Kbang là huyện miền núi nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Gia Lai, có 21 dân tộc cùng sinh sống; toàn huyện có 14 cơ sở hội phụ nữ, tổng số hội viên tham gia sinh hoạt là 12.253 chị em, trong đó, hội viên dân tộc thiểu số 6.002 chị. Tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện chiếm 5,27%, trong đó, hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm trên 85%.
Triển khai thực hiện phong trào “Hộ hội viên dân tộc thiểu số thay đổi nếp nghĩ thực hiện tiết kiệm trong chi tiêu vươn lên thoát nghèo bền vững” giai đoạn 2018 - 2021 gắn với Chỉ thị số 14-CT/TU, ngày 14 tháng 6 năm 2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về ngăn chặn tình trạng vay tiền, mua nợ hàng hóa với lãi suất cao, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Kbang đã cụ thể hóa, đưa chỉ tiêu cụ thể trong thực hiện phong trào và triển khai bằng những phương thức phù hợp, như: Vận động thành lập các câu lạc bộ “Tiết kiệm trong ma chay cưới hỏi”, “Nói không với tín dụng đen”, “Phụ nữ tiết kiệm trong chi tiêu”; xây dựng mô hình “Tiết kiệm và cho vay tại thôn, bản”… Kết quả cho thấy, bước đầu đã có những chuyển biến tích cực, chị em hội viên, phụ nữ dân tộc thiểu số trong làng đã có ý thức hơn, biết cách chi tiêu hợp lý, tiết kiệm hơn. Qua đánh giá, có 1.535/2034 hội viên dân tộc thiểu số hiểu và biết cách tiết kiệm trong chi tiêu (đạt 75,46% so với số hội viên dân tộc thiểu số được lựa chọn hướng dẫn). Từ số tiền tiết kiệm được, chị em có điều kiện để chăm lo cho con em mình học tập, mua các vật dụng thiết yếu khác hoặc tái đầu tư phát triển kinh tế tăng thu nhập cho gia đình, hạn chế vay tiền, mua nợ hàng hóa lãi suất cao.
.jpg)
Hội LHPN xã tặng heo đất cho hội viên dân tộc thiểu số. Nguồn: http://hoilhpn.org.vn
Để làm thay đổi suy nghĩ, nhận thức và hành động của hội viên dân tộc thiểu số, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Kbang còn tổ chức nhiều đợt tuyên truyền thực hiện các tiêu chí Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” gắn với xây dựng nông thôn mới, trong đó, chú trọng tiêu chí giảm nghèo, tập trung giải quyết tiêu chí 3 sạch (nhà sạch, bếp sạch, ngõ sạch); chỉ đạo các cơ sở hội phối hợp với Mặt trận cùng cấp tuyên truyền, vận động thực hiện Cuộc vận động“Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số, để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”, hướng đến mục tiêu thay đổi trong việc tổ chức lễ hội, ma chay, cưới hỏi… Ngoài ra, Hội đã chỉ đạo cơ sở hội duy trì và phát triển tốt các loại hình tiết kiệm ở các chi hội, tổ phụ nữ. Việc duy trì và phát triển tốt các loại hình tiết kiệm ở các chi hội, tổ phụ nữ là một trong những hoạt động hết sức ý nghĩa và có tính lan tỏa sâu rộng, đây là phong trào tương thân tương ái giúp đỡ phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hoạn nạn, rủi ro đột xuất. Qua đó, nhiều chị em được giúp có động lực vươn lên vượt qua hoàn cảnh khó khăn, gắn bó với tổ chức Hội, hăng hái tham gia các hoạt động phong trào của Hội, góp phần đạt tỷ lệ thu hút, phát triển hội viên, xây dựng Hội ngày càng vững mạnh.
Với phương châm mưa dầm thấm lâu, thực hiện việc tuyên truyền một cách kiên trì, qua 05 năm triển khai thực hiện phong trào, tổ chức tuyên truyền đầy đủ các nội dung liên quan đến phong trào “Hộ hội viên dân tộc thiểu số thay đổi nếp nghĩ thực hiện tiết kiệm trong chi tiêu vươn lên thoát nghèo bền vững giai đoạn 2017-2021”. Đến nay, có 66,36% hộ hội viên phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, cận nghèo thay đổi nếp nghĩ, bỏ dần những hủ tục lạc hậu, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước, tự lực vươn lên thoát nghèo bên vững; có khoảng 55% trở lên hộ hộ hội viên, phụ nữ dân tộc thiểu số nghèo, cận nghèo biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng để nuôi, trồng, biết chi tiêu hợp lý để tích luỹ vốn tái đầu tư sản xuất; trên 25% hộ hội viên phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, cận nghèo có đời sống vật chất, tinh thần được cải thiện, có mức thu nhập cao hơn mức thu nhập trung bình của người dân tộc thiểu số trong huyện.
Để thực hiện có hiệu quả chỉ thị số 14-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Hội đã thường xuyên tăng cường bám các làng đồng bào dân tộc thiểu số để nắm bắt thực trạng, các mối quan hệ giữa hộ dân tộc thiểu số với hộ tư thương; tổ chức các đợt tuyên truyền, phân tích tính chất nghiêm trọng, mức độ, hệ lụy và đưa ra các giải pháp thiết thực, phù hợp ngăn chặn, hạn chế tình trạng hộ người dân tộc thiểu số vay mượn tiền, mua nợ hàng hóa lãi suất cao. Đến nay, tình trạng vay mượn tiền, mua nợ hàng hóa của tư thương với lãi suất cao đã giảm đáng kể; Hội khảo sát thành lập được 02 câu lạc bộ “Phụ nữ nói không với tín dụng đen”, thu hút 69 hội viên đồng bào dân tộc thiểu số tham gia, bước đầu hoạt động có hiệu quả, trong thời gian tới sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình câu lạc bộ này.
Những thay đổi từ nhận thức, đến hành động của của các tầng lớp phụ nữ trên địa bàn huyện Kbang là kết quả của sự kiên trì, bền bỉ trong vận động, tuyên truyền và sự năng động, nhạy bén trong triển khai thực hiện phong trào của Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Kbang. Kết quả đó đã góp phần không nhỏ cùng với huyện Kbang thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Phạm Hòa