Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến vấn đề đại đoàn kết. Đây là tư tưởng xuyên suốt, nhất quán trong tư duy lý luận và hoạt động thực tiễn của Người và đã trở thành chiến lược cách mạng của Đảng ta, gắn liền với những thắng lợi vẻ vang của dân tộc qua các thời kỳ đấu tranh cách mạng.
« Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết
Thành công, thành công, đại thành công »
Là một tỉnh nằm ở vị trí địa chính trị, địa kinh tế quan trọng của khu vực Tây Nguyên cũng như của cả nước, Gia Lai luôn được sự quan tâm của Bác Hồ, của Đảng. Ngày 19/4/1946, Bác Hồ đã viết thư gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam (tổ chức tại Pleiku), để động viên, khuyến khích các dân tộc anh em đoàn kết đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên tại Quảng trường Đại đoàn kết. Ảnh: Đăng Vũ
Trong thư, Người viết: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau.” Nhận thức sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vấn đề dân tộc và đoàn kết dân tộc, từ khi thành lập đến nay, Đảng bộ tỉnh Gia Lai đã thực hiện đúng đắn chính sách dân tộc, với quan điểm, chủ trương nhất quán đó là “đoàn kết - bình đẳng - tương trợ”, với phương châm vận động “kiên nhẫn - thận trọng - chắc chắn” nhằm chống mọi âm mưu chia rẽ dân tộc của kẻ thù và không ngừng củng cố khối đoàn kết toàn dân để thực hiện nhiệm vụ kháng chiến trong thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc và trong công cuộc kiến thiết xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, chính quyền các cấp tỉnh Gia Lai luôn chú trọng tuyên truyền, giáo dục để nhân dân trong tỉnh nắm vững, thực hiện đầy đủ chính sách đoàn kết dân tộc của Đảng, của Bác Hồ; đồng thời, quan tâm nghiên cứu, tìm hiểu đặc điểm, tâm lý, tập quán của từng dân tộc, từng vùng, từng làng... để có những hình thức tổ chức và hoạt động thích hợp trong công tác vận động đồng bào các dân tộc trong tỉnh đoàn kết chống ngoại xâm. Thấm nhuần lời dạy của Người “Trước kia chúng ta xa cách nhau, một là vì thiếu giây liên lạc, hai là vì có kẻ xui giục để chia rẽ chúng ta… Giang sơn và Chính phủ là giang sơn và Chính phủ chung của chúng ta. Vậy nên tất cả dân tộc chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ để giữ gìn nước non ta, để ủng hộ Chính phủ ta.” nhiều cán bộ, đảng viên người Kinh vượt qua mọi gian khổ, hiểm nguy, thực hiện ba cùng (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) với đồng bào dân tộc Bahnar, Jrai và được đồng bào coi như những người đồng tộc. Tin tưởng ở cán bộ, ở Đảng và Bác Hồ, nhân dân các dân tộc Gia Lai đã xây dựng căn cứ, rào làng chiến đấu, lập Hội đánh Tây, nhóm kháng chiến trong thanh niên, phụ nữ, bô lão; tổ chức lễ ăn thề đoàn kết đánh Pháp, đánh Mỹ... phong trào cách mạng lan rộng trong quần chúng nhân dân từ các vị già làng, chức sắc tôn giáo, nhân sĩ trí thức, học sinh, binh lính yêu nước... đều hăng hái tham gia đánh Tây.
Trong suốt những năm tiến hành chiến tranh cách mạng, tình đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc trong tỉnh luôn được giữ vững và đó cũng là nền tảng, là yếu tố quan trọng làm nên những chiến công vang dội như chiến thắng Đak Pơ, Plei Me, hay chiến thắng Đường 7 sông Bờ lịch sử..., góp phần cùng cả nước hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ, giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà vào mùa Xuân đại thắng năm 1975.
