The request was aborted: Could not create SSL/TLS secure channel. 30 năm đổi mới - Những bài học mang dấu ấn tư tưởng Hồ Chí Minh
07/08/2017 - Lượt xem: 2006
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) khẳng định: “Tư tưởng Hồ Chí Minh là tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý giá của Đảng và dân tộc ta, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta giành thắng lợi”. Sau 30 năm đổi mới, Đảng đã đúc kết được nhiều bài học với nội dung chính là những điểm căn cốt nhất trong tư tưởng Hồ Chí Minh.

Đảng cho rằng đổi mới không phải là xa rời tư tưởng Hồ Chí Minh, mà là nhận thức đúng, vận dụng và không ngừng phát triển sáng tạo tư tưởng của Người, lấy đó làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng, làm cơ sở phương pháp luận để phân tích tình hình, hoạch định và từng bước hoàn thiện đường lối đổi mới. Di sản tư tưởng Hồ Chí Minh đã đề cập và góp phần trả lời nhiều vấn đề chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại trong công cuộc đổi mới mà trước hết và xuyên suốt là hệ mục tiêu của đổi mới, tức là đặc trưng tổng quát của chủ nghĩa xã hội (CNXH) ở Việt Nam.

Trải qua sáu kỳ đại hội, tính từ Đại hội VI (12-1986), đến Đại hội XI (1-2011), Đảng xác định mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Đặc trưng tổng quát này của chế độ xã hội chủ nghĩa (XHCN) ở Việt Nam đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh - tuy không trình bày cùng một lúc - nhưng đã nêu lên ở các giai đoạn khác nhau, với từng mục tiêu cụ thể. Người khẳng định: CNXH là làm cho dân giàu, nước mạnh; chế độ XHCN là chế độ do nhân dân lao động làm chủ. Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ. Di sản tư tưởng Hồ Chí Minh cho ta một nhận thức về công bằng xã hội là ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành, chữa bệnh, có chỗ ở; mọi người được ăn no, mặc ấm, sung sướng, tự do, sống một đời hạnh phúc trong một xã hội không có người bóc lột người. Công bằng xã hội theo Người không chỉ là nội dung kinh tế, mà đó chính là chính sách xã hội, vừa mang tính pháp lý vừa là đạo lý với chiều sâu chính trị, tức là lòng dân. Người nói:

“Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng;

Không sợ nghèo, chỉ sợ lòng dân không yên”(1).

Hồ Chí Minh cũng đã đề cập đến vấn đề Đảng văn minh, dân tộc văn minh. Theo Người, văn minh trước hết là mối quan hệ tốt đẹp giữa người với người, về chân, thiện, mỹ, những phẩm chất đạo đức của cá nhân, của dân tộc, của Đảng, tức là văn minh tinh thần. “Một dân tộc biết cần, kiệm, biết liêm, là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh tiến bộ”(2). Văn minh còn là phẩm chất “chí công vô tư”. Hồ Chí Minh khẳng định dân tộc ta vĩ đại, Đảng vĩ đại, được anh em bầu bạn khắp năm châu yêu mến ca ngợi là vì chúng ta chí công vô tư, mình vì mọi người. Dân tộc ta kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, chống cái ác là làm cho văn minh chiến thắng bạo tàn. Đạo đức trong sáng đó phải được giữ gìn và phát huy mãi mãi. Bởi vì, “một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”(3).

Bài học đầu tiên qua 30 năm đổi mới Đảng rút ra là phải chủ động, không ngừng sáng tạo trên cơ sở kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH.

Nói đến độc lập dân tộc và CNXH là phải khẳng định trên nền tảng chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Theo quan điểm Hồ Chí Minh, trong hoàn cảnh của một nước thuộc địa như Việt Nam, nước mất độc lập thì trước hết phải giành cho kỳ được độc lập. Không tranh được độc lập, nghĩa là nô lệ, thì không có gì hết, quyền lợi giai cấp, quyền lợi bộ phận đến vạn năm cũng không đòi lại được, “thà chết được tự do hơn sống làm nô lệ”(4).

