Sau khi Ban Bí thư Trung ương (khóa IX) ban hành Chỉ thị 42-CT/TW ngày 25 tháng 8 năm 2004 của Ban Bí thư Trung ương về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản (sau đây gọi tắt là Chỉ thị 42), Tỉnh ủy đã chỉ đạo tổ chức học tập, quán triệt và tập trung tuyên truyền, phổ biến những nội dung cơ bản của Chỉ thị 42 đến từng tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ. Qua đó, công tác xuất bản, phát hành đã đi vào nền nếp và hoạt động ngày càng có hiệu quả so với giai đoạn trước.

Ảnh minh họa (internet)
Thực hiện Nghị định số 13/2008/NĐ-CP ngày 04 tháng 02 năm 2008 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, theo đó từ tháng 4 năm 2008, chức năng quản lý Nhà nước về báo chí - xuất bản được chuyển giao từ Sở Văn hóa, Thông tin sang Sở Thông tin và Truyền thông. Phòng Báo chí - Xuất bản thuộc Sở Thông tin và Truyền thông được thành lập làm nhiệm vụ thẩm định, xuất bản báo chí, tài liệu trong toàn tỉnh. Từ đó, hoạt động xuất bản của tỉnh ngày càng đa dạng về thể loại ấn phẩm, từ các loại sách tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chương trình phát triển kinh tế đến những loại sách tuyên truyền về gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến, đặc biệt là sách viết về chủ nghĩa Mác Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, truyền thống dân tộc và cách mạng... được xuất bản, in, phát hành, phổ biến rộng rãi đến nhân dân, từng bước đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần nâng cao dân trí, phát triển văn hóa dân tộc.
Trên lĩnh vực in, Chỉ thị 42 và Luật Xuất bản đã tạo hành lang pháp lý thông thoáng cho các thành phần kinh tế tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh lĩnh vực in, qua đó đã thu hút nguồn lực đầu tư của xã hội để phát triển ngành in, phù hợp với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Năm 2004, tỉnh chỉ có 01 cơ sở in là Công ty In và dịch vụ văn hóa Gia Lai (chuyển đổi từ doanh nghiệp nhà nước sang cổ phần hóa), đến nay đã có 05 cơ sở in đang hoạt động, trong đó 04 cơ sở in được cấp giấy phép hoạt động. Hiện nay các cơ sở in hoạt động ổn định và từng bước phát triển.
Hầu hết các doanh nghiệp in trong tỉnh đã đầu tư công nghệ in offset hiện đại nên tạo ra sản phẩm đa dạng về chủng loại, đẹp về hình thức và không ngừng mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, đáp ứng nhu cầu in ngày càng tăng của các đơn vị, tổ chức, cá nhân trong tỉnh và bước đầu tiếp cận thị trường các tỉnh lân cận. Năm 2009, ngành in của tỉnh đạt khoảng 2.740 triệu trang in 13 cm x 19 cm, đến năm 2013, đạt khoảng gần 4.841 triệu trang in. Sản phẩm in ấn chủ yếu là các xuất bản phẩm báo in, tài liệu tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị của tỉnh và các loại sách lý luận chính trị.
Những năm qua, lĩnh vực phát hành đã có bước phát triển và đi vào nền nếp. Các cửa hàng, siêu thị sách trên địa bàn tỉnh đã đầu tư số lượng sách đa dạng, phong phú nhằm phục vụ và đáp ứng yêu cầu cung cấp sách cho các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Gia Lai có 06 cơ sở phát hành lớn. Các đơn vị là đầu mối phát hành sách, báo, tạp chí của Đảng, Báo Gia Lai và các ấn phẩm văn hóa khác cho các cơ sở và đại lý phát hành trong toàn tỉnh. Các cơ sở phát hành đã năng động tìm các biện pháp, hình thức, phương thức hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh, đáp ứng yêu cầu đọc và học tập cho mọi tầng lớp nhân dân. Nhiều doanh nghiệp phát hành sau khi cổ phần hóa đã từng bước đi vào ổn định và hoạt động hiệu quả; doanh thu tăng, thu nhập và đời sống của người lao động được nâng lên. Năm 2009, số xuất bản phẩm phát hành khoảng trên 8.290.000 bản, đến năm 2013, đã tăng lên khoảng 10.494.000 bản (trong đó chủ yếu là sách giáo khoa phục vụ học tập cho học sinh và tài liệu xuất bản không kinh doanh trên địa bàn tỉnh).
