Trong công cuộc cải cách hành chính nhà nước ở cơ sở, đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã không chỉ là đối tượng mà đồng thời còn là chủ thể của tiến trình cải cách ấy. Gắn việc chuẩn hóa và tiến tới nâng cao chất lượng thực sự cho đội ngũ cán bộ, công chức (CB,CC) cấp xã trên địa bàn chính là giải pháp trọng tâm trong xây dựng, hoàn thiện chính quyền ở cơ sở ở tỉnh ta thời gian tới. Để đạt mục tiêu trên cần gắn chặt với khâu đào tạo, bồi dưỡng.
Nhận thức được tầm quan trọng như trên, đồng thời thời triển khai thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTG, ngày 27 tháng 11 năm 2009 của Thủ Tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, Quyết định số 971/QĐ-TTg, ngày 01 tháng 7 năm 2015 về việc sửa đổi bổ sung Quyết định số 1956/QĐ-TTg và các văn bản hướng dẫn của Bộ Nội vụ, Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai đã ban hành Quyết định số 789/QĐ-UBND, ngày 22 tháng 11 năm 2010 về Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã giai đoạn 2011 -2015, Quyết định số 255/QĐ-UBND, ngày 25 tháng 4/2015 về Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã giai đoạn 2015 - 2020. Ngoài ra, Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai cũng đã ban hành các văn bản quy định cụ thể các nội dung, nhiệm vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng phù hợp, tập trung cho việc chuẩn hóa các mặt kiến thức, nhất là trình độ chuyên môn theo chức danh cho cán bộ, công chức xã từ nay cho đến 2020.
Theo thống kê, tính đến 31/12/2015 tổng số cán bộ chuyên trách và công chức cấp xã của tỉnh là 4.695 người, trong đó có 2370 công chức và 2325 cán bộ, có 3.057 nam (chiếm 65.1%), 1.638 nữ (chiếm 35.0 %); có 1.389 người dân tộc thiểu số (chiếm 29.6%). Giai đoạn 2010 - 2015, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã đạt được nhiều kết quả khả quan, cụ thể như sau:
Về đào tạo trình độ đại học: Đã phối hợp với các cơ sở đào tạo mở các lớp như: Luật, Kinh tế, Hành chính, Nông nghiệp, Xây dựng, Xây dựng Đảng và Chính quyền Nhà nước cho 1.635 lượt cán bộ, công chức cấp xã; 128 lượt cán bộ, công chức xã đã được cử đi học cao đẳng, đại học ngành quân sự.
Về đào tạo trình độ trung cấp: Đã mở 02 lớp đào tạo trình độ chuẩn hóa trung cấp chuyên môn cho 78 cán bộ, công chức cấp xã. Cũng đã có 1.491 lượt cán bộ, công chức cấp xã được đào tạo chuẩn hóa trung cấp chuyên môn thuộc các chuyên ngành Luật, Nông nghiệp; 75 lượt cán bộ, công chức cấp xã đào tạo trung cấp quân sự cơ sở; có 289 lượt cán bộ, công chức cấp xã được cử đi đào tạo trung cấp công an xã.
Về bồi dưỡng theo chức danh (13 bộ tài liệu do Bộ Nội Vụ chuyển giao): Có 5.201 lượt cán bộ, công chức đã được bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ.
Về bồi dưỡng kiến thức bổ trợ khác: Có 929 lượt cán bộ, công chức cấp xã được bồi dưỡng kiến thức Quản lý nhà nước 241 lượt cán bộ, công chức cấp xã được bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số Jrai, Bahnar; có 1.464 lượt cán bộ, công chức cấp xã được bồi dưỡng về kiến thức tôn giáo; 5.613 đại biểu và báo cáo viên Hội đồng nhân dân xã được bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới.
