Tính chung trong toàn tỉnh, trong 5 năm đã có 23/54 cá nhân điển hình tiên tiến là người đồng bào dân tộc thiểu số được tỉnh và Trung ương khen thưởng; có 92/195 cá nhân vinh dự được trao tặng Huy hiệu Bác Hồ; hàng trăm gương được viết bài, biên tập sách “Người tốt, việc tốt làm theo gương Bác” của tỉnh.
Gia Lai là một tỉnh miền núi biên giới, ở phía bắc Tây Nguyên, có 34 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó, dân tộc thiểu số chiếm 45,8%; có hơn 1.000 thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm gần 50% tổng số thôn, làng, tổ dân phố của toàn tỉnh. Xác định việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là một trong những nội dung có ý nghĩa quan trọng, xuyên suốt trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đặc biệt là sau khi Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị 03-CT/TW, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai đã tập trung chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp nghiêm túc triển khai thực hiện trong toàn Đảng bộ. Trong đó, chú trọng việc thực hiện Chỉ thị gắn với Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và các chủ trương khác của Trung ương và địa phương...
Đồng thời, chỉ đạo làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh với nhiều hình thức, cách làm phù hợp với từng đối tượng cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Tập trung đưa việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đi vào thường xuyên, trở thành nguồn lực tinh thần to lớn, cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số đem hết sức lực, tài năng, trí tuệ, đạo đức làm nhiều việc có ích cho xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi những mục tiêu phát triển của địa phương.

Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị
Nắm vững được đặc thù, tâm lý của đồng bào dân tộc thiểu số, cấp ủy, chính quyền, các cấp trong tỉnh đã tranh thủ, phát huy tốt vai trò nòng cốt của cán bộ, đảng viên, nhất là các già làng, trưởng thôn, buôn là người dân tộc thiểu số. Đội ngũ này chính là cầu nối giữa cấp ủy, chính quyền địa phương tới bà con dân tộc thiểu số. Chính nhờ thông qua hành động tự nêu gương và công tác vận động thường xuyên, cụ thể, sát thực với nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số mà các già làng, bí thư chi bộ, trưởng thôn, buôn đã làm tốt công tác tuyên truyền, góp phần không nhỏ trong việc đẩy mạnh việc làm theo gương Bác ở cơ sở. Đặc biệt, đã tạo được sự đoàn kết nhất trí trong cộng đồng dân cư và xây dựng được niềm tin của đồng bào đối với sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý điều hành của chính quyền các cấp. Nhờ đó, tình trạng đồng bào dân tộc thiểu số vượt biên trái phép được hạn chế. Những tai, tệ nạn xã hội như “ma lai”, “thuốc thư”, nạn tự tử trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm đáng kể. Đồng bào đã có sự cảnh giác trước các âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, không nghe theo lời kẻ xấu xúi dục.
Việc học tập và làm theo gương Bác đã gắn bó chặt chẽ với các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước như: Phong trào “phụ nữ giúp nhau làm kinh tế”, đã vận động giúp trên 15.000 chị em phụ nữ vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh không tính lãi với số tiền gần 7 tỷ đồng; Phong trào xây dựng nông thôn mới đã thu hút nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở tất cả 17 huyện, thị xã, thành phố tự nguyện hiến đất làm đường xây dựng nông thôn mới, hiến đất xây dựng các công trình phúc lợi của địa phương, có những hộ dân đã hiến đến 6.000m2 đất để làm đường. Bên cạnh đó, các phong trào “lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo làm giàu chính đáng”... đã khuyến khích nhiều hộ đồng bào vươn lên làm giàu. Thông qua các phong trào thi đua, việc học tập và làm theo gương Bác thật sự trở thành việc làm thường xuyên, liên tục, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và có ảnh hưởng tích cực đến đời sống, sản xuất của của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số. Nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số từ chỗ còn có nhiều hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, từ chỗ thiếu cái ăn, cái mặc, còn sản xuất theo kiểu du canh, du cư, phá rừng làm nương rẫy, thì đến nay cuộc sống đã thay đổi. Nhiều hộ gia đình đã có của ăn của để, có những hộ gia đình thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm, có nhiều hec ta rẫy cố định và đặc biệt đã biết áp dụng các phương thức sản xuất hiện đại; một số thủ tục lạc hậu đã được bãi bỏ như: Tục chôn chung, nối dây... ; một số lễ hội dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số Jrai và Bahnar trước kia tổ chức từ 5 đến 7 ngày, thì nay giảm xuống từ 1 đến 2 ngày.