Bước vào thời kỳ đổi mới, song song với nhiệm vụ phát triển kinh tế thì nhiệm vụ chính trị tư tưởng cũng hết sức được quan tâm. Trước âm mưu "diễn biến hòa bình", bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, Đảng bộ tỉnh Gia Lai tiếp tục vận dụng tư tưởng đại đoàn kết, trong đó tăng cường xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc; chú trọng công tác giáo dục tư tưởng, chính trị, gắn liền với nhiệm vụ chăm lo đời sống vật chất, văn hóa tinh thần cho nhân dân, nhất là đồng bào ở vùng căn cứ cách mạng và vùng giải phóng; chăm lo phát triển cán bộ, đảng viên, cốt cán người địa phương. Bên cạnh đó, xây dựng các chính sách xóa đói, giảm nghèo, giao đất, giao rừng, hỗ trợ xã nghèo, hộ nghèo, xóa mù chữ, phát triển sự nghiệp giáo dục - đào tạo, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng điện, đường, trường học, trạm y tế... nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, nhất là vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Đến nay, sau gần 30 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh luôn phát huy sức mạnh đoàn kết, vận dụng sáng tạo đường lối đổi mới, nhanh chóng nắm bắt thời cơ, khai thác tiềm năng, thế mạnh, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách và đã đạt được những thành tựu to lớn: Nền kinh tế của tỉnh duy trì tốc độ tăng trưởng khá, bình quân hằng năm tăng 12,81%; GRDP bình quân đầu người đạt gần 35 triệu đồng/người/năm, bằng 70,7% so với bình quân chung của cả nước; cơ cấu kinh tế, cơ cấu đầu tư chuyển dịch hợp lý. Công nghiệp, xây dựng duy trì tốc độ tăng trưởng khá, giá trị sản xuất tăng bình quân 15,8%/năm. Thương mại, dịch vụ tăng bình quân 15,5%/năm. Xuất khẩu tăng trưởng bình quân 16,15%/năm. Thu ngân sách trên địa bàn hằng năm tăng 7,81%/năm. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục được phát triển. Nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn với xuất khẩu và công nghiệp chế biến, giá trị sản xuất gấp 1,41 lần so với năm 2010, tăng bình quân 7,2%/năm.
Cùng với phát triển kinh tế, các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục phát triển, an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống nhân dân được cải thiện; các vấn đề bức xúc được tập trung giải quyết; các gia đình chính sách, người có công, đối tượng xã hội được quan tâm chăm sóc. Y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa, thể thao, thông tin truyền thông, giải quyết việc làm có chuyển biến tích cực, giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 27,56% năm 2010 xuống còn 11,67% năm 2015. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng căn cứ cách mạng tiếp tục được cải thiện. Công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc được quan tâm.
Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa được triển khai có hiệu quả. Chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo được thực hiện khá tốt góp phần tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc trong tỉnh. Công tác quốc phòng - an ninh được đẩy mạnh; đã quan tâm xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, nhất là thế trận “lòng dân”, xây dựng lực lượng vũ trang địa phương vững mạnh toàn diện, từng bước chính quy, hiện đại. Đấu tranh làm thất bại chiến lược “Diễn biến hoà bình”, ”bạo loạn, lật đổ” và các hoạt động gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc của các thế lực thù địch, góp phần bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững ổn định chính trị. Từ đó, khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố; quyền làm chủ của nhân dân được phát huy; nhân dân ngày càng nhận thức sâu sắc hơn sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng.
Những kết quả mà Tỉnh Gia Lai đã đạt được trong quá trình đấu tranh, xây dựng và phát triển, là kết quả của sự đấu tranh kiên cường, đoàn kết một lòng và bền bỉ của nhân dân các dân tộc trong tỉnh dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Điều đó càng khẳng định tính đúng đắn và giá trị to lớn về vấn đề đại đoàn kết trong tư tưởng của Bác Hồ nói chung và thư của Người gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam tại Pleiku nói riêng.
Phạm Hòa