The request was aborted: Could not create SSL/TLS secure channel. Tập trung đối phó với nguy cơ bệnh dịch sởi bùng phát
12/02/2014 - Lượt xem: 2429
Trước diễn biến bất thường của bệnh dịch sởi, đây là bệnh tái xuất ở nhiều địa phương sau 3 năm vắng bóng, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng đã có công văn khẩn gửi giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố đề nghị triển khai khẩn trương các biện pháp phòng chống dịch bệnh sởi.

Tại một số địa phương khu vực phía Nam, nhất là các tỉnh thuộc vùng Đông Nam bộ, những ngày qua, trong các khu khám bệnh của Bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới thành phố Hồ Chí Minh, rất nhiều bậc cha mẹ đã đưa trẻ em đến khám bệnh sởi. Việc chích ngừa sởi cũng đang được tiến hành trên số đông bệnh nhân là trẻ nhỏ, các bác sĩ cũng cho biết, từ đầu năm 2014 đến nay, đã tiếp nhận hơn 50 ca mắc sởi, trong khi cả năm 2013 chỉ có 23 ca. Còn tại khu chích ngừa và khám bệnh của Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh, từ đầu năm đến nay ghi nhận trên một trăm trường hợp có biểu hiện sốt phát ban dạng sởi và có một số trường hợp xét nghiệm dương tính với sởi.

Khoảng một tuần nay, Bệnh viện Nhi đồng 1 và Bệnh viện các bệnh Nhiệt đới thành phố Hồ Chí Minh đã ghi nhận gần một trăm ca mắc sởi mới. Trung tâm Y tế dự phòng thành phố Hồ Chí Minh cho biết, bệnh sởi đã xuất hiện ở rất nhiều địa phương của Thành phố này, đó là các quận 6, 8, 10, 11, 12, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân. Ngoài ra, các huyện ngoại thành như Hóc Môn, Củ Chi và Bình Chánh cũng đã có trẻ em mắc sởi với ít nhất là khoảng chục ca ở mỗi địa phương. 

 Thời tiết diễn biến bất thường là một trong nguy cơ làm bùng phát
bệnh dịch sởi ở trẻ em (Ảnh: K.V)


Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1 thành phố Hồ Chí Minh cho biết, bệnh sởi bắt đầu xảy ra nhiều từ cuối năm 2013. Những ngày qua bệnh xảy ra nhiều hơn. Chỉ trong ngày 10/2, đã có 12 trẻ em nhập viện. Hiện nay, ở khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 1 cũng có trên ba chục trẻ mắc bệnh sởi đang nằm điều trị nội trú. Phần lớn trẻ mắc bệnh dưới 5 tuổi, nhưng nhiều nhất là dưới 2 tuổi, với triệu chứng bệnh thường gặp những ngày đầu là sốt cao, ho, sổ mũi. 3 ngày sau thì ban đỏ xuất hiện, mọc dày khắp cơ thể.

Còn theo Bác sĩ Cao Trọng Ngưỡng, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Đồng Nai, tại địa phương này cũng đã xuất hiện những ca bệnh sởi ở thể nhẹ, đang điều trị ngoại trú.

Theo Bác sĩ Nguyễn Lê Đa Hà, Giám đốc Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai cho biết, hiện bệnh viện ghi nhận có một số ít trường hợp bệnh nhân sởi đến khám, nhưng ở thể nhẹ, điều trị ngoại trú, trong đó có những ca dù đã tiêm đầy đủ 2 mũi vắc - xin phòng sởi nhưng vẫn mắc bệnh.

Mặc dù đến nay trên địa bàn Đồng Nai, dịch bệnh sởi tuy chưa có dấu hiệu bùng phát và lây lan trên diện rộng, nhưng Bác sỹ Cao Trọng Ngưỡng tỏ ra lo ngại và cho rằng nguy cơ bùng phát dịch sởi là rất có khả năng. Năm 2013, sau 5 tháng ngừng tiêm vắc - xin Quinvaxem, đến tháng 11, vắc - xin này được tiếp tục tiêm lại thì tỷ lệ các trẻ được đưa đi tiêm chủng chỉ đạt 33%. Do đó, năm nay khả năng tình hình dịch bệnh sẽ căng thẳng hơn bởi số trẻ được tiêm đủ mũi đạt thấp.

Trước tình trạng bệnh sởi đang có nguy cơ bùng phát và lây lan rộng, ngành y tế Đồng Nai đã tăng cường theo dõi để kịp thời phát hiện những ca bệnh, xử lý nhanh nhằm tránh lây lan. Mặc dù sởi là bệnh lành tính nhưng nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến biến chứng và tử vong. Bệnh sởi cũng dễ lây lan và gây nhiều biến chứng, như viêm thanh quản, viêm phế quản - phổi, viêm niêm mạc miệng, viêm màng não, biến chứng thần kinh, lao, viêm tai, viêm não tủy, xuất huyết giảm tiểu cầu, viêm ruột... cùng một số chứng bệnh khác, như viêm kết mạc mắt dẫn đến loét giác mạc, viêm cơ tim, viêm hạch mạc trên ruột, viêm gan... Biện pháp phòng bệnh tốt nhất là tích cực đưa con đi tiêm chủng tại các cơ sở y tế.

