The request was aborted: Could not create SSL/TLS secure channel. Chủ tịch Hồ Chí Minh với vấn đề đạo đức cách mạng trong tác phẩm "nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân" đến vấn đề đạo đức theo quan điểm của đảng ta hiện nay
18/05/2021 - Lượt xem: 1904
Tác phẩm "Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân" được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết và công bố trong dịp kỷ niệm lần thứ 39 năm ngày thành lập Đảng. Đây là một bài viết ngắn gọn, xúc tích chỉ với chưa đầy 700 từ (684 từ), tuy nhiên, lại chứa đựng những tư tưởng lớn, đề cập tới vấn đề quan trọng đối với người cách mạng và đảng cách mạng, nhất là khi đảng đã trở thành đảng cầm quyền. Đó là vấn đề tu dưỡng đạo đức cách mạng và chống chủ nghĩa cá nhân.

Theo Hồ Chí Minh, không có sự trong sạch về đạo đức thì không thể có sức mạnh vượt qua mọi sự tha hóa ở đời, mà cạm bẫy dẫn con người ta tới tha hóa chính là chủ nghĩa cá nhân. Không vượt qua sự tha hóa thì Đảng không còn là Đảng chân chính cách mạng nữa, nhất là khi đã cầm quyền và khi đó phong trào cách mạng khó tránh khỏi thất bại bởi mất đi niềm tin và sự ủng hộ của quần chúng nhân dân. Không được nhân dân tin yêu và ủng hộ thì không một chế độ nào, một đảng phái nào có sức sống để tồn tại và phát triển bền vững.  Kế thừa những tư tưởng đạo đức cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam trong suốt 91 năm qua luôn chú trọng giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ đảng viên; coi đó là một trong những nhiệm vụ trọng yếu của công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng ta hiện nay.

Trên cơ sở tổng kết lý luận và thực tiễn đạo đức cách mạng, trong tác phẩm này, Người chỉ ra mặt đối lập là chủ nghĩa cá nhân, tập trung phân tích về giá trị thực tiễn của đạo đức cách mạng, cụ thể là năng lực thực hành đạo đức của cán bộ, đảng viên, biểu hiện qua hai đặc trưng cơ bản:

Một là, đạo đức nói chung và đạo đức cách mạng nói riêng chỉ được khẳng định khi phát huy được giá trị của mình thông qua việc thực thi đạo đức một cách tự giác, là yếu tố tự thân của mỗi con người, mỗi tập thể và được người dân, dư luận xã hội đánh giá tích cực. Ngay ở đầu tác phẩm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Nhân dân ta thường nói: đảng viên đi trước, làng nước theo sau. Đó là một lời khen chân thành đối với đảng viên và cán bộ chúng ta”. Điều này chỉ ra rằng, các bài học đạo đức, tư tưởng đạo đức được đưa ra, nêu ra là để thực hành chứ không phải để rút kinh nghiệm hay làm tiền đề cho các bài học, các tư tưởng đạo đức khác. Qua quá trình thực hành sẽ chịu sự điều chỉnh của yếu tố cá nhân, chủ yếu là ở nhận thức và từ phía người dân, từ dư luận xã hội. Cũng từ đây, những chuẩn mực đạo đức không cần phải tổ chức học tập cũng trở thành phong trào thực thi, thực hành sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và người dân.

Hai là, nêu gương vẫn là phương thức giáo dục đạo đức tốt nhất, tạo sự kế thừa các chuẩn mực đạo đức từ thế hệ trước cho thế hệ sau, từ những con người cách mạng tiên phong cho toàn xã hội. Trong sự nghiệp cách mạng, tấm gương đạo đức lớn nhất, phổ biến nhất mà tất cả mọi người đều nhìn vào là tấm gương đạo đức, thực hành đạo đức của đội ngũ cán bộ, đảng viên, đặc biệt là đội ngũ cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước và đoàn thể.

Trái ngược với đạo đức cách mạng, chủ nghĩa cá nhân là mặt đối lập. Ngay trong tác phẩm này, Chủ tịch Hồ Chí Minh khái quát: chủ nghĩa cá nhân là “việc gì cũng nghĩ đến lợi ích riêng của mình trước hết. Họ không lo “mình vì mọi người” mà chỉ muốn “mọi người vì mình” với những biểu hiện cụ thể sau:

“Ngại gian khổ, khó khăn,

Sa vào tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa,

Tham danh trục lợi, thích địa vị quyền hành,

Tự cao, tự đại, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng,

Độc đoán, chuyên quyền,

Xa rời quần chúng, xa rời thực tế,

Mắc bệnh quan liêu, mệnh lệnh,

Không có tinh thần cố gắng vươn lên, không chịu học tập để tiến bộ.

Mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, tính kỷ luật,

Thiếu tinh thần trách nhiệm,

Không chấp hành đúng đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, làm hại đến lợi ích của cách mạng, của nhân dân”.

Những biểu hiện này làm nổi bật lên nhiệm vụ “xây” và “chống” trong xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Đây là vấn đề Người thường xuyên quan tâm trong tiến trình xây dựng và rèn luyện Đảng ta. Đó là, muốn xây dựng đạo đức mới, muốn bồi dưỡng những phẩm chất đạo đức cách mạng cho hàng triệu, hàng triệu triệu người, thì cùng với việc xây dựng, bồi dưỡng những phẩm chất tốt đẹp, nhất thiết phải chống những biểu hiện xấu xa, trái với những yêu cầu của đạo đức mới. Là việc phải tiến hành đồng thời, bắt đầu từ trong Đảng, từ trong mỗi đảng viên của Đảng. Những biểu hiện này cũng chỉ ra còn có sự lỏng lẻo trong tổ chức Đảng đã tạo cơ hội, tạo điều kiện cho chủ nghĩa cá nhân phát tác.

Người cũng  đưa ra hai nhóm giải pháp đó là: năm giải pháp phải thực hiện đối với Đảng và bốn giải pháp phải  làm đối với đảng viên để quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng thực sự là những di huấn đặc biệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với công tác xây dựng Đảng.

Có thể khẳng định rằng những giá trị lý luận trong tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh có ý nghĩa thực tiễn rất lớn đối với công tác xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay

Trong bối cảnh hiện nay, để đáp ứng yêu cầu phát triển mới của đất nước, cùng với việc coi “phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm”, Văn kiện Đại hội lần thứ XII của Đảng xác định: “xây dựng Đảng là then chốt”. Đặc biệt, trong nhiệm kỳ XII, Đảng đã hết sức chú trọng công tác xây dựng Đảng toàn diện, cả về tư tưởng chính trị, tổ chức, cán bộ và đạo đức, trong đó công tác cán bộ, lựa chọn những người có đức, có tài, tuyệt đối trung thành với lý tưởng của Đảng là “then chốt” của “nhiệm vụ then chốt”.

Nội dung xây dựng Đảng về đạo đức đã được chính thức đề cập trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Một trong những thành tựu của nhiệm kỳ 2016 – 2021 được Đại hội nêu là “Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị được đặc biệt chú trọng, được tiến hành toàn diện, đồng bộ, có hiệu quả trên tất cả các mặt chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ”. Bài học đầu tiên trong nhiệm kỳ Đại hội XII cũng liên quan đến nội dung này: “Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng phải được triển khai quyết liệt, toàn diện, đồng bộ, thường xuyên, hiệu quả cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ”. Như vậy, với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”, các chỉ thị về việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, cùng nhiều quy định khác, công tác xây dựng Đảng về đạo đức đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, Đại hội XIII cũng đặt vấn đề cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả hơn nữa công tác xây dựng Đảng nói chung và công tác xây dựng Đảng về đạo đức nói riêng. Đó là phải “tập trung xây dựng Đảng về đạo đức, tích cực đấu tranh phòng chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ gắn với đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; phát huy thật tốt trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên theo phương châm chức vụ càng cao càng phải gương mẫu”.

Thực tiễn công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhất là công tác cán bộ của Đảng hiện nay, chúng ta càng thấy rõ các chỉ dẫn về xây dựng đạo đức cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị và có tính thời sự sâu sắc; càng ý thức được lời dặn của Người: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”.

Việc không ngừng rèn luyện, tu dưỡng đạo đức của cán bộ, đảng viên, cũng giống như việc tạo ra những kháng thể tốt, ngăn chặn, miễn nhiễm, đẩy lùi và làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn quyết liệt chống phá của các thế lực phản động, thù địch đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.

Phải hết sức vững vàng trên nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên định chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tuyệt đối không được dao động, mơ hồ. Phải đặc biệt coi trọng nội dung giáo dục chính trị, tư tưởng; khắc phục bệnh “lười học lý luận chính trị” của cán bộ, đảng viên. Đây là yêu cầu trọng tâm của công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức cách mạng đối với mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ cấp chiến lược.

