Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ là nội dung quan trọng, có ý nghĩa quyết định trong việc xây dựng chi bộ trong sạch, vững mạnh. Nhận thức được điều đó, trong những năm qua, Tỉnh ủy đã quan tâm chỉ đạo cấp ủy các cấp tập trung thực hiện tốt các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, đặc biệt là thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 10-CT/TW, ngày 30 tháng 3 năm 2007 của Ban Bí thư về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ và Hướng dẫn số 09-HD/BTCTW, ngày 02 tháng 3 năm 2012 của Ban Tổ chức Trung ương về nội dung sinh hoạt chi bộ.
Tính đến cuối năm 2016, tổng số đảng viên toàn Đảng bộ tỉnh là 52.055 đồng chí, sinh hoạt ở 4.558 chi bộ (trong đó, chi bộ cơ sở là 660 chi bộ, chiếm 14,5%), cụ thể như sau: Chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở xã là 2.433, chiếm 53,4; chi bộ trực thuộc đảng ủy phường là 395, chiếm 8,67%; chi bộ trực thuộc đảng ủy thị trấn là 304, chiếm 6,67%; chi bộ doanh nghiệp nhà nước có 275, chiếm 6,05%; chi bộ doanh nghiệp cổ phần có vốn nhà nước là 44, chiếm 0,97%; chi bộ doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần tư nhân là 48, chiếm 1,05%; chi bộ cơ sở sự nghiệp là 159, chiếm 3,49%; chi bộ cơ quan hành chính là 533, chiếm 11,7%; chi bộ quân đội, công an là 339, chiếm 7,43%; chi bộ cơ sở khác là 28, chiếm 0,6%.
Thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW, ngày 30 tháng 3 năm 2007 của Ban Bí thư về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ và Hướng dẫn số 09-HD/BTCTW, ngày 02 tháng 3 năm 2012 của Ban Tổ chức Trung ương về nội dung sinh hoạt chi bộ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao Ban Tổ chức Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy triển khai thực hiện đến từng tổ chức đảng trong toàn Đảng bộ tỉnh; hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc triển khai thực hiện ở các tổ chức cơ sở đảng. Từ đó, đánh giá đúng những mặt làm được, những khó khăn, vướng mắc và hạn chế trong từng lĩnh vực ở từng chi bộ; chấn chỉnh những thiếu sót trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng nội dung sinh hoạt chi bộ.
Đồng thời, luôn quan tâm chỉ đạo việc nâng cao chất lượng sinh hoạt ở các chi bộ thôn, làng, tổ dân phố; xây dựng mục tiêu chống “tái trắng” chi bộ và phấn đấu chi bộ thôn, làng, tổ dân phố đều có chi ủy. Nhờ đó, từ tháng 10 năm 2013, Gia Lai là tỉnh đầu tiên trong khu vực Tây Nguyên hoàn thành công tác “xóa” thôn, làng, tổ dân phố trắng chi bộ.
Nhằm kịp thời tình hình chi bộ, những kiến nghị, tâm tư của cán bộ, đảng viên và nhân dân, qua đó, giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh ở khu dân cư, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo phân công cấp ủy viên cấp huyện về dự sinh hoạt định kỳ tại chi bộ cơ sở để chỉ đạo cấp ủy, chi bộ triển khai thực hiện đúng nội dung, hình thức về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ theo tinh thần Chỉ thị 10-CT/TW, Hướng dẫn 09-HD/BTCTW.
Đầu mỗi nhiệm kỳ và hằng năm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo các đảng bộ trực thuộc tỉnh xây dựng kế hoạch mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Đảng cho các đồng chí là cấp ủy viên cơ sở và bí thư, phó bí thư, chi ủy viên chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở, theo các nội dung, như: Công tác tạo nguồn, kết nạp đảng viên; công tác nâng cao chất lượng đảng viên; công tác quản lý, phân công nhiệm vụ cho đảng viên.
