Nhân dịp đầu năm mới 2014 – Mừng Đảng, mừng Xuân Giáp Ngọ, Trang tin điện tử Đảng bộ tỉnh Gia Lai xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài viết của đồng chí Hà Sơn Nhin, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.
Gia Lai nằm trên địa bàn chiến lược Bắc Tây Nguyên, có diện tích tự nhiên trên 15.536 km2. Dân số trên 1,3 triệu người, gồm 34 dân tộc cùng sinh sống, trong đó dân tộc thiểu số chiếm hơn 44% dân số. Toàn tỉnh có 17 đơn vị hành chính, 222 xã phường, thị trấn, 2.157 thôn, làng, tổ dân phố, trong đó có 1.242, thôn, làng có từ 50% số hộ gia đình là người dân tộc thiểu số, 100% làng có sự xen kẽ giữa hộ đồng bào dân tộc thiểu số và người Kinh sinh sống. Trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, nhân dân các dân tộc Gia Lai đã đoàn kết một lòng đi theo Đảng, Bác Hồ cống hiến sức người, sức của góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc. Trong giai đoạn hiện nay, phát huy truyền thống đã có, nhân dân các dân tộc Gia Lai tiếp tục ra sức phấn đấu, xây dựng cuộc sống mới ngày càng tốt đẹp hơn.

Đồng chí Tổng Bí thư thăm và làm việc với lãnh đạo tỉnh Gia Lai. Ảnh: TUGL/Đăng Vũ
Gia Lai là tỉnh nghèo, đời sống của một bộ phận nhân dân còn nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng kém phát triển, các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách chống phá, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc... Từ thực tế đó, trong thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện tốt Chỉ thị 30-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XIII), Pháp lệnh thực hiện dân chủ xã, phường, thị trấn, một cách tích cực, nhất quán, hiệu quả. Trên cơ sở các quan điểm chỉ đạo của Trung ương gắn với đặc điểm, tình hình thực tế của địa phương tỉnh chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể thực hiện những nội dung cốt lõi: một là cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể các cấp thực hiện tốt việc tổ chức học tập, quán triệt các văn bản chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở trong hệ thống chính trị, các lực lượng xã hội và nhân dân nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân; hai là tổ chức đánh giá tình hình thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, rút ra những mặt làm được, mặt còn hạn chế, yếu kém và nguyên nhân để có những giải pháp tiếp tục chỉ đạo việc thực hiện; ba là thực hiện Pháp lệnh, Quy chế dân chủ gắn với công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh, trật tự xã hội, củng cố xây dựng hệ thống chính trị các cấp, đặc biệt là cơ sở; kết quả thực hiện dân chủ cơ sở là một trong những tiêu chí để bình xét thi đua hằng năm của cấp ủy và chính quyền các cấp; bốn là cụ thể hóa các nội dung, hình thức để nhân dân biết, những nội dung để nhân dân bàn và quyết định, những nội dung nhân dân tham gia ý kiến trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định và những nội dung nhân dân giám sát, thực hiện trên các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh và xây dựng hệ thống chính trị. Mặt trận và các đoàn thể nhân dân giữ vai trò nòng cốt trong tuyên truyền, giám sát việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở.
Nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của Mặt trận và các đoàn thể trong việc phát huy dân chủ ở cơ sở, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có nhiều giải pháp củng cố, xây dựng tổ chức và phương thức hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể các cấp, đặc biệt là cấp cơ sở. Quan điểm nhất quán của tỉnh luôn luôn xem Mặt trận là một bộ phận quan trọng của hệ thống chính trị ở cơ sở, là chỗ dựa của chính quyền, nơi thể hiện ý chí và nguyện vọng của nhân dân, nơi nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình. Nhiệm vụ cơ bản của Mặt trận cũng như các đoàn thể thành viên trước hết và chủ yếu là làm cho nhân dân thực sự làm chủ trên từng địa bàn dân cư, có đời sống vật chất đầy đủ và tinh thần phong phú, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.
