Gia Lai là tỉnh miền núi có 90 km đường biên giới tiếp giáp Campuchia, với tổng diện tích 15.536 km2, dân số hơn 1,4 triệu người, gồm 34 dân tộc, riêng đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 44% (chủ yếu là người Jrai và Bahnar). Toàn tỉnh có 17 đơn vị hành chính cấp huyện (gồm 14 huyện, 02 thị xã, 01 thành phố) với 222 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 184 xã, 24 phường, 14 thị trấn) với 2.161 thôn, làng, tổ dân phố (gồm 1.776 thôn, làng và 385 tổ dân phố).
Xác định công tác đổi mới và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức cấp xã trên địa bàn có vai trò, vị trí quan trọng trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Do đó, những năm qua, Đảng bộ tỉnh luôn quan tâm lãnh đạo chỉ đạo thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cấp xã. Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khoá IX) về đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Đề án số 02-ĐA/TU về đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị xã, phường, thị trấn giai đoạn 2009 - 2015, sau đó ban hành các văn bản chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp trực thuộc tỉnh tổ chức học tập, quán triệt và triển khai thực hiện. Trong đó, xác định rõ mục tiêu phấn đấu theo từng giai đoạn, đề ra phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng, củng cố tổ chức đảng và đoàn thể trong hệ thống chính trị; lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và xây dựng đội ngũ cán bộ ở cơ sở để thực hiện Đề án ở địa phương mình.
Đến nay, đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã từng bước được củng cố, kiện toàn và được bổ sung đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng. Tính đến cuối năm 2015, đội ngũ cán bộ cấp xã có 2.325 người. Số cán bộ có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ từ trung cấp trở lên năm 2009 chỉ chiếm 30,38%, thì đến năm 2015 đã tăng lên 61,33%, tăng 31%; số chưa qua đào tạo năm 2009 chiếm 57,88%, thì đến năm 2015 chỉ còn 33,73%, giảm 24,15%. Số công chức có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên năm 2009 chỉ chiếm 81,57%, thì đến năm 2015 đã tăng lên 98,4%, tăng 16,83%; số chưa qua đào tạo năm 2009 chiếm 7,31% thì đến năm 2015 chỉ còn 0,5%, giảm 6,81%. Công tác quản lý, quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ, công chức cấp xã được tăng cường, đảm bảo đúng quy định, hướng dẫn và phù hợp với từng vị trí việc làm; việc tuyển dụng, tiếp nhận, điều động, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cho thôi việc, các chế độ chính sách và quản lý hồ sơ đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã được cấp ủy thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, sâu sát.

Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang làm việc với hệ thống chính trị xã Ia Kdăm, huyện Ia Pa, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến chất lượng đội ngũ cán bộ công chức của xã
Nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở, ngày 12 tháng 6 năm 2009, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Đề án số 03-ĐA/TU về tuyển chọn sinh viên tốt nghiệp đại học bố trí về cơ sở công tác. Qua 03 đợt tuyển chọn, Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án đã tuyển chọn được 141 sinh viên tốt nghiệp đại học bố trí công tác ở các xã vùng II, vùng III của 15 huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh (chủ yếu thuộc các ngành nông nghiệp, hành chính, kinh tế - tài chính, địa chính...). Sau một thời gian về nhận nhiệm vụ công tác tại các xã vùng II, vùng III của các huyện, đa số sinh viên đã làm quen, hòa nhập vào môi trường của người cán bộ công chức. Việc tiếp nhận thông tin, xử lý công việc cũng như công tác tham mưu được cấp ủy cấp trên đánh giá đạt hiệu quả tốt; chấp hành tốt thời gian, giờ giấc làm việc, nội quy quy chế của cơ quan, đơn vị và địa phương đề ra, có tinh thần xây dựng và giữ gìn sự đoàn kết trong cơ quan; tích cực tham gia trong các hoạt động phong trào của đoàn, hội. Sau khi được phân công về xã nhận công tác đã phát huy tốt kiến thức được đào tạo, một số em đã thể hiện được năng lực của bản thân được cấp ủy và chính quyền địa phương đánh giá cao. Đến nay, có 106 người được xét tuyển vào công chức, viên chức, đạt 75,17%; số xin thôi tham gia Đề án là 35 người, chiếm 24,8%; 93 người đã được cấp ủy cho đi học lớp bồi dưỡng nhận thức Đảng và 55 người được kết nạp vào Đảng (trong đó: 01 huyện ủy viên, bí thư huyện đoàn; 01 ủy viên thường vụ trực đảng xã; 08 phó chủ tịch xã; 13 đại biểu hội đồng nhân dân xã).
Bên cạnh đó, việc đổi mới nội dung, phương thức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ xã, phường, thị trấn cũng được quan tâm chỉ đạo, Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XIII) đã chỉ đạo rà soát, đánh giá, phân loại lại đội ngũ cán bộ cơ sở, xác định số cán bộ cần phải đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị để bố trí trong thời gian tới; số cán bộ tuổi cao, sức yếu phải bố trí nghỉ để đưa số cán bộ trẻ được đào tạo từng bước thay thế. Từ năm 2011 đến 2015, có 1.718 cán bộ được cử đi đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, trong đó: trung cấp: 410 người; cao đẳng: 15 người; đại học: 247 người; thạc sỹ: 01 người và số công chức là 1.422 người, trong đó: trung cấp: 217 người; cao đẳng: 430 người; đại học: 230 người. Chất lượng cán bộ, công chức cấp xã được nâng lên, cơ bản hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; chấp hành nội quy, quy chế của cơ quan, có ý thức trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ, giữ gìn nếp sống văn hóa nơi công sở. Công tác đào tạo, bồi dưỡng được đổi mới, nhiều chương trình, bài giảng được giảng viên cập nhật kiến thức, thông tin mới và từ thực tiễn ở cơ sở để đưa vào bài giảng, giúp người học nắm chắc kỹ năng, phát huy và sử dụng hiệu quả kiến thức đã học trong thực thi công vụ. Trường Chính trị tỉnh, các trung tâm bồi dưỡng cấp huyện đã mời các lãnh đạo tỉnh, huyện, các chuyên gia, chuyên viên cao cấp, báo cáo viên để tham gia giảng bài cho các lớp, nhằm nâng cao kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn cho học viên.
Thời gian đến, Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh việc thực hiện các văn bản của Trung ương, của tỉnh về đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của hệ thống chính trị cơ sở xã, phường, thị trấn trong cán bộ đảng viên, chú trọng củng cố và kiện toàn các tổ chức thôn, làng, tổ dân phố. Thực hiện tốt việc rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ cơ sở giai đoạn 2015 - 2020 và quy hoạch giai đoạn 2020 - 2025 nhằm tạo sự chủ động trong công tác cán bộ; đảm bảo tiêu chuẩn, cơ cấu hợp lý, tăng tỷ lệ cán bộ tại chỗ, cán bộ nữ, cán bộ trẻ gắn với chuẩn bị nhân sự đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025. Chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, bố trí và sử dụng cán bộ. Mở rộng dân chủ trong việc phát hiện, tạo nguồn cán bộ, tích cực tuyển chọn xây dựng đội ngũ cán bộ nhất là đối với cán bộ người dân tộc thiểu số tại chỗ đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới...
Bài, ảnh: Huy Bảo