Việc làm theo gương Bác ngày càng được nhân rộng và có sức lan tỏa mạnh mẽ; đã xuất hiện ngày càng nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiêu biểu, gương “người tốt, việc tốt” làm theo gương Bác trong đồng bào dân tộc thiểu số. Tiêu biểu như Làng Mrah, Làng Ktăng (xã Kdang, huyện Đăk Đoa) là hai làng tiêu biểu về phát triển kinh tế - xã hội, ổn định an ninh chính trị; Làng O ngol (xã Ia Vêr, huyện Chư Prông) đã giữ gìn, phát huy tốt bản sắc văn hóa truyền thống, 10 năm liền đạt danh hiệu làng văn hóa cấp tỉnh … và các cá nhân điển hình, gương “người tốt, việc tốt” như: Đinh Văn Ring là hội viên sản xuất giỏi với thu nhập gần 150 triệu đồng/năm, thường xuyên cho hộ nghèo trong làng vay tiền để sản xuất mà không tính lãi; già làng Đinh Yom có thành tích nổi bật trong vận động nhân dân làng Stơr, huyện Kbang tham gia xây dựng nông thôn mới, với 96.000.000 đồng xây nhà văn hóa, hơn 500 ngày công sửa nhà cho dân làng; Đinh Văn Nơ là thanh niên tiêu biểu có vai trò to lớn trong vận động thanh niên khai hoang 2 cánh đồng lúa nước, xây dựng 2 cầu dân sinh và 1000 ngày công sửa chữa nhà cho dân làng… những tấm gương tiêu biểu này đã thật sự có sức lan tỏa mạnh mẽ, góp phần cổ vũ, khơi dậy trong nhân dân tình đoàn kết gắn bó, xây dựng phát triển kinh tế, xây dựng đời sống mới ngày càng tốt đẹp hơn.
Tính chung trong toàn tỉnh, trong 5 năm đã có 23/54 cá nhân điển hình tiên tiến là người đồng bào dân tộc thiểu số được tỉnh và Trung ương khen thưởng; có 92/195 cá nhân vinh dự được trao tặng Huy hiệu Bác Hồ; hàng trăm gương được viết bài, biên tập sách “Người tốt, việc tốt làm theo gương Bác” của tỉnh. Tuy còn ở mức khiêm tốn, nhưng cũng đã phản ánh thật sự kết quả bước đầu đẩy mạnh làm theo gương Bác trong đồng bào các dân tộc thiểu số ở tỉnh.
Nhằm động viên, khích lệ những tấm gương tiêu biểu, nhân rộng những nhân tố tích cực trong học tập và làm theo gương Bác, tỉnh luôn chú trọng công tác phát hiện, biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân điển hình tiêu biểu, gương “người tốt, việc tốt”; hằng năm đều tổ chức Lễ báo công dâng Bác vào dịp kỷ niệm Ngày sinh của Người.
Từ những kết quả đạt được trong quá trình thực hiện chỉ thị 03-CT/TW trong đồng bào dân tộc thiểu số, có thể nêu ra một số kinh nghiệm bước đầu như: Cấp ủy, chính quyền các cấp nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống phải kiên trì, chủ động tranh thủ, phát huy vai trò nòng cốt của cán bộ, đảng viên, các già làng, trưởng thôn, buôn là người dân tộc thiểu số. Đây chính là đội ngũ cốt cán, có uy tín và có tiếng nói quan trọng trong nhiều lĩnh vực đời sống xã hội ở cơ sở. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân học tập và làm theo gương Bác bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, để bà con dễ hiểu, dễ vận dụng làm theo, nhất là việc từng bước xóa bỏ những hủ tục, tập quán lạc hậu.
Chú trọng việc tuyên truyền, cổ vũ, động viên, nhân rộng các tập thể thôn, làng và các cá nhân điển hình tiêu biểu, gương “người tốt, việc tốt” là người đồng bào dân tộc thiểu số; kịp thời biểu dương, khen thưởng cá nhân là người đồng bào dân tộc thiểu số có những cách làm hay, thiết thực trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội để góp phần tích cực vào công tác tuyên truyền việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Cán bộ, đảng viên công tác, sinh sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số phải có tác phong dân chủ, nêu gương; gương mẫu, đi đầu trong học tập và làm theo gương Bác bằng những việc làm cụ thể, thiết thực để đồng bào nhìn nhận và học tập làm theo. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nội dung tuyên truyền, trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số phải phong phú, đa dạng nhưng ngắn gọn, cụ thể, rõ ràng, dễ hiểu, phù hợp với tâm lý của người đồng bào; nhất là tập trung giải quyết hiệu quả ngay từ cơ sở những khó khăn, vướng mắc trong đời sống của người đồng bào dân tộc thiểu số.
Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đưa việc làm theo gương Bác ngày càng đi vào thực chất, trở thành việc làm thường xuyên, hằng ngày trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân luôn được tỉnh xác định là nhiệm vụ chính trị xuyên suốt, trọng yếu. Để tiếp tục đạt được những kết quả tích cực trong học tập và làm theo gương Bác góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của tỉnh, trước hơn hết cần phải có sự cố gắng nỗ lực, sự đoàn kết quyết tâm, đồng sức, đồng lòng của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân.
Bài, ảnh: Phạm Hòa