Quán triệt, thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa XI một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020; Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành văn bản cụ thể hóa Nghị quyết phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương và chỉ đạo các cấp ủy, cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức học tập, quán triệt, triển khai thực hiện; trong đó, đặc biệt quan tâm đến công tác ưu đãi người có công với cách mạng.
Từ quy định tại Pháp lệnh ưu đãi Người có công với cách mạng và các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo các ngành, các cấp, địa phương, đơn vị chủ động triển khai thực hiện các chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng đến các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là người có công và thân nhân của người có công trên địa bàn tỉnh. HHướng dẫn các địa phương điều chỉnh, bổ sung chế độ trợ cấp ưu đãi theo theo quy định mới của Pháp lệnh; đồng thời, tổ chức lớp tập huấn chính sách đến cán bộ cấp phòng và lãnh đạo các xã, phường, thị trấn. Xây dựng kế hoạch triển khai công tác chăm sóc người có công và tổ chức các hoạt động kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ; kế hoạch vận động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa hằng năm và phổ biến rộng rãi đến các địa phương, đơn vị và nhân dân trong tỉnh.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Châu Ngọc Tuấn thăm hỏi, tặng quà gia đình thương binh Trịnh Thị Vun (thôn 1, xã Nghĩa Hưng).
Công tác chăm sóc, giúp đỡ các đối tượng người có công với cách mạng nói chung và thương binh, bệnh binh nặng nói riêng được các địa phương chăm lo chu đáo. Ngoài các chính sách ưu đãi của Nhà nước, các địa phương thường xuyên tổ chức thăm hỏi, động viên khi ốm đau, giúp đỡ khi các đối tượng gặp khó khăn đột xuất, xây dựng, sửa chữa nhà ở, hỗ trợ mua sắm những trang thiết bị cần thiết phục vụ đời sống, sinh hoạt hằng ngày cho các đối tượng. Bên cạnh đó, việc xây dựng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa đã được các cấp ủy, chính quyền các cấp, các cơ quan, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp và cá nhân quan tâm, tự nguyện tham gia đóng góp xây dựng Quỹ; từ năm 2012, quỹ đền ơn đáp nghĩa ở cả ba cấp tỉnh, huyện, xã đã vận động được trên 23 tỷ đồng. Nguồn quỹ được tập trung cho công tác sửa chữa, xây dựng nhà tình nghĩa cho đối tượng người có công thực sự khó khăn về nhà ở; xây mới, nâng cấp, tôn tạo nghĩa trang liệt sĩ, đài tưởng niệm, nhà bia ghi tên liệt sĩ; tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ người có công và thân nhân khi ốm đau, chữa bệnh, tặng quà cho những gia đình gặp khó khăn trong cuộc sống.
Triển khai thực hiện Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg, ngày 26 tháng 3 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở, tỉnh đã định hướng, chỉ đạo các cơ quan chức năng hỗ trợ 1.800 căn nhà (trong đó xây mới 1.117 căn nhà và sửa chữa 683 căn), với tổng kinh phí 58.580 triệu đồng. Bên cạnh đó, toàn tỉnh đã huy động từ nguồn xã hội hóa để hỗ trợ làm nhà cho người có công còn khó khăn; từ 2012 tới nay, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã nhiệt tình đóng góp kinh phí và hàng chục nghìn ngày công lao động, cùng với nguồn Quỹ Đền ơn đáp nghĩa đã hỗ trợ 3.142 căn nhà cho người có công, với tổng kinh phí trên 113 tỷ đồng. Hiện tại có 16 Mẹ Việt Nam anh hùng còn sống đã được xây dựng nhà tình nghĩa, được các cơ quan, đơn vị nhận phụng dưỡng, chăm sóc suốt đời và thường xuyên tổ chức thăm hỏi, động viên khi ốm đau; mức tiền phụng dưỡng là 1.500.000 đồng - 2.000.000 đồng/tháng/mẹ. Cùng với đó, thực hiện trao tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa cho các gia đình chính sách người có công còn khó khăn trên địa bàn toàn tỉnh hơn 481 sổ tiết kiệm, với số tiền gần 05 tỷ đồng, mỗi sổ trị giá từ 05 - 15 triệu đồng.
Cùng với việc chăm sóc người có công với cách mạng, công tác mộ và nghĩa trang liệt sĩ luôn được các cấp, các ngành quan tâm chăm sóc và tu sửa thường xuyên. Gia Lai hiện có 59 công trình ghi công liệt sỹ (trong đó: 13 nghĩa trang liệt sĩ, 35 nhà bia ghi tên liệt sĩ, 03 đài tưởng niệm liệt sĩ, 05 đền thờ liệt sĩ và 03 ngôi mộ chung; đây là nơi an táng của 11.028 liệt sỹ). Cùng với nguồn kinh phí do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đầu tư, hằng năm, quỹ đền ơn đáp nghĩa các cấp đã huy động các nguồn lực đầu tư kinh phí vào công tác tu bổ nâng cấp nghĩa trang, đài tưởng niệm liệt sỹ, nghĩa trang liệt sỹ, nhà bia ghi tên liệt sỹ và mộ liệt sỹ. Tổng kinh phí đầu tư cho các công tác là trên 130 tỷ đồng, trong đó, kinh phí từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phân bổ trên 54 tỷ đồng; tỉnh đã vận động các đơn vị, doanh nghiệp tài trợ hơn 77,2 tỷ đồng; ngoài ra, các địa phương và nhân dân đã đóng góp ngày công lao động để vệ sinh, tu bổ một số hạng mục xuống cấp bảo đảm các công trình ghi công liệt sỹ của tỉnh khang trang, sạch đẹp.
Nhìn chung, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự tham gia, ủng hộ của các tổ chức, cá nhân, nhiều nội dung trong công tác ưu đãi người có công với cách mạng được triển khai hiệu quả và đạt được những kết quả tích cực, ý nghĩa, góp phần giáo dục truyền thống tốt đẹp của quê hương, đất nước, phát huy đạo lý “uống nước, nhớ nguồn”, giữ vững ổn định chính trị - xã hội địa phương.
Đức Thịnh