Những năm qua, công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống cách mạng của các địa phương, các cơ quan, ban, ngành, đơn vị trong tỉnh được quan tâm chỉ đạo và đã đạt được những kết quả khả quan.

Phó Bí thư Tỉnh ủy Châu Ngọc Tuấn tham quan các tư liệu lịch sử trong một cuộc triển lãm tại Nhà thi đấu tỉnh Gia Lai
Theo báo cáo của cơ quan chức năng tỉnh, đến nay, đã có 16/17 huyện, thị xã, thành phố triển khai biên soạn và biên soạn bổ sung, tái bản lịch sử đảng bộ. Trong đó, 09 huyện, thị xã, thành phố, gồm: Pleiku, Kông Chro, Kbang, Ia Grai, Krông Pa, An Khê, Ayun Pa, Đak Đoa, Mang Yang đã biên soạn bổ sung, tái bản trên cơ sở lịch sử đảng bộ huyện đã được biên soạn, xuất bản. Huyện Chư Pưh đã biên soạn, xuất bản Lịch sử truyền thống Đảng bộ huyện Chư Pưh, giai đoạn (1945 - 2015); huyện Đak Pơ đang triển khai công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ huyện, dự kiến in ấn, phát hành vào cuối năm 2018.
Riêng huyện Phú Thiện, đã chỉ đạo triển khai công tác sưu tầm, lưu trữ để phục vụ cho công tác nghiên cứu biên soạn Lịch sử Đảng bộ huyện sau này.
Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện văn bản của Trung ương, của tỉnh liên quan đến công tác biên soạn lịch sử đảng; tích cực chỉ đạo và hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ trong công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng đối với các đảng bộ trực thuộc, các ngành, đoàn thể chính trị - xã hội đảm bảo chất lượng cho các công trình lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống. Tăng cường phối hợp giữa Viện Lịch sử Đảng, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, các huyện, thị xã, thành phố, các ngành; phát huy vai trò đội ngũ cộng tác viên trong triển khai nghiên cứu, biên soạn.
Tin, ảnh: Huy Bảo