Nhìn chung, trong thời gian qua công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã của Gia Lai đã được triển khai và thực hiện dưới nhiều hình thức, nội dung khác nhau và đã có nhiều chuyển biến tích cực; Bản thân CB,CC cấp xã khi học xong các chương trình đào tạo hoặc bồi dưỡng đã nắm được những vấn đề cơ bản về lý luận, được bồi dưỡng và hoàn thiện những kỹ năng cần thiết so với công việc, trở về công tác cơ bản đã phát huy được năng lực nghiệp vụ, tham mưu cho cấp uỷ đảng, chính quyền cơ sở thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả nêu trên, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã của tỉnh Gia Lai vẫn còn một vài hạn chế:
Thứ nhất: Hiện nay nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã lớn nhưng tiến độ, kế hoạch mở lớp còn chậm; Một số cơ quan, đơn vị và cơ sở đào tạo, bồi dưỡng chưa thực sự quan tâm đến công tác chỉ đạo, phối hợp thiếu đồng bộ trong việc quản lý, tổ chức mở lớp đào tạo, bồi dưỡng.
Thứ hai: Việc bồi dưỡng theo chức danh chuyên môn và các kiến thức bổ trợ như ngoại ngữ, tin học, tiếng dân tộc thiểu số…chưa thực sự trở thành nhu cầu thường xuyên của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã.
Thứ ba: Hệ thống các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng của tỉnh chưa được đầu tư đúng mức; bên cạnh đó nội dung chương trình, tài liệu phục vụ giảng dạy còn nặng lý thuyết, thiếu tính trang bị kỹ năng hay khó khăn về nguồn kinh phí cũng là nguyên nhân cơ bản ảnh hưởng đến ĐT, BD cán bộ, công chức cấp xã.
Nguyên nhân của thực trạng trên là do: Việc rà soát, đánh giá chất lượng và phân loại các mặt trình độ của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã trên địa bàn còn chậm; số đông lại là người dân tộc thiểu số nên công tác đánh giá, phân loại trình độ và kỹ năng còn chưa kịp thời. Việc lựa chọn cán bộ, công chức tham gia các lớp đào tạo bồi dưỡng chưa được quan tâm theo hướng thực hiện đúng đối tượng và nội dung đào tạo, đồng thời chưa gắn với quy hoạch sử dụng cán bộ. Đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã trên địa bàn, nhất là cán bộ, công chức người DTTS (Jarai và Bahnar), vùng sâu, vùng xa, cán bộ có tuổi, có hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên tâm lý còn ngại đi học. Bên cạnh đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng còn tình trạng chạy theo số lượng, chưa cử đúng đối tượng đào tạo, học chưa đúng chuyên ngành cần đào tạo, bồi dưỡng vì thế chưa đáp ứng được nhu cầu công việc của cơ quan, tổ chức. Nội dung và chất lượng đào tạo, bồi dưỡng chưa cao; chương trình, giáo trình đào tạo, bồi dưỡng chưa chưa phù hợp với từng đối tượng cán bộ; việc đào tạo, bồi dưỡng còn nặng về lý thuyết, chưa chú ý bồi dưỡng về kỹ năng quản lý điều hành, tổ chức thực hiện, nhất là xử lý những tình huống trong thực tiễn tại cơ sở. Thêm vào đó là chế độ chính sách cho cán bộ, công chức cấp xã được cử đi đào tạo, bồi dưỡng tuy đã được điều chỉnh, bổ sung, nâng cao hơn so với trước, song còn thấp.
Theo đánh giá của Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai về kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã giai đoạn 2015 - 2020 cho thấy hiện nay nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng của cán bộ, công chức cấp xã là rất lớn. Theo đó: Bổ túc văn hóa khoảng 995 người; đào tạo về trung cấp chuyên môn trở lên cho 1.124 người (gồm 1.058 cán bộ chuyên trách và 66 công chức); đào tạo về trình độ trung cấp lý luận chính trị trở lên của cán bộ chuyên trách cấp xã là 850 người, sơ cấp lý luận chính trị trở lên cho công chức chuyên môn ở xã 740 người; bồi dưỡng kiến thức QLNN cho 3.389 người (gồm 1.578 cán bộ chuyên trách và 1.811 công chức chuyên môn); bồi dưỡng về tin học văn phòng cho 1.975 người (gồm 1.448 cán bộ chuyên trách và 527 công chức chuyên môn); bồi dưỡng tiếng dân tộc cho 1.217 người (gồm 200 cán bộ chuyên trách và 1.017 công chức chuyên môn); bồi dưỡng kiến thức quốc phòng an ninh cho 1.776 người và nhu cầu bồi dưỡng khác theo chức danh, vị trí việc làm, kỹ năng cho 4.320 lượt cán bộ, công chức cấp xã. Dự kiến kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã giai đoạn 2015 - 2020 khoảng 73.290.930.000 đồng, trong đó kinh phí bồi dưỡng là 8.222.490.000 đồng, kinh phí đào tạo chiếm 65.068.440.000 đồng.
