Thời gian qua, công tác phụ nữ trên địa bàn tỉnh được triển khai trong bối cảnh có nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít vấn đề xã hội đặt ra.
Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh 7,04%, trong đó hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ là 7.019 hộ; các vụ xâm hại tình dục trẻ em, bạo lực gia đình, vấn đề tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vẫn còn diễn ra, phần lớn ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số... là những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đời sống, an sinh xã hội của người dân, trong đó có phụ nữ. Với chức năng, nhiệm vụ được giao, hội liên hiệp phụ nữ các cấp đã phát huy vai trò, tham gia tích cực vào việc giải quyết các vấn đề xã hội.
Trong năm 2019, một số vụ việc diễn ra ở các địa phương trong tỉnh ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh, đặc biệt xảy ra các vụ việc, như: Thầy giáo dâm ô học sinh, hiếp dâm và dâm ô trẻ em, cha ruột hiếp dâm con gái, cha đánh con tử vong, chồng giết vợ, cha giết con, 04 vụ bạo lực gia đình; 13 vụ cháy nhà; 12 vụ đuối nước làm 18 người tử vong; 05 vụ tự tử; tai nạn giao thông nghiêm trọng... Bên cạnh đó, một số vấn đề như thời tiết diễn biến thất thường, nắng nóng kéo dài làm 17 nhà bị cháy, 01 người chết; mưa lớn kèm theo lốc xoáy đã làm sập 87 nhà, 03 người chết do sét đánh... với tổng thiệt hại hơn 1,5 tỷ đồng. Đồng thời, việc nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn: dịch lở mồm long móng, dịch tả heo Châu Phi xuất hiện ở 15/17 huyện, thị xã, thành phố; rớt giá cà phê, cao su, mía, gia súc, gia cầm; năng suất điều giảm; khoai lang Nhật không có người thu mua (Phú Thiện); nông dân nợ ngân hàng không có khả năng trả nợ vì tiêu chết, cháy kho tiêu (Chư Pưh, Chư Prông); dịch bệnh sâu keo trên bắp (Chư Prông, Kong Chro, Kbang); mía bị cháy lá (Ia Grai, Đak Pơ); phá hoại rừng thông (Ia Grai, Đak Đoa)... những vấn đề, vụ việc trên đòi hỏi sự vào cuộc, chung tay của cả hệ thống chính trị, trong đó có hội liên hiệp phụ nữ các cấp, nhằm tức bước vận động, “tháo nút thắt” khó khăn nhằm ổn định tình hình an ninh nông thôn, trật tự an toàn xã hội.
Trước tình hình đó, phát huy vai trò là một trong những cơ quan thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, vận động nhân dân, nhất là hội viên phụ nữ, thời gian qua, hội liên hiệp phụ nữ các cấp đã triển khai nhiều hoạt động nhằm góp phần giải quyết các vấn đề xã hội nêu trên. Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã tiến hành khảo sát nắm tình hình tư tưởng, đời sống của hội viên phụ nữ ở 3 huyện Chư Pưh, Chư Sê, Chư Prông, từ đó chỉ đạo các cấp Hội triển khai các hoạt động tham gia hỗ trợ hội viên phụ nữ; đồng thời, đề xuất, kiến nghị với Ủy ban nhân dân tỉnh và Ngân hàng Nhà nước có các giải pháp hỗ trợ giúp đỡ hội viên phụ nữ trên địa bàn 03 huyện. Phối hợp với Công an tỉnh tổ chức 06 buổi tuyên truyền pháp luật phòng chống tội phạm, các tệ nạn xã hội, giải pháp phòng ngừa tín dụng đen, hướng dẫn cách tiếp cận các Chương trình vay vốn ngân hàng chính sách xã hội, các gói vay Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn cho hơn 500 chủ tịch hội phụ nữ, chi hội trưởng và hội viên phụ nữ; ra mắt 13 câu lạc bộ “Phụ nữ nói không với tín dụng đen” với 339 thành viên; 01 câu lạc bộ “Phụ nữ dân tộc thiểu số tiết kiệm 5 - 10 triệu đồng nói không với tín dụng đen” với 49 thành viên.
Bên cạnh đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã chỉ đạo hội liên hiệp phụ nữ các huyện: Phú Thiện, Krông Pa, Đức Cơ và thành phố Pleiku có văn bản lên tiếng đề nghị các ngành chức năng vào cuộc các vụ hiếp dâm, dâm ô trẻ em, bạo lực gia đình; tiếp cận gia đình thăm hỏi, vận động gia đình làm đơn tố cáo, đồng thời tổ chức truyền thông phòng, chống xâm hại trẻ em. Phối hợp với các ban ngành, đoàn thể, ủy ban nhân dân cùng cấp gặp gỡ, tuyên truyền, vận động, phân tích, giải thích cho bà con hiểu, không tổ chức tụ tập đông người đập phá tài sản nhà nước trong vụ tranh chấp đất đai, đình công của công nhân thuộc huyện Chư Prông. Đến nay, sự việc đã ổn định, bà con yên tâm lao động sản xuất.
Đối với các vụ việc liên quan đến tại nạn, Hội đã tổ chức thăm, động viên các gia đình có người thân gặp nạn trong các vụ đuối nước, sét đánh, cháy nhà và hỗ trợ số tiền 108,4 triệu đồng, 310 bộ quần áo cũ, hơn 5,4 tạ gạo, đồng thời tổ chức tuyên truyền phòng chống đuối nước cho cán bộ, hội viên phụ nữ và người dân. Đối với vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng tại huyện Chư Sê làm 4 người tử vong, các cấp Hội đã thăm hỏi, động viên các gia đình nạn nhân nữ tử vong sau vụ tai nạn và hỗ trợ cho các gia đình số tiền 7,6 triệu đồng. Đồng thời, yêu cầu Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Chư Sê quan tâm công tác tuyên truyền vận động hội viên, phụ nữ có ý thức, trách nhiệm chấp hành Luật an toàn giao thông, không lấn chiếm lòng, lề đường làm nơi họp chợ gây cản trở, mất an toàn cho người tham gia giao thông.
Đối với dịch tả lợn Châu Phi, dịch sốt xuất huyết, các cấp Hội tổ chức các buổi sinh hoạt tuyên truyền và phối hợp với các ngành chức năng tập trung tuyên truyền,vận động thực hiện các biện pháp bao vây, khống chế dịch bệnh theo phương châm “phòng, chống dịch như chống giặc", “phòng là chính, cơ sở và người dân là chính"; thông báo về tình hình bệnh đang xảy ra trên địa bàn để gia đình hội viên phụ nữ chủ động phòng chống. Riêng với các gia đình bị ảnh hưởng do mưa lớn, lũ lụt gây ra, các cấp Hội thăm và hỗ trợ 35,4 triệu đồng và vận động bà con giúp ngày công để khắc phục kịp thời.
Cùng với sự chung tay của các địa phương, cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị, hội liên hiệp phụ nữ các cấp đã góp phần không nhỏ trong việc ổn định tình hình an ninh nông thôn, trật tự an toàn xã hội; kịp thời động viên tinh thần, hỗ trợ, nâng cao đời sống nhân dân, nhất là cán bộ, hội viên phụ nữ trên địa bàn tỉnh.
Lam Giang