Đại đoàn kết là một nội dung nổi bật, xuyên suốt trong tư tưởng, hành động của Hồ Chí Minh, Người đã rút ra kết luận từ thực tế lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta: “Sử ta dạy cho ta bài học này: Lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập, tự do. Trái lại, lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn”.
Nhưng để xây dựng, củng cố và phát huy sức mạnh đoàn kết thì phương pháp tuyên truyền, giáo dục, vận động quần chúng hay nói một cách khác là công tác dân vận, là vấn đề khó nhất.

Ảnh minh họa (nguồn: internet)
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hiểu sâu sắc rằng để gắn kết mọi người đoàn kết thành một khối thì chỉ có thể khi thực hiện được những nguyện vọng chung và quyền lợi chung, Người đã từng viết: “...Muốn cho hàng ngàn, hàng vạn người ấy đoàn kết chặt chẽ với nhau thì họ phải cùng một ý chí như nhau, họ phải nuôi một kỳ vọng giống nhau, có như vậy mới đoàn kết”. Tùy theo hoàn cảnh và yêu cầu cụ thể của từng giai đoạn cách mạng mà Người đưa ra những nội dung tuyên truyền, giáo dục, vận động thấm sâu vào lòng người, có sức hút lớn lao trong việc tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân, ví dụ để cổ vũ, động viên toàn dân đoàn kết cùng nhau đấu tranh giành chính quyền trước Cách mạng Tháng Tám, Người đưa ra khẩu hiệu: “Độc lập dân tộc, người cày có ruộng”, và “Dù phải đốt cháy cả dải Trường Sơn cũng quyết giành cho được độc lập, tự do”; thời 9 năm kháng chiến chống Pháp, Người nói: “Dân tộc trên hết, Tổ quốc trên hết”; thời chống Mỹ, cứu nước, Người nhấn mạnh: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” và trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, Người nêu cao mục tiêu: “Ai cũng có cơm ăn, áo mặc và ai cũng được học hành”....
Thông qua báo chí, Người đã thức dậy tinh thần yêu quê hương đất nước, giác ngộ ý thức dân tộc; mài sắc lòng căm thù đối với bọn cướp nước và bán nước. Đồng thời, Người chú ý phổ biến sâu rộng đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng đến với mọi tầng lớp nhân dân. Các bài viết của Người thường soạn thành thơ ca dễ đọc, dễ nhớ: “Việt Nam hình chữ S. Một bán đảo rất xinh. Trên bờ bể Thái Bình. Tại Đông Nam châu Á. Tính bình phương cây số. Có ba mươi vạn hơn. Ngót hai mươi triệu dân...”.
Một đất nước đẹp như thế mà tại sao nhân dân vẫn sống trong cảnh lầm than:
Vì sao bị kiếp ngựa trâu?
Bị Tây đày đọa, cất đầu chẳng nên.
Tập diễn ca Lịch sử nước ta (1942) gồm 236 câu thơ lục bát, trình bày lịch sử nước ta từ thưở vua Hùng dựng nước (năm Nhâm Ngọ 2879 trước công nguyên) đến năm 1942, tập trung chủ yếu vào lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của nhân dân Việt Nam, nêu bật truyền thống yêu nước, bất khuất và đoàn kết của nhân dân.Mở đầu sách Người căn dặn:
“Dân ta phải biết sử ta,
Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam.”
Người khích lệ lòng tự hào dân tộc:
Xét trong lịch sử Việt Nam
Dân ta vốn cũng vẻ vang anh hùng
Nhiều phen đánh bắc dẹp đông
Oanh oanh, liệt liệt, con rồng cháu tiên.
Một dân tộc như vậy mà chịu để người nước ngoài khinh rẻ, đè nén, Người kêu gọi:
Hỡi ai con cháu rồng tiên
Mau mau đoàn kết vững bền cùng nhau...
Cùng nhau giành lại lợi quyền của ta.
Cuối cùng Người rút ra bài học lịch sử mà quan trọng nhất là bài học đoàn kết:
“Dân ta xin nhớ chữ đồng:
Đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh”.
Phát huy chữ “đồng” để tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, đều này đã trở thành tư tưởng thường trực và là bí quyết thành công của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Biết đồng sức, biết đồng lòng, việc gì khó làm cũng xong”.
Hiệu qủa của công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động quần chúng không chỉ tùy thuộc vào nội dung, hình thức tuyên truyền mà điều quan trọng quyết định sự thành công còn thể hiện ở người tiến hành công tác tuyên truyền. Muốn quần chúng tin theo, bản thân người làm công tác dân vận phải là một tấm gương đoàn kết, mẫu mực, gần gũi với nhân dân.
Để tiếp tục đưa công cuộc đổi mới của đất nước tiến lên, đạt được những thành tựu mới ngoài sự nỗ lực của Đảng ta, của giai cấp công nhân đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng thì thực hiện đại đoàn kết toàn dân là vấn đề cấp thiết. Điều này đã được khẳng định trong báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII về các Văn kiện tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX: “Kế thừa truyền thống quý báu của dân tộc, Đảng ta luôn luôn giương cao ngọn cờ đoàn kết toàn dân. Đó là đường lối chiến lược, là nguồn sức mạnh và động lực to lớn để xây dựng và bảo vê. Tổ quốc”.
Hương Lan