Phát triển đảng viên mới là nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng Đảng. Tuy nhiên, việc phát triển đảng viên ở các chi bộ nông thôn hiện nay đang gặp không ít khó khăn.
Các phóng viên (bên trái) trao đổi với đồng chí Tiêu Công Thuật, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Liên Mạc
và Bí thư chi bộ thôn Mạc Thủ 2 (Ảnh: NM)
Những làng quê vắng bóng thanh niên
Tìm hiểu thực tế tại một số địa phương, vùng miền khác nhau, chúng tôi đã được nghe phân tích của các đồng chí Bí thư chi bộ, đảng bộ cơ sở về vấn đề này.
Khảo sát một số chi bộ ở Hòa Bình, Hải Dương, Hải Phòng, Lào Cai, Vĩnh Phúc, Hà Nội… cho thấy, từ trước đến nay, nguồn phát triển Đảng ở các chi bộ nông thôn vẫn dựa chủ yếu vào lực lượng đoàn viên thanh niên, dân quân tự vệ... Nhưng trên thực tế, số thanh niên trong độ tuổi lao động đủ tiêu chuẩn để đưa vào nguồn, tạo điều kiện, giúp đỡ phát triển Đảng rất hiếm, thậm chí nguồn phát triển đảng viên rất bấp bênh. Một số học sinh học hết THPT thì lại tiếp tục phấn đấu vào học các trường chuyên nghiệp, một số đi học ở các trung tâm dạy nghề, hoặc đi làm xa ít khi ở địa phương. Vì vậy, nhiều thôn không còn thanh niên, có lúc, tổ chức đoàn thanh niên không hoạt động.
Tại xã Yên Đồng, huyện Yên Lạc (Vĩnh Phúc), nhiều gia đình có đến 3 người con nhưng chẳng có ai ở nhà. Đồng chí Nguyễn Ngọc Tĩnh, Phó Bí thư chi bộ thôn Gia (người cũng có 3 con đi làm ăn xa) cho biết: Việc làm ở nông thôn ít, hầu hết chỉ bận rộn vào những ngày chính vụ, còn lại thanh niên chơi dài, tụ tập rượu chè, cờ bạc, xuất hiện tệ nạn xã hội, trong khi đó, ra ngoài làm sẽ có nhiều tiền hơn để trang trải cho cuộc sống. Đồng chí Nguyễn Ngọc Tĩnh cho biết, trong thôn có 360 hộ nhưng hiện thanh niên hầu như đi làm ăn ở nơi khác. Mỗi khi thôn, xã có việc cần huy động thanh niên từ các công tác tình nguyện, sinh hoạt hè, vệ sinh môi trường hay lớn hơn là các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đều vắng bóng thanh niên. Thậm chí, đứng ra tổ chức Trung thu hay Tết thiếu nhi cũng là các cụ lão.
Anh Nguyễn Khắc Tranh - thanh niên xã Yên Đồng cho biết, nếu ở quê, ai chịu khó lắm thì mới kiếm được 100 ngàn/ngày là tốt lắm, trong khi những thanh niên khác đi làm xa có thu nhập cao hơn. Thu nhập ở nông thôn nếu chỉ trông chờ vào ruộng đồng thì thật khó có thể níu giữ thanh niên ở quê nhà.
Lý do về thu nhập cũng không phải là lý do duy nhất để thanh niên đi xa làng quê. Tìm hiểu tại xã Liên Mạc, huyện Thanh Hà (Hải Dương) - nơi có ổi ngon nổi tiếng và cho thu nhập quanh năm, được biết, một lao động thanh niên bình thường thu nhập từ ổi hằng năm cũng đạt từ 70 - 100 triệu đồng/năm, đây là mức thu nhập cao ở khu vực nông thôn hiện nay. Tuy nhiên, về xã trù phú này cũng thấy vắng bóng thanh niên.
Đồng chí Mạc Thị Mận - Bí thư chi bộ thôn Mạc Thủ 2 cho biết, nhiều gia đình ở đây mỗi năm thu nhập cũng được vài trăm triệu từ ổi, nhưng thanh niên vẫn rời làng đi làm văn vì họ muốn được thể hiện, thử sức ở các lĩnh vực khác nhau. Nguồn phát triển Đảng vì thế cũng hạn hẹp. Tại chi bộ thôn Mạc Thủ 2 hiện có 44 đảng viên, trong đó 23 đảng viên có huy hiệu Đảng, 9 đồng chí miễn sinh hoạt. Theo nghị quyết, mỗi năm chi bộ kết nạp được 1 - 2 đảng viên trẻ. Tuy nhiên, cũng như bao nhiêu chi bộ nông thôn khác, có đồng chí chỉ sinh hoạt được một thời gian là lại chuyển đi.
