Những năm qua, được sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước, sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh, kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số (DTTS) tiếp tục được quan tâm đầu tư và đạt kết quả khả quan.
Đến nay các chương trình, dự án, chính sách đầu tư, hỗ trợ đã đem lại cho tình hình kinh tế - xã hội vùng DTTS, vùng đặc biệt khó khăn ngày càng phát triển; bản sắc văn hóa luôn được duy trì và phát huy; hệ thống chính trị ngày càng được củng cố; khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được nâng cao. Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc ngày càng được cải thiện, trình độ dân trí từng bước được nâng lên. Cơ sở hạ tầng được tăng cường đầu tư đáng kể, đến nay 100% xã đã có đường ô tô đến trung tâm các xã; có 100/184 xã đạt tiêu chí số 02 về giao thông theo tiêu chí của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; 90,09% số km đường xã và đường từ trung tâm xã đến huyện đã nhựa hóa hoặc bê tông hóa, đảm bảo ô tô đi lại quanh năm; 79,26% số km đường trục thôn, làng và đường liên thôn, làng được cứng hóa, đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện quanh năm; 60,16% số km đường ngõ, xóm sạch và không lầy lội vào mùa mưa; 54,42% số km đường trục chính nội đồng đảm bảo vận chuyển hàng hóa thuận tiện quanh năm, số xã đạt chuẩn nông thôn mới 60 xã, tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo ước đạt 88%, tỉ lệ học sinh đúng độ tuổi cấp trung học cơ sở ra lớp ước đạt 87%, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia ước đạt 36,8%, 88% số xã có bác sỉ, 77,5% tỷ lệ xã, phường thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế, 99,3% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia, 93% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh, tỷ lệ hộ nghe đài phát thanh 99% và truyền hình đạt 96,5%; trên 90% thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số được định canh định cư ổn định; phần lớn các thôn, làng nơi đồng bào DTTS sinh sống có nhà trẻ, trường mẫu giáo, các xã đều đã có trường cấp I, II, học sinh, sinh viên DTTS đi học được hỗ trợ theo quy định. Nhà ở của đồng bào dân tộc nghèo đã được xây dựng mới và sửa chữa khang trang hơn. Sản xuất dần dần phát triển do đồng bào biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt và chăn nuôi nên số hộ đủ ăn, khá và giàu ngày một tăng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai, thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua cũng gặp không ít khó khăn, vướng mắc đó là: So với mặt bằng chung của tỉnh, vùng dân tộc, nhất là các xã, thôn, làng ở vùng đồng bào DTTS còn nhiều khó khăn. Khoảng cách chênh lệch về phát triển kinh tế - xã hội và thụ hưởng các dịch vụ cơ bản giữa vùng dân tộc và đô thị còn khá lớn, hộ nghèo là người DTTS còn chiếm tỷ lệ khá cao; kết quả giảm nghèo chưa bền vững; đời sống một số bộ phận nhân dân còn nhiều khó khăn; chất lượng giáo dục có mặt còn hạn chế; các dịch vụ y tế còn ở mức thấp so với các vùng, miền khác trong tỉnh. Nguồn lực đầu tư cho chính sách ít, còn dàn trải, chưa tập trung; một số chương trình, dự án đã được phê duyệt nhưng kinh phí phân bổ chưa đáp ứng, thậm chí có chính sách chưa được cấpvốn thực hiện như: Quyết định số 2085/QĐ-TTg, Quyết định số 2214/QĐ-TTg. Chính sách dân tộc còn mang tính chất ứng phó, giải quyết tình thế trước mắt, chưa mang tầm chiến lược, cơ bản, lâu dài; quá trình xây dựng chính sách còn chưa huy động sự tham gia của người dân, vì thế có chính sách chưa phù hợp với đặc điểm và nguyện vọng của đồng bào các dân tộc.

Vùng dân tộc thiểu số tiếp tục được quan tâm đầu tư. Ảnh: N.Đ
Thời gian đến, tỉnh sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS một cách toàn diện, bền vững; đẩy nhanh công tác xóa đói giảm nghèo bền vững, rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các dân tộc; giảm dần vùng đặc biệt khó khăn; từng bước hình thành các trung tâm kinh tế, văn hóa vùng DTTS. Tăng cường công tác tham mưu, đề xuất các đề án, cơ chế chính sách dân tộc đặc thù của tỉnh theo hướng tăng mức hỗ trợ, đầu tư, mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách dân tộc. Thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020.
Tăng cường chỉ đạo các địa phương tập trung phát triển các ngành kinh tế có lợi thế ở từng địa phương góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động hợp lý. Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp tại vùng dân tộc. Hoàn thiện cơ chế và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp; các mô hình sản xuất lâm nghiệp, nuôi trồng, chế biến thủy sản mang tính tập trung, quy mô lớn; gắn sản xuất nông nghiệp với công nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm.Tăng cường ứng dụng khoa học trong sản xuất nông nghiệp. Triển khai các chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư, ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất.
Tiếp tục bổ sung, thực hiện chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn tại các xã, thôn, làng đặc biệt khó khăn; nghiên cứu, ban hành chính sách khuyến khích phát triển thương mại, dịch vụ ở các xã vùng khó khăn. Đẩy mạnh phát triển các cơ sở thương mại, dịch vụ hệ thống chợ và hợp tác xã mua bán ở các xã vùng khó khăn; tạo lập mối liên kết giữa nhà sản xuất, nhà khoa học, nhà phân phối và người tiêu dùng tạo kênh lưu thông hàng hóa. Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2016 - 2020, gắn với dạy nghề, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho đồng bào DTTS, tạo điều kiện cho người dân phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Trường Xuân