Cuộc cách mạng nông nghiệp diễn ra sôi động hiện nay buộc nhận thức của nhà quản lý và tư duy của người sản xuất phải nhanh chóng thay đổi. Nắm được xu thế tất yếu đó những năm qua, thành phố Pleiku đã từng bước tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp, chuyển đổi cây trồng vật nuôi, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, gắn tái cơ cấu nông nghiệp với xây dựng nông thôn mới đem lại hiểu quả cao góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Trong giai đoạn 2016 - 2020, dưới sự lãnh đạo của Thành ủy, giám sát của Hội đồng nhân dân thành phố, sự chỉ đạo điều hành của Ủy ban nhân dân thành phố và các xã, phường; sự nỗ lực phấn đấu của các doanh nghiệp và các hộ nông dân, lĩnh vực kinh tế nông nghiệp, nông thôn việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới được thực hiện đồng bộ, đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn được triển khai thực hiện theo đúng quy định và theo quy hoạch, kế hoạch được duyệt; phân bổ kịp thời các nguồn vốn đầu tư theo các tiêu chí nông thôn mới kịp thời, đúng quy định.
Công tác quy hoạch xã xây dựng nông thôn mới được quan tâm chỉ đạo. Giai đoạn 2016 - 2020, các xã triển khai công tác rà soát điều chỉnh, bổ sung quy hoạch theo Thông tư số 02/2017/TT-BXD, ngày 01/3/2017 của Bộ Xây dựng. Đến nay, 100% xã đã hoàn thành công tác điều chỉnh quy hoạch, cắm mốc chỉ giới, ban hành quy chế quản lý quy hoạch và niêm yết công khai quy hoạch theo quy định. Hiện thành phố có 8/8 xã đạt chuẩn nông thôn mới; ngày 17/10/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1415/QĐ-TTg về việc công nhận thành phố Pleiku hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2018. Thành phố quyết định công nhận 04 làng đồng bào dân tộc thiểu số đạt chuẩn nông thôn mới, gồm: Làng Wâu - xã Chư Ă, làng Ia Nueng - xã Biển Hồ, làng Nhao II - xã Ia Kênh và làng Têng 2 - xã Tân Sơn.
Bên cạnh đó, thành phố luôn quan tâm việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhằm phát huy tối đa những lợi thế của địa phương, phát triển các ngành, sản phẩm nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, chất lượng sản phẩm, hình thành các vùng chuyên canh cây công nghiệp, cây nông sản hàng hóa. Sản xuất nông nghiệp là ngành kinh tế chiếm tỷ trọng nhỏ trong cơ cấu kinh tế của thành phố nhưng đã giải quyết phần lớn việc làm cho lực lượng lao động ở nông thôn. Quan điểm, mục tiêu và định hướng phát triển ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng giá trị gia tăng và phát triển bền vững được chú trọng xuyên suốt trong tái cơ cấu từng ngành, lĩnh vực, sản phẩm. Cụ thể: Giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2020 đạt 1.200,54 tỷ đồng, trong đó trồng trọt đạt 580,88 tỷ đồng, chăn nuôi đạt 606,58 tỷ đồng. Tổng diện tích gieo trồng đạt 9.557 ha, trong đó lúa 2.460 ha, sản lượng đạt 15.4980 tấn; ngô 312,5 ha, sản lượng đạt 1.856,2 tấn; rau dưa các loại 1.357 ha, sản lượng đạt 16.838,48 tấn; khoai lang 65 ha; lạc 45 ha; cà phê 3.538 ha, sản lượng đạt 10.605 tấn; ngành chăn nuôi có tổng đàn gia súc đạt 53.680 con (trong đó trâu bò 12.900 con, lợn 40.333 con); tổng đàn gia cầm 175.412 con; nuôi trồng thủy sản năm 2020 là 42,79 ha, sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 87,2 tấn, chủ yếu là nuôi các loại cá trắm cỏ, rô phi, cá trê, cá chép,...
Hoạt động triển khai và ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đã mang lại nhiều kết quả. Một số dự án đã đem lại hiệu quả thiết thực như: Dự án ứng dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất cà phê theo hướng quản lý dịch hại tổng hợp (ICM); Dự án tưới nước tiết kiệm và nâng cao kỹ thuật chăm sóc trong sản xuất tiêu bền vững; Dự án hoa Lan Mokara; Dự án trồng dâu tây trong nhà lưới và trồng cà chua ghép trên gốc cà tím kết hợp tưới tiết kiệm..Trên địa bàn thành phố hiện có 01 doanh nghiệp được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp giấy chứng nhận Doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (Công ty TNHH một thành viên Hương Đất An Phú). Với quy mô sản xuất 5,3 ha, Công ty đã áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, hệ thống tưới phun bán tự động, nhà lồng,...

Tái cơ cấu nông nghiệp mang lại hiệu quả rõ rệt cho Pleiku
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được tái cơ cấu ngành nông nghiệp, gắn với xây dựng nông thôn mới vẫn còn hạn chế như: Tăng trưởng nông nghiệp chủ yếu vẫn dựa vào tăng diện tích, tăng vụ, các yếu tố vật chất đầu vào cho sản xuất (lao động, vốn, vật tư) và nguồn lực tự nhiên, chưa áp dụng nhiều tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất nên mới chỉ tạo ra được khối lượng nhiều, giá thành rẻ nhưng thu nhập thấp; Hợp tác xã và nông dân là những lực lượng quan trọng trong tái cơ cấu nông nghiệp nhưng chậm được củng cố và nâng cao năng lực quản lý, điều hành theo cơ chế thị trường...
Thời gian tới, thành phố đã đề ra nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn, như là: Tập trung xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết chuyên đề về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng bền vững trên địa bàn thành phố. Đồng thời, tiếp tục lãnh dạo, chỉ đạo thực hiện tốt Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 08/8/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố (khóa XI) về nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân tại các làng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn thành phố Pleiku giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2030; Phát huy tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên để phát triển vùng chuyên canh nông nghiệp công nghệ cao, tập trung sản xuất các cây trồng chủ lực như: cà phê, cao su, rau, hoa,..; khuyến khích hình thành, nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất, kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng vốn đầu tư công. Tập trung đầu tư vào các dự án có trọng tâm, trọng điểm; ưu tiên đầu tư kiên cố hóa kênh mương, giao thông nông thôn; khai thác hiệu quả các công trình thủy lợi, đảm bảo nguồn nước sản xuất; phát triển giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao; hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của việc xây dựng nông thôn mới. Huy động mạnh mẽ các nguồn lực toàn xã hội để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn. Đẩy mạnh phát triển y tế, giáo dục, văn hóa; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo ở nông thôn. Phấn đấu đến cuối năm 2025 có 06 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, trong đó 03 xã trở lên đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 30% số làng đạt chuẩn nông thôn mới; Triển khai thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) gắn với hoạt động kinh tế của các làng nghề với dịch vụ du lịch và bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống của địa phương; triển khai các mô hình về nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn sự nghiệp lồng ghép về hỗ trợ sản xuất gắn với chuỗi giá trị..
Với sự hỗ trợ của nhà nước, sự nỗ lực vượt khó của người dân, chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Pleiku thời gian tới sẽ có nhiều khởi sắc hơn nữa, góp phần nâng cao đời sống của người dân trên địa bàn thành phố.
Huy Bảo