Việc cấp phát sách, báo và tạp chí đến các tầng lớp nhân dân trong tỉnh kịp thời, hiệu quả, phù hợp và đúng đối tượng đã góp phần tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước; những gương người tốt, việc tốt, những mô hình sản xuất kinh doanh giỏi đến vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Qua đó, giúp nhân dân tiếp cận thông tin về kiến thức khoa học và công nghệ; nâng cao nhận thức của đồng bào dân tộc về công tác chăm sóc sức khỏe, ý thức giữ gìn và bảo vệ môi trường, bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào lao động sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế gia đình, góp phần thực hiện tốt công tác xóa đói, giảm nghèo ở địa phương.
Bưu điện Gia Lai có tinh thần trách nhiệm cao trong công tác phát hành báo, tạp chí và các ấn phẩm xuất bản. Chất lượng chuyển phát nhanh, đặc biệt ưu tiên đối với các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Gia Lai có 214/222 xã, phường, thị trấn được nhận Báo Nhân dân trong ngày tại trụ sở uỷ ban nhân dân các xã, phường, thị trấn; 08 xã nhận Báo Nhân dân trong ngày thứ 2 thuộc các xã vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Từ năm 2012 đến tháng 5/2014, toàn tỉnh tỷ lệ phát hành báo Nhân dân trung bình 2.440 tờ/kỳ; Báo Gia Lai 5.434 tờ/kỳ; Tạp chí Cộng sản 952 quyển/kỳ.
Tỉnh đã quan tâm, chú trọng phát triển hệ thống thư viện. Thư viện tỉnh đã triển khai xây dựng 16 kho sách dùng chung (01 kho sách Thư viện tỉnh và 15 kho sách thư viện huyện) để phục vụ cơ sở. Toàn tỉnh hiện có 16 nhà thư viện hoạt động (01 Thư viện tỉnh và 15 thư viện huyện, thị xã), riêng huyện Chư Pưh và thành phố Pleiku chưa có nhà thư viện. Nguồn sách, báo, tạp chí, tài liệu… được hệ thống Thư viện tỉnh thường xuyên bổ sung, nâng cao cả về chất lượng và số lượng. Riêng Thư viện tỉnh, từ năm 2004 đến nay, vốn tài liệu đã được bổ sung tăng lên với số lượng đáng kể, năm 2004 là 94.644 bản, đến năm 2014 vốn tài liệu của Thư viện tỉnh đã được bổ sung là 173.958 bản. Thành phần sách trong thư viện đa dạng về thể loại.
Hệ thống thư viện các huyện, thị xã duy trì hoạt động thường xuyên, hiệu quả. Thực hiện tốt việc luân chuyển sách đến các tủ sách cơ sở phục vụ bạn đọc tại huyện, thị xã. Công tác phục vụ bạn đọc tại thư viện luôn được chú trọng, hàng năm mở cửa phục vụ thường xuyên 7 ngày/tuần.
Ngoài ra, hệ thống thư viện trường học cũng được quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất và các loại sách, báo, tạp chí, tài liệu... đáp ứng yêu cầu khai thác thông tin của giáo viên và học sinh trong nhà trường. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học; từng bước thay đổi phương pháp dạy và học; xây dựng nếp sống văn hóa cho đội ngũ giáo viên; rèn luyện tính độc lập, tư duy và xây dựng thói quen tự học cho học sinh. Hiện nay hầu hết các trường học trên địa bàn tỉnh đều có phòng thư viện, riêng năm học 2013 - 2014, ngành giáo dục và đào tạo đã đầu tư 1,2 tỷ đồng xây dựng thư viện điện tử.
