Nhằm nâng cao hiệu lực quản lý, tổ chức thực hiện chính sách dân số, Ủy ban nhân dân tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình tỉnh và chỉ đạo các địa phương thành lập ban chỉ đạo công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình cấp huyện (ở cấp xã thành lập ban dân số - kế hoạch hóa gia đình), có quy chế hoạt động và kiện toàn kịp thời.
Để phấn đấu đạt được mức sinh thay thế trên địa bàn tỉnh; hằng năm, ngành y tế tổ chức các chiến dịch truyền thông lồng ghép dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình đến các địa bàn có mức sinh cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhằm giúp đỡ các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh chọn cho mình biện pháp tránh thai phù hợp, tránh việc sinh dày và sinh nhiều; cấp phát các phương tiện tránh thai miễn phí cho người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng bảo trợ xã hội. Triển khai và thực hiện tốt Nghị định số 39/2005/NĐ-CP, ngày 27 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ về quy định chính sách hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số; theo đó, đã hỗ trợ cho 2.512 trường hợp với số kinh phí 5.024 triệu đồng.
Theo báo cáo thống kê chuyên ngành dân số, tỷ số giới tính khi sinh năm 2020 là 106 trẻ sơ sinh trai/100 trẻ sơ sinh gái, đạt mục tiêu Chương trình đề ra. Ngành y tế, dân số các cấp đã tổ chức được 6.797 buổi nói chuyện chuyên đề với 149.300 lượt người tham dự, 710 buổi tuyên truyền trực tiếp với 22.256 người tham dự. Xây dựng 102 chương trình truyền hình, 1.329 chương trình truyền thanh, 15 tin bài trên báo liên quan đến chủ đề giới tính khi sinh. Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình đã soạn thảo, tổ chức in ấn 15.500 quyển tài liệu, 67.000 tờ rơi về các nội dung liên quan đến kiểm soát tỷ số giới tính khi sinh, 720 đĩa VCD truyền thông cấp phát cho cơ sở. Từ năm 2017 đến nay, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình đã phối hợp với 17/17 trung tâm dân số - kế hoạch hóa gia đình cấp huyện (nay là Phòng Dân số thuộc Trung tâm y tế) và các trường phổ thông trung học, trung học cơ sở tổ chức các hoạt động ngoại khóa về chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên, lồng ghép nội dung về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, bình đẳng giới trong các trường học thông qua hoạt động ngoại khóa.
Ngành y tế - dân số đã thành lập các đoàn kiểm tra và tiến hành kiểm tra theo định kỳ, kiểm tra theo chuyên đề về tình hình thực hiện chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình tại thành phố Pleiku, thị xã An khê, thị xã Ayun Pa và các huyện: Kbang, Chư Păh, Ia Grai, Chư Prông, Đak Đoa, Chư Pưh, Đức Cơ về thực hiện công tác quản lý nhà nước; kiểm tra việc thực hiện công tác quản lý sử dụng biện pháp tránh thai lâm sàng và kinh phí thuộc chương trình mục tiêu quốc gia Y tế - Dân số giai đoạn 2016 - 2020 và thực hiện công tác triển khai các chương trình, đề án, mô hình về dân số và phát triển. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý theo quy định pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi. Ngăn ngừa việc lạm dụng khoa học, công nghệ để lựa chọn giới tính thai nhi, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Hằng năm, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tổ chức các hoạt động truyền thông về mất cân bằng giới tính khi sinh và hưởng ứng Ngày Quốc tế trẻ em gái (11/10). Tổ chức hội thi tìm hiểu về pháp luật dân số và công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình trong tình hình mới và hội nghị biểu dương các gia đình tiêu biểu sinh con một bề là gái thực hiện tốt chính sách dân số nhằm hưởng ứng Tháng hành động Quốc gia về dân số và Ngày Dân số Việt Nam (26/12).

