Thực hiện dân chủ trong các cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập là một trong những nội dung quan trọng của Quy chế dân chủ ở cơ sở. Thời gian qua, các cơ quan hành chính nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công lập đã tích cực triển khai thực hiện tốt Quy chế dân chủ cơ sở ở cơ quan, đơn vị mình và đạt được những kết quả tích cực.

Hội nghị cán bộ công chức, người lao động tại Văn phòng Tỉnh ủy Gia Lai.
Các cơ quan đã nghiêm túc triển khai thực hiện Nghị định số 04/2015/NĐ-CP của Chính phủ gắn với nhiệm vụ chính trị và vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc công khai, minh bạch các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của cơ quan, đơn vị đến cán bộ, công chức, viên chức. Thực hiện công khai, dân chủ công tác quy hoạch, đào tạo, tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển, biệt phái, khen thưởng, kỷ luật, thực hiện các chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức. Việc thực hiện công tác kiểm tra, giám sát ở các cơ quan, đơn vị, đảm bảo thủ tục, quy trình, quy định. 100% cơ quan, đơn vị đã củng cố, kiện toàn, duy trì hoạt động của ban thanh tra nhân dân. Hằng năm, 100% cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức. Qua đó, rà soát, bổ sung các nội dung phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị; cụ thể hóa nội dung thực hiện dân chủ để thực hiện.
Công tác cải cách thủ tục hành chính được đẩy mạnh, nhất là việc ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách thủ tục hành chính. Chính quyền các cấp đã triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 02-NQ/TU, ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Tỉnh ủy về cải cách hành chính và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh Gia Lai giai đoạn 2016 - 2020; đẩy mạnh thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” gắn với giải quyết thủ tục hành chính theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; thực hiện tốt phương châm “Công khai, minh bạch, tận tình, chính xác và đúng hẹn” nhằm cải thiện chất lượng phục vụ, nâng cao sự tín nhiệm và mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp trong việc giải quyết thủ tục hành chính. Đến nay, 100% các sở, ban, ngành tỉnh, ủy ban nhân dân cấp huyện và ủy ban nhân dân cấp xã triển khai mô hình ‟một cửa điện tử liên thông”. Tổng số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 là 527 (trong đó: Mức độ 3 là 196; mức độ 4 là 331). Năm 2020, tình hình xử lý hồ sơ đúng hạn đạt 99%, tiếp nhận 330.806 hồ sơ, giải quyết 323.424 hồ sơ.
.jpg)
Bô phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND Thành phố Pleiku.
Công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân được các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm túc và giải quyết theo đúng thẩm quyền; số lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo ngày càng giảm. Năm 2017, toàn tỉnh tiếp 4.276 lượt công dân đến phản ánh, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị; tiếp nhận 373 đơn khiếu nại, tố cáo (242 đơn khiếu nại, 131 đơn tố cáo). Năm 2018, toàn tỉnh đã tiếp 3.494 lượt công dân đến phản ánh, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, giảm 782 lượt so với năm 2017; tiếp nhận 279 đơn khiếu nại, tố cáo (186 đơn khiếu nại, 93 đơn tố cáo); giảm 94 đơn so với năm 2017. Năm 2019, tiếp 3.458 lượt công dân, giảm 36 lượt so với năm 2018; tiếp nhận 233 đơn khiếu nại, tố cáo (171 đơn khiếu nại, 62 đơn tố cáo), giảm 46 đơn so với năm 2018. Năm 2020, tiếp 3.075 lượt công dân, giảm 353 lượt so với cùng kỳ năm 2019; tiếp nhận 202 đơn (122 đơn khiếu nại, 80 đơn tố cáo), giảm 31 đơn so với năm 2019. Quý 1 năm 2021, toàn tỉnh tiếp 408 lượt công dân đến phản ánh, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, tiếp nhận 31 đơn thư tăng 10 đơn so với cùng kỳ năm 2020.
Cùng với các cơ quan, đơn vị trong tỉnh tham gia thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, các trường học trên địa bàn tỉnh đã quán triệt, triển khai thực hiện Thông tư số 11/2020/TT-BGDĐT, ngày 19 tháng 5 năm 2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về hướng dẫn thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ sở giáo dục công lập. Trong đó, chú trọng thực hiện công khai, dân chủ trong công tác tài chính, quản lý và sử dụng tài sản; việc thu, chi các khoản đóng góp của phụ huynh, học sinh; việc sắp xếp, tổ chức lại các trường học. Đồng thời, tiến hành sắp xếp, tổ chức lại 52 trường học; triển khai đề án sáp nhập của các trường cao đẳng, trung cấp trên địa bàn tỉnh và phương án xử lý Trường Cao đẳng sư phạm Gia Lai.
Đến nay, toàn tỉnh có 768 trường mầm non và phổ thông (263 trường mầm non, 220 trường tiểu học, 169 trường trung học cơ sở, 66 trường tiểu học và trung học cơ sở, 45 trường trung học phổ thông, 05 trường trung học cơ sở và trung học phổ thông). Có 02 phân hiệu đại học, 02 trường đại học liên kết đào tạo, 02 trường cao đẳng, 01 trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh, 16 trung tâm giáo dục nghề nghiệp cấp huyện, 24 trung tâm ngoại ngữ, tin học... với những kết quá tích cực đó đã góp phần xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, lành mạnh, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo; phòng, chống các hành vi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong lĩnh vực giáo dục.
Các cơ sở y tế thực hiện các quy định về quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp của công chức, viên chức ngành y tế; công khai các thủ tục, giấy tờ có liên quan đối với người đến khám, chữa bệnh. Tổ chức tiếp nhận ý kiến đóng góp của người bệnh bằng hòm thư góp ý, công khai đường dây nóng của Sở Y tế và lãnh đạo các đơn vị nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ người dân.
Thực hành dân chủ rộng rãi đi đôi với dân chủ hóa mọi mặt đời sống xã hội là phương thuốc hiệu quả nhất ngăn chặn bệnh quan liêu, đẩy lùi tham nhũng, góp phần tạo chuyển biến mới trong công tác xây dựng đảng, phát triển kinh tế - xã hội. Kết quả tích cực từ việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở của các cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập là mảnh ghép quan trọng tạo nên sự thành công đó.
Tuấn Anh