Giành độc lập dân tộc mới chỉ là mục tiêu trước mắt của toàn bộ sự nghiệp cách mạng. Mục tiêu cuối cùng phải thực hiện giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng con người, tức là xây dựng CNXH. Theo Hồ Chí Minh, chủ nghĩa cộng sản không chỉ là mục tiêu cuối cùng của cách mạng mà còn là thước đo giá trị của độc lập dân tộc. Bởi vì, “nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì… Chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ”(5). Hồ Chí Minh chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho đất nước được hoàn toàn độc lập, nhân dân dân được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Người khẳng định: “Chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”(6).

Như vậy, sau 30 năm đổi mới, chúng ta vẫn trung thành với mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và CNXH mà Hồ Chí Minh đã khẳng định từ năm 1920, sau khi trải qua một thời gian khảo nghiệm các ngả đường cứu nước, các cuộc cách mạng, học thuyết, chủ nghĩa và đến với chủ nghĩa Lê-nin. Chúng ta kiên trì, kiên định mục tiêu đó bằng những cách làm mới theo phương pháp “dĩ bất biến, ứng vạn biến” của Hồ Chí Minh.

Bài học thứ hai là quán triệt quan điểm “dân là gốc”, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

Bài học này thực chất là Đảng trở về với đường lối nhân dân của Hồ Chí Minh. Có một cách tiếp cận ngắn gọn, sâu sắc, thể hiện được bản chất khoa học, cách mạng và nhân văn của tư tưởng Hồ Chí Minh, đó là vì con người, do con người, trước hết và cơ bản là vì dân, do dân. Đường lối nhân dân hay “dân là gốc” có nội dung sâu rộng, trong đó có 6 điều cơ bản:

“Đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết;

Liên hệ chặt chẽ với nhân dân;

Việc gì cũng bàn với nhân dân, giải thích cho nhân dân hiểu rõ;

Có khuyết điểm thì thật thà tự phê bình trước nhân dân, và hoan nghênh nhân dân phê bình mình;

Sẵn sàng học hỏi nhân dân;

Tự mình phải làm gương mẫu cần kiệm liêm chính, để nhân dân noi theo”(7).

Cả cuộc đời Hồ Chí Minh chỉ có một mục đích là làm cho ích quốc, lợi dân. Trong Di chúc, Người căn dặn: Đảng phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân. Đó là công việc to lớn, nặng nề, và phức tạp, mà cũng rất vẻ vang. Để giành lấy thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ đó phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân.

Bài học thứ ba đề cập đến tính toàn diện, đồng bộ, bước đi phù hợp trong đổi mới; tôn trọng quy luật khách quan, xuất phát từ thực tiễn, bám sát thực tiễn.

Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam. Vì vậy, trong vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng của Người phải thể hiện tính toàn diện, đồng bộ. Tuy nhiên, toàn diện, đồng bộ nhưng không nhất loạt như nhau mà có thứ tự trước sau, đan xen, có những bước đi phù hợp vừa thể hiện quan điểm duy vật lịch sử, vừa bám sát thực tiễn Việt Nam. Về lý luận chung, Hồ Chí Minh giải thích: “Muốn tiến lên chủ nghĩa xã hội thì phải phát triển kinh tế và văn hóa. Vì sao không nói phát triển văn hóa và kinh tế? Tục ngữ ta có câu: Có thực mới vực được đạo; vì thế kinh tế phải đi trước”(8). Tuy nhiên, là một nhà mácxít sáng tạo, Hồ Chí Minh luôn xuất phát từ thực tiễn Việt Nam, không giáo điều, rập khuôn, máy móc. Người lưu ý rằng “học chủ nghĩa Mac - Lê-nin không phải nhắc như con vẹt “vô sản thế giới liên hiệp lại” mà phải thống nhất chủ nghĩa Mác - Lê-nin với thực tiễn cách mạng Việt Nam”(9). Vì vậy, khi nói tới việc biến nước Việt Nam lạc hậu thành một nước tiên tiến, Hồ Chí Minh khẳng định: “có lẽ cần phải để lên hàng đầu những cố gắng của chúng tôi nhằm phát triển văn hóa. Chủ nghĩa thực dân đã kìm hãm nhân dân chúng tôi trong vòng ngu muội để chúng dễ áp bức. Nền văn hóa nảy nở hiện thời là điều kiện cho nhân dân chúng tôi tiến bộ”(10).

