Tiếp tục thực hiện tốt các chủ trương, nghị quyết của các cấp ủy, quy định của các bộ, ngành, Học viện về công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh. Phấn đấu đạt các chỉ tiêu, nghị quyết có liên quan đến công tác đào tạo, bồi dưỡng đề ra.
Những năm qua, xác định công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức là nền tảng quyết định sự thành công của công cuộc cải cách hành chính, đáp ứng mục tiêu nâng cao kiến thức, năng lực quản lý, điều hành và thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Ban Thường vụ Tỉnh ủy luôn quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; chủ động trong công tác quy hoạch, xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; tạo cơ chế phối hợp kịp thời giữa các cơ quan chức năng. Đồng thời, tiến hành phân công, phân cấp phù hợp, cụ thể nhằm phát huy trách nhiệm của cấp ủy, thủ trưởng các cấp, các ngành trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.
Trên cơ sở thực hiện Nghị định số 18/NĐ-CP ngày 05 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức; Quyết định số 1374/QĐ-TTg ngày 12 tháng 8 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ quyết định về việc phê duyệt Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức giai đoạn 2011 - 2015; Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 837/QĐ-UBND ngày 16 tháng 12 năm 2011 về việc ban hành kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức tỉnh Gia Lai giai đoạn 2011 - 2015; Quyết định số 39/2010/QĐ-UBND quy định chế độ hỗ trợ sau đại học và chính sách thu hút người có trình độ cao về công tác tại tỉnh Gia Lai. Đến nay, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được triển khai thực hiện nghiểm túc và đạt được những kết quả tích cực.
Hằng năm, theo chỉ tiêu phân bổ của Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy tiến hành tổng hợp nhu cầu của các cơ quan, đơn vị và xét duyệt, cử cán bộ, công chức tham gia các lớp đào tạo cao cấp lý luận chính trị hệ tập trung tại các cơ sở đào tạo khu vực và hệ tại chức tại tỉnh. Trong giai đoạn 2011- 2015: Đã cử 758 cán bộ, công chức của tỉnh đi học các lớp đào tạo cao cấp lý luận chính trị, trong đó có 230 cán bộ, công chức theo học các lớp hệ tập trung tại Học viện Chính trị khu vực III, 1 cán bộ quy hoạch chức danh lãnh đạo cấp tỉnh theo học tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ chí Minh và 527 cán bộ, công chức theo học các lớp hệ tại chức mở hằng năm tại Trường Chính trị tỉnh; cử 2 cán bộ, công chức theo học lớp đại học chính trị văn bằng 2 chuyên ngành công tác tổ chức, công tác tôn giáo tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Trường Chính trị tỉnh đã đào tạo và cấp bằng tốt nghiệp trung cấp lý luận chính trị cho 3.862 học viên là cán bộ, công chức các cấp của tỉnh.

Một lớp bồi dưỡng cho cán bộ chủ chốt cấp tỉnh
Thường xuyên quan tâm đến công tác đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đảm bảo giỏi về chuyên môn, tinh thông về nghiệp vụ, có đủ phẩm chất, năng lực đảm nhận các vị trí, chức danh lãnh đạo, quản lý và thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Giai đoạn từ 2011 - 2015, tỉnh đã cử 281 cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo trình độ cao tại các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước, đạt tỷ lệ 0,93% trong tổng số cán bộ, công chức, viên chức toàn tỉnh.
Công tác bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức cấp tỉnh và cấp huyện luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm. Ngoài bồi dưỡng kiến thức về các lĩnh vực như: Kiến thức quản lý nhà nước theo ngạch, kiến thức chuyên ngành, các loại kiến thức bổ trợ, bồi dưỡng tin học, tiếng dân tộc Jrai, Bahnar… tỉnh đã luôn chú trọng quan tâm đến công tác đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có trình độ sau đại học cho các ngành, lĩnh vực nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời kỳ mới. Bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã chủ yếu tập trung vào đào tạo chuẩn hóa các mặt kiến thức, nhất là trình độ chuyên môn theo tiêu chuẩn chức danh cán bộ, công chức cấp xã quy định tại Quyết định số 04/2004/QĐ-BNV ngày 16 tháng 01 năm 2004 của Bộ Nội vụ về việc ban hành quy định tiêu chuẩn cụ thể đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn. Hằng năm, tỉnh đã phối hợp với các cơ quan liên quan, các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng trong và ngoài tỉnh mở các lớp bồi dưỡng cho cán bộ, công chức xã.