Đồng chí Tiêu Công Thuật - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Liên Mạc cho biết, Đảng bộ xã hiện có 307 đảng viên thì có tới gần 170 đảng viên nhận huy hiệu từ 30 năm tuổi Đảng. Có chi bộ thôn đông nhất là 162 đảng viên, nhưng chi bộ nào cũng phần lớn là đảng viên về hưu. Toàn xã hiện có chỉ còn vài chục thanh niên bám trụ ruộng đồng và làm việc lại các cơ quan xã, trường học là trong danh sách hoạt động Đoàn chính thức. Nguồn phát triển Đảng ở xã hiện nay ngoài thanh niên thì nông dân trên địa bàn xã cũng nhiều người có nguyện vọng vào Đảng, nên chỉ tiêu kết nạp hằng năm vẫn đảm bảo. Tuy nhiên, lo ngại về tình trạng “già hóa” đảng viên, đồng chí Thuật cho rằng, công tác vận động, tập hợp thanh niên cần phải được triển khai mạnh mẽ hơn tại các vùng nông thôn. Để làm được điều này, việc cơ cấu lại kinh tế vẫn là điều quan trọng nhất để giữ chân thanh niên.
Nguồn phát triển Đảng “phập phù”
Tại xã Đoàn Xá, huyện Kiến Thụy (Hải Phòng), theo báo cáo số liệu, hiện toàn xã có gần 600 thanh niên, nhưng trên thực tế, số lượng đoàn viên tham gia sinh hoạt Đoàn chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Cố gắng lắm thì chỉ duy trì được bộ khung của Đoàn, có nghĩa là các thành viên trong Ban Chấp hành Đoàn xã.
Đồng chí Ngô Xuân Đán - Bí thư Đảng ủy xã Đoàn Xá cho biết, có đến 99% các em học sinh PTTH sau khi tốt nghiệp đã rời khỏi quê để đi học hoặc làm ăn xa. Đã có thời điểm, mỗi ngày trên địa bàn xã có tới 6 đến 8 xe chở công nhân ra các khu công nghiệp làm việc, mỗi xe 50 - 60 lao động. Đồng chí cho biết, cách đây 4 năm, xã đã bàn đến việc có thể sẽ thiếu nguồn lao động ở nông thôn và giờ đây đã xảy ra. Theo đó, để giữ lại lao động ở địa phương, trước hết cần cơ cấu lại lao động, việc làm để giữ lao động trẻ, khỏe tại địa phương. Xã Đoàn Xá đã có phương án khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn mở các cơ sở gia công, nhận việc về làm. Hiện đã có 4 - 5 cơ sở được thành lập và tạo việc làm cho khoảng trên dưới 50 lao động thanh niên, chủ yếu làm da giày, thủy sản. Tuy rất phấn khởi với phương án này, nhưng đồng chí Bí thư Đảng ủy xã cũng chưa cảm thấy yên tâm khi hầu hết các cơ sở tư nhân vẫn chỉ nhận lao động theo thời vụ, lương thấp nên thanh niên vẫn chọn đi xa để có thu nhập cao và ổn định hơn. Nguồn phát triển Đảng theo đó cũng “phập phù” theo.

Trao đổi với phóng viên, một số bí thư chi bộ tại các địa phương cho biết, nhiều thôn
không còn thanh niên, có tổ chức đoàn thanh niên không hoạt động. (Ảnh: HH)
Lấy dẫn chứng cụ thể hơn, đồng chí Ngô Xuân Đán cho biết, có những đối tượng quần chúng đoàn viên thanh niên rất tốt, được bồi dưỡng, giúp đỡ và có nguyện vọng được vào Đảng. Khi kết nạp một thời gian thì lại chuyển công tác đến các khu công nghiệp, hằng năm không về sinh hoạt Đảng. Do vậy, về chỉ tiêu mỗi năm, Đảng bộ xã phát triển được 5 - 7 hay 10 đồng chí đảng viên mới thì vẫn có thể bảo đảm, nhưng thực tế, số lượng lại có sự thay đổi ngay sau đó và không mang tính ổn định, như Đoàn Xá 2 năm gần đây đã phải xóa tên 6 đảng viên và tất cả đều là thanh niên đi làm ăn xa.
Tìm hiểu ở một số địa phương khác vùng miền núi Hòa Bình, Lào Cai về nguồn phát triển Đảng cũng trong tình trạng tương tự. Nguồn từ thanh niên đã khó, tạo nguồn từ các đối tượng là trưởng các tổ chức đoàn thể ở thôn cũng rất khó khăn, bởi quần chúng tích cực muốn được phấn đấu để được đứng trong hàng ngũ của Đảng thì liên quan đến trình độ văn hóa chưa đạt chuẩn, tảo hôn hay vi phạm chính sách dân số kế hoạch hóa gia đình như thực trạng ở thôn Khu Ba (xã Phố Lu), thôn Cố Hải (xã Sơn Hải) huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai... làm cho nguồn phát triển đảng viên ở chi bộ nông thôn cũng bị hạn chế.