Hoạt động xuất bản trên địa bàn tỉnh phát triển nhanh về số lượng và nâng cao về chất lượng. Công tác quản lý xuất bản được chú trọng, hoạt động xuất bản phát triển theo định hướng của Đảng và sự quản lý của Nhà nước. Các xuất bản phẩm được cấp giấy phép đều có nội dung, chủ đề tư tưởng tốt, thực hiện đúng chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền các sự kiện chính trị của tỉnh; thông tin chính xác, phản ánh đầy đủ và kịp thời tình hình kinh tế - xã hội và các chủ trương, chính sách của tỉnh. Từ năm 2004 đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã có 186 đầu sách lý luận chính trị và một số tài liệu lý luận chính trị được phép xuất bản.
Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong lĩnh vực xuất bản đã có những chuyển biến tích cực, rõ nét. Uỷ ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo tuyên truyền Luật Xuất bản trên các phương tiện thông tin đại chúng, các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành Luật cho các tổ chức cá nhân hoạt động trong lĩnh vực xuất bản, in, phát hành. Đồng thời, giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Báo Gia Lai, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh đăng, phát các tin, bài tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trên các chuyên mục của báo, đài; đăng tải các văn bản Luật, hướng dẫn thi hành Luật trên bản tin và website của Sở Thông tin và Truyền thông. Hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, tổ chức xuất bản bản tin đăng tải các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước trên các ấn phẩm, bản tin nội bộ.
Việc thẩm định, cấp phép tài liệu không kinh doanh và đọc lưu chiểu được thực hiện đúng quy định. Những năm qua, Sở Thông tin và Truyền thông đã cấp 1.025 giấy phép xuất bản tài liệu. Các cơ quan nhà nước, các tổ chức, cá nhân đã chấp hành nghiêm việc xin giấy phép xuất bản các xuất bản phẩm và tài liệu không kinh doanh do Nhà Xuất bản và Sở Thông tin và Truyền thông cấp trước khi in. Các sách, tài liệu được biên soạn theo hướng ngắn gọn, dễ hiểu, dễ tiếp thu. Một số tài liệu quan trọng được giới thiệu dưới dạng hỏi, đáp, được biên dịch ra tiếng Jrai, Bahnar đã cung cấp những nội dung cơ bản trên các lĩnh vực, phù hợp với nhu cầu, trình độ cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh. Đối với tài liệu tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chuyên môn của ngành, địa phương, đều được Sở Thông tin và Truyền thông cấp giấy phép đứng tên hoạt động xuất bản tài liệu không kinh doanh, theo đúng các quy định của Luật xuất bản và các văn bản hướng dẫn thi hành. Qua thống kê của Sở Thông tin và Truyền thông, số lượng giấy phép xuất bản không kinh doanh được cấp hằng năm tăng 1,52% so với cùng kỳ năm trước.
Công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực in, xuất bản, phát hành trong những năm qua được tiến hành chặt chẽ. Công tác thanh tra, kiểm tra của các cơ quan có thẩm quyền được thực hiện thường xuyên hằng năm và đột xuất khi có phát sinh. Qua thanh tra, kiểm tra cho thấy việc chấp hành luật của các cơ sở in, xuất bản, phát hành của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh được thực hiện theo đúng Luật Xuất bản. Các vụ việc vi phạm và xử lý vi phạm trong hoạt động xuất bản giảm 75% so với cùng kỳ năm trước. Các đơn thư, khiếu nại, tố cáo hầu như không phát sinh.
Hiện nay, toàn tỉnh có 03 cơ quan báo chí có hoạt động xuất bản là Báo Gia Lai, Tạp chí Văn nghệ Gia Lai và Tạp chí Khoa học và Công nghệ Gia Lai. Ngoài ra, tỉnh còn có các bản tin, thông tin, tập san… xuất bản thường xuyên, đáp ứng nhiệm vụ tuyên truyền của địa phương với nhiều kết quả tích cực.
Nhìn chung công tác quản lý xuất bản trong những năm qua đã đáp ứng được yêu cầu phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương, góp phần khẳng định vị trí quan trọng của hoạt động xuất bản trong đời sống xã hội.
Nguyễn Ưu Ái