Những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng cường công tác phòng, chống HIV/AIDS trong tình hình mới.
Thực hiện Chỉ thị số 54-CT/TW, ngày 30 tháng 11 năm 2005 của Ban Bí thư về tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS trong tình hình mới (viết tắt là Chỉ thị 54-CT/TW) và Hướng dẫn số 51-HD/BTGTW, ngày 18 tháng 12 năm 2008 của Ban Tuyên giáo Trung ương về thực hiện Chỉ thị 54-CT/TW, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Thông tri số 01-TT/TU, ngày 30 tháng 3 năm 2006 về tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS trong tình hình mới và Kế hoạch số 42-KH/TU, ngày 18 tháng 12 năm 2008 về triển khai Cuộc vận động “3 tự” trong phòng, chống HIV/AIDS; đồng thời, chỉ đạo Ủy ban nhân dân tỉnh, các cấp ủy trực thuộc Tỉnh ủy tổ chức quán triệt và xây dựng kế hoạch để triển khai thực hiện thống nhất trong toàn tỉnh.
Các huyện ủy, thị ủy, thành ủy đã tổ chức hội nghị cán bộ chủ chốt phổ biến, quán triệt Chỉ thị; đồng thời, ban hành chương trình, kế hoạch phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phòng, chống HIV/AIDS. Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính trị - xã hội các cấp thường xuyên phối hợp với ngành Y tế mở các lớp tập huấn nghiệp vụ, tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS cho hội viên, đoàn viên; triển khai Cuộc vận động “Toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư” gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và phong trào “Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”.
Cùng với đó, tỉnh thường xuyên triển khai công tác tuyên truyền, giáo dục thay đổi nhận thức và hành vi. Từ năm 2005 đến nay, các hình thức truyền thông trực tiếp thông qua đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống HIV/AIDS tại địa phương được duy trì và triển khai thực hiện thường xuyên. Hằng năm, các hoạt động trong Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS, Tháng cao điểm Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, hoặc hưởng ứng Ngày thế giới Phòng chống ma túy (26/6), Ngày Dân số thế giới (11/7), Ngày thế giới phòng, chống HIV/AIDS (01/12)... đều được các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính trị - xã hội các cấp triển khai, thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Hội Nông dân các cấp đã tích cực phối hợp tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống HIV/AIDS. Hưởng ứng Ngày thế giới phòng, chống ma túy (26/6), Ngày thế giới phòng, chống HIV/AIDS (1/12)…; các hoạt động truyền thông được tổ chức sôi nổi, phong phú với các hình thức tuyên truyền, băng rôn, áp phích, khẩu hiệu, bản tin, các buổi tọa đàm, hoạt động thể dục - thể thao…; đã tổ chức được 49.950 buổi cho trên 1,9 triệu lượt cán bộ, hội viên, nông dân tham dự.

Tuyên truyên sâu rộng trong nhân dân về tác hại và cách phòng, chống HIV/AIDS. Ảnh: T.X
Công tác giáo dục pháp luật phòng, chống HIV/AIDS được tuyên truyền sâu rộng trong các cấp, các ngành và trong mọi tầng lớp nhân dân. Báo Gia Lai, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh và Đài Truyền thanh - Truyền hình các huyện, thị xã, thành phố đã xây dựng và đưa hàng trăm tin, bài, phóng sự phản ánh công tác phòng, chống HIV/AIDS tại các địa phương, cơ sở. Hình thức tuyên truyền đa dạng như: Phát tờ bướm, treo băng rôn, pa nô, áp phích, diễu hành, xe tuyên truyền lưu động, xây dựng kịch bản và tổ chức biểu diễn sân khấu hóa, tổ chức thi sáng tác các loại hình nghệ thuật, thi cán bộ giỏi của các đoàn thể, nói chuyện chuyên đề về phòng, chống HIV/AIDS; truyền thông trực tiếp qua các thành viên trong nhóm nhân viên tiếp cận cộng đồng...; thu hút hàng ngàn lượt người tham gia. Các hoạt động tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh, phát thanh - truyền hình, trên các báo viết, báo điện tử, phim phóng sự, tọa đàm, trao đổi…, đã từng bước hướng tới giáo dục chống kỳ thị phân biệt đối xử, làm thay đổi hành vi, nhận thức của mọi người về căn bệnh HIV/AIDS.
Công tác tuyên truyền, giáo dục, truyền thông cũng được chú ý triển khai thường xuyên trong nhà trường. Các thầy giáo, cô giáo, sinh viên, học sinh là lực lượng đông đảo nhất, tham gia tích cực các cuộc thi tìm hiểu về ma túy, mại dâm và các biện pháp phòng, chống HIV/AIDS do tỉnh, huyện, thị xã, thành phố và nhà trường tổ chức; ở hầu hết các cấp học đều tổ chức các hình thức tuyên truyền, giáo dục như: Nói chuyện dưới cờ, ngoại khóa, tham gia diễu hành, mời các bác sỹ chuyên trách về nói chuyện chuyên đề, tư vấn kiến thức về phòng, chống HIV/AIDS và sự nguy hại của tệ nạn ma túy; lồng ghép chương trình phòng, chống HIV/AIDS trong nội dung giáo dục sức khoẻ sinh sản vị thành niên để trang bị kiến thức cho học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học.
Công tác truyền thông phòng, chống HIV/AIDS được lồng ghép với các phong trào xây dựng gia đình văn hóa, thôn, làng văn hóa, khu dân cư văn hóa. Hằng năm, Ban Chỉ đạo Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” các cấp đã làm tốt công tác tuyên truyền, lồng ghép tiêu chí không có bạo lực gia đình, không vi phạm các tệ nạn xã hội... để xét, công nhận gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa. Đa số các gia đình đều thực hiện tốt các tiêu chí kế hoạch hóa gia đình, không sinh con thứ 3, vì vậy số gia đình văn hóa ngày càng tăng. Năm 2005, có 76.500/219.927 gia đình được công nhận danh hiệu gia đình văn hóa, đạt tỷ lệ 34,78%; đến cuối năm 2019 có 274.924/346.856 gia đình được công nhận gia đình văn hóa, đạt tỷ lệ79,3% (tăng 44,6%).
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền nên nhận thức của cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân về công tác phòng chống HIV/AIDS được nâng lên. Các lực lượng trong xã hội đã tích cực tham gia công tác phòng, chống HIV/AIDS, nhiều chương trình, phong trào phòng, chống HIV/AIDS được phát động và được hưởng ứng đã góp phần xây dựng gia đình văn hóa, môi trường sống lành mạnh, thân thiện, không có ma túy, không có HIV/AIDS.
Trường Xuân