Hằng năm, ngoài nguồn kinh phí của Trung ương phân bổ để mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức xã theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27 tháng 11 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức bằng nguồn kinh phí của tỉnh, theo đó các lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức theo kế hoạch đều do ngân sách tỉnh chi trả toàn bộ kinh phí mở lớp gồm tiền tài liệu, giảng viên... Riêng cán bộ, công chức cấp xã đi học còn được hỗ trợ một phần tiền ăn 40.000 đồng/người/ngày theo Quyết định số 794/QĐ-UBND ngày 23 tháng 11 năm 2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc quy định đối tượng và mức hỗ trợ tiền ăn cho cán bộ, công chức cấp xã đi đào tạo, bồi dưỡng; cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh có quy hoạch đào tạo sau đại học, sau khi tốt nghiệp được hỗ trợ chi phí đào tạo theo từng bậc học quy định tại Quyết định số 39/2010/QĐ-UBND ngày 24 tháng 12 năm 2010 nhằm khuyến khích, động viên đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tham gia học tập nâng cao trình độ chuyên môn.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng rất quan tâm đến công tác xây dựng đội ngũ giảng viên tại các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng (Trường Chính trị tỉnh, Trường cao đẳng sư phạm tỉnh, các trung tâm bồi dưỡng Chính trị, Trung tâm Giáo dục thường xuyên cấp huyện...) đảm bảo vững vàng về chính trị, có trình độ chuyên môn, năng lực giảng dạy, năng lực nghiên cứu khoa học. Nhờ đó, chất lượng của đội ngũ giảng viên tại các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng trên địa bàn tỉnh ngày càng được nâng cao, số lượng giảng viên có trình độ sau đại học tăng lên đáng kể, cơ bản đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ công tác. Hệ thống các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng được đầu tư nâng cấp, mua mới nhiều trang thiết bị giảng dạy hiện đại như máy chiếu, hệ thống máy vi tính... đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, quản lý, ứng dụng thực tế và các hoạt động khác.
Thời gian đến, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện tốt các chủ trương, nghị quyết của các cấp ủy, quy định của các bộ, ngành, Học viện về công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh. Phấn đấu đạt các chỉ tiêu, nghị quyết có liên quan đến công tác đào tạo, bồi dưỡng đề ra. Trong đó, sẽ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như: Nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, các quan, ban, ngành mặt trận, các đoàn thể các cấp về vị trí, vai trò, chức năng, tầm quan trọng của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong các chính sách phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở. Xây dựng, chuẩn hóa và từng bước trẻ hóa đội ngũ cán bộ, công chức, đặc biệt là cán bộ chủ chốt, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất và năng lực, bảo đảm đủ về số lượng, tiêu chuẩn, đồng bộ về cơ cấu, trình độ, tính kế thừa giữa các thế hệ nhằm đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị. Tăng cường công tác quản lý nhà nước trong việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức; gắn trách nhiệm của cơ quan, đơn vị sử dụng cán bộ công chức với công tác đào tạo, bồi dưỡng. Đào tạo cán bộ, công chức phải trên cơ sở quy hoạch, tiêu chuẩn chức danh và nhu cầu bố trí, sử dụng cán bộ, công chức. Đối với số cán bộ, công chức trẻ có triển vọng, lớp tạo nguồn cần đào tạo cơ bản, toàn diện để có kiến thức cơ bản, có năng lực thực tiễn và có kỹ năng thực hành để đáp ứng yêu cầu về lâu dài. Phát triển đội ngũ giáo viên, giảng viên đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức; nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung chương trình đào tạo, bồi dưỡng giảng viên đáp ứng được yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức hằng năm, giữa kỳ, cuối kỳ...
Bài, ảnh: Huy Bảo