Với những cách làm sáng tạo, hình thức phong phú, Phụ nữ Gia Lai đã xây dựng, triển khai thực hiện tốt nhiều mô hình hay, mang lại hiệu quả thiết thực, thu hút nhiều hội viên phụ nữ tham gia, góp phần thực hiện tốt công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Mô hình"Phụ nữ dân tộc thiểu số thực hiện 3 tốt": Với các nội dung “tiết kiệm tốt”, “sản xuất tốt” và “quản lý giáo dục con tốt”, mô hình có 30 thành viên tham gia, Ban chủ nhiệm gồm 5 thành viên là: Hội phụ nữ xã - chủ nhiệm, trưởng làng - phó chủ nhiệm, công an viên, chi hội trưởng phụ nữ, người có uy tín. Mô hình được thành lập với mục đích giải quyết các vấn đề phát sinh tại địa bàn cơ sở như: hội viên phụ nữ dân tộc thiểu số chưa biết cách tiết kiệm, chưa biết chuyển đổi cây con giống cho phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, việc quản lý giáo dục con em còn lỏng lẻo... Thông qua mô hình, các cấp Hội phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ giáo dục con em chấp hành pháp luật, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn; chị em có ý thức tiết kiệm tại nhà đồng thời tập trung lao động sản xuất, chuyển đổi cây trồng vật nuôi phù hợp với tình hình thực tế tại địa pương.
Mô hình Giúp gia đình hội viên phụ nữ đi làm ăn xa: Đây là mô hình giúp gia đình hội viên phụ nữ trong lúc họ đi làm ăn xa nhà. Với 30 thành viên trong mô hình là hội viên phụ nữ trên địa bàn, các chị hội viên quyên góp kinh phí, hỗ trợ quần áo, sách vở hỗ trợ cho con em hội viên phụ nữ đi làm ăn xa. Bên cạnh đó, các thành viên trong mô hình còn hỗ trợ cho các chị đi làm ăn xa mượn tiền đóng lãi ngân hàng hàng tháng (các chị đi làm ăn xa khi có lương gửi về trả sau).
Mô hình “Phụ nữ với làng hoa dã quỳ” gắn với phát triển du lịch ở địa phương: Thông qua mô hình nhằm đẩy mạnh vai trò của phụ nữ trong việc phát triển du lịch tại địa phương. Việc xây dựng mô hình nhận được sự đồng thuận của các gia đình hội viên, phụ nữ; đồng thời phát huy tính sáng tạo của Hội phụ nữ cơ sở và phát huy nội lực của các hộ gia đình. Đây là mô hình trồng làng hoa dã quỳ đầu tiên của tỉnh góp phần hiện thực hóa các phần việc tham gia xây dựng nông thôn mới với “con đường hoa”, “hàng rào xanh” do hội liên hiệp phụ nữ phát động.
Mô hình “Mỗi hộ có 01 vườn rau và cây ăn trái”: Với mục tiêu giúp cho hội viên, phụ nữ dân tộc thiểu số thay đổi nếp nghĩ, cách làm, chuyển biến và thay đổi từ nhận thức đến hành động, tham gia tích cực vào xây dựng nông thôn mới tại địa phương, mô hình “Mỗi hộ có 01 vườn rau và cây ăn trái” đã mang lại hiệu quả thiết thực, giúp chị em ý thức trồng rau sạch, an toàn để đảm bảo sức khỏe gia đình cho gia đình, cho người tiêu dùng, tăng thu nhập. Năm 2019, các cấp Hội xây dựng mới 398 mô hình “Mỗi hộ có 01 vườn rau và cây ăn trái” với 13.392 thành viên nâng tổng số 574 mô hình với 27.037 hộ tham gia.
Mô hình “Thư viện xanh”: Mô hình được thành lập với mục tiêu nâng cao văn hóa đọc, phát triển các kỹ năng, kiến thức cho học sinh. Hội phụ nữ cơ sở phối hợp với các đoàn thể địa phương vận động chị em hội viên phụ nữ tìm cây, các vật dụng cần thiết xây dựng nhà rông nhỏ gần trường học trong làng. Kết nối xin sách từ các thư viện lớn để tìm nguồn sách bổ sung cho thư viện. Đến nay, thư viện đã có trên 30 đầu sách với gần 200 lượt em nhỏ đến thư viện học ngoài giờ và đọc sách.
Mô hình “Cồng chiêng nữ”: Đây là mô hình mới góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Từ đội “Cồng chiêng nữ” đầu tiên của làng Leng, xã Tơ Tung, huyện Kbang, đến nay, 17/17 huyện, thị xã, thành phố thành lập được 58 đội “Cồng chiêng nữ” với 1.026 thành viên tham gia. Các cấp Hội đã tổ chức đêm giao lưu văn hoá mô hình “Cồng chiêng nữ” với 13 đội “Cồng chiêng nữ” tham gia nhân dịp kỷ niệm 20/10/2019. Đây được coi là điểm nhấn để đẩy mạnh phong trào bảo tồn văn hóa cồng chiêng của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh và là dịp để phụ nữ dân tộc thiểu số tại các thôn làng có điều kiện giao lưu, học hỏi lẫn nhau.
Mô hình “Ngày Chủ nhật xanh - sạch - đẹp”: Mô hình được thành lập với mục đích thay đổi nhận thức của hội viên phụ nữ trong bảo vệ môi trường. Theo đó, vào các ngày chủ nhật đầu tháng quân tuyên truyền, vận động các hộ gia đình tháo gỡ tờ rơi quảng cáo trái phép trước nhà,.. đã vận động 4.790 lượt hộ gia đình tháo gỡ trên 100.000 tờ rơi quảng cáo trái phép đồng thời, phối hợp vận động hội viên phụ nữ ra quân trang trí các cột điện tạo cảnh quan sạch đẹp, hạn chế tình trạng dán tờ rơi sai quy định; dọn dẹp vệ sinh, thu gom xử lý rác thải ở các khu trọng điểm và các đoạn đường phụ nữ tự quản góp phần bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp.
Kết quả đạt được từ những mô hình của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh thực sự có ý nghĩa và mang lại hiệu quả thiết thực; khơi dậy và phát huy vai trò của phụ nữ trong các phong trào, hoạt động xã hội. Thời gian tới, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh sẽ tiếp tục nhân rộng các mô hình nêu trên, thu hút nhiều hơn nữa số lượng hội viên tham gia, đẩy mạnh phong trào thi đua của phụ nữ đi vào chiều sâu, góp phần xây dựng tổ chức hội ngày càng vững mạnh.
Phạm Hòa