Qua 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X) về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng ở Đảng bộ tỉnh được tăng cường và có nhiều đổi mới, phục vụ tích cực cho nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Nhận thức của nhiều cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên về công tác kiểm tra, giám sát có chuyển biến rõ nét, từng bước nhận thấy rõ sự cần thiết của công tác kiểm tra, giám sát, từ đó chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch, tổ chức lực lượng kiểm tra, giám sát. Các cấp ủy đã quan tâm hơn đến việc kiểm tra chấp hành đường lối, chủ trương, Điều lệ Đảng và công tác cán bộ; xây dựng chương trình kiểm tra tập trung vào những vấn đề trọng tâm, trọng điểm, những lĩnh vực, địa bàn có vấn đề phức tạp. Việc xử lý kỷ luật nghiêm minh đối với một số cán bộ, đảng viên có vi phạm, kể cả cán bộ thuộc diện cấp ủy các cấp quản lý đã phát huy tác dụng giáo dục, răn đe, được nhân dân đồng tình ủng hộ.
Ủy ban kiểm tra các cấp đã bám sát chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, quy chế làm việc, phương hướng nhiệm vụ để triển khai thực hiện khá toàn diện các nhiệm vụ theo quy định của Điều lệ Đảng; xác định đúng nhiệm vụ trọng tâm, các lĩnh vực trọng điểm và đối tượng cần tập trung kiểm tra; thực hiện tốt chức năng tham mưu về công tác kiểm tra cho cấp ủy và hoàn thành các nhiệm vụ do cấp ủy giao; về phương pháp, quy trình công tác có nhiều đổi mới nên nhìn chung chất lượng và hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát đã từng bước được nâng lên, khẳng định được vị trí, tác dụng của công tác kiểm tra, giám sát của Đảng. Đã tiến hành kiểm tra, xử lý nhiều vụ việc nổi cộm, bức xúc, dư luận quan tâm với thái độ kiên quyết, nghiêm minh, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí... Ủy ban kiểm tra các cấp và đội ngũ cán bộ kiểm tra đã từng bước phát triển, trưởng thành cả về chất lượng và số lượng; hoạt động ngày càng tích cực, đi vào nền nếp.

Thường trực Tỉnh ủy làm việc với Đoàn Giám sát của Ban Tổ chức Trung ương về thực hiện Nghị quyết của Trung ương
Tuy nhiên, chất lượng và hiệu quả của công tác kiểm tra, giám sát chưa cao, nhiều khuyết điểm, vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên chưa được phát hiện, kiểm tra và xử lý kịp thời; chưa coi trọng kiểm tra phòng ngừa, phát huy nhân tố tích cực. Công tác giám sát trong Đảng và giám sát của nhân dân đối với các hoạt động của các cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên chưa được quan tâm, chưa đáp ứng yêu cầu công tác xây dựng Đảng trong tình hình mới. Số lượng các cuộc kiểm tra đảng viên và tổ chức đảng khi có dấu hiệu vi phạm chưa ngang tầm với nhiệm vụ trọng tâm của ủy ban kiểm tra các cấp; tính chủ động, kết quả, chất lượng, tác dụng ngăn ngừa, giáo dục chưa cao. Thực hiện chức năng tham mưu và làm nhiệm vụ do cấp ủy giao còn có lúc, có việc thiếu chủ động. Việc kiểm tra tài chính của cơ quan tài chính của cấp ủy cùng cấp còn hạn chế, nhiều địa phương, đơn vị có biểu hiện tránh né, muốn cấp trên kiểm tra cấp dưới, không chủ động tự kiểm tra cấp mình.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hạn chế, tồn tại, qua 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X) về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm cơ bản trong công tác kiểm tra, giám sát của Đảng bộ tỉnh, đó là:
Một là, tăng cường chỉ đạo việc tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của các cấp ủy và đảng viên về công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, xác định đây là nội dung trọng yếu của công tác xây dựng Đảng, từ đó tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị về công tác kiểm tra, giám sát của Đảng.
Hai là, phải gắn việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 với việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và các Nghị quyết của Trung ương về xây dựng Đảng, về phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Ba là, phải đề cao nguyên tắc tự kiểm tra của các cấp ủy, tổ chức đảng, đồng thời, tăng cường chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện các kết luận kiểm tra, thông báo kết quả giám sát để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của công tác kiểm tra, giám sát.
Bốn là, ủy ban kiểm tra các cấp phải tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, hướng dẫn của ủy ban kiểm tra cấp trên, chủ động triển khai thực hiện toàn diện các nhiệm vụ theo quy định của Điều lệ Đảng và tham mưu giúp cấp ủy thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát. Phối hợp chặt chẽ giữa ủy ban kiểm tra với các cơ quan có liên quan để phát huy trí tuệ, sức mạnh tổng hợp trong hoạt động kiểm tra, giám sát của Đảng; định kỳ sơ kết, rút kinh nghiệm việc thực hiện quy chế phối hợp.
Năm là, tích cực xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; quan tâm thực hiện tốt chế độ chính sách đối với cán bộ kiểm tra; chú trọng công tác đào tạo, quy hoạch, xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo và cán bộ chuyên môn nghiệp vụ làm công tác kiểm tra ở các cấp gắn với luân chuyển cán bộ theo Thông báo Kết luận số 312-TB/TW, ngày 09 tháng 3 năm 2010 của Ban Bí thư (khoá X) để tạo nguồn cán bộ kiểm tra.
Bài, ảnh: Huy Bảo