Qua 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TU ngày 25 tháng 4 năm 2011 về tăng cường công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ, lịch sử phong trào, lịch sử truyền thống cách mạng ở địa phương, công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống cách mạng của các địa phương, các cơ quan, ban, ngành, đơn vị có những chuyển biến tích cực, đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Chất lượng nghiên cứu, biên soạn được nâng cao; thu hút được sự tham gia của các nhà khoa học lịch sử, cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ chủ chốt, nhân chứng lịch sử và đông đảo nhân dân. Nhiều công trình nghiên cứu lịch sử có ý nghĩa khoa học và thực tiễn. Những cuốn sách lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống của các ngành, địa phương đã tái hiện một cách toàn diện, chân thật, sinh động lịch sử chung của Đảng bộ, địa phương, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ, củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, vun đắp thêm lòng yêu quê hương, đất nước của mỗi người. Đến nay, toàn tỉnh đã xuất bản được trên 35 công trình lịch sử cấp tỉnh, huyện và xã. Qua đó, thấy được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền đối với công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng được nâng lên rõ rệt, nhất là nhận thức trong cấp ủy các cấp và người đứng đầu cấp ủy, cán bộ chủ chốt trong các cơ quan quản lý và đội ngũ làm công tác lịch sử Đảng, cũng như cán bộ, nhân dân trong tỉnh.
Đối với cấp tỉnh: Năm 2009, sau khi hoàn thành biên soạn, bổ sung tái bản Lịch sử Đảng bộ tỉnh Gia Lai (giai đoạn 1945 - 2005) trên cơ sở 2 tập Lịch sử Đảng bộ tỉnh Gia Lai (biên soạn, xuất bản năm 1996 - 1998), biên soạn lịch sử công tác Tuyên giáo, lịch sử công tác Dân vận của Đảng bộ tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tích cực tham mưu, giúp cấp ủy trong việc hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ công tác lịch sử Đảng; thẩm định, xác định nội dung các sự kiện lịch sử, ngày thành lập đảng bộ các huyện, hồi ký của các đồng chí nguyên là lãnh đạo của tỉnh; tham gia hội thảo các Di tích lịch sử. Ngoài ra, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tiếp tục đẩy mạnh công tác sưu tầm, khai thác và lưu trữ tư liệu thành văn từ các nguồn và tư liệu hồi ký qua các nhân chứng lịch sử để phục vụ cho công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ trong giai đoạn hiện nay.
Ở các huyện, thị xã, thành phố: Với sự chỉ đạo tích cực của các cấp ủy, qua 5 năm (2011 - 2015), toàn tỉnh đã có 9 huyện, thị xã triển khai biên soạn và tái bản, bổ sung lịch sử đảng bộ. Tính đến tháng 3/2016, toàn tỉnh đã có 15/17 huyện, thị xã, thành phố hoàn thành biên soạn lịch sử Đảng bộ cấp huyện và đang tập trung biên soạn bổ sung tái bản. Những huyện mới chia tách như Phú Thiện, Đak Pơ đang triển khai công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ huyện theo kế hoạch.
Tại các xã, phường, thị trấn: Một số cấp ủy, chính quyền, nhất là những xã căn cứ, xã anh hùng cách mạng đã chủ động xây dựng kế hoạch, đề xuất với ban thường vụ các huyện ủy, thị ủy, thành ủy cho chủ trương tiến hành biên soạn lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống anh hùng cách mạng. Nhiều xã có kế hoạch triển khai sưu tầm, lưu trữ tư liệu thành văn, tư liệu hồi ký chuẩn bị cho công tác nghiên cứu, biên soạn. Ban tuyên giáo cấp huyện chịu trách nhiệm hướng dẫn các địa phương trong quá trình triển khai nghiên cứu, biên soạn. Tính đến cuối năm 2015, toàn tỉnh có 6/222 xã biên soạn và xuất bản lịch sử truyền thống anh hùng cách mạng, do cấp huyện và xã đứng ra tổ chức triển khai. Các xã chưa có điều kiện biên soạn, đang tiến hành công tác sưu tầm, tổng hợp tư liệu để chuẩn bị cho việc triển khai những năm sau. Để thực hiện theo đúng kế hoạch từ 2016 - 2020, các cấp ủy, chính quyền đang tích cực chỉ đạo đẩy mạnh công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử truyền thống cách mạng ở các xã.
Đối với các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội: Cùng với việc chỉ đạo biên soạn lịch sử đảng bộ địa phương, các cấp ủy đã tích cực chỉ đạo các ban, ngành tiến hành nghiên cứu, biên soạn lịch sử phong trào, lịch sử truyền thống. Tiêu biểu như Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh… Ban Dân vận Tỉnh ủy triển khai nghiên cứu, biên soạn và phát hành Lịch sử công tác dân vận của Đảng bộ tỉnh Gia Lai, giai đoạn 1930 - 2010. Tính đến năm 2015, toàn tỉnh đã có 05/05 tổ chức chính trị - xã hội và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh biên soạn xong lịch sử phong trào, lịch sử truyền thống. Riêng Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, năm 2011 - 2012 đã biên soạn bổ sung, tái bản Lịch sử phong trào phụ nữ và tổ chức Hội phụ nữ tỉnh Gia Lai, giai đoạn (1930 - 2010), trên cơ sở cuốn “Lịch sử phong trào phụ nữ Gia Lai (1930 - 2000)”, phát hành năm 2002. Hiện nay, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh đã có kế hoạch triển khai biên soạn, bổ sung Lịch sử Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và phong trào thanh niên tỉnh Gia Lai...
Có thể khẳng định, với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống cách mạng được thực hiện ngày càng nền nếp, khoa học. Các công trình nghiên cứu được thực hiện trong điều kiện luôn có sự tham gia tích cực của ban chỉ đạo, ban biên tập, ban biên soạn; được đưa ra hội thảo khoa học, tọa đàm để xác minh tư liệu, làm rõ các vấn đề. Các tập sách được xuất bản đều bảo đảm tính khách quan, khoa học, phản ánh trung thực về lịch sử cách mạng, lịch sử truyền thống. Qua đó, phục vụ tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, phát huy truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là đối với thế hệ trẻ; đồng thời, nâng cao lòng tự hào dân tộc, niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, góp phần đấu tranh chống âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.
Thời gian đến, các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng ở các địa phương, đơn vị và đảm bảo chất lượng, hiệu quả của các công trình lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử địa phương cho cán bộ, đảng viên, nhân dân, nhất là thế hệ trẻ nhằm nâng cao nhận thức và lòng tự hào về Đảng, về truyền thống lịch sử và những thành tựu đạt được của quê hương Gia Lai dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh. Tiếp tục chỉ đạo và triển khai công tác sưu tầm, lưu trữ tư liệu đảng bộ từ tỉnh đến huyện và cơ sở phục vụ cho công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử của cấp ủy các ngành, địa phương, đơn vị…
Nguyễn Đông