Nhân viên tư vấn Đường dây nóng phòng, chống mua bán người tiếp nhận cuộc gọi (Ảnh: TTXVN) 

Đây là thông tin được ông Đặng Hoa Nam – Cục trưởng Cục Bảo vệ, Chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) cho biết, tại hội thảo tổng kết Dự án “Thành lập đường dây nóng về phòng chống mua bán người” do cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) phối hợp với Cục Bảo vệ, Chăm sóc trẻ em tổ chức chiều ngày 24/2 tại Hà Nội.

Theo ông Đặng Hoa Nam, Dự án được triển khai từ 16/7/2012 đến 15/3/2016 tại Hà Nội và 2 tỉnh An Giang, Hà Giang nhằm tăng cường chức năng hoạt động của Đường dây nóng Hỗ trợ trẻ em hiện do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội vận hành, phục vụ cho công tác phòng, chống mua bán người cũng như hỗ trợ tái hoà nhập cộng đồng cho các nạn nhân. Dự án cũng bao gồm các hoạt động khác như: tăng cường cơ chế chuyển tuyến giữa các tổ chức có liên quan, xây dựng năng lực cho đội ngũ tư vấn và nâng cao nhận thức của người dân về phòng chống mua bán người tại hai tỉnh điểm. Dự án sẽ kết thúc giai đoạn I vào ngày 15/3/2016.

Từ khi hoạt động, Đường dây nóng phòng, chống mua bán người đã tiếp nhận gần 5.000 cuộc gọi, trong số đó có nhiều cuộc gọi kết nối, chuyển tuyến thành công.

Phân tích cụ thể hơn về những kết quả thực hiện Dự án, ông Nguyễn Công Hiệu, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Dịch vụ truyền thông (Cục Bảo vệ, Chăm sóc trẻ em) cho biết, nội dung các cuộc gọi liên quan đến 3 mảng chính: Hỏi đáp thông tin mua bán người; Tư vấn tâm lý, chính sách hỗ trợ nạn nhân, quy trình hỗ trợ nạn nhân; Chuyển tuyến. “Tính riêng tại Tổng đài Hà Nội, từ khi bắt đầu tiếp nhận cuộc gọi đến 1/2016 đã tiếp nhận 2.200 cuộc gọi hỏi đáp thông tin, 1.194 cuộc gọi tư vấn và chuyển tuyến gần 100 cuộc gọi đến các cơ quan, tổ chức liên quan. Tỷ lệ cuộc gọi hỏi đáp thông tin chiếm đến hơn 70% tổng số cuộc gọi” – ông thông tin.

Vẫn theo ông Nguyễn Công Hiệu, ngoài số lượng lớn cuộc gọi đến từ Hà Giang và An Giang, Tổng đài Hà Nội cũng tiếp nhận nhiều cuộc gọi đến từ các tỉnh, thành phố trong cả nước. Từ 2013-2015, hơn 80% cuộc gọi đến từ các tỉnh ngoài vùng dự án như Thanh Hóa (304 cuộc gọi), Nghệ An (276 cuộc gọi), Lào Cai (220 cuộc gọi)... Thêm vào đó, Đường dây nóng còn tiếp nhận được các cuộc gọi từ các nước (Trung Quốc, Maylayxia...). Đa phần người gọi đến có độ tuổi từ 19 đến hơn 40 tuổi, người gọi là nam giới chiếm 63%.

Tại Hội thảo, các đại biểu đánh giá, mạng lưới hợp tác giữa các cơ quan liên quan về Đường dây nóng phòng, chống mua bán người được thành lập ở cấp trung ương và địa bàn tỉnh dự án. Bên cạnh đó, năng lực cán bộ Tổng đài, các trung tâm kết nối và các cơ quan liên quan về hỗ trợ tư vấn, tham vấn và kết nối các dịch vụ phù hợp được tăng cường. Đặc biệt, nhận thức của người dân về mua bán người và Đường dây nóng phòng, chống mua bán người được cải thiện tại các tỉnh thực hiện dự án.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động của Đường dây nóng, các đại biểu kiến nghị, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và các Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cần đảm bảo việc phân bổ ngân sách phù hợp, nhân viên tư vấn cần đạt chuẩn biết tiếng dân tộc (Chăm và Khơ me ở An Giang, H’Mông, Thái và Dao ở Hà Giang).

Bên cạnh đó, do việc nâng cao nhận thức về đường dây nóng vẫn chưa đạt được mức độ mong đợi, các đại biểu đề nghị cần tiếp tục triển khai các hoạt động phối hợp với các bên liên quan, đặc biệt là Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho việc nâng cao nhận thức về các đường dây nóng phòng, chống mua bán người.../.

Theo ĐCSVN