Ở Gia Lai do những đặc thù riêng mà sợ ra đời của Đảng bộ tỉnh có phần muộn hơn so với các tỉnh khác. Song 76 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, lớp lớp các thế hệ đã sát cánh cùng đồng bào nhân dân các dân tộc trong tỉnh, vừa xây dựng phát triển đảng, củng cố chính quyền, đồng thời cùng cả tỉnh, cả nước thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cách mạng của dân tộc.
Đảng bộ tỉnh ra đời lãnh đạo sự nghiệp cách mạng
Trước cách mạng tháng Tám, ở Gia Lai đã có những đảng viên đi hoạt động “vô sản hóa” hay trốn tránh mật thám Pháp trong các đồn điền. Cộng với các hoạt động của các chiến sĩ cách mạng bị tù đày, các trí thức người dân tộc… mà nhân dân mà hình ảnh về cách mạng dần dần sáng tỏ. Ngọn cờ đấu tranh chống áp bức bóc lột, sưu cao thuế nặng, đi xâu, bắt lính… được nuôi mầm phát triển từ đô thị đến nông thôn, từ đồn điền đến buôn làng.
Cũng như trong cả nước, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở Gia Lai trong cách mạng tháng Tám năm 1945 là một bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử hàng ngàn năm xây dựng và bảo vệ quê hương của nhân dân Gia Lai. Đây là mốc quan trọng để thực hiện thắng lợi đường lối của Đảng về vấn đề dân tộc, như Nghị quyết về vấn đề dân tộc năm 1935 đề ra, góp phần vào thắng lợi chung cho cách mạng trên cả nước, xóa bỏ ách thống trị của Thực dân Phong kiến, giành quyền làm người, làm chủ quê hương. Cách mạng bùng nổ và thắng lợi nhanh chóng là nhờ tinh thần đoàn kết chặt chẽ của các dân tộc bao gồm công nhân, nông dân, trí thức, các dân tộc thiểu số; Sự tổ chức lãnh đạo năng động của các tổ chức thanh niên yêu nước; Bên cạnh đó là nhờ sự chuyển biến thuận lợi của tình hình cách mạng cả nước và thế giới.
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Gia Lai đứng trước nhiều khó khăn, thử thách. Ngân khố cạn kiệt, đại bộ phận đồng bào các dân tộc mù chữ và không biết nói tiếng phổ thông. Nhiều phong tục tập quán lạc hậu, mê tín dị đoan vẫn chi phối đời sống vật chất và tinh thần của các dân tộc. Lực lượng vũ trang mới hình thành, quân số không nhiều, chưa được huấn luyện và ít kinh nghiệm. Tại Gia Lai vẫn còn một trung đội quân phát xít Nhật trang bị đầy đủ vũ khí; những thành phần thực dân Pháp và ngoại kiều phản động núp dưới danh nghĩa chủ đồn điền ngấm ngầm hoạt động chờ cơ hội chống phá chính quyền cách mạng.

Các đại biểu về dự Đại hội Đảng bộ tỉnh Gia Lai - Kon Tum đầu tiên. Ảnh tư liệu.
Song bằng sự nhạy bén của các Đảng viên Cộng sản và lòng nhiệt tình cách mạng của nhân dân mà chính quyền được giữ vững. Ngày 01-10-1945, Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh được thành lập gồm 9 đảng viên với bí danh sắt đá cách mạng “ Xin- Thề- Hy- Sinh- Tất- Cả- Vì- Đảng- Ta” (bí danh của Nguyễn Đường, Hồ Dung, Nguyễn Bá Hòe, Trần Ren, Lý Tú, Phan Thêm, Phạm Thuần, Trương Trợ, Nguyễn Xuân, do đồng chí Nguyễn Đường làm Bí thư.
Tiếp sau sự kiện thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên ở Pleiku, qua tuyên truyền giác ngộ và chọn lọc, cũng như yêu cầu thống nhất lãnh đạo của Đảng, các chi bộ Đảng ở An Khê, Bàu Cạn, Biển Hồ và trong chi đội vũ trang Tây Sơn lần lượt ra đời, đưa tổng số đảng viên lên 24 đồng chí. Sau khi phát triển đảng viên và cấp trên tăng cường cán bộ, ngày 10 – 12 – 1945, Đảng bộ Đảng cộng sản Đông Dương tỉnh Gia Lai ra đời lấy tên là Đảng bộ Tây Sơn do đồng chí Phan Thêm làm Bí thư. Từ đây phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân Gia Lai có sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng cộng sản Đông Dương. Sự ra đời của Đảng bộ tỉnh là kết quả phát triển tất yếu của phong trào yêu nước và phong trào giải phóng dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác-Lênin, đường lối đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp của Đảng, Mặt trận Việt minh và phong trào yêu nước của công nhân đồn điền, thanh niên, viên chức địa phương là cầu nối, là chất xúc tác thúc đẩy mạnh mẽ cho sự ra đời của Đảng bộ tỉnh .