Cán bộ làm công tác dân số cấp xã luôn đẩy mạnh tuyên truyền về công tác dân số bằng hình thức phù hợp
Để thích ứng với giai đoạn già hóa dân số, thực hiện Quyết định số 7618/QĐ-BYT, ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Bộ Y tế về việc phê duyệt Đề án “Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi giai đoạn 2017 - 2025”; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 565/QĐ-UBND, ngày 21 tháng 7 năm 2017 về việc phê duyệt Kế hoạch thực hiện Đề án Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi giai đoạn 2017 - 2025 trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Theo đó, chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ phối hợp với Sở Y tế triển khai các hoạt động của Đề án đảm bảo theo quy định của pháp luật. Sở Y tế đã ban hành kế hoạch triển khai đề án giai đoạn 2017 - 2025 và hướng dẫn ngành y tế - dân số cấp huyện thực hiện các hoạt động chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đảm bảo đạt mục tiêu kế hoạch đề ra.
Trong giai đoạn 2017 - 2020, Bệnh viện Lão khoa Trung ương tổ chức tập huấn về chương trình khám sàng lọc người cao tuổi cho 35 cán bộ y tế tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện 331, Bệnh viện Hoàng Anh Gia Lai và 03 trung tâm y tế. Các trung tâm y tế, trạm y tế xã, phường đã thành lập được 97 tổ tình nguyện viên chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, 100% các đơn vị cấp huyện đều có ít nhất 03 tổ tình nguyện viên có nhiệm vụ tư vấn, hướng dẫn người cao tuổi trong công việc tự chăm sóc tại nhà; đồng thời, vận động người cao tuổi tham gia khám sức khỏe định kỳ tại trạm y tế xã. Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Y học cổ truyền có 02 khoa lão với 105 giường bệnh nội trú; các trung tâm y tế có 15 khoa khám bệnh có buồng khám riêng hoặc bố trí bàn khám riêng cho người cao tuổi. Toàn tỉnh có 225 câu lạc bộ người cao tuổi tham gia các hoạt động thể dục thể thao, văn hóa, văn nghệ để nâng cao sức khỏe và tinh thần người cao tuổi.
Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình đã in ấn và cấp phát 7.700 cuốn tài liệu “Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi” cho các đơn vị cấp huyện; 48.000 tờ gấp; 480 đĩa VCD tuyên truyền về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; 10.000 tờ rơi có nội dung sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh để phục vụ công tác tuyên truyền, tìm hiểu về sàng lọc chẩn đoán trước sinh, các bệnh lý di truyền và dị tật bẩm sinh, phương pháp lấy mẫu máu gót chân trẻ sơ sinh. Tổ chức hội thảo chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình triển khai kế hoạch về công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi cho 1.399 cán bộ trung tâm y tế; cán bộ chuyên trách dân số, cộng tác viên dân số tại cơ sở và 01 hội nghị tập huấn về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi cho 280 người là đại diện hội người cao tuổi huyện, xã, cộng tác viên dân số.
Ngành y tế - dân số đã tổ chức hơn 430 buổi nói chuyện chuyên đề lồng ghép nội dung về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi và các vấn đề dân số khác cho hơn 5.800 lượt người tham dự. Đội ngũ viên chức dân số, cộng tác viên tổ chức được hơn 3.500 buổi tư vấn tại nhà, tư vấn nhóm nhỏ cho hơn 16.850 lượt người. Mô hình tư vấn khám sức khỏe tiền hôn nhân được duy trì tại các địa bàn của 17 huyện, thị xã, thành phố (mỗi đơn vị cấp huyện có 02 xã, thị trấn; riêng thành phố Pleiku có 05 xã, phường). Các hoạt động truyền thông tư vấn về khám sức khỏe tiền hôn nhân được tổ chức theo định kỳ và thường xuyên tại các trung tâm y tế và trạm y tế. Năm 2020 đã tổ chức khám sức khỏe tiền hôn nhân 740 ca. Duy trì các mô hình nâng cao chất lượng dân số một số dân tộc ít người tại 42 xã thuộc 17 huyện, thị xã, thành phố; trong đó một số huyện đã mở rộng địa bàn triển khai vượt kế hoạch tỉnh giao, như: Huyện Chư Pưh, huyện Chư Prông...
Hoài An