Xác định việc đánh giá cán bộ giữ vị trí quan trọng trong công tác cán bộ, những năm qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy các cấp quán triệt đầy đủ các nội dung yêu cầu mục đích của công tác đánh giá cán bộ; thường xuyên chăm lo làm tốt công tác cán bộ từ khâu nhận xét, đánh giá đến việc lựa chọn, tạo nguồn để đưa vào quy hoạch cấp ủy, các chức danh lãnh đạo chủ chốt và bố trí sử dụng một cách hợp lý tạo động lực cho cán bộ, công chức nỗ lực phấn đấu, đáp ứng yêu cầu hội nhập, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh.
Đặc biệt, trong quá trình kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã kiểm điểm sâu sắc những khuyết điểm về công tác cán bộ. Từ đó, xây dựng chương trình khắc phục khuyết điểm, khắc phục tình trạng thiếu hụt về công tác cán bộ do quá trình chuyển tiếp của các nhiệm kỳ trước. Chỉ đạo việc rà soát, sửa đổi, bổ sung Quy định phân cấp quản lý cán bộ, tiêu chí đánh giá cán bộ, Quy chế bổ nhiệm cán bộ và giới thiệu cán bộ ứng cử phù hợp với các quy định mới của Trung ương.
Thực hiện các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Quy định số 1244-QĐ/TU ngày 07 tháng 4 năm 2014 quy định về tiêu chuẩn các chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý; đồng thời, chỉ đạo các cấp ủy trực thuộc, các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc của Tỉnh ủy tham mưu các văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện công tác nhận xét đánh giá cán bộ đảm bảo chất lượng; phân cấp giao Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh, các đảng đoàn nhận xét, đánh giá phân loại đối với cấp phó các sở, ban ngành và tương đương; Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiến hành xếp loại đối với các chức danh giám đốc và tương đương của các sở, ban, ngành. Hằng năm, sau khi kiểm điểm tự phê bình và phê bình, các cấp ủy tiến hành nhận xét, đánh giá và xếp loại cán bộ lãnh đạo, quản lý hoặc gửi báo cáo về cấp ủy cấp trên thẩm định, có kết luận nhận xét, đánh giá cho từng cán bộ, đảng viên theo quy định đã được phân cấp.
Việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các thành viên lãnh đạo cấp ủy và cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đảm bảo dân chủ theo đúng tinh thần Quy định số 262-QĐ/TW ngày 08 tháng 10 năm 2014 của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các thành viên lãnh đạo cấp ủy và cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; các đảng bộ trực thuộc, các cơ quan, đơn vị chuẩn bị kỹ, chu đáo và thực hiện công tâm, khách quan, kết quả đã phản ánh sát, đúng về mức độ tín nhiệm đối với từng cán bộ, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình ủng hộ. Công tác đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức, các cơ quan, đơn vị được triển khai thực hiện tích cực, đảm bảo các bước theo yêu cầu Nghị định số 56/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ về đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức, gắn với công tác đánh giá, phân loại đảng viên hằng năm của cấp ủy các cấp.

Giao ban công tác xây dựng Đảng
Để thực hiện có hiệu quả công tác đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý, căn cứ vào các văn bản hướng dẫn thực hiện hằng năm của Trung ương, tỉnh đã ban hành các văn bản hướng dẫn, thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra và tổng hợp kết quả đánh giá chất lượng cán bộ lãnh đạo, quản lý; kịp thời giải đáp những vướng mắc trong quá trình triển khai và thực hiện công tác đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý. Các huyện ủy, thị ủy, thành ủy và đảng ủy trực thuộc tỉnh đã tích cực triển khai các văn bản hướng dẫn của Trung ương và Tỉnh ủy, xây dựng kế hoạch và triển khai việc kiểm điểm tự phê bình, phê bình đối với tập thể, cá nhân, đánh giá, phân loại chất lượng cán bộ lãnh đạo, quản lý hằng năm đến từng chi bộ và đảng viên. Cùng với việc triển khai thực hiện kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), việc đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý đạt chất lượng hơn; kịp thời chỉ rõ những khuyết điểm của cán bộ lãnh đạo, quản lý để khắc phục nhằm thực hiện tốt hơn nhiệm vụ được giao.