Từ các phong trào thi đua yêu nước, xóa đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư… do Mặt trận và các đoàn thể tổ chức với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, tỉnh thường xuyên tìm cách phát huy sức mạnh về vật chất và tinh thần của nhân dân trên mọi địa bàn. Trước hết, công tác tuyên truyền, phổ biến cho cán bộ, hội viên về mục đích, ý nghĩa, nội dung của việc thực hiện Pháp lệnh dân chủ ở xã phường, thị trấn đã được triển khai từ tỉnh đến cơ sở. Kết quả của việc làm này đã có 100% cán bộ Mặt trận, các đoàn thể và trên 80% hội viên nông dân, cựu chiến binh, đoàn thanh niên, phụ nữ được học tập, quán triệt Chỉ thị 30-CT/TW của Bộ Chính trị, Pháp lệnh 34/2007/PL-UBTVQH11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XI, qua đó nâng cao nhận thức và là tiền đề quan trọng trong việc thực hiện các quy định về thực hành quyền dân chủ của nhân dân ở cơ sở. Cuộc vận động: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” với nhiều nội dung thiết thực trong đời sống cộng đồng, đã trở thành tiêu chí phấn đấu của từng hộ gia đình và của địa phương, người dân trực tiếp xây dựng các thiết chế tự quản như hương ước, quy ước; cử đại diện vào ban thanh tra nhân dân, tổ hòa giải. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 100% số xã, phường thành lập ban thanh tra nhân dân và ban giám sát cộng đồng, 2.097 thôn, làng, tổ dân phố xây dựng hương ước, quy ước; 2.157 thôn, làng, tổ dân phố thành lập tổ hòa giải với trên 11.000 hòa giải viên (từ năm 2008 đến 2012 đã hòa giải 8.386 vụ việc, trong đó hòa giải thành công 6.923 vụ việc, chiếm 82% các vụ việc phát sinh), đã giải quyết có hiệu quả các vụ mâu thuẫn, tranh chấp trong nhân dân dân, hạn chế đơn thư, khiếu kiện vượt cấp. Nhân dân trực tiếp đóng góp tiền của, công sức xây dựng các công trình phúc lợi công cộng như nhà sinh hoạt cộng đồng, đường giao thông nông thôn, hội trường tổ dân phố với tổng kinh phí lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm việc với Thủ tướng Chính phủ nước CHDCND Lào. Ảnh: TUGL/Đăng Vũ
Thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao Mặt trận Tổ quốc cơ sở đã lấy ý kiến của nhân dân đối với chức danh chủ chốt của hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân cấp xã, tổ chức lấy phiếu tín nhiệm hơn 2.300 lượt cán bộ cơ sở, đã có 40/1.149 chức danh chủ tich ủy ban nhân dân cấp xã, 98/2.276 trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố đã bị miễn nhiệm do không nhận được sự tín nhiệm cao của nhân dân và Mặt trận cơ sở. Mặt trận phối hợp với chính quyền tổ chức cho nhân dân bàn và quyết định trực tiếp những công việc quan trọng của địa phương như định hướng phát triển kinh tế - xã hội, việc sử dụng công quỹ, tài sản, thu - chi tài chính, các khoản đóng góp, quyết toán các công trình xây dựng cơ bản; những kết quả kiểm tra, giám sát được xem xét, kết luận và xử lý công khai. Mặt trận và các đoàn thể thành viên cũng đã phối hợp với chính quyền tổ chức cho nhân dân tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm của địa phương, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình xóa đói, giảm nghèo và mới đây nhất là việc tham gia đóng góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến Pháp năm 1992. Tính đến ngày 30 tháng 4 năm 2013, toàn tỉnh đã có 46.719 lượt người tham dự và phát biểu tại các Hội nghị lấy ý kiến và hơn 33.700 lượt người góp ý trực tiếp vào phiếu… Tính tự quản của nhân dân được phát huy tốt là một trong những nguyên nhân quan trọng đưa Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” phát triển mạnh mẽ và thu được những kết quả khả quan, đến nay toàn tỉnh có 182.219 gia đình được công nhận gia đình văn hóa, chiếm 63,45% , trong đó có 10.173 gia đình văn hóa tiêu biểu; 918 thôn, làng, tổ dân phố văn hóa, chiếm 43, 26%, trong đó có 114 làng, tổ dân phố văn hóa tiêu biểu, đời sống.
Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định, tỉnh tạo mọi điều kiện cho Mặt trận và các tổ chức đoàn thể thành viên phát huy vai trò của mình trong hoạt động giám sát, thể hiện trên các lĩnh vực: Giám sát đối với hoạt động của tổ chức cơ sở đảng thông qua việc đóng góp ý kiến, kiến nghị vào dự thảo các văn kiện của cấp ủy trước khi trình đại hội Đảng các cấp; giám sát hoạt động của các cơ quan dân cử qua các hoạt động cơ bản như xây dựng pháp luật, quyết định các vấn đề về phát triển kinh tế - xã hội quan trọng, giám sát các cơ quan hành chính nhà nước thông qua việc cử đại diện tham gia các đoàn giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp, thông qua việc giám sát phát hiện và kiến nghị xem xét giải quyết những vi phạm của cá nhân, cơ quan trong bộ máy hành chính Nhà nước, giám sát hoạt động tư pháp chủ yếu thông qua quá trình thực hiện pháp luật về tố tụng như kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền giải quyết những hành vi sai phạm của cơ quan tiến hành tố tụng, cử đại diện tham gia hội thẩm nhân dân, thông qua hoạt động tham gia xét xử để giám sát hoạt động xét xử của Tòa án nhân dân; giám sát việc thực thi chính sách, pháp luật. Qua hoạt động thực tiễn trên mọi mặt của đời sống xã hội, thông qua các phong trào, các cuộc vận động mà Mặt trận và các tổ chức thành viên phát hiện những chính sách có được thực thi hay không để kiến nghị thực hiện tốt hơn; giám sát việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo. Nhờ đó, đến nay trên địa bàn tỉnh không xảy ra tình trạng khiếu kiện đông người, các vụ việc được giải quyết cơ bản, tỷ lệ đơn tồn đọng ít; giám sát hoạt động của đại biểu dân cử thông qua các hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp, đồng thời qua tiếp xúc cử tri, nhiều ý kiến, kiến nghị được xem xét giải quyết kịp thời, đúng quy định của pháp luật…
Thực tế cho thấy, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể thành viên thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở là điều kiện để rèn luyện, thử thách năng lực hoạt động của cán bộ và tổ chức, góp phần củng cố việc đổi mới, nâng cao năng lực hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở, trong đó có Mặt trận và các đoàn thể thành viên, điều này thể hiện qua kết quả đánh giá, phân loại các tổ chức đoàn thể quần chúng năm 2012: Mặt trận có 48%; Hội Nông dân có 55,4%; Hội Cựu Chiến binh có 93,2%, Đoàn Thanh niên có 63,1%, Hội Phụ nữ có 52% tổ chức đạt vững mạnh.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy thăm và làm việc với lãnh đạo xã Yang Bắc, huyện Đăk Pơ. Ảnh: TUGL/Đăng Vũ
Kết quả thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở đã tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội, góp phần thúc đẩy thực hiện các nhiệm vụ chính trị và chăm lo tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, nhân dân tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội; xóa đói, giảm nghèo, đến nay tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 19,83%, hộ khá, giàu ngày càng tăng, các vấn đề an sinh xã hội được giải quyết tốt, an ninh chính trị được ổn định, các thiết chế tự quản ở thôn, làng ngày càng được củng cố và phát huy, sự gắn kết trong cộng đồng dân cư được củng cố hơn, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo sự ổn định để Gia Lai tiếp tục phát triển.
Qua quá trình lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Gia Lai trong những năm qua, bước đầu rút ra một số kinh nghiệm sau:
Một là, xác định việc thực hiện dân chủ ở cơ sở là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Do vậy, phải tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, sự phối hợp đồng bộ giữa chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể quần chúng, làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến bằng nhiều hình thức để cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân nắm được đầy đủ các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các quy định thực hiện Pháp lệnh dân chủ ở cơ sở.
