Những năm qua, nhờ sự chỉ đạo tích cực của cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở trong thời gian qua nên công tác xây dựng gia đình trên địa bàn huyện Chư Pưh đã đạt được một số kết quả nhất định.
Huyện Chư Pưh đã củng cố kiện toàn Ban chỉ đạo công tác gia đình và xây dựng quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo để triển khai công tác gia đình trên địa bàn huyện. Đồng thời chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã củng cố kiện toàn Ban chỉ đạo cấp xã. Đến nay, 9/9 xã - thị trấn đã có Ban chỉ đạo, có 9 câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững; 9 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình với 325 thành viên và 81 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng. Ở cấp huyện, hiện nay không có biên chế phụ trách công tác gia đình mà chỉ phân công cán bộ Phòng văn hóa kiêm nhiệm. Ở cấp xã thì thực hiện phân công công chức văn hóa – xã hội kiêm nhiệm công tác gia đình.
Thời gian qua, huyện đã xây dựng và nhân rộng các mô hình gia đình điển hình, tiêu biểu, tạo ra phong trào xây dựng gia đình ít con, no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc; biểu dương kịp thời và nhân rộng các mô hình gia đình vượt khó vươn lên, gia đình làm kinh tế giỏi, gia đình hiếu học, chăm sóc người cao tuổi, bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Nhiều chương trình, dự án hỗ trợ vốn phát triển kinh tế, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi tạo điều kiện cho các hộ gia đình vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Số hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tăng từ 1.800 hộ năm 2010 lên 3.607 hộ năm 2019. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm từ 30,89% năm 2010 xuống còn 6,8% năm 2019. Tất cả các xã, thị trấn đều phủ sóng điện thoại, sóng truyền hình; tỷ lệ hộ dùng nước sạch ngày càng tăng lên. Đa số các gia đình đã có phương tiện nghe nhìn. Tỷ lệ nam, nữ thanh niên trước khi kết hôn được trang bị kiến thức hôn nhân và gia đình, hiểu biết về dân số, sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình được các đối tượng trong diện sinh sản tham gia thực hiện có kết quả. Đời sống vật chất và tinh thần của các gia đình ngày càng được cải thiện đáng kể, trẻ em được gia đình quan tâm, nhất là trong giáo dục hình thành và phát triển nhân cách. 100% đoàn viên, người lao động nam được tuyên truyền, ký cam kết không để xảy ra bạo lực gia đình. Trên 98% gia đình đoàn viên công đoàn không xảy ra hiện tượng bạo lực gia đình. Các gia đình liệt sĩ, gia đình thương binh, bệnh binh, gia đình có công với nước được cấp ủy, chính quyền thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách và được thăm hỏi động viên kịp thời, đồng thời các gia đình thuộc hộ nghèo, vùng có điều kiện khó khăn được Nhà nước, các tổ chức, đoàn thể cộng đồng quan tâm chăm sóc, hỗ trợ nâng cao mức sống về vật chất và tinh thần. Người cao tuổi trong các gia đình trên địa bàn hầu hết được con, cháu quan tâm chăm sóc chu đáo, được các cấp, các ngành chăm sóc sức khỏe. Ngoài ra các trường hợp người cao tuổi không còn người chăm sóc, phụng dưỡng đều được Nhà nước, cộng đồng hỗ trợ nuôi dưỡng theo chế độ hiện hành.

Công tác gia đình được huyện Chư Pưh quan tâm chỉ đạo. Ảnh: M.T
Nhiều địa phương trong huyện đã thành lập và đưa vào hoạt động các mô hình Câu lạc bộ như: Câu lạc bộ "gia đình hạnh phúc" , Câu lạc bộ "phụ nữ không sinh con thứ 3"; Câu lạc bộ :phụ nữ tự tin, tự trọng, trung hậu đảm đang" ( với 996 điển hình tiêu biểu), Câu lạc bộ "Nuôi dạy con tốt" (123 thành viên); Duy trì 5 câu lạc bộ “ Phụ nữ với Pháp luật” (151 thành viên). Đặc biệt là cuộc vận động “ Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” được đông đảo hội viên hưởng ứng. Đồng thời luôn đẩy mạnh phong trào “ Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình” …Các cơ sở Hội đã duy trì và phát triển tốt quỹ hội; quản lý nguồn vốn ủy thác từ Ngân hàng chính sách xã hội giúp phát triển kinh tế gia đình. Ngoài ra, các địa phương còn duy trì và mở rộng các hình thức bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em như CLB "Ông bà gương mẫu, con cháu thảo hiền";…Những mô hình này đã đem lại hiệu quả thiết thực và góp phần vào phong trào thi đua chung của huyện. Nhân Ngày Gia đình Việt Nam (28/6/2014) Phòng Văn hóa - Thông tin phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ huyện và Phòng Tư pháp huyện tổ chức Hội thi tiếng hát gia đình - Phòng chống bạo lực gia đình và nuôi dạy con tốt cho các gia đình tham gia sinh hoạt tại các câu lạc bộ "Nuôi dạy con tốt", "Gia đình hạnh phúc" và "Phòng chống bạo lực gia đình" trên địa bàn.
