Trong suốt thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX cả dân tộc chìm trong u tối, có thể nói đó là quãng thời gian băng giá của Tổ quốc. Nhân dân cả nước thuở ấy phải oằn lưng vì sưu cao thuế nặng, phải chịu mọi cực hình tra tấn, roi vọt, cầm tù. Giang sơn, miếu mạo, đền đài, mồ mả tổ tiên ông bà ta thuở ấy đều bị bọn thực dân đế quốc chà đạp, chế nhạo, miệt thị. Nhưng dải đất hình chữ S vẫn cứ vần vũ theo quy luật bắt nguồn từ dòng chảy của một nền văn hóa suốt mấy nghìn năm tích tụ để bừng lên một nhân cách, một sinh lực tươi mới từ một tấm lòng, một sức mạnh từ một người con ưu tú của dân tộc đó là con người, nhân cách Hồ Chí Minh. Đó là ngôi sao sáng: Nguyễn Tất Thành - từ lầm than nô lệ, từ bến cảng Nhà Rồng Người đã quyết ra đi để tìm con đường giải phóng quê hương đất nước.
Mùa đông năm 1912 người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã tới Nĩu Ước. Bà Jstenson - một nhà sử học Mỹ - “quyết tâm đi tìm bằng được lai lịch văn hóa Hồ Chí Minh” bà đã viết đại ý: Có rất nhiều chính khách đến với Niu- oóc để chiêm ngưỡng bức tượng Thần tự do, họ từng ngợi ca ngôi sao tỏa sáng trên vòng nguyệt quế là ánh sáng của Tự do… Duy chỉ có Nguyễn Tất Thành đã đến đây và nhận ra một điều chưa ai nhìn thấy được. Đó là: ánh sáng tỏa ra trên đỉnh đầu Thần Tự do chỉ bừng sáng, tỏa rộng trên bầu trời còn dưới chân bức tượng nổi tiếng ấy thì triệu triệu người da đen đang bị dày xéo, chà đạp. Người ước ao bao giờ có thể có được sự bình đẳng giữa người da đen với người da trắng, bao giờ các dân tộc dân tộc trên thế giới mới có được sự bình đẳng với nhau và bao giờ người phụ nữ mới được bình đẳng với nam giới.
Mùa xuân năm 1919 là mốc son đánh dấu quyết định chính trị đầu tiên khi Nguyễn Tất Thành dưới tên gọi Nguyễn Ái Quốc đã gia nhập đảng Xã hội Pháp. Xuất phát điểm và động lực duy nhất để Người gia nhập đảng Xã hôi “chỉ vì đây là tổ chức duy nhất ở Pháp dám tuyên bố bênh vực nước tôi, là tổ chức duy nhất theo đuổi lí tưởng cao quý của Đại cách mạng Pháp: “Tự do - Bình đẳng - Bác ái”.

Giải phóng Tổ quốc, thực hiện tự do, bình đẳng, bác ái cho nhân loại là quan điểm nhất quán, xuyên suốt mục đích của một đảng chân chính mà Nguyễn Ái Quốc hằng mong ước.
Lần đầu tiên giữa thủ đô “mẫu quốc” một người Việt Nam trên diễn đàn Đại hội Đảng Xã hội Pháp đã dám lên tiếng kịch liệt lên án chủ nghĩa thực dân, Người đã “nhân danh toàn thể loài người, nhân danh tất cả các đảng viên Xã hội chúng tôi kêu gọi các đồng chí hãy cứu chúng tôi!” Đến 22 giờ ngày 29/12/1920 Người đã đưa ra một quyết định lịch sử: Bỏ phiếu tán thành gia nhập Quốc tế cộng sản thứ ba, bởi tổ chức đó ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc, bởi tổ chức đó lấy luận cương của Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa làm ngọn đuốc dẫn đường. Và chính quyết định đó đã đưa Người gia nhập vào hàng ngũ những yếu nhân của lịch sử hiện đại ở châu Âu, tham gia sáng lập đảng Cộng sản Pháp.
Với Việt Nam, quyết định lịch sử đó của Người là tia chớp vụt sáng giữa đêm đen lạnh giá, là tiếng gọi vỡ òa, bật lên như một tiếng chuông: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ, đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng cho tất cả chúng ta!”.
