Thời gian qua, thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các cấp ủy luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát triển đảng viên và xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có vùng dân tộc Mông.
Công tác phát triển đảng viên, tổ chức cơ sở đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có vùng dân tộc Mông luôn được củng cố, phát triển; thông qua việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII) về xây dựng Đảng đã từng bước nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Năm 2004, toàn tỉnh có 08 đảng viên là người dân tộc Mông thuộc Đảng bộ xã Ya Hội, huyện Đak Pơ, đến năm 2018 có 30 đảng viên, trong đó số đảng viên kết nạp tại chỗ là 26 đảng viên, 04 đảng viên chuyển sinh hoạt đảng từ nơi khác đến. Cùng với đó, công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng vùng dân tộc Mông tiếp tục được quan tâm chỉ đạo. Mặc dù là dân di cư tự do, nhưng người dân tộc Mông sống tập trung gần với người dân tộc thiểu số tại chỗ nên công tác quản lý, vận động có nhiều thuận lợi. Công tác phát triển đảng, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong người dân tộc Mông được cấp ủy, chính quyền các địa phương quan tâm.
Qua thống kê cho thấy, từ năm 2004 đến năm 2018, số tổ chức cơ sở đảng chi bộ là người dân tộc Mông: Huyện Đak Pơ có 3 chi bộ, 26 đảng viên (gồm: Chi bộ làng Mông 1 có 7 đảng viên, làng Mông 2 có 9 đảng viên, làng Ghép có 5 đảng viên, chi bộ quân sự xã có 2 đảng viên, chi bộ trường Tiểu học và Trung học cơ sở Lương Thế Vinh có 01 đảng viên trực thuộc xã Ya Hội; Đảng bộ Công an huyện có 02 đảng viên); huyện Chư Prông có 02 đảng viên thuộc Chi bộ thôn Yên Bình, xã Ia Piơr; thị xã An Khê có 01 đảng viên thuộc Đảng bộ Công an Thị xã; huyện Chư Pưh có 01 đảng viên thuộc Chi bộ Thôn Brêl, xã Ia Le.

Công tác phát triển đảng trong vùng đồng bào dân tộc Mông luôn được chú trọng. Ảnh: Nguyễn Đông
Nhìn chung, nhận thức của hệ thống chính trị đối với công tác người dân tộc Mông ngày càng đầy đủ, sâu sắc; nâng cao trách nhiệm của cả hệ thống chính trị trong việc đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền, vận động quần chúng đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, góp phần đấu tranh có hiệu quả với các âm mưu, thủ đoạn chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc của các thế lực thù địch. Đồng bào dân tộc Mông ngày càng phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, đoàn kết cùng nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc, đóng góp công sức vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thời gian đến, cấp ủy, chính quyền các cấp cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động quần chúng vùng dân tộc Mông, phổ biến sâu, rộng đường lối, chủ trương đúng đắn của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ở địa bàn, địa phương, trong cộng đồng sinh sống của người dân tộc Mông. Thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Đẩy mạnh công tác xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất của người dân tộc Mông theo hướng đầu tư trực tiếp cho các hộ nghèo. Nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, các đơn vị, địa phương trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, nhất là tại các xã, thôn, làng; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở theo phương châm “gần dân, sát cơ sở”. Quan tâm hơn nữa công tác xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở đảng, phát triển đảng viên, phát triển đoàn viên, hội viên; tăng cường bồi dưỡng cán bộ, chăm lo xây dựng đội ngũ cốt cán trong cộng đồng người dân tộc Mông.
Trường Xuân