Để nâng cao hơn nữa chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã ở Gia Lai, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã trong thời gian tới cần hướng vào một số vấn đề trọng tâm sau đây:
Thứ nhất: Nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và đội ngũ cán bộ công chức xã về vai trò, tầm quan trọng của hoạt động đào tạo, bồi dưỡng. Từ việc nhận thức đúng đắn sẽ là cơ sở xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể trong đào tạo, bồi dưỡng tại địa phương.
Có thể nói, ý thức của công chức cấp xã, của các nhà quản lý trong việc học tập, cập nhật kiến thức, nâng cao kỹ năng phục vụ trong công việc đang là yếu tố cản trở rất lớn đối với quá trình đào tạo, bồi dưỡng hiện nay. Nhận thức của một số cán bộ, công chức cấp xã hiện nay đang tồn tại những cách nhìn không đúng về việc tham gia các khóa về đào tạo, bồi dưỡng, chẳng hạn như xem đó chỉ là hoạt động bắt buộc theo quy định của nhà nước hay tư tưởng học vì bằng cấp, chức vụ chứ không phải vì chính nhu cầu công việc của cán bộ, công chức cấp xã.
Do đó, cần nhận thức đúng về vai trò quan trọng của việc đào tạo, bồi dưỡng. vì tự thân nhà quản lý, đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã hiểu và làm sẽ tác dụng hơn là bị ép buộc từ các quy định của nhà nước hay các yếu tố khác tác động từ bên ngoài khác. Nhận thức đúng đắn và có động lực từ bên trong sẽ thúc đẩy cán bộ, công chức cấp xã nổ lực học tập, phấn đấu trước hết vì bản thân mình, từ đó góp phần vào việc thực hiện tốt hơn công việc và nhiệm vụ được giao.
Thứ hai: Rà soát lại tổng thể đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã trên địa bàn về số lượng, chất lượng theo từng nhóm chức danh, gắn với vị trí công việc hiện tại của họ để xác định rõ những mặt hạn chế và yếu kém. Cần dựa vào các tiêu chí nói trên để đào tạo, bồi dưỡng nhằm chuẩn hóa sử dụng lâu dài, hay bổ sung, thay thế; chú trọng đến cán bộ, công chức người DTTS, cán bộ, công chức là nữ.
Trên cơ sở đó, cần tập trung hoàn thành mục tiêu nâng số lượng 80% cán bộ chuyên trách và 97% công chức cấp xã trên địa bàn tỉnh đạt trình độ THPT, không có trình độ tiểu học; Phấn đấu có 85% cán bộ chuyên trách đạt chuẩn trung cấp lý luận chính trị và 60% công chức cấp xã đạt sơ cấp chính trị trở lên; Có 85 % cán bộ, công chức người Kinh làm việc trong vùng đồng bào DTTS có thể sử dụng tiếng người dân tộc tại chỗ.
Thứ ba: Mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã là nhằm trang bị, củng cố và nâng cao kiến thức, năng lực thực tiễn, điều hành và thực thi công vụ. Do đó, hoạt động đào tạo, bồi dưỡng phải kết hợp trang bị kiến thức chuyên môn, kỹ năng và nghiệp vụ tại cơ sở. Tập trung đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng công tác, ưu tiên các kỹ năng cán bộ, công chức còn yếu như giao tiếp, tiếp dân, tham mưu, đề xuất giải quyết công việc, soạn thảo văn bản, hòa giải.
