Theo Báo cáo của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, trong những năm qua, công tác kết nạp đảng viên và xây dựng tổ chức đảng tại khu vực Tây Nguyên đã được quan tâm thực hiện và đạt một số kết quả tích cực. Đến nay, toàn vùng Tây Nguyên có 89 đảng bộ cấp huyện và tương đương, với 3.549 tổ chức cơ sở đảng, có 7.805 chi bộ buôn, làng và 194.545 đảng viên.
Thực hiện mục tiêu “đến năm 2013, tất cả buôn làng đều có đảng viên; đến năm 2015, tất cả buôn làng đều có tổ chức đảng” (tại Kết luận số 12-KL/TW ngày 24 tháng 10 năm 2011 của Bộ Chính trị về “tiếp tục thực hiện Nghị quyết 10-KL/TW (khóa IX) phát triển vùng Tây Nguyên thời kỳ 2011 - 2020”), các tỉnh Tây Nguyên đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện mục tiêu thu hẹp số buôn làng chưa có đảng viên và chưa có chi bộ. Một số địa phương có những cách làm cụ thể, thiết thực và đạt hiệu quả cao, như: Tỉnh ủy Gia Lai đã ban hành các văn bản chỉ đạo, đôn đốc triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển đảng viên và củng cố tổ chức cơ sở đảng; chỉ đạo việc phân công cấp ủy viên cấp huyện, cấp xã thường xuyên tham dự sinh hoạt với các chi bộ thôn, làng. Tỉnh ủy Lâm Đồng ban hành kế hoạch chuyên đề để nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức cơ sở đảng, phát triển đảng viên; chú trọng việc kết nạp đảng viên ở khu dân cư vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có đông đồng bào theo đạo, vùng khó khăn; từng bước thu hẹp số chi bộ sinh hoạt ghép, tiến tới thành lập chi bộ độc lập trong từng buôn làng...
Trong nhiệm kỳ 2010 - 2015, toàn vùng Tây Nguyên kết nạp được 55.915 đảng viên mới, trung bình mỗi năm kết nạp 11.163 đảng viên mới. Trong đó, ba tỉnh là Gia Lai, Kon Tum và Lâm Đồng đã thực hiện vượt chỉ tiêu về công tác kết nạp đảng viên mới mà Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ 2010 - 2015 đề ra (Kon Tum vượt 66,25%; Lâm Đồng vượt 19,39%; Gia Lai vượt 19%; Đăk Lăk và Đăk Nông cơ bản đạt chỉ tiêu).
Cùng với việc thực hiện các chỉ tiêu phát triển đảng về số lượng, cơ cấu thành phần và chất lượng đảng viên ngày càng được nâng lên qua các năm. Theo đó, trong tổng số 194.545 đảng viên toàn vùng, có 35.404 đảng viên là người dân tộc thiểu số (tăng 9.950 đảng viên so với đầu nhiệm kỳ), 5.880 đảng viên là người có đạo (tăng 2.232 đảng viên so với đầu nhiệm kỳ). Chất lượng đảng viên mới kết nạp ngày càng cao, khắc phục dần những hạn chế về trình độ học vấn và nhận thức chính trị của một số đảng viên người dân tộc thiểu số tại chỗ.
Công tác thu hẹp số buôn, làng chưa có tổ chức đảng cũng được quan tâm chỉ đạo quyết liệt. Trong nhiệm kỳ qua, toàn vùng Tây Nguyên đã thành lập 793 chi bộ buôn, làng (bao gồm 217 buôn, làng thành lập mới và 604 buôn, làng chưa có chi bộ). Việc thành lập chi bộ ở từng buôn, làng trong thời gian qua thực hiện đúng quy định của Điều lệ Đảng, cơ bản khắc phục tình trạng chi bộ sinh hoạt ghép.

Ban chỉ đạo Tây Nguyên tổng kết công tác năm 2015 và triển khai nhiệm vụ năm 2016 (Ảnh: Khoa Điềm, nguồn: Internet)
Tuy nhiên, tính chung toàn vùng, mục tiêu mà Kết luận 12-KL/TW của Bộ Chính trị đề ra “đến năm 2013, tất cả buôn làng đều có đảng viên; đến năm 2015, tất cả buôn làng đều có tổ chức đảng” đã không đạt được. Hiện nay, toàn vùng Tây Nguyên còn 28 buôn, làng chưa có chi bộ, chiếm 0,36% (trong đó: Kon Tum 17; Lâm Đồng 11) và 17 buôn, làng chưa có đảng viên tại chỗ, chiếm 0,22% (trong đó: Kon Tum 10; Đăk Nông 07). Ở nhiều buôn, làng, mặc dù đã thành lập chi bộ độc lập, nhưng do số lượng đảng viên trong từng chi bộ quá mỏng, tỷ lệ đảng viên tại chỗ quá thấp so với số đảng viên điều chuyển nơi khác về, do đó nếu không quyết tâm đẩy mạnh việc kết nạp đội ngũ đảng viên tại chỗ, tình trạng “tái trắng” chi bộ vẫn có thể xảy ra.
Nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác phát triển đảng viên, đẩy nhanh tiến độ thu hẹp số buôn, làng chưa có chi bộ và chưa có đảng viên là người tại chỗ một cách bền vững, “phấn đấu đến cuối năm 2017: 100% buôn, làng có chi bộ và có đảng viên là người tại chỗ, có ít nhất 50% chi bộ buôn, làng có cấp ủy, đến năm 2020: 100% chi bộ buôn, làng (kể cả các buôn, làng thành lập sau 3 năm) đều có cấp ủy”, các tỉnh Tây Nguyên xác định một số giải pháp như: Nâng cao hơn nữa nhận thức trong các tầng lớp nhân dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số và người có đạo về vai trò lãnh đạo của Đảng, nhằm củng cố lòng tin của quần chúng nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và tự nguyện phấn đấu để được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Tiếp tục xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, khối đoàn kết lương - giáo, xóa bỏ mặc cảm, định kiến, phân biệt đối xử với quần chúng ưu tú và đảng viên là người có đạo khi tham gia sinh hoạt tôn giáo. Tập trung chỉ đạo xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, đủ sức lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Xây dựng nghị quyết chuyên đề về công tác kết nạp đảng viên tại các địa phương hiện đội ngũ đảng viên tại chỗ còn mỏng, trong đó xác định việc thực hiện chỉ tiêu kết nạp đảng viên người tại chỗ là một trong những tiêu chuẩn để xếp loại chất lượng tổ chức đảng, đảng viên hằng năm. Thường xuyên kiện toàn, củng cố Mặt trận và các đoàn thể quần chúng ở buôn, làng về tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ và đa dạng hóa nội dung, hình thức hoạt động để thu hút, tập hợp rộng rãi các tầng lớp quần chúng tại cơ sở; qua đó phát hiện, bồi dưỡng nhân tố ưu tú, giới thiệu cho cấp ủy xem xét kết nạp vào Đảng...
Thanh Hằng (tổng hợp)