Trải qua 10 mùa xuân (1911-1920) Người đã sống và làm việc trong gian khó, hiểm nguy trên rất nhiều quốc gia tư bản từ châu Mỹ đến châu Âu trong thời kỳ phát triển để học hỏi, để tìm ra con đường sống cho dân tộc, giống nòi. Tiếp tục chịu đựng hơn 10 năm bôn ba gian khổ nữa, từ quê hương Lênin đến quê hương Các Mác, Ăng Ghen và nhiều nước khác. Mãi đến mùa xuân 1930 Người “đi tìm hình của nước” mới đủ điều kiện để từ trời Tây trở về Hương Cảng. Thay mặt Quốc tế Cộng sản, Người sáng lập ra đảng Cộng sản Việt Nam, chấm dứt một thời kỳ dài phong trào cách mạng trong nước đang lâm vào sự khủng hoảng lãnh đạo vì bị bọn phong kiến, thực dân chia rẽ đoàn kết.
10 năm sau kể từ ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam, mùa xuân 1941, Người mới trở về với quê hương, với Tổ quốc để trực tiếp lãnh đạo Đảng và dân tộc làm nên cuộc cách mạng Tháng 8 - 1945 lịch sử vĩ đại, khai sinh ra thể chế dân chủ cộng hòa. Từ bấy đến nay, bao nhiêu mùa xuân của thế kỷ 20 đã đi vào lịch sử. Cuộc đời hoạt động vì độc lập, tự do cho đất nước, cho dân tộc của Người đã cho ta ngộ ra nhiều suy tư và thấu hiểu, cho ta thêm “giàu đôi mắt” để thấy rõ ánh sáng của một tấm lòng, một nhân cách, một niềm tin đó là: với những quyết sách chiến lược tài tình, những suy nghĩ và việc làm hết sức thông minh, sáng suốt, cùng với những hành động dũng cảm, những sự hi sinh to lớn… Đảng Cộng sản Việt Nam đã trở thành một tổ chức cao nhất của quần chúng lao động, hiện thân của trí tuệ, danh dự và lương tâm của một dân tộc”, Đảng đã chinh phục được trái tim, khối óc của hàng chục triệu người dân trên cả nước. Nhân dân ta tuyệt đối tin theo Đảng. Sự nghiệp cơ đồ giang sơn của Tổ quốc, danh dự và phẩm giá của người Việt Nam mới được như ngày nay. Người từng nói: “Với tất cả tinh thần khiêm tốn của người cách mạng chúng ta có quyền nói rằng: Đảng ta thật vĩ đại!”.
Người đã từng dạy chúng ta: người thông minh vĩ đại không phải là người không phạm sai lầm. Không và không thể có những người không bao giờ phạm sai lầm! Người nào phạm phải sai lầm mà biết nhanh chóng nhận ra sai lầm, tìm ra nguyên nhân đúng và đề ra được chủ trương, biện pháp và có quyết tâm hành động để sửa chữa, khắc phục sai lầm thì người đó mới đích thực là người thông minh, người cách mạng
Đảng Cộng sản Việt Nam trong suốt 90 năm qua đã đạt tới sự vĩ đại chính là nhờ sự thông minh chân chính đó của mình. Đảng ta cũng đã từng phạm phải sai lầm trong suốt chặng đường cách mạng đầy khó khăn, phức tạp. Nhưng nhờ sức mạnh tự thân của mình, Đảng ta đã rất thông minh, dũng cảm tự kiểm điểm, “tự chỉ trích” để nhận ra sai lầm khuyết điểm mà kiên quyết sửa chữa. Nhờ đó, Đảng đã vượt qua được những khuyết điểm, sai lầm để vượt lên viết tiếp những trang sử vẻ vang. Lịch sử cho thấy, khi có sự trong sáng về tư tưởng, sự vững chắc về tổ chức thì Đảng sẽ chống lại được mọi biểu hiện của tệ bè phái, cá nhân, cục bộ, giáo điều, cơ hội. Nếu Đảng quang minh chính đại thì nơi nào sai lầm, ai sai lầm cũng sẽ được lập tức sửa chữa, nếu những người lãnh đạo của tổ chức đảng biết tự mình nêu gương và cương quyết duy trì nguyên tắc sống và giữ gìn phẩm giá của người đảng viên một cách trong sạch, gương mẫu, cương quyết chống thói nể nang, che dấu. Nếu trong Đảng quyết tâm thực hành dân chủ rộng rãi, dũng cảm tự phê bình và phê bình nghiêm túc không hình thức, biết lắng nghe nhân dân, biết sống thật thà, trung thực và thủy chung, có tình, có nghĩa, lí lẽ phân minh, có tình thương yêu đồng chí cùng nhau hướng về cái tốt, cái đẹp, một lòng, một dạ phục vụ nhân dân thì Đảng sẽ mãi mãi là một Đảng chân chính, vĩ đại, Đảng sẽ xứng đáng là người đại diện cho ý chí của toàn thể nhân dân, của toàn dân tộc.