Mỗi cán bộ, đảng viên cần có ý thức tự giác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức hằng ngày và quan trọng hơn là hằng ngày phải “thực hành đạo đức cách mạng”. Đảng yêu cầu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh là để cho cán bộ, đảng viên tự soi mình, sửa mình, tự rèn luyện những phẩm chất: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; quét sạch mọi biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân vị kỷ để được nhân dân tin yêu, quý mến. Cán bộ, đảng viên không phải chỉ đi tuyên truyền “suông” mà cần thật sự đi đầu, tạo sức lan tỏa trong nhân dân về việc nghiêm túc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước, đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”.

Trong bối cảnh thời đại, xu thế hội nhập, toàn cầu hóa, quốc tế hóa, sự phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng khoa học Công nghiệp lần thứ 4 (4.0) trước thực trạng đạo đức đội ngũ cán bộ, đảng viên và những vấn đề đặt ra nhằm tiếp tục nâng cao đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên để đủ sức hoàn thành nhiệm vụ cách mạng mà Đảng và nhân dân giao phó, thì việc đẩy mạnh nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là vô cùng cần thiết, là một trong những biện pháp quan trọng hàng đầu để mọi cán bộ, đảng viên và tổ chức Đảng tự giác liên hệ, kiểm điểm, sửa chữa, khắc phục tình trạng suy thoái về đạo đức, lối sống, giữ vững niềm tin của nhân dân đối với Đảng, nâng cao sức chiến đấu và năng lực lãnh đạo của Đảng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa của chúng ta.

Như vậy, có thể khẳng định rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh là một mẫu mực của sự kết hợp giữa lý luận hóa thực tiễn và thực tiễn hóa lý luận, bắt đầu từ thực tiễn để hướng đích tới thực tiễn, bằng những thực hành kiên trì, bền bỉ. Là nhà thực hành đạo đức - thực hành lớn nhất trong mọi thực hành của Hồ Chí Minh, Người là hiện thân sinh động và cảm động về tấm gương đạo đức trong sáng, thanh cao. Một tấm gương tốt, một tấm gương sống còn quý hơn hàng trăm bài diễn văn. Nói ít làm nhiều, lời nói đi đôi với việc làm, đó là sự trung thực và tận tâm, vì đời, vì người chứ không phải vì mình. Hồ Chí Minh là hiện thân của sự thống nhất giữa động cơ chính trị cao cả với phương pháp khoa học sáng suốt và đạo đức cách mạng trong sáng để toàn tâm toàn ý phục vụ Tổ quốc, dân tộc, nhân dân và nhân loại. Người đã hóa thân để hiến dâng và hiến dâng bằng sự hóa thân, quên mình vì tất cả. Chủ nghĩa xã hội trong tư duy và hành động của Hồ Chí Minh là vì con người và xã hội loài người. Và trong bối cảnh hiện nay, rèn luyện đạo đức cách mạng là việc phải làm thường xuyên, liên tục nhất là việc rèn luyện đạo đức của đội ngũ cán bộ, đảng viên phải được tiến hành ở mọi lúc, mọi nơi trong mọi hoạt động thực tiễn, mọi mối quan hệ với tổ chức và cá nhân; và phải được giám sát bởi cấp ủy , bởi nhân dân trên tinh thần dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng./

ThS. Vũ Thị Thảo- Trường Chính trị tỉnh Gia Lai

_________________

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011.

2. Vũ Kỳ: Bác Hồ viết bài báo “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, Báo Nhân Dân, ngày 30-1-1999.

3. Phát biểu của đồng chí Lê Khả Phiêu, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, bế mạc Hội nghị lần thứ sáu (lần 2) Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII, Tạp chí Cộng sản số 4 (2-1999).

4. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, NXB CTQG, HN.2016.

5. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, NXB CTQG, HN.2021.

(Bấm vào đây để nhận mã)

Tin liên quan

60 năm chiến thắng điện biên phủ

Ảnh Xem tất cả >>

Video

Kỳ họp thứ 2 HĐND tỉnh Gia Lai khóa XII: Thông qua 14 nghị quyết quan trọng

Công an Gia Lai: Hỗ trợ công dân các tỉnh đi xe máy từ vùng dịch về

Những chuyến xe nặng nghĩa tình

Kỳ họp thứ nhất HĐND tỉnh Gia Lai bầu các chức danh chủ chốt của HĐND và UBND tỉnh

Nông dân "bắt nhịp" nông nghiệp-dịch vụ

Tỷ giá - Thời tiết

Chọn thành phố

Liên kết website

Biển Hồ  Biển Hồ
Quản lý văn bản Văn phòng Tỉnh ủy
BlueZone
Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XII, nhiệm kỳ 2021 - 2026
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Gia Lai năm 2016
LÊN ĐẦU TRANG