Gia Lai có 17 đơn vị hành chính cấp huyện (gồm 01 thành phố, 02 thị xã và 14 huyện); 220 đơn vị hành chính cấp xã (trong đó có 38 phường, thị trấn và 182 xã); 1.576 thôn, làng, tổ dân phố, khu dân cư. Thời gian qua, việc xây dựng các mô hình tự quản trong cộng đồng dân cư được các địa phương, cơ quan, đơn vị triển khai một cách tích cực, có hiệu quả; các mô hình được xây dựng phù hợp với tình hình thực tiễn, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của cán bộ, hội viên, nhân dân trong tỉnh.
Trong những năm qua, cùng với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh đã luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn việc xây dựng các mô hình tự quản tại các thôn, làng, tổ dân phố, khu dân cư nhằm phát huy vai trò tích cực, chủ động của người dân trong việc tham gia các phong trào phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng nếp sống văn minh gắn với xây dựng nông thôn mới. Nhiều mô hình được nhân dân đồng tình hưởng ứng, như: Mô hình camera an ninh (thành phố Pleiku); Mô hình tiếng kẻng an ninh (huyện Chư Prông); Mô hình phụ nữ tự quản đường biên (huyện Đức Cơ); Mô hình nói không với túi nilon, rác thải nhựa (Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh); Mô hình khu dân cư sáng - xanh - sạch - đẹp (huyện Kbang); Mô hình tổ bảo vệ nông sản theo mùa vụ (huyện Đak Đoa); Mô hình câu lạc bộ Phụ nữ nói không với tín dụng đen (thị xã An Khê); Mô hình hàng rào xanh, con đường hoa (huyện Phú Thiện); Mô hình con đường thanh niên tự quản (huyện Mang Yang)....
.jpg)
Lễ ra mắt mô hình Nông hội làng Vẻh, xã Chư Krey,huyện Kông Chro, Gia Lai. Nguồn: daidoanket.vn
Các mô hình tự quản được xây dựng xuất phát từ yêu cầu thực tiễn và từ sự sáng tạo, linh hoạt của của các địa phương, đơn vị, nhiều mô hình được ra đời nhằm đa dạng hóa hình thức tập hợp, thu hút đoàn viên, hội viên và khắc phục những vấn đề xã hội đang diễn ra trong thực tiễn. Bên cạnh đó, việc xây dựng các mô hình tự quản cũng được các cấp, các ngành trong tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện gắn với việc thực hiện các cuộc vận động, như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”. Đến nay, toàn tỉnh có 7.542 mô hình tự quản, trong đó: Tự quản về kinh tế có 4.719 mô hình; tự quản về an ninh trật tự có 936 mô hình; tự quản về bảo vệ môi trường có 915 mô hình; tự quản về xây dựng gia đình văn hóa, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh có 656 mô hình và 316 mô hình tự quản khác. Tiêu biểu là các mô hình trong tham gia xây dựng nông thôn mới đã phát huy hiệu quả tích cực, góp phần cùng với cả hệ thống chính trị tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia đóng góp trên 433 tỷ đồng, hiến tặng 138.563 m2 đất, góp 47.338 ngày công lao động nâng cấp, cải tạo đường làng, ngõ xóm, điện chiếu sáng, cải tạo kênh mương nội đồng. Hiệu quả từ các mô hình đã góp phần hoàn thành các chỉ tiêu của chương trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Đến nay, toàn tỉnh có 88 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 97 thôn, làng đạt chuẩn nông thôn mới; thành phố Pleiku hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2018; hiện có 02 thị xã đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị Trung ương thẩm định, xét công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2019 và phấn đấu có 02 huyện đạt chuẩn nông thôn mới (huyện Kbang và huyện Đak Pơ). Năm 2020, GRDP bình quân đạt 51,9 triệu đồng; hệ thống chính trị được quan tâm xây dựng, củng cố; quốc phòng được đảm bảo, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được tăng cường và ổn định.
Hầu hết, các mô hình tự quản đều mang lại những hiệu quả nhất định từ cơ sở, bước đầu nhận được sự đồng tình ủng hộ của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh. Qua việc tham gia, thực hiện các mô hình tự quản, ý thức của người dân trong việc tham gia các phong trào, hoạt động được nâng lên rõ rệt; một số mô hình thể hiện được vai trò tự quản, đã khơi dậy được tinh thần đoàn kết, gắn bó, giúp đỡ nhau trong cộng đồng dân cư, phát huy tốt hơn vai trò tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộ, góp phần phát triển kinh tế - xã hôi, đảm bảo an ninh trật tự, xây dựng hệ thông chính trị của địa phương.
Tuy nhiên, công tác phối hợp giữa mặt trận và đoàn thể chính trị - xã hội có lúc chưa chặt chẽ. Các mô hình được xây dựng nhiều nhưng hiệu quả chưa cao; một số mô hình tự quản ở khu dân cư còn hình thức, chồng chéo, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ giữa các tổ tự quản, thiếu sức lan tỏa; có mô hình chỉ dừng lại ở lễ phát động. Do đó, cần có những giải pháp thiết thực nhằm tiếp tục xây dựng và phát triển các mô hình tự quản ở cộng động dân cư trong tỉnh.
Lam Giang