Tư tưởng Hồ Chí Minh là sản phẩm của dân tộc và thời đại, được hình thành và phát triển từ thực tiễn, trên nền tảng triết học mácxít, là đại biểu cho ý chí của giai cấp và dân tộc, đáp ứng đòi hỏi nguyện vọng của dân tộc và thời đại, trở lại cải tạo hiện thực. Vì vậy, tổng kết 30 năm đổi mới, Đảng cho rằng mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đều phải xuất phát từ thực tiễn, bám sát thực tiễn, coi trọng tổng kết thực tiễn.

Bài học thứ tư là phải đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên trên hết; độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường đồng thời chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.

Hồ Chí Minh là một nhà yêu nước, một chiến sĩ quốc tế mẫu mực, trong sáng, thủy chung; là người rất mực dân tộc và cũng rất mực quốc tế, cả hai mặt đều năng động, nhạy cảm, không bao giờ thiên lệch. Dưới ánh sáng của chủ nghĩa Lê-nin, từ những năm 20 thế kỷ XX, Hồ Chí Minh đã nhận thức sâu sắc rằng: “Cách mệnh An Nam cũng là một bộ phận trong cách mệnh thế giới. Ai làm cách mệnh trong thế giới đều là đồng chí của dân An Nam cả. Đã là đồng chí, thì sung sướng cực khổ phải có nhau”(11). An Nam cách mạng muốn thành công, thì tất phải nhờ Đệ tam quốc tế, phải theo chủ nghĩa Mác - Lê-nin.

Sự nghiệp tìm đường, mở đường, dẫn đường và thiết kế tương lai của Hồ Chí Minh cho thấy dân tộc là điểm xuất phát, là đối tượng cải tạo theo tinh thần “cải tạo thế giới” trong triết học Mác. Tư tưởng, sự nghiệp Hồ Chí Minh là một tấm gương lớn về việc đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên trên hết. Nói về lý do bỏ phiếu tán thành Đệ tam quốc tế, Hồ Chí Minh khẳng định: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn; đấy là tất cả những điều tôi hiểu”(12). Trong Di chúc, Người khẳng định: “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”(13).

Bài học thứ năm, Đảng phải thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu; xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ năng lực và phẩm chất; tăng cường mối quan hệ mật thiết với nhân dân.

Bài học này là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong di sản tư tưởng Hồ Chí Minh từ Đường Kách mệnh đến Di chúc. Trong Đường Kách mệnh, Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Trước hết phải có đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi. Đảng có vững cách mệnh mới thành công”(14).

Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, Đảng trở thành Đảng cầm quyền, Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến Sửa đổi lối làm việc của Đảng, thực chất là chỉnh đốn, đổi mới Đảng, để khắc phục, sửa chữa ba căn bệnh lớn là chủ quan, hẹp hòi, ba hoa. Về lý do của chỉnh đốn Đảng, Người nói: “Nếu Đảng đã thập toàn thập mỹ thì sao phải chỉnh? Là vì có số đông đảng viên gương mẫu, tận tâm tận lực phục vụ cách mạng, nhân dân, giai cấp, nhưng còn một số, không phải là ít, không làm đúng chính sách của Đảng, của Chính phủ, không đi đúng đường lối nhân dân, còn tếu”(15). Về mục đích của chỉnh đốn Đảng, Người chỉ rõ: “Cốt để giúp cán bộ nâng cao tư tưởng, củng cố lập trường, rửa gột khuyết điểm, phát triển ưu điểm”(16).  Theo Hồ Chí Minh, một trong những cách chỉnh đốn Đảng có hiệu quả nhất là “phải thực hành cách liên hợp sự lãnh đạo với quần chúng và liên hợp chính sách chung với chỉ đạo riêng. Phải dùng cách “từ trong quần chúng ra, trở lại nơi quần chúng”(17). Trong Di chúc, Người dặn lại “việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ đảng giao phó cho mình, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân”(18).