Trên cơ sở hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh, các cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội đã bám sát nội dung, yêu cầu của công tác đánh giá cán bộ; bám sát vào tiêu chuẩn, phẩm chất đạo đức, ý thức chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao, lấy hiệu quả công tác thực tế thông qua các chỉ tiêu cụ thể, tín nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhân dân làm thước đo chính trong nhận xét, đánh giá, phân loại cán bộ. Đối với cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt còn phải xem xét thêm hiệu quả, chất lượng của những chủ trương, cơ chế, chính sách do đồng chí đó tham mưu, đề xuất, quyết định; chú ý đánh giá về khả năng sáng tạo, quy tụ đoàn kết cán bộ, năng lực dự báo, tổng kết thực tiễn, sự quyết đoán và hiệu quả trong quản lý, điều hành, thực hiện nhiệm vụ được giao; đồng thời, xem xét cán bộ với những vụ việc gây bức xúc trong dư luận khiến nhân dân bất bình, thái độ chống tham ô, tham nhũng, lãng phí… Cơ quan cấp trên, cấp có thẩm quyền theo phân cấp quản lý cán bộ nhận xét, đánh giá và kết luận phân loại cán bộ theo các mức quy định.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy luôn chú trọng công tác quản lý cán bộ, chỉ đạo cơ quan tham mưu công tác tổ chức xây dựng Đảng, tham mưu về nhận xét đánh giá đối với cán bộ thuộc diện Tỉnh ủy quản lý định kỳ hằng năm và đánh giá cán bộ đảm nhiệm chức vụ trước khi hết nhiệm kỳ, trước khi thực hiện quy trình bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử, bầu cử, quy hoạch, khen thưởng, kỷ luật...; chỉ đạo các cơ quan xây dựng Đảng thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát để nắm chắc phẩm chất, năng lực của cán bộ, tham mưu nhận xét, đánh giá, phân loại cán bộ toàn diện trên các mặt phẩm chất, đạo đức, lối sống, kết quả thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao... Kết quả nhận xét, đánh giá, phân loại cán bộ và nhận xét về chiều hướng và triển vọng phát triển của cán bộ để thực hiện các quy trình của công tác cán bộ.
Nhìn chung, quy trình thực hiện công tác đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý ở tỉnh trong những năm qua đã đảm bảo được các yêu cầu đề ra; thể hiện được nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ theo nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy vai trò của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị. Thông qua kiểm điểm, nhận xét đã đánh giá được những ưu điểm, khuyết điểm và nguyên nhân về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, năng lực và hiệu quả công tác của cán bộ. Việc nhận xét, đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý được tiến hành trên cơ sở tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt kiểm điểm; thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, kết luận theo đa số, công khai đối với cán bộ được nhận xét, đánh giá, thể hiện được tính dân chủ, khách quan, trung thực, toàn diện và phù hợp với vị trí, điều kiện công tác cụ thể của từng cán bộ. Quy trình đánh giá cán bộ luôn được thực hiện đầy đủ theo các bước: Bản thân cán bộ tự kiểm điểm, nhận xét, đánh giá; người đứng đầu và tập thể cấp ủy, tập thể lãnh đạo nơi cán bộ công tác nhận xét đánh giá; tập thể chi ủy nơi cán bộ cư trú nhận xét, đánh giá; ban thường vụ cấp ủy có thẩm quyền đánh giá và thông báo nội dung đánh giá đến từng cán bộ được đánh giá. Kết quả nhận xét, đánh giá, phân loại cán bộ là cơ sở quan trọng để lựa chọn cán bộ có phẩm chất chính trị, có năng lực trong thực thi nhiệm vụ để làm căn cứ xem xét quy hoạch cán bộ, giới thiệu cán bộ ứng cử, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, khen thưởng cán bộ…
Để tiếp tục đổi mới công tác đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý, thời gian đến, các cấp ủy, chính quyền phải đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác cán bộ, quy định rõ ràng chế độ trách nhiệm và quyền hạn của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong công tác cán bộ, xây dựng cơ chế phát huy trách nhiệm người đứng đầu; đồng thời, tạo môi trường dân chủ để mọi người thẳng thắn chỉ ra những ưu điểm, khuyết điểm trên tinh thần xây dựng. Thực hiện đánh giá cán bộ phải đảm bảo các nguyên tắc cơ bản: Tập trung dân chủ; công khai, minh bạch, khách quan, toàn diện và công tâm, quyết định trên đa số, trên cơ sở tự phê bình và phê bình. Tăng cường trách nhiệm đánh giá và sử dụng cán bộ của cấp có thẩm quyền, các cơ quan tham mưu và người đứng đầu các cấp, các ngành, các đơn vị. Cần nghiên cứu, tổng kết công tác quản lý, đánh giá cán bộ thời gian qua để phát huy những điểm mạnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế để đưa công tác quản lý, đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý ngày càng tốt hơn...
Bài, ảnh: Huy Bảo