Những năm qua, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp không ngừng được củng cố, kiện toàn; công tác tuyên truyền nói chung, công tác tuyên truyền miệng nói riêng thường xuyên được đổi mới nội dung, phương thức hoạt động phù hợp với tình hình thực tiễn ở địa phương. Nhờ đó, công tác tuyên truyền miệng đã và đang từng bước khẳng định đây là hình thức tuyên truyền đặc biệt, có hiệu quả cao trong công tác tư tưởng, góp phần quan trọng tạo sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội, củng cố niềm tin, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Thực hiện chỉ đạo của Trung ương và căn cứ tình hình thực tế, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành một số văn bản về công tác tuyên truyền miệng và tổ chức, hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên của Đảng, trong đó quy định rõ vai trò, chức năng, nhiệm vụ, yêu cầu của báo cáo viên các cấp. Công tác tuyên truyền miệng và hoạt động báo cáo viên của Đảng bộ tỉnh đã có bước phát triển. Lực lượng làm công tác tuyên truyền miệng được tăng cường cả về số lượng và chất lượng theo hướng tinh gọn, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, tinh thần trách nhiệm, ý thức kỷ luật trong công tác, có khả năng truyền đạt, có uy tín trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, cơ bản đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, thực sự trở thành lực lượng nòng cốt trong công tác tuyên truyền của địa phương.
Qua mỗi kỳ đại hội, tỉnh chủ động xây dựng, kiện toàn lực lượng báo cáo viên phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ mới. Đến nay, toàn tỉnh có 05 đồng chí là báo cáo viên Trung ương; 43 đồng chí báo cáo viên Tỉnh ủy. Thành lập và phát triển 608 báo cáo viên cơ sở, trên 8.200 tuyên truyền viên, trong đó có đội ngũ giáo viên, cán bộ y tế, già làng, người có uy tín trong cộng đồng trực tiếp làm công tác tuyên truyền trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên của các ban, ngành, mặt trận, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở, tỉnh còn chú trọng phát huy lực lượng tuyên truyền viên của các tổ, đội công tác tăng cường cơ sở; hoạt động của các đội thông tin lưu động, thanh niên tình nguyện, các hoạt động kết nghĩa… đã góp phần làm phong phú nội dung, phương thức tuyên truyền miệng và đạt được những kết quả tích cực trong công tác tuyên truyền miệng trên địa bàn tỉnh.
Từ năm 2007 đến nay, trong quá trình hoạt động, đội ngũ báo cáo viên các cấp đã tổ chức tuyên truyền theo chức năng, nhiệm vụ được giao với trên 10.000 buổi nói chuyện thời sự, báo cáo chuyên đề, báo cáo nghị quyết cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Nội dung, hình thức tuyên truyền đã bám sát thực tiễn, chuyển tải kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị của tỉnh đến cán bộ, đảng viên và nhân dân; kịp thời thông tin định hướng dư luận xã hội trước các vấn đề, sự kiện nổi bật, đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, góp phần nâng cao nhận thức, củng cố niềm tin của các tầng lớp nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước; cổ vũ và nhân rộng các phong trào thi đua, biểu dương gương người tốt, việt tốt, các mô hình tiêu biểu trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân...
Ngoài các lực lượng báo cáo viên, tuyên truyền viên năm 2017, tỉnh đã chỉ đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy xây dựng và đang triển khai thực hiện thí điểm Đề án “Xây dựng lực lượng nòng cốt tuyên truyền miệng ở các thôn, làng, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Gia Lai”, bao gồm những người có uy tín như già làng, trưởng thôn, công an viên, cán bộ Mặt trận, đoàn thể các thôn... có trình độ, uy tín, phẩm chất đạo đức tốt; có kỹ năng tuyên truyền miệng và hiểu biết các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nhiệt tình, gần gũi, gắn bó với nhân dân tại địa phương, nhiệt tình, tích cực tham gia hoạt động tuyên truyền miệng ở địa phương. Đề án hiện đang được triển khai thí điểm tại 4 xã: Hà Bầu (Đak Đoa), Ia Le (Chư Pưh), Hra (Mang Yang), An Thành (Đak Pơ) với tổng số người tham gia tập huấn tính đến tháng 6/2017 là 109 người, đề án này thời gian tới sẽ nhân rộng trong toàn Đảng bộ tỉnh.