Thứ tư: Hoạt động đào tạo, bồi dưỡng của địa phương cần gắn liền với xem xét phân loại nhu cầu đào tạo của cán bộ, công chức cấp xã. Xem xét nhu cầu nào là quan trọng, là cần thiết và trước mắt, nhu cầu nào cần đào tạo ngay, nhu cầu nào có thể lùi lại. Đồng thời, cần có cơ chế đặc biệt tiếp tục khuyến khích cán bộ, công chức không ngừng tự học tập, tự bồi dưỡng. Có thể học dưới nhiều hình thức khác nhau như: Học tập trung, học ngoài giờ; học tại chức, từ xa, liên thông…Đây là biện pháp giải quyết nhu cầu đào tạo đỡ tốn chi phí nhất.
Thứ năm: Chú trọng đặc biệt vào chương trình và khâu biên soạn tài liệu đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã. Nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng cần được đổi mới theo hướng thiết thực, sát với đối tượng và mục tiêu đào tạo. Hướng tới sửa đổi, bổ sung vào các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã phù hợp theo từng chức danh, vị trí việc làm.
Chương trình đào tạo, bồi dưỡng cần xác định đến tính đặc thù của của cán bộ, công chức chính quyền cấp xã là địa bàn miền núi còn có những yếu kém về trình độ học vấn, nghề nghiệp và kiến thức bổ trợ nên tài liệu cần được xây dựng phù hợp, gắn lý luận với thực tiễn, chú ý rèn luyện những kỹ năng cần thiết nhất phục vụ cho công việc của cán bộ, công chức cấp xã.
Thứ sáu: Chú trọng vào xây dựng cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên làm công tác giảng dạy tại trường Chính trị tỉnh, các trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện, các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng khác trên địa bàn có cơ cấu hợp lý, có trình độ, năng lực thực tiễn. Bên cạnh đó, cần chú trọng vào đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng tích cực, hiện đại. Việc giảng dạy nên kết hợp mời các cán bộ, công chức có kinh nghiệm thực tiễn về quản lý trên địa bàn đến trao đổi với học viên trong các chuyên đề bồi dưỡng.
Thứ bảy: Cần đánh giá tổng quát khách quan và minh bạch chất lượng cán bộ, công chức chính quyền cấp xã sau đào tạo, bồi dưỡng đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý cán bộ, công chức chính quyền cấp xã sau đào tạo, bồi dưỡng từ đó có những điều chỉnh kịp thời với hoạt động này tại địa phương.
Tóm lại, có thể thấy rằng: Nâng cao năng lực và trình độ mọi mặt của đội ngũ cán bộ, công chức chính quyền cấp xã là nhân tố quyết định đến hiệu lực và hiệu quả hoạt động của chính quyền và cải cách hành chính nhà nước ở cơ sở hiện nay. Nghị định số 18/2010/NĐCP, ngày 05 tháng 3 năm /2010 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cũng đã nhấn mạnh mục tiêu trong đào tao, bồi dưỡng cán bộ, công chức: "Đào tạo, bồi dưỡng theo vị trí việc làm nhằm trang bị, cập nhật kiến thức, kỹ năng, phương pháp cần thiết để làm tốt công việc được giao". Do đó, để thực hiện mục tiêu nói trên công tác đào tạo, bồi dưỡng CB,CC cấp xã trên địa bàn cần phải được đổi mới một cách cơ bản, toàn diện, đồng bộ để hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã thực sự trở thành giải pháp hữu hiệu nhất đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện chính quyền cơ sở hiện nay.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX, Nxb CTQG, H.2002, tr.167-168.
2. Báo cáo thống kê số lượng, chất lượng cán bộ, công chức chính quyền cấp xã năm 2016, Sở nội vụ tỉnh Gia Lai.
3. Báo cáo số 19/BC-UBND ngày 22 tháng 02 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai; về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã thực hiện theo quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
4. Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã giai đoạn 2011-2015, ban hành kèm theo Quyết định số 738/QĐ-UBND ngày 22/11/2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai.
5. Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã giai đoạn 2015 – 2020 theo quyết định số 124/QĐ-TTg ngày 16/1/2014 của Thủ tướng Chính phủ; Ban hành kèm theo Quyết định số 255/QĐ-UBND ngày 25/4/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai.
6. Nghị định số 18/2010/NĐ-CP ngày 05/03/2010 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức.
Lê Thị Tình
GV. Khoa Nhà nước và Pháp luật
Trường Chính trị tỉnh Gia Lai