Các gia đình thường xuyên nhắc nhở các thành viên chăm lo xây dựng gia đình hoà thuận; đoàn kết tương trợ trong cộng đồng; thực hiện tốt nghĩa vụ công dân; sống theo pháp luật và đạo lý của người Việt Nam, giao tiếp ứng xử lễ phép, gương mẫu chấp hành quy ước, hương ước của địa phương. Việc phát động đăng ký và tổ chức bình xét danh hiệu Gia đình văn hóa hàng năm ở cơ sở diễn ra công khai, dân chủ. Các xã, thị trấn trên địa bàn đã thực hiện tốt việc đăng ký xây dựng gia đình văn hóa vào đầu năm theo 3 tiêu chí: Gương mẫu chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, tích cực tham gia các phong trào thi đua của địa phương; Gia đình hòa thuận, hạnh phúc, tiến bộ, tương trợ giúp đỡ mọi người trong cộng đồng; Tổ chức lao động sản xuất, kinh doanh đạt năng suất, chất lượng và hiệu quả. Tỷ lệ hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa ngày càng tăng. Năm 2010 toàn huyện đã công nhận 7.300/12.413 hộ, đạt 58,7%; Năm 2019 có 15.828/17.660 gia đình văn hóa, đạt 90,7% tăng 32% so với năm 2010.
Công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em được các cấp ủy, chính quyền thường xuyên quan tâm. Trong hơn 10 năm qua tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng, trẻ em dưới 5 tuổi tử vong đều giảm so với giai đoạn trước. Tỷ lệ trẻ em được đến trường ngày càng tăng (năm 2019 đạt 100%), làm tốt công tác duy trì sĩ số học sinh. Huyện đã được công nhận đạt Chuẩn phổ cập trung học cơ sở và Chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 1; Trẻ em khuyết tật, mồ côi đều giảm; không có trẻ em lang thang, trẻ nghiện ma túy. Về chăm sóc sức khỏe dinh dưỡng cho trẻ em, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng giảm từ 22,7% năm 2010 xuống còn 18,7% năm 2019; hàng năm tỷ lệ trẻ từ 0-6 tuổi được tiêm chủng đạt trên 95%. Hiện nay 9/9 xã, thị trấn trên địa bàn đạt xã, thị trấn phù hợp với trẻ em. Các cơ quan, đoàn thể từ huyện đến cơ sở thường xuyên quan tâm giáo dục, tặng quà cho trẻ em nghèo nhân các ngày Quốc tế thiếu nhi (1/6), Tết Trung thu...
Công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân nói chung và sức khỏe sinh sản nói riêng ngày càng được cải thiện. Tỷ lệ phụ nữ có thai được khám thai 3 lần đạt 87%; tỷ lệ phụ nữ đẻ được cán bộ y tế đỡ đạt 87,5%. Quy mô gia đình ít con đã được quan tâm và áp dụng rộng rãi trong xã hội, tỷ lệ gia đình có qui mô nhỏ (mỗi cặp vợ chồng có 1 đến 2 con) ngày càng tăng; tỷ lệ các cặp vợ chồng áp dụng các biện pháp tránh thai tăng từ 1-2%/năm (năm 2010 là 62%, đến năm 2019 tăng lên 80%); giảm tỷ lệ các cặp vợ chồng sinh con thứ 3 trở lên để tránh nguy cơ tăng nhanh dân số trở lại, tiến tới ổn định quy mô dân số hợp lý phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Trong những năm qua huyện Chư Pưh là một trong những huyện của tỉnh Gia Lai được triển khai đề án nâng cao chất lượng dân số thông qua mô hình nâng cao chất lượng dân số một số dân tộc ít người nhằm giảm tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Theo đó đã triển khai, thành lập được các câu lạc bộ nâng cao chất lượng dân số tại 9 xã - thị trấn, đã thu hút được khoảng trên 600 cặp vợ chồng tham gia, tổ chức sinh hoạt định kỳ một tháng một lần, với nội dung tuyên truyền chủ yếu: Mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh từ 1 đến 2 con, cung cấp kiến thức về sử dụng các biện pháp tránh thai, các bệnh viêm nhiễm đường sinh sản, HIV - AIDS, kiến thức về làm mẹ an toàn... Do làm tốt công tác tuyên truyền, tại các xã cũng đã triển khai mô hình nên giảm đáng kể tỷ lệ các cặp vợ chồng tảo hôn. Đồng thời huyện đã triển khai đề án nâng cao chất lượng dân số thông qua đề án can thiệp, phát hiện sớm bệnh tật ở thai nhi và trẻ nhỏ. Năm 2011 triển khai tại các đơn vị: Thị trấn Nhơn Hòa, Ia Hrú, Ia Dreng, Ia Blứ, Ia Le, Ia Phang; năm 2012 triển khai tại các xã: Chư Don, Ia Hla. Trong năm 2014 Trung tâm y tế huyện tiến hành lấy được 33 mẫu máu gót chân trẻ sơ sinh gửi đi xét nghiệm để phát hiện bệnh suy giáp bẩm sinh…
Minh Tân