Theo các cơ quan chức năng thì nguyên nhân chủ yếu là do trẻ em chưa được tiêm vắc - xin sởi hoặc chưa được tiêm đầy đủ hay đúng lịch. Dịch bệnh đang có nguy cơ lan rộng và có xu hướng diễn biến phức tạp vì hiện đang là mùa đông xuân với thời tiết lạnh ẩm thuận lợi cho sự phát triển của bệnh và sự gia tăng giao lưu đi lại, tiếp xúc trong thời gian sau Tết Nguyên đán.

Hiện nay, Bộ Y tế đang chỉ đạo các đơn vị y tế dự phòng trong cả nước, đặc biệt là các địa phương có dịch sởi tăng cường các hoạt động giám sát, hướng dẫn việc cách ly, tổ chức điều trị kịp thời để hạn chế tối đa các trường hợp mắc, biến chứng và tử vong do sởi.

Bộ Y tế khuyến cáo để phòng chống bệnh sởi, cách tốt nhất là các bà mẹ nên đưa trẻ đi tiêm chủng vắc - xin sởi đầy đủ, đúng lịch.
Để phòng bệnh có hiệu quả, trẻ cần được tiêm 2 mũi vắc - xin phòng bệnh. Mũi thứ nhất được tiêm cho trẻ từ 9 đến 11 tháng tuổi, mũi thứ hai được tiêm khi trẻ được 18 tháng tuổi. Nếu trẻ được tiêm thêm mũi vắc - xin sởi thứ hai lúc 18 tháng tuổi thì tỷ lệ bảo vệ là 90% đến 95%. Sau khi trẻ được tiêm đủ 2 mũi vắc - xin theo lịch tiêm chủng hoặc sau khi trẻ mắc sởi thì trẻ sẽ có miễn dịch có thể bền vững suốt đời.

Cục Y tế dự phòng yêu cầu các địa phương tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình, diễn biến của dịch sởi, tổ chức điều tra, xử trí ổ dịch nhằm phát hiện sớm, cách ly, điều trị các trường hợp mắc bệnh.

Cục Y tế dự phòng cũng cho biết bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus sởi gây nên, lưu hành phổ biến ở trẻ em. Bệnh lây từ người sang người chủ yếu qua đường hô hấp. Bệnh xuất hiện quanh năm nhưng thường xảy ra vào mùa đông xuân. Đến nay sởi vẫn là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch và là một trong những nguyên nhân tử vong hàng đầu ở trẻ dưới 5 tuổi. Tất cả những người chưa có miễn dịch với sởi đều có nguy cơ mắc bệnh. Bệnh có tốc độ lây nhiễm rất cao, đặc biệt trong phòng, không gian khép kín và ở nhóm người chưa có miễn dịch phòng bệnh sởi do chưa được tiêm chủng vắc - xin sởi. Các triệu chứng thường gặp của bệnh sởi là sốt, phát ban và kèm theo ít nhất một trong các dấu hiệu sau: ho, chảy mũi, đau mắt đỏ, nổi hạch ở cổ, sau tai, sưng đau khớp. Sau mắc sởi, do sức đề kháng của cơ thể suy giảm, bệnh nhân dễ bị biến chứng nếu không được điều trị kịp thời như mù lòa, tiêu chảy cấp, viêm phổi, viêm não, có thể dẫn đến tàn phế, tử vong đặc biệt ở trẻ nhỏ, trẻ suy dinh dưỡng, mắc HIV/AIDS hoặc các bệnh suy giảm miễn dịch bẩm sinh. Đối với phụ nữ mang thai, mắc sởi khi mang thai có thể gây ra xảy thai, đẻ non. Do vậy, khi phát hiện trẻ có sốt, phát ban, cần thông báo và đưa trẻ tới cơ sở y tế để được khám, điều trị và hướng dẫn cách ly y tế kịp thời tránh các biến chứng nguy hiểm cho người bệnh và tránh lây nhiễm cho cộng đồng./… (ĐCSVN)

 

(Bấm vào đây để nhận mã)

Tin liên quan

60 năm chiến thắng điện biên phủ

Ảnh Xem tất cả >>

Video

Kỳ họp thứ 2 HĐND tỉnh Gia Lai khóa XII: Thông qua 14 nghị quyết quan trọng

Công an Gia Lai: Hỗ trợ công dân các tỉnh đi xe máy từ vùng dịch về

Những chuyến xe nặng nghĩa tình

Kỳ họp thứ nhất HĐND tỉnh Gia Lai bầu các chức danh chủ chốt của HĐND và UBND tỉnh

Nông dân "bắt nhịp" nông nghiệp-dịch vụ

Tỷ giá - Thời tiết

Chọn thành phố

Liên kết website

Biển Hồ  Biển Hồ
Quản lý văn bản Văn phòng Tỉnh ủy
BlueZone
Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XII, nhiệm kỳ 2021 - 2026
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Gia Lai năm 2016
LÊN ĐẦU TRANG