Theo báo cáo của Đảng bộ huyện Bảo Thắng (Lào Cai), hiện toàn Đảng bộ có 221 chi bộ nông thôn, với 1.913 đảng viên. Nhiệm kỳ 2010 - 2015, Đảng bộ huyện xây dựng kế hoạch kết nạp 800 đảng viên. Năm 2010 đã kết nạp 181 quần chúng ưu tú vào Đảng, trong đó có 52 nông dân, chiếm 28,7%; năm 2011 kết nạp 184 quần chúng ưu tú, trong đó có 61 nông dân, chiếm 33,1%. Hằng năm, các đảng bộ xã, thị trấn đều dựa trên chỉ tiêu phát triển đảng viên mới của huyện để xây dựng kế hoạch, chỉ tiêu cho địa phương mình. Các đảng uỷ cơ sở lại giao về các chi bộ và bí thư chi bộ thôn. Do không được bổ sung nguồn, nên Chi bộ thôn Nam Hải (xã Sơn Hải) nhiều năm không kết nạp được đảng viên, tuổi đời bình quân của đảng viên hiện là 60,4. Tình trạng già hóa này sẽ còn bị kéo dài nếu như không có thanh niên làm việc tại quê hương.
Cũng tương tự, Ban Tổ chức huyện ủy Kiến Xương (Thái Bình) cho biết: Phần lớn thanh niên nông thôn hiện nay đi học hoặc đi làm ăn xa, những thanh niên ở lại địa phương thì chủ yếu tập trung vào phát triển kinh tế gia đình, ít tham gia các phong trào, hoạt động. Vì vậy, việc phát hiện, bồi dưỡng quần chúng ưu tú giới thiệu cho Ðảng xem xét, kết nạp gặp nhiều khó khăn dẫn tới tình trạng một số chi bộ ở nông thôn nhiều năm liền không kết nạp được đảng viên mới.
Tại huyện vùng cao Mường Nhé (Điện Biên), đồng chí Bí thư Huyện ủy cho biết: Huyện vẫn còn 36/96 thôn, bản, cụm bản chưa có chi bộ. Còn 25/96 thôn, bản “trắng” đảng viên, một số chi bộ nhiều năm liền không kết nạp được đảng viên. “Khó khăn lớn nhất là thiếu “nguồn” kết nạp Đảng. Nguyên nhân thì có nhiều, song trong đó có nguyên nhân, nhiều quần chúng phấn đấu tốt, tích cực tham gia các phong trào của địa phương, có trình độ, uy tín để xem xét kết nạp đảng nhưng lại vi phạm chính sách dân số, quá tuổi kết nạp hoặc khó thẩm tra lý lịch, nên rất khó xem xét để kết nạp. Về trình độ văn hóa, theo Điều lệ Đảng, đối tượng đảng phải biết chữ, có trình độ ít nhất là tiểu học, nhưng phần đông đối tượng đảng nơi đây chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, khi tham gia các lớp học cảm tình Đảng họ không biết đọc, không biết viết, nhiều người nghe không hiểu được cặn kẽ tiếng phổ thông. Một số xã việc hướng dẫn làm thủ tục kết nạp đảng vẫn còn sơ sài, yếu kém; năng lực lãnh đạo của nhiều chi bộ còn hạn chế; thêm vào đó là những định kiến, phong tục tập quán, gia đình, dòng họ vẫn còn tồn tại. Nên rất khó trong việc tạo “Nguồn” phát triển Đảng”.
Qua khảo sát cho thấy, thực trạng công tác phát triển đảng viên trên địa bàn nông thôn ở Thanh Hóa hiện nay cho thấy: Số lượng thanh niên có mặt ở địa phương ít, do sự dịch chuyển thanh niên từ khu vực nông thôn ra thành thị để đi học, tìm kiếm việc làm; địa bàn thôn, bản, làng, khu phố bị chia tách nhỏ, các chi đoàn được thành lập theo đơn vị hành chính; trong khi đối với thanh niên lực lượng ít rất khó để tổ chức phong trào; thanh niên ít có cơ hội để phát hiện, lựa chọn quần chúng ưu tú để bồi dưỡng, giới thiệu cho Đảng. Một số chi bộ đảng địa bàn dân cư (thôn, làng, bản) hàng năm rất khó khăn trong việc kết nạp đảng viên từ thanh niên.
Việc giáo dục thanh niên gặp nhiều khó khăn và hiệu quả mang lại chưa cao do thanh niên là đối tượng chịu nhiều tác động đa chiều từ môi trường xã hội chung quanh; tác động của mặt trái cơ chế thị trường và quá trình hội nhập quốc tế. Một bộ phận thanh niên do nhận thức chính trị còn hạn chế, ngại tham gia hoạt động Đoàn - Hội, không có ý chí phấn đấu vào Đảng. Hiện nay ở nông thôn nhiều cơ sở Đoàn hoạt động khó khăn, cầm chừng, có nơi chỉ còn bộ khung ban chấp hành. Nếu Đoàn các xã, chi đoàn thôn, làng, bản không tập hợp được thanh niên, không hút được thanh niên vào các phong trào của Đoàn thì sẽ không có cơ hội để phát hiện, lựa chọn quần chúng ưu tú để bồi dưỡng, giới thiệu cho Đảng.
Theo ĐCSVN