Ia Grai là huyện biên giới phía Tây của tỉnh, huyện có 12 xã, 01 thị trấn với 133 thôn, làng, tổ dân phố; có 2 xã vùng sâu tiếp giáp CamPuChia. Toàn huyện có 20 dân tộc cư trú trên địa bàn với tổng dân số 105.648 người; trong đó dân tộc thiểu số 47.732 người, chiếm 45,18% dân số toàn huyện.
Trong những năm qua, cùng với những kết quả đạt được trên các mặt kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, công tác dân vận tiếp tục có những chuyển biến tích cực cả về nội dung, phương pháp và cách thức vận động quần chúng. Cấp ủy và người đứng đầu các địa phương, đơn vị đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, góp phần xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, tăng cường đoàn kết, thống nhất trong nội bộ và củng cố lòng tin của nhân dân. Qua đó, các tầng lớp nhân dân trong huyện phấn khởi trước việc các cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể quan tâm, có các chính sách chăm lo, hỗ trợ cho gia đình chính sách, các đối tượng xã hội. Công tác dân vận của chính quyền các cấp ngày càng có sự chuyển biến tích cực trong việc tham gia giải quyết các đơn thư khiếu nại của người dân; giải quyết các nhu cầu chính đáng của nhân dân. Cán bộ, công chức, viên chức chú trọng xây dựng tác phong, cải tiến lề lối làm việc, nâng cao ý thức, thái độ phục vụ nhân dân. Chính quyền các cấp tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính, thực hiện tốt công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại tố cáo, kịp thời sửa đổi, bổ sung các quy trình, thủ tục theo hướng thuận tiện cho nhân dân.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác dân vận của hệ thống chính trị huyện cũng còn một số hạn chế đó là: Việc lãnh đạo, chỉ đạo về công tác dân vận ở một số cấp ủy Đảng cơ sở chưa đạt hiệu quả cao. Trách nhiệm của chính quyền trong công tác dân vận chưa thực hiện đầy đủ; giải quyết những vấn đề khó khăn, bức xúc trong đời sống nhân dân có lúc, có nơi chưa kịp thời. Nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội ở một số nơi chậm đổi mới và có biểu hiện hành chính hóa. Bên cạnh đó các thế lực thù địch tăng cường lợi dụng vấn đề tôn giáo, dân tộc, dân chủ, nhân quyền để kích động, lôi kéo gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Nguyên nhân của những tồn tại hạn chế nêu trên là: Nhận thức và trách nhiệm về thực hiện công tác dân vận của một số cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị còn hạn chế, chưa thật sự chú trọng đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, triển khai thực hiện công tác dân vận. Công tác kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc thực hiện chương trình phối hợp công tác dân vận ở một số cơ sở chưa được thường xuyên. Việc nắm bắt và giải quyết những vấn đề bức xúc trong dân có việc chưa kịp thời có nơi còn để kéo dài. Vai trò giám sát của Mặt trận và các đoàn thể chưa được phát huy, việc vận dụng cơ chế, quy định vào công việc cụ thể còn lúng túng, vướng mắc.
Nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác dân vận trong thời gian tiếp theo, tôi xin đề xuất một số nhiệm vụ, giải pháp như sau: Tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về công tác dân vận. Đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và các hội quần chúng. Tăng cường chỉ đạo đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận của các cơ quan nhà nước, trọng tâm là tiếp tục thực hiện Kết luận số 114-KL/TW, ngày 14/7/2015 của Ban Bí thư về “Nâng cao hiệu quả công tác dân vận của cơ quan nhà nước các cấp” và Kết luận số 120-KL/TW, ngày 07/01/2016 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở”. Tiếp tục cụ thể hóa các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về công tác dân vận đối với các tầng lớp xã hội.
Thực hiện tốt chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc và công tác tôn giáo. Đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy trong việc thực hiện công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng đồng bào có đạo; đấu tranh phòng, chống các hành vi lợi dụng các vấn đề dân tộc và tôn giáo để chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc. Quan tâm xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận. Kịp thời củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ dân vận, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với các tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện các nhiệm vụ của công tác dân vận.
Tiếp tục quan tâm xây dựng và phát huy vai trò người uy tín, già làng, trưởng thôn trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số để làm nòng cốt trong việc tổ chức thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, phong trào thi đua “Dân vận khéo” ở địa bàn cơ sở gắn với việc xây dựng các mô hình, điển hình tập thể, cá nhân trong các phong trào hành động cách mạng để nhân rộng tạo sự lan tỏa trong đồng góp phần xây dựng phát triển kinh tế, xã hội, ổn định đời sống, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.
Trường Xuân