Những năm qua, các cấp ủy luôn chú trọng đến công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử truyền thống cách mạng trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Gắn tuyên truyền giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống cách mạng địa phương với giáo dục chính trị tư tưởng trong các đợt sinh hoạt, học tập chỉ thị, nghị quyết, các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Ở cấp tỉnh: Năm 2011, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Báo Gia Lai, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh tổ chức Cuộc thi “Tìm hiểu về Bác Hồ nhân kỷ niệm 100 năm Người ra đi tìm đường cứu nước (05/6/1911 - 05/6/2011)” dưới hình thức thi trắc nghiệm và tự luận, thời gian triển khai từ ngày 26/01 đến ngày 02/9/2011. Thông qua việc tổ chức cuộc thi giúp cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân nhận thức sâu sắc hơn về những đóng góp to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với dân tộc Việt Nam, đồng thời tiếp tục phấn đấu thực hiện tốt việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Tiếp đến, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức cuộc thi “60 năm - Âm vang Điện Biên” (07/5/1954 - 07/5/2014) dưới hai hình thức thi trắc nghiệm và thi viết. Thông qua cuộc thi nhằm giúp cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh hiểu rõ về ý nghĩa, chiến thắng Lịch sử Điện Biên Phủ, khơi dậy lòng tự hào, cổ vũ động viên thế hệ trẻ phát huy truyền thống cách mạng, tinh thần độc lập, ý chí tự chủ, tự cường của dân tộc; tích cực đóng góp công sức, trí tuệ vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay.
Năm 2015, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tiếp tục tổ chức triển khai Cuộc thi tìm hiểu “70 năm ngày Bác Hồ gửi thư Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam tại Pleiku (19/4/1946 - 19/4/2016)” dưới hai hình thức thi trắc nghiệm và thi viết, thời gian từ ngày 01/10/2015 đến ngày 01/4/2016. Việc tổ chức cuộc thi nhằm tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh hiểu rõ ý nghĩa, giá trị, sức lan tỏa của thư Bác Hồ gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam năm 1946 và tầm vóc vĩ đại tư tưởng đại đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, góp phần đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết thống nhất của dân tộc Việt Nam. Đồng thời, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chủ trì, phối hợp với Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đồng chủ trì tổ chức thành công Hội thảo khoa học “70 năm ngày Bác Hồ gửi thư Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam tại Pleiku” nhằm nhận thức đầy đủ hơn về ý nghĩa, tầm quan trọng trong nội dung thư Bác Hồ gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam năm 1946.
Đối với các huyện ủy, thị ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc: Tăng cường chỉ đạo công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử truyền thống trong các cấp, các ngành. Lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống các địa phương, các ngành được in ấn, xuất bản phát hành rộng rãi đến các tổ chức cơ sở đảng, các đơn vị, cơ quan, trường học trên địa bàn. Từ năm 2011 - 2015, thành phố Pleiku và các huyện như Krông Pa, Kông Chro, Ia Grai, Đak Đoa, Mang Yang… đã tổ chức các cuộc thi tìm hiểu lịch sử đảng bộ địa phương, được đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia. Năm 2011, huyện Đak Đoa xây dựng kế hoạch đưa nội dung Lịch sử Đảng bộ huyện vào chương trình giảng dạy trong chương trình bồi dưỡng cảm tình đảng, bồi dưỡng đảng viên mới ở cơ sở.
Công tác giảng dạy lịch sử Đảng ở Trường Chính trị tỉnh và các trung tâm bồi dưỡng chính trị các huyện, thị xã, thành phố cũng được quan tâm đẩy mạnh. Trong chương trình của các lớp trung cấp lý luận chính trị tại các huyện, thị xã, thành phố và một số đảng ủy, bài giảng Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, mỗi giai đoạn lịch sử đều có sự liên hệ, vận dụng tình hình địa phương, qua đó giúp học viên nắm vững thêm về lịch sử đảng bộ và vai trò lãnh đạo của đảng bộ địa phương trong giai đoạn kháng chiến cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng trong đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh, sinh viên trong các trường học thường xuyên được quan tâm, bằng nhiều hình thức khác nhau, như: Tổ chức tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, giáo dục truyền thống văn hóa dân tộc, chủ nghĩa yêu nước, lòng tự hào dân tộc; giáo dục lối sống cao đẹp, gương mẫu chấp hành chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước được thực hiện nghiêm túc trong các dịp bồi dưỡng chính trị hè hằng năm và trong các đợt học tập nghị quyết của Đảng các cấp tại các đảng bộ, chi bộ cơ sở và thông qua sinh hoạt chi bộ, Hội đồng nhà trường, các hoạt động đoàn thể, nhằm tuyên truyền giáo dục sâu rộng cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh, sinh viên. Qua đó, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện trong trường học. Ngành giáo dục đã biên soạn, xuất bản tập giáo trình lịch sử địa phương đưa vào giảng dạy trong các trường phổ thông nhằm bồi dưỡng, khơi dậy tình yêu quê hương đất nước, lòng tự hào dân tộc, củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng trong học sinh; động viên thế hệ trẻ tích cực tham gia vào công cuộc đổi mới, xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Mặc dù vậy, công tác tuyên truyền giáo dục lịch sử đảng bộ địa phương nhìn chung chưa được quan tâm đúng mức, nhất là việc đưa lịch sử đảng bộ địa phương vào giảng dạy trong các nhà trường chưa được thống nhất về nội dung và cách thức tiến hành. Thời gian đến, các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử địa phương cho cán bộ, đảng viên, nhân dân, nhất là thế hệ trẻ nhằm nâng cao nhận thức và lòng tự hào về Đảng, về truyền thống lịch sử và những thành tựu đạt được của quê hương Gia Lai dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh…
Huy Bảo