Lực lượng tuyên truyền viên ở cơ sở
Công tác bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp được quan tâm thường xuyên. Tỉnh đã chỉ đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Trường Chính trị tỉnh mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác tuyên giáo cho cán bộ tuyên giáo cấp huyện và cơ sở; phối hợp với các huyện, thị, thành ủy mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác tuyên truyền miệng cho đội ngũ báo cáo viên cấp huyện, thị xã, thành phố. Các huyện ủy, thị ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc đã lồng ghép mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng cho báo cáo viên, tuyên truyền viên, chủ yếu là ở cơ sở. Một số đơn vị, như: Đảng ủy Công an tỉnh, Thành ủy Pleiku, Huyện ủy Đak Đoa, Huyện ủy Kbang, Thị ủy An Khê… đã tổ chức riêng các lớp bồi dưỡng chuyên đề về nghiệp vụ công tác báo cáo viên, tuyên truyền miệng và công tác nắm bắt dư luận xã hội. Các ngành, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh tổ chức nhiều hội thi báo cáo viên, tuyên truyền viên, bí thư chi bộ, chính trị viên, hòa giải viên giỏi, dân vận khéo... tạo diễn đàn cho các báo cáo viên, tuyên truyền viên gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm và nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ chuyên môn trong công tác tuyên truyền miệng.
Việc cung cấp thông tin cho đội ngũ báo cáo viên các cấp được triển khai chặt chẽ, thường xuyên và kịp thời; các thông tin được biên tập đã cập nhật tình hình quốc tế, của đất nước, địa phương phù hợp với đối tượng tuyên truyền. Các huyện ủy, thị ủy, thành ủy tổ chức hội nghị báo cáo viên 01 lần/quý. Ban tuyên giáo các huyện ủy, thị ủy, thành ủy, như: Ban Tuyên giáo Thành ủy Pleiku, Huyện ủy Đak Đoa, Huyện ủy Krông Pa, Huyện ủy Kông Chro, Phòng Công tác chính trị Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh… đã chủ động biên soạn tài liệu thông tin nội bộ, tài liệu tuyên truyền phát động quần chúng… phục vụ cho báo cáo viên và các tổ chức cơ sở đảng trên địa bàn, các đội công tác tăng cường cơ sở, góp phần định hướng dư luận, tạo sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và nhân dân...
Cùng với đó, các cấp ủy, chính quyền địa phương trong tỉnh ngày càng quan tâm tạo điều kiện về cơ sở vật chất, phương tiện phục vụ cho công tác tuyên truyền miệng và hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên. Nhiều phương tiện hiện đại đã được trang bị và sử dụng có hiệu quả, góp phần tích cực thúc đẩy việc đổi mới phương pháp, hình thức tuyên truyền miệng và nâng cao trình độ, kỹ năng của đội ngũ báo cáo viên. Đồng thời, nhiều cấp ủy, chính quyền địa phương đã có sự quan tâm tạo điều kiện về kinh phí cho hoạt động báo cáo viên, vận dụng các chính sách về chế độ cho hội nghị báo cáo viên và chi trả chế độ thù lao cho báo cáo viên báo cáo tại các hội nghị. Việc chi trả chế độ phụ cấp, thù lao cho báo cáo viên được thực hiện theo đúng quy định của Trung ương.
Thời gian đến, để nâng cao chất lượng báo cáo viên, tuyên truyền viên, tỉnh sẽ đẩy mạnh công tác quản lý, xây dựng đội ngũ báo cáo viên theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Có cơ chế, chính sách phù hợp thu hút những người có đủ tiêu chuẩn về phẩm chất, năng lực để bổ sung vào đội ngũ báo cáo viên. Ở cơ sở cần chú trọng tập hợp những người có năng lực, nhiệt tình, uy tín. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và sử dụng hợp lý đội ngũ báo cáo viên theo hướng tăng cường cơ sở, gắn đối thoại với việc nắm bắt và phản ánh dư luận xã hội. Có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành và đội ngũ báo cáo viên trong công tác tuyên truyền miệng; qua đó, góp phần quan trọng trong việc tạo nên sự thống nhất về tư tưởng trong Đảng, sự đồng thuận của xã hội, giữa cán bộ, đảng viên với nhân dân, thực sự là cầu nối giữa ý Đảng với lòng dân.
Bài, ảnh: Huy Bảo