Nhìn chung, qua 10 năm thực hiện Chỉ thị 10-CT/TW và 05 năm thực hiện Hướng dẫn 09-HD/BTCTW, cấp ủy các cấp và đảng viên trong toàn Đảng bộ đã nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn về mục đích, ý nghĩa của việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; xác định đây là một trong những biện pháp quan trọng góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Chuyển biến rõ nét nhất là, hầu hết chi bộ đã duy trì đều đặn chế độ sinh hoạt chi ủy, chi bộ định kỳ, sinh hoạt chuyên đề; trên 90% chi bộ đã duy trì chế độ sinh hoạt chi ủy (nơi chi bộ có chi ủy), chi bộ định kỳ hằng tháng, bảo đảm sinh hoạt chuyên đề theo từng quý.
Nội dung sinh hoạt từng bước được cải tiến, chất lượng được nâng lên. Công tác sinh hoạt chi bộ gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được nhiều chi bộ thực hiện nghiêm túc với những cách làm phong phú, sinh động. Tỷ lệ đảng viên dự sinh hoạt chi bộ ngày càng tăng. Vai trò hạt nhân lãnh đạo chính trị của chi bộ, tính tiền phong gương mẫu của đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ được phát huy. Nhiều chi bộ gắn việc lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chuyên môn với việc nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; quan tâm lãnh đạo củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các đoàn thể, tạo nguồn phát triển đảng viên; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để phòng ngừa sai phạm của tổ chức đảng và đảng viên.
Trình độ, năng lực lãnh đạo, kỹ năng xử lý tình huống, điều hành các buổi sinh hoạt chi bộ của chi ủy, bí thư chi bộ được nâng lên. Nguyên tắc tập trung dân chủ trong sinh hoạt Đảng được thực hiện nghiêm túc; đề cao tự phê bình và phê bình, xây dựng đoàn kết nội bộ... Không khí sinh hoạt chi bộ chân tình, cởi mở, gần gũi, nhiều vấn đề cụ thể, thiết thực được đảng viên mạnh dạn, thẳng thắn thảo luận, bàn bạc và bày tỏ chính kiến, đề xuất biện pháp góp phần giải quyết những khó khăn, vướng mắc của địa phương, cơ quan, đơn vị...
Tuy nhiên, bên cạnh một số kết quả đạt được, vẫn còn một số hạn chế như: Đối với một số chi bộ trực thuộc đảng ủy các xã, phường, thị trấn, nhất là chi bộ thôn, làng, đảng viên, chủ yếu là người dân tộc thiểu số tại địa phương, trình độ dân trí còn thấp, đời sống còn nhiều khó khăn, công tác sinh hoạt chi bộ còn hạn chế, chất lượng của tổ chức cơ sở đảng và đảng viên chưa được nâng cao; nhiều chi bộ còn lúng túng trong sinh hoạt, việc chuẩn bị nội dung sinh hoạt còn sơ sài, dàn trải nên ảnh hưởng không nhỏ tới năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của chi bộ.
Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng sinh hoạt của chi bộ như: Nâng cao nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên về vai trò, vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ đối với việc nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên. Chỉ đạo thực hiện nghiêm chế độ tham dự sinh hoạt chi bộ trực thuộc ở địa bàn được phân công phụ trách (nhất là chi bộ thôn, làng, tổ dân phố) để kịp thời nắm bắt tình hình và chỉ đạo triển khai nhiệm vụ, hướng dẫn nâng cao chất lượng sinh hoạt, hoạt động lãnh đạo của chi bộ. Duy trì nghiêm túc chế độ sinh hoạt định kỳ theo quy định của Điều lệ Đảng, trong đó chú trọng nội dung sinh hoạt chuyên đề ở các loại hình chi bộ. Tăng cường trách nhiệm, nêu cao tinh thần tự giác, tính tiền phong gương mẫu của đảng viên trong việc tham gia sinh hoạt chi bộ. Phát huy vai trò của cấp ủy, đặc biệt là đồng chí bí thư chi bộ, nắm vững nguyên tắc sinh hoạt Đảng, nắm chắc tình hình thực tế của địa phương, trên cơ sở đó chuẩn bị tốt nội dung, điều hành sinh hoạt khoa học, bảo đảm hiệu quả thiết thực của mỗi kỳ sinh hoạt. Quan tâm công tác tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ công tác xây dựng Đảng cho bí thư chi bộ, các đồng chí chi ủy viên nhằm đảm bảo chi bộ thực hiện đúng quy định, hướng dẫn của Đảng về sinh hoạt chi bộ và hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương...
Thanh Hằng