bệnh tại bệnh viện của tỉnh. Đã cấp cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, trẻ em dưới 6 tuổi thẻ khám, chữa bệnh. Đặc biệt, nhận thức của đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa về công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình đã có những chuyển biến rõ rệt, hạn chế tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết và giảm nhanh tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên.
Công tác giáo dục và đào tạo tiếp tục được phát triển. Đến nay, đã có 222/222 số xã, phường, thị trấn được công nhận phổ cập giáo dục trung học cơ sở, tỷ lệ huy động trẻ em trong độ tuổi đến trường tăng đều qua các năm. Các trường cao đẳng, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm bồi dưỡng chính trị đã góp phần quan trọng trong việc đào tạo nghề, bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ cán bộ và người lao động.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền dân số đã được quan tâm chỉ đạo kịp thời. Hoạt động của của đội ngũ cộng tác viên, tuyên truyền viên ở cơ sở đã góp phần tích cực vào việc nâng cao hiểu biết về dân số và kế hoạch hóa gia đình trong nhân dân. Chương trình truyền thông dân số đã lồng ghép với các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội ở từng xã, phường, thôn, làng, tổ dân phố và từng hộ gia đình. Tỉnh cũng đã từng bước đưa các hoạt động truyền thông giáo dục dân số, sức khỏe sinh sản vào các trường phổ thông và trường chuyên nghiệp.
Công tác thông tin, giáo dục tuyên truyền dân số ngày càng phong phú về hình thức, hấp dẫn về nội dung, huy động được các lực lượng xã hội và mọi tầng lớp nhân dân tham gia. Các đợt chiến dịch truyền thông lồng ghép dịch vụ kế hoạch hóa gia đình được tổ chức đã tuyên truyền khá tốt, giúp người dân, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn thấy được lợi ích, tầm quan trọng của việc giảm sinh và những tác động xấu đến đời sống, kinh tế, sức khỏe của việc gia tăng dân số. Các cơ quan thông tin đại chúng đã xây dựng chuyên trang, chuyên mục về công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình với nhiều tin, bài chất lượng. Các ngành, đoàn thể tích cực phối hợp với ngành chức năng trong công tác tuyên truyền giáo dục thực hiện chủ trương, chính sách về dân số và kế hoạch hóa gia đình. Đã có nhiều mô hình tốt trong tuyên truyền thay đổi nhận thức và hành vi và mang lại hiệu quả thiết thực.
Nhất Gia