Hai là, củng cố, kiện toàn và phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ xã, phường, thị trấn; nâng cao hiệu quả tham mưu; chú trọng công tác hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra; làm tốt công tác sơ, tổng kết, rút kinh nghiệm, phát hiện, khen thưởng kịp thời những đơn vị, cá nhân có thành tích trong thực hiện Pháp lệnh.
Ba là, thực hiện tốt Pháp lệnh trước hết phải có sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu; nâng cao tinh thần tự phê bình và phê bình trong nội bộ tổ chức đảng, gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị địa phương. Phải làm tốt cải cách hành chính, đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm; giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.
Bốn là, phát huy dân chủ phải đi đôi với giữ vững kỷ cương, kỷ luật, xử lý nghiêm minh những vụ việc tiêu cực, những hành vi lợi dụng dân chủ gây rối, làm mất ổn định trật tự an toàn xã hội. Tuyên truyền giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân. Củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các đoàn thể ở thôn, làng, tổ dân phố.
Năm là, tích cực vận động nhân dân thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân; kết hợp phát động các phong trào thi đua yêu nước, đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội và chăm lo đời sống vật chất, tinh thần nhân dân là cơ sở cần thiết và quan trọng cho việc thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Sáu là, các tổ chức Đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở phải thực sự gần dân, hiểu được dân, kịp thời giải quyết có hiệu quả những vướng mắc ở cơ sở, nhất là những vấn đề bức xúc của nhân dân hiện nay...
Chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về thực thi dân chủ ở cơ sở là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với quy luật phát triển xã hội và mục tiêu xây dựng nền dân chủ ở nước ta, tuy nhiên so với yêu cầu đang đặt ra của thực tiễn sinh động cũng cần phải được tiếp tục nghiên cứu tổng kết nhằm kịp thời điều chỉnh bổ sung để hướng tới sự hoàn thiện. Từ thực tế đã nêu của Gia Lai, thời gian tới để việc thực thi dân chủ ở cơ sở được hiệu quả, tăng cường sự đoàn kết, gắn bó các tầng lớp dân cư, các dân tộc trên địa bàn cần làm tốt các nội dung sau:
1- Chỉ đạo các cấp, các ngành tiến hành sơ kết Pháp lệnh thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, tiến tới tổng kết ở cấp Trung ương nhằm đánh giá những mặt được, chưa được, để có kết quả vững chắc hơn cho việc triển khai thực hiện, đề ra giải pháp phù hợp nhằm phát huy hơn nữa Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn.
2- Từ nội dung của văn bản Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn hiện đang có hiệu lực và từ thực tiễn triển khai thực hiện ở cơ sở, nhiều vấn đề đặt ra cần phải giải có sự điều chỉnh cho phù hợp như: cơ chế ràng buộc về trách nhiệm rõ ràng giữa lãnh đạo - tập thể - cá nhân và xây dựng một cơ chế phối hợp đồng bộ giữa các thể chế chính trị, thể chế pháp luật khác trong thực hiện Pháp lệnh, cũng như phương thức giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội hiện nay chưa có quy định cụ thể nên thực hiện chưa hiệu quả, khó khả thi…
3- Tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của các thiết chế dân chủ đại diện (Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp) đồng thời mở rộng dân chủ trực tiếp như: Quy chế bầu trực tiếp chủ tịch uỷ ban nhân dân các cấp... theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.
4- Tiếp tục đẩy mạnh chương trình xây dựng luật pháp, cải cách hành chính, cải cách tư pháp, đổi mới và nâng cao chất lượng phối hợp triển khai Pháp lệnh của hệ thống chính trị cấp xã.
5- Cấp xã hiện nay có 1 ban thanh tra nhân dân và ban giám sát đầu tư cộng đồng do ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã thành lập, đồng thời có 1 ban thanh tra nhân dân do công đoàn cơ sở thành lập dẫn đến trùng lặp trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ. Đây là vấn đề cần xem xét điều chỉnh, sáp nhập các ban này thành một ban do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã chỉ đạo và đổi tên ban thanh tra nhân dân thành ban giám sát nhân dân cho phù hợp với yêu cầu thực tế. /.
Hà Sơn Nhin
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai