GS.TS Phùng Hữu Phú phát biểu đề dẫn Hội thảo - Ảnh: PC
 

Các đồng chí: GS.TS Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương; PGS.TS Trương Ngọc Nam, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền; PGS.TS Nguyễn Viết Thông, Tổng thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương; PGS.TS Phạm Huy Kỳ, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền chủ trì Hội thảo.

Dự Hội thảo, có các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các nhà khoa học, chuyên gia hàng đầu về công tác xây dựng Đảng.

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, GS.TS Phùng Hữu Phú nêu rõ, mục đích của Hội thảo khoa học này nhằm nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn đang diễn ra xung quanh vấn đề phương thức lãnh đạo của Đảng thông qua tổ chức đảng và đội ngũ đảng viên của Đảng trong hệ thống chính trị ở nước ta hiện nay. Từ đó, kiến nghị, đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng tổ chức bộ máy của cả hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”…

Theo GS.TS Phùng Hữu Phú, thông qua hoạt động của các tổ chức đảng và đảng viên, Đảng thực hiện vai trò lãnh đạo với hệ thống chính trị và xã hội, phương thức lãnh đạo thông qua tổ chức đảng và đảng viên đảm bảo thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng trong từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, địa phương. Điều đó nói lên vai trò đặc biệt quan trọng của phương thức lãnh đạo thông qua tổ chức đảng và đảng viên trong các phương thức lãnh đạo của Đảng.

Trong những năm qua, phương thức lãnh đạo của Đảng thông qua tổ chức đảng và đảng viên có những kết quả nhất định. Tuy nhiên, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan quản lý nhà nước, quản lý kinh tế hiện nay chưa thực sự hiệu quả. Vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng chưa thực sự được đảm bảo; hiệu lực lãnh đạo của tổ chức đảng ở cơ quan đối với lãnh đạo chuyên môn còn thấp, chưa có tác dụng ngăn chặn các tiêu cựcTrong đó, vai trò, trách nhiệm của những đảng viên là những người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong thực hiện sự lãnh đạo của Đảng còn chưa được thể hiện rõ, có nơi bị chi phối bởi “lợi ích nhóm”, “tư duy nhiệm kỳ”. Kết quả là nhiều chủ trương, chính sách không phù hợp, chậm được thay đổi; nhiều chủ trương, chính sách mới ban hành thiếu đồng bộ, không có các biện pháp, chế tài, kiểm soát quyền lực, tạo kẽ hở nảy sinh tham nhũng, tiêu cực… GS.TS Phùng Hữu Phú cho biết.

Những hạn chế đó liên quan trực tiếp đến những biểu hiện suy thoái, tham nhũng, tiêu cực hiện nay… Thực tiễn nêu trên yêu cầu cần tập trung đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ phương thức lãnh đạo của Đảng thông qua tổ chức đảng và đội ngũ đảng viên của Đảng hiện nay.

Hội thảo khoa học về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng thông qua tổ chức đảng và đảng viên - Ảnh: PC

Hơn 60 tham luận gửi tới Hội thảo và các ý kiến được trình bày đã làm rõ những nội dung mới, cách tiếp cận mới về các vấn đề liên quan đến những vấn đề lý luận nhằm tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng thông qua tổ chức đảng và đảng viên; thực trạng và giải pháp đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng thông qua tổ chức đảng và đảng viên; tính tất yếu đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam thông qua tổ chức đảng và đảng viên…

Tại Hội thảo, Nhà báo Hà Đăng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương nhấn mạnh: Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã nêu rõ phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và những nội dung cụ thể phải làm. Đối với vấn đề: Làm thế nào và làm gì để tiếp tục đổi mới có hiệu quả phương thức lãnh đạo của Đảng, Nghị quyết Đại hội XII đã nêu lên định hướng và giải pháp tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong tình hình hiện nay. Định hướng ấy mang tính “cẩm nang”, những công việc phải làm cũng khá cụ thể, quán triệt và thực hiện nghiêm túc những gì Đại hội XII đã nêu sẽ giúp tạo ra một bước chuyển có ý nghĩa.

Đồng chí Nguyễn Đức Hà, chuyên gia cao cấp, nguyên Vụ trưởng Vụ Đảng viên Ban Tổ chức Trung ương đã đưa ra 5 nhiệm vụ, giải pháp nhằm tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng thông qua tổ chức đảng và đảng viên. Trong đó, nhấn mạnh đến việc tiến hành nghiên cứu rà soát, sắp xếp lại mô hình tổ chức, chức năng nhiệm vụ của các đảng bộ ở Trung ương và các địa phương, mô hình tổ chức đảng ở tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước theo quy định của Điều lệ Đảng... Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện hoặc thí điểm một số mô hình mới nhằm đối mới căn bản phương thức lãnh đạo của Đảng. Trong đó, tổ chức lại hệ thống cơ quan tham mưu của Đảng với cơ quan chuyên môn của chính quyền theo hướng mỗi lĩnh vực lập một cơ quan thống nhất để vừa thực hiện chức năng tham mưu cho cấp ủy, vừa thực hiện chức năng chuyên môn, kết hợp tối đa các quy trình, nghiệp vụ có tính chất tương đồng…/.