Một trong những kinh nghiệm quý của chỉnh đốn Đảng là “có cán bộ tốt, việc gì cũng xong. Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”(19). Đảng tự đổi mới trước hết là phải đổi mới tư duy về sứ mệnh của Đảng, Chính phủ và cán bộ, đảng viên. Nếu hiểu rằng cán bộ chỉ phụ trách trước Đảng và Chính phủ thì mới đúng được một nửa, còn phải phụ trách trước nhân dân. Hồ Chí Minh viết: “Chế độ ta là chế độ dân chủ, nghĩa là nhân dân làm chủ. Đảng là Đảng lãnh đạo, nghĩa là tất cả các cán bộ, từ Trung ương đến khu, đến tỉnh, đến huyện, đến xã, bất kỳ ở cấp nào và ngành nào - đều phải là người đày tớ trung thành của nhân dân”(20). Đảng lãnh đạo nhưng không phải là đảng trị. Sự lãnh đạo của đảng không phải là một đặc quyền mà một sứ mệnh: “Lãnh đạo là làm đày tớ nhân dân và phải làm cho tốt”(21). Đảng tự đổi mới, tự chỉnh đốn là nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng, mà một nội dung quan trọng là tăng cường mối quan hệ mật thiết với nhân dân. Hồ Chí Minh khẳng định: “Giữ chặt mối liên hệ với dân chúng và luôn luôn lắng tai nghe ý kiến của dân chúng, đó là nền tảng lực lượng của Đảng và nhờ đó mà Đảng thắng lợi. Vì vậy, cách xa dân chúng, không liên hệ chặt chẽ với dân chúng, cũng như đứng lơ lửng giữa trời, nhất định thất bại”(22).

Qua 30 năm đổi mới, Đảng khẳng định: “Sức mạnh của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng được bắt nguồn và nhân lên từ sức mạnh của nhân dân. Củng cố, bồi dưỡng quan hệ mật thiết giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị, trước hết là mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân, là vấn đề trọng đại, cấp thiết, có ý nghĩa sống còn đối với cách mạng Việt Nam”(23). Tư tưởng Hồ Chí Minh là linh hồn của đổi mới, là tài sản tinh thần to lớn và quý giá của Đảng và dân tộc./.

Theo BQL Lăng

(Bấm vào đây để nhận mã)

Tin liên quan

60 năm chiến thắng điện biên phủ

Ảnh Xem tất cả >>

Video

Kỳ họp thứ 2 HĐND tỉnh Gia Lai khóa XII: Thông qua 14 nghị quyết quan trọng

Công an Gia Lai: Hỗ trợ công dân các tỉnh đi xe máy từ vùng dịch về

Những chuyến xe nặng nghĩa tình

Kỳ họp thứ nhất HĐND tỉnh Gia Lai bầu các chức danh chủ chốt của HĐND và UBND tỉnh

Nông dân "bắt nhịp" nông nghiệp-dịch vụ

Tỷ giá - Thời tiết

Chọn thành phố

Liên kết website

Biển Hồ  Biển Hồ
Quản lý văn bản Văn phòng Tỉnh ủy
BlueZone
Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XII, nhiệm kỳ 2021 - 2026
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Gia Lai năm 2016
LÊN ĐẦU TRANG