Ngày 29/10, tại Đà Nẵng, Tạp chí Cộng sản phối hợp với Thành ủy Đà Nẵng tổ chức Hội thảo khoa học - thực tiễn với chủ đề "Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế". Đây là dịp để các chuyên gia kinh tế cùng thảo luận đánh giá về tầm quan trọng của thành phần kinh tế tư nhân trong nền kinh tế thị trường Việt Nam hiện nay.
PGS.TS. Đoàn Minh Huấn, Phó Tổng biên tập phụ trách Tạp chí Cộng sản phát biểu tại Hội thảo (Ảnh: KS)
Trình bày đề dẫn tại tại Hội thảo, TS Phạm Tất Thắng, Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản cho biết: Đại hội Đảng lần thứ XII đã khẳng định, nền kinh tế thị trường định hướng XHCN là nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế; có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo nhằm mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh"; có quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất; có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế trong đó kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế.
Thực hiện nền kinh tế nhiều thành phần định hướng XHCN, kinh tế tư nhân ở nước ta không chỉ là một bộ phận cấu thành mà đã trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế, là một thực thể không chỉ mang tính lý luận mà còn được soi rọi ngày càng sáng tỏ trong thực tiễn. Đặc biệt, với các chính sách ngày càng hoàn thiện, kinh tế tư nhân đã được hỗ trợ để phát triển trên rất nhiều lĩnh vực. Theo số liệu đã được công bố, hiện nay Việt Nam có khoảng 500 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, tạo việc làm cho khoảng 15 triệu lao động và gần 2/3 thu nhập của nền kinh tế quốc dân.
Tuy nhiên, có một thực tế là doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu dừng lại ở quy mô vừa và nhỏ, vốn ít, thiếu các lĩnh vực công nghiệp nặng, kỹ thuật cao. Đó là chưa kể, phần lớn doanh nghiệp tư nhân đều gặp hạn chế về trình độ quản lý, chất lượng sản phẩm... Điều này cho thấy doanh nghiệp tư nhân Việt Nam sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình hội nhập không chỉ ở thị trường quốc tế mà còn chính trên “sân nhà”.
Để thực hiện thắng lợi đường lối kinh tế của Đảng cũng như hội nhập ngày càng sâu rộng với nền kinh tế thế giới, các đại biểu cho rằng Việt Nam cần có sự nhất quán trong chỉ đạo của Đảng và Nhà nước trên cơ sở chuẩn bị đầy đủ về lý luận cũng như thực tiễn xuyên suốt quá trình đổi mới. Thực hiện kinh tế thị trường là nhằm tạo ra sự cạnh tranh công bằng cho các thành phần kinh tế theo hành lang pháp luật, từ đó tạo ra giá trị cuối cùng là lợi ích và lợi nhuận mang tính xã hội. Bên cạnh đó, với một Chính phủ kiến tạo, điều quan trọng là các cơ quan Nhà nước cần phải thực thi đúng luật, tôn trọng, bảo hộ quyền tự do kinh doanh, quyền sở hữu tài sản hợp pháp của công dân. Đối với các khó khăn của khu vực kinh tế tư nhân, Nhà nước cần có hướng giải quyết cụ thể, tránh tình trạng "nặng công, nhẹ tư" gây bất bình đẳng trong hoạt động của các thành phần kinh tế.
Nhấn mạnh phát triển kinh tế tư nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN là một xu thế khách quan, tuy nhiên một số ý kiến cho rằng để đưa kinh tế tư nhân phát triển đúng quỹ đạo lại là một nhiệm vụ hết sức phức tạp, lâu dài và khó khăn. Trong đó, kinh tế tư nhân chỉ có thể phát triển đúng định hướng khi Đảng và Nhà nước có chính sách, cơ chế và biện pháp quản lý vừa không làm mất động lực phát triển vừa không để nó vận động tự phát và ngoài vòng pháp luật.
Toàn cảnh Hội thảo (Ảnh:KS)
Bên cạnh những vấn đề nêu trên, các chuyên gia kinh tế cũng đã tập trung thảo luận về những lý luận và thực tiễn chung về kinh tế tư nhân và phát triển kinh tế tư nhân; đồng thời đề xuất những kiến nghị, giải pháp về cơ chế quản lý, chính sách để phát triển kinh tế tư nhân ở Đà Nẵng nói riêng, các tỉnh, thành miền Trung - Tây Nguyên và cả nước nói chung.
Phát biểu kết luận Hội thảo, PGS.TS. Đoàn Minh Huấn, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Tổng biên tập phụ trách Tạp chí Cộng sản đánh giá cao những ý kiến của các đại biểu xoay quanh vấn đề kinh tế tư nhân trong giai đoạn hiện nay. Các tham luận đã phần nào nêu bật được vai trò của kinh tế tư nhân trong sự phát triển chung của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN của Việt Nam. Đặc biệt, một số ý kiến đã đề cập đến nhiều khía cạnh, gợi mở nhiều vấn đề mới về phát triển kinh tế tư nhân giúp các cơ quan quản lý Nhà nước có cơ sở đánh giá và vận dụng trong thực tiễn.
Với vai trò là đơn vị chủ trì và tổ chức Hội thảo, Tạp chí Cộng sản sẽ ghi nhận toàn bộ các ý kiến, tham luận của các đại biểu, từ đó có những kiến nghị và đề xuất với Ban Kinh tế Trung ương cũng như các cơ quan quản lý Nhà nước để kinh tế tư nhân ngày càng thể hiện vai trò là động lực quan trọng của nền kinh tế quốc dân./.
Kim Sơn
(Theo ĐCSVN)