Nhiệm kỳ 2016 - 2021, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đã không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng mạnh các hoạt động về cơ sở. Phong trào phụ nữ và hoạt động công tác Hội được triển khai, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm gắn với các nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Xác định công tác hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững là một trong những nội dung trọng tâm, các cấp Hội chỉ đạo thực hiện đồng bộ thông qua chủ đề hằng năm với các hoạt động phối hợp tuyên truyền, giáo dục, hỗ trợ hội viên, phụ nữ tiếp cận các quy định mới, góp phần xây dựng môi trường sống an toàn và giải quyết các vấn đề xã hội cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em phù hợp với từng địa bàn, thông qua thực hiện các chương trình phối hợp, đề án, nhất là Đề án “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017 - 2027”; Chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương". Các cấp Hội đã chủ động phối hợp với các đơn vị nhận đồng hành, Bộ đội Biên phòng và cấp ủy, chính quyền các xã biên giới trong lựa chọn nội dung hoạt động và xây dựng kế hoạch triển khai phù hợp khả năng, nguồn lực được hỗ trợ và nhu cầu của hội viên, phụ nữ đã tạo động lực để hội viên, phụ nữ ở khu vực biên giới phát huy nội lực phát triển kinh tế gia đình, vươn lên trong cuộc sống.

Hội LHPN tỉnh Gia Lai đón nhận Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ.
Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh đã tạo được điểm nhấn riêng của Hội. Trong quá trình thực hiện, các cấp Hội đã chủ động, sáng tạo lựa chọn nội dung và cách thức triển khai phù hợp mang lại hiệu quả thiết thực, như: Kịp thời thay đổi một số nội dung của từng tiêu chí để phù hợp với từng giai đoạn; tập trung vận động, khuyến khích hội viên, phụ nữ tự nguyện tham gia. Tùy từng điều kiện của từng vùng, từng đối tượng, các cấp Hội có các biện pháp, phương thức tuyên truyền, vận động, hỗ trợ phù hợp với nhiều mô hình, phần việc, như: Mô hình “Thôn/Làng phụ nữ kiểu mẫu”, xây dựng “Hàng rào xanh”, “Con đường hoa”, “Chi hội phụ nữ 5 không, 3 sạch xây dựng nông thôn mới”, mô hình “Mỗi hộ có 01 vườn rau xanh và cây ăn trái”; “Ngày chủ nhật xanh - sạch - đẹp”, di dời chuồng trại, đào hố rác tự hoại, vận động xây dựng và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh... Nhờ đó, đến nay, toàn tỉnh có 217“Chi hội phụ nữ 5 không, 3 sạch xây dựng nông thôn mới” với 15.151 hộ hội viên tham gia; 30.599 hộ dân tộc thiểu số tham gia mô hình “Mỗi hộ có 01 vườn rau xanh và cây ăn trái”; trồng 367,1 km“Hàng rào xanh”; 499,6 km“Con đường hoa”, sửa chữa, san lấp 1.806 km đoạn đường lầy lội; di dời 2.040 chuồng trại ra xa nhà; đào 4.755 hố rác tự hoại, xây dựng 13.802 nhà tiêu hợp vệ sinh. Bên cạnh việc triển khai các mô hình, phong trào của hội, các cấp Hội đã chủ động tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ tại các chi hội vùng dân tộc thiểu số tham gia xây dựng nông thôn mới góp phần cùng toàn tỉnh xây dựng 90 làng nông thôn mới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiệm kỳ qua, các cấp Hội đã hỗ trợ giúp đỡ 9.984 hộ phụ nữ được đạt 8 tiêu chí cuộc vận động, góp phần nâng tổng số có 154.044 gia đình đạt tiêu chí “5 không, 3 sạch” và 274.924 gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”.
Công tác hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập được các cấp Hội ưu tiên tập trung thực hiện theo hướng mở rộng tính kết nối, liên kết các chương trình, như: Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, “Mỗi xã một sản phẩm”, các hoạt động “Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ", thành lập “Quỹ đồng hành cùng phụ nữ nghèo”. Nổi bật là việc triển khai Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh Gia Lai” giai đoạn 2017 - 2025 với phong trào “Phụ nữ khởi nghiệp” tạo được sự đột phá về thay đổi nhận thức, sự chủ động, sáng tạo của các cấp Hội. Với các hoạt động sáng tạo trên, trong nhiệm kỳ qua các cấp Hội đã giúp 43.613 hộ nghèo, trong đó có 1.835 hộ thoát nghèo theo tiêu chí đa chiều, góp phần không nhỏ vào kết quả giảm nghèo của địa phương.
Với phương châm “Ở đâu có phụ nữ, ở đó có hoạt động Hội”, bên cạnh việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động phù hợp với từng địa bàn, từng đối tượng; các cấp Hội còn tập trung thực hiện Khâu đột phá “Nâng cao chất lượng tổ chức Hội cơ sở, đa dạng hóa các hình thức tập hợp phụ nữ, phát huy quyền làm chủ của hội viên, phụ nữ” nhằm đoàn kết, vận động, phát huy tiềm năng, sức sáng tạo của các tầng lớp phụ nữ, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh; giúp cho hội viên, phụ nữ hiểu thêm về Hội, gắn bó với tổ chức Hội, tạo niềm tin của phụ nữ với Đảng và Nhà nước, tích cực tham gia thực hiện thắng lợi các mục tiêu chính trị, kinh tế, xã hội của địa phương. Điểm nhấn trong nhiệm kỳ là việc triển khai hiệu quả 213 “Thôn/làng phụ nữ kiểu mẫu” tại 154 xã xây dựng làng nông thôn mới nhằm tập hợp phụ nữ vào tổ chức và phát huy vai trò nòng cốt của phụ nữ thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, giữ vững an ninh chính trị trên địa bàn tỉnh. Đến nay, tổng số hội viên trên địa bàn tỉnh là 234.011/292.919 phụ nữ từ 18 tuổi trở lên (đạt tỷ lệ 79,89%), tăng 24.551 hội viên so với đầu nhiệm kỳ. Cùng với đó, công tác giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của các cấp Hội dần đi vào nền nếp, đạt hiệu quả tích cực, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của hội viên phụ nữ, nhất là phụ nữ yếu thế, phụ nữ dân tộc thiểu số, phụ nữ vùng sâu, vùng xa.
Năm năm một nhiệm kỳ nhìn lại, những thành quả mà các cấp hội phụ nữ Gia Lai đạt được nhiệm kỳ qua đã để lại những dấu ấn khó quên. Đó chính là kết quả của cả một chặng đường bền bỉ chăm lo củng cố xây dựng tổ chức hội và việc đổi mới, sáng tạo trong triển khai, tổ chức thực hiện các phong trào thi đua và thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm của hội. Thành quả ấy chính là hành trang đẹp để Phụ nữ Gia Lai vững bước đoàn kết, năng động, hội nhập, phát triển trong chặng đường tiếp theo, góp phần xây dựng Gia Lai phát triển nhanh, bền vững và giàu bản sắc.
Đức Thịnh