Sự vĩ đại của Đảng quyết định ở tư duy, ở hành động cách mạng của mỗi đảng viên. Sự vĩ đại ấy còn được quyết định ở sự hi sinh chiến đấu dũng cảm, ngoan cường vì lợi ích xã hội, lợi ích của mọi người dân và toàn dân tộc ở mỗi đảng viên.
Để có được những người đảng viên như thế, Đảng cộng sản Việt Nam đã luôn luôn kiên trì dũng cảm đấu tranh với chính bản thân mình. Hiện nay đảng còn cần phải quyết tâm tiếp tục thực hành chỉnh đốn và đổi mới, lãnh đạo nhà nước và chính phủ cải cách tư pháp, cải cách hành chính trong đó việc cần phải làm ngay là sửa chữa hoàn thiện Hiến pháp và cải cách thể chế nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN và tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, chống tự chuyển biến, tự thoái hóa của mỗi đảng viên từ trung ương đến các tổ chức cơ sở đảng, kiên quyết chống bệnh xuống cấp về văn hóa, đạo đức để chấn hưng nền văn hóa, đạo đức của Đảng, của nước nhà và của dân tộc. Có như thế Đảng ta mới là đảng của “đạo đức” của “văn minh” như Bác đã từng căn dặn.
Nhìn lại thái độ trước những sai lầm khuyết điểm mà Đảng ta đã thẳng thắn đấu tranh trong thời gian qua, ta thấy được rất rõ sức mạnh của đảng chân chính cách mạng của chúng ta. Xây dựng, đổi mới chỉnh đốn đảng, làm cho đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, kết nạp được những người con ưu tú của nhân dân vào đảng, biết trọng dụng nhân tài, dũng cảm bãi miễn, cách chức, đưa ra khỏi đảng những kẻ thoái hóa biến chất, cơ hội, lợi dụng, tham ô, những bọn quan liêu lợi dụng chức quyền để vinh thân phì gia là thể hiện ý chí đạo đức, lương tâm, danh dự và lẽ sống của Đảng, là bí quyết để giữ vững uy tín, niềm tin để tiếp tục làm nên sự nghiệp vĩ đại của mình.
Hiếm thấy một lãnh tụ vừa nhân từ vừa khoan dung đối với mọi người lại vừa nghiêm khắc phục tùng kỉ luật đảng và tôn trọng phép nước như Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhớ lại trước đây, dù rất đau xót Người vẫn phải dằn lòng kí lệnh tử hình một cán bộ cao cấp đã phạm phải tội tha hóa, tham nhũng. Nhân dân ta, qua sự kiện đó càng tăng thêm lòng tin vào hành động quang minh chính đại của Đảng vào sự công minh của pháp luật. Cán bộ, đảng viên, công chức đã lấy đó mà răn mình để ngày càng xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ trung thành của nhân dân. Từ bấy đến nay những việc làm ấy của Người vẫn mãi mãi là bài học mà nhân dân ta mong mỏi, các nhà chính trị hậu thế phải luôn biết noi gương, học hỏi và làm theo.

Chúng ta nghĩ về quá khứ, để tự hào và suy ngẫm, để hiểu thấu hiện tại, giữ vững niềm tin với Đảng để cùng nhau đi tới tương lai - một tương lại “to đẹp hơn mười ngày xưa” như Bác đã từng nói.
“Một dân tộc, một đảng và mỗi con người ngày hôm qua là vĩ đại có sức hấp dẫn lớn không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi nếu lòng dạ không trong sáng, nếu cứ sa vào chủ nghĩa cá nhân...
Trong mỗi con người đều có thiện và ác. Ta phải biết làm cho phần tốt trong mỗi con người luôn nảy nở như hoa mùa xuân và phần xấu bị mất dần đi, đó là thái độ của người cách mạng”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng con nghe theo lời Người, đó là lời của non sông, là tiếng gọi của lịch sử hào hùng và của một tương lai rộng mở: “Đường lên hạnh phúc rộng thênh thênh”./.
N.T.L