Đảng bộ tỉnh lãnh đạo sự nghiệp giải phóng dân tộc thống nhất đất nước
Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ từ cuối tháng 12 – 1945 đến tháng 6 – 1946 nhân dân Gia Lai đã tiến hành nhiều hoạt động nhằm củng cố chính quyền cách mạng chuẩn bị mọi mặt cho cuộc kháng chiến chống Pháp như: thành lập ủy ban hành chính và Ban chấp hành Việt Minh các cấp, thành lập tổ chức quần chúng, vận động đoàn kết các dân tộc, xóa bỏ thuế do Pháp - Nhật đặt ra, vận động sản xuất, thực hành tiết kiệm, phát động phong trào bình dân học vụ ở các cấp, xóa nạn mù chữ, thành lập lực lượng vũ trang tỉnh (Chi đội Tây Sơn), tổ chức huấn luyện bộ đội và đào tạo cán bộ dân quân cho các làng, xã, chuẩn bị cho kháng chiến…
Đứng trước nền hòa bình không thể cứu vãn, nhân dân Gia Lai cùng cả nước nhanh chóng bước vào cuộc chiến tranh trường kỳ bảo vệ quê hương đất nước với ý chí và tinh thần “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau…. Chúng ta phải thương yêu nhau, phải kính trọng nhau, phải giúp đỡ nhau để mưu hạnh phúc chung của chúng ta và con cháu chúng ta. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt” (Thư Hồ Chí Minh gửi Đại hội các dân tộc thiểu số Miền Nam tại Pleiku năm 1946).
Trải qua 30 năm kiên cường, dưới sự lãnh đạo của Đảng, mà trực tiếp là Đảng bộ tỉnh, chịu đựng nhiều gian khổ, mất mát hy sinh, song hết sức hào hùng và rực rỡ chiến công, Đảng bộ, quân và dân tỉnh Gia Lai đã giành được thắng lợi quyết định, giải phóng tỉnh lỵ Pleiku (17-3-1975) và toàn tỉnh Gia Lai, góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Nhân dân Gia Lai với ý chí, tấm lòng và niềm tin với Đảng đã giúp đồng bào và chiến sĩ vượt qua muôn trùng khó khăn, gian khổ, lập nên những làng chiến đấu anh hùng, những căn cứ du kích bất khả xâm phạm như Sơtơr, Xã Gào... được coi như những pháo đài của lòng yêu nước mà không một vũ khí nào của Pháp, của Mỹ có thể đè bẹp. Và trên mỗi con đường, ngọn núi, dòng sông, trong mỗi buôn làng… đều ghi đậm những chiến công như: đường 19, đường 7, những đỉnh đèo Mang Yang, An Khê, những thung lũng Ia Drăng, Chư Nghé, những cánh rừng Pleime, Đức Cơ, Cheo Reo.., biết bao tên đất, tên làng của tỉnh Gia Lai đã hóa thành tên của những chiến công lừng lẫy (Lê Duẩn, Tây Nguyên đoàn kết tiến lên).
Từ những mặt thành công và cả hạn chế của Đảng bộ qua thực tiễn phong trào đấu tranh cách mạng của 30 năm kháng chiến chống ngoại xâm, Đảng bộ rút ra những bài học kinh nghiệm, đó là: kiên trì tuyên truyền, giáo dục, giác ngộ chính trị cho quần chúng, thông suốt quan điểm cách mạng bạo lực, đi từ xây dựng lực lượng chính trị, đấu tranh chính trị tiến lên kết hợp xây dựng lực lượng vũ trang, đấu tranh vũ trang và binh vận, thực hiện tư tưởng chiến lược chủ động tiến công địch. Phối hợp ba mặt quân sự, chính trị, binh vận tấn công địch. Chăm lo xây dựng căn cứ hậu phương tại chỗ vững mạnh. Nắm vững chính sách dân tộc của Đảng, tăng cường khối đoàn kết các dân tộc để kháng chiến. Vừa kháng chiến vừa xây dựng Đảng bộ vững mạnh, giữ vai trò lãnh đạo kháng chiến ở các địa phương.
Hòa bình lập lại, toàn thể cán bộ và nhân dân trong tỉnh nhanh chóng bắt tay vào xây dựng cuộc sống mới; xây dựng Đảng bộ không ngừng lớn mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Đó là quá trình Đảng bộ Gia Lai lãnh đạo nhân dân trong tỉnh sát cánh cùng với các tỉnh Tây Nguyên và cả nước bước đầu quá độ lên chủ nghĩa xã hội, thực hiện di dân chiến lược, thực hiện phát triển Tây Nguyên đấu tranh xóa bỏ tổ chức FULRO và âm mưu chia rẽ đoàn kết dân tộc; thực hiện công cuộc đổi mới xây dựng quê hương, đất nước hòa bình, giàu mạnh; nhân dân có cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc theo mục tiêu con đường cách mạng của Đảng và Bác Hồ kính yêu đã lựa chọn. Đặc biệt, trong tình hình đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khó lường, sự lãnh đạo khoa học, thông suốt kiên quyết toàn diện của Đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận đoàn kết của người dân… sẽ là liệu thuốc khống chế, đẩy lùi đánh bại hoàn toàn dịch bệnh, bảo vệ nhân dân.
TS. Ngô Minh Hiệp