The request was aborted: Could not create SSL/TLS secure channel. Đất Mẹ luôn đón mời những người con xa Tổ quốc!
28/04/2015 - Lượt xem: 2087
"Hai tiếng "Quê hương" đối với đồng bào ta ở nước ngoài đã thấm vào máu thịt qua các thế hệ. Chúng ta mong tất cả bà con ta ở nước ngoài, nếu chưa có dịp về nước thì bây giờ hãy trở về. Tổ quốc, Đất Mẹ luôn sẵn sàng chờ đón!"

Đó là lời khẳng định của đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong buổi trả lời phỏng vấn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam và một số cơ quan báo chí nhân kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. 

 

 Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Bộ Chính trị, 
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
. (Ảnh: TH)

 

Phóng viên (PV): 40 năm đã trôi qua kể từ chiến thắng lịch sử 30/4/1975. Đồng chí có thể chia sẻ cảm xúc của mình về chiến thắng vĩ đại này của dân tộc?

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân: Cảm nghĩ về ngày 30/4/1975 chắc chắn là cảm nghĩ cụ thể của những người cụ thể, trong hoàn cảnh cụ thể. Đối với tôi, đó là một ngày hết sức đặc biệt, như là một giấc mơ. Tôi được sinh ra ở miền Nam, năm 1954, cha mẹ tôi tập kết ra Bắc, và đến năm 1964, cha mẹ lại trở vào miền Nam để trực tiếp tham gia vào cuộc kháng chiến chống Mỹ. Từ đó, tôi không có tin tức gì về cha mẹ. Tôi nghĩ rằng, cuộc chiến đấu này còn kéo dài cho đến khi mình lớn lên, đi bộ đội năm 1970 và chắc là đời mình đánh giặc chưa xong, có khi đến đời con mình vẫn phải đánh giặc tiếp.

Khi nghe tin chiến thắng vào 30/4/1975, tôi đã òa khóc. Suy nghĩ đầu tiên của tôi, vậy là thế hệ của mình không phải đánh nhau nữa, vậy là đất nước đã thống nhất thật rồi. Tôi mong sớm được biết tin cha mẹ mình còn sống hay không. Tôi cũng muốn về miền Nam để biết ông bà, họ hàng, vì tôi theo cha mẹ đi tập kết từ năm 1 tuổi. Quê ở miền Nam, nhưng tôi không có khái niệm gì về quê hương mình. Từ nhỏ, tôi đã ở miền Bắc và được đồng bào nuôi nấng đến lúc trưởng thành. Ngày đó đối với tôi là ngày mong chờ y như là lời trong một bài hát “đi trong mơ nước mắt lại trào”.

Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chúng tôi - những thanh niên bấy giờ đã hội tụ với nhau để tưởng nhớ đến Người - Bác Hồ vô vàn kính yêu của chúng ta. Người có công lao vô cùng to lớn đối với sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nhưng đã không được chứng kiến thời khắc lịch sử đó.

Dịp 30/4 này, chúng ta hãy cùng cầu chúc cho các liệt sĩ đã hy sinh trở về để thấy được sự phát triển của đất nước, thấy được sự hy sinh của các anh hùng, liệt sĩ đã được đền đáp. 

Chúng ta cầu chúc cho các Mẹ Việt Nam Anh hùng nếu đã đi xa thì khi con cháu thắp hương, các Mẹ đều biết tên tuổi của các Mẹ đã được khắc ghi ở khắp nơi trên đất nước này. Còn đối với các Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống, chúng ta hãy cố gắng chăm sóc thật tốt để các Mẹ được vui lòng.

Chúng ta hãy thắp một nén hương ở nghĩa trang liệt sĩ, ở đài tưởng niệm, ở bàn thờ gia tiên để mong các liệt sĩ cảm thông cho chúng ta, khi 40 năm đã qua, Chính phủ, Quân đội ta và các bạn Lào, Campuchia dù đã nỗ lực đưa được hàng vạn người con liệt sĩ trở về, nhưng vẫn còn hơn 300.000 liệt sĩ chưa được về nhà. 

Chúng ta cũng rất mong bạn bè quốc tế đã góp phần tạo nên chiến thắng 30/4/1975 biết rằng, Việt Nam luôn ghi nhớ tấm lòng của họ đã ủng hộ Việt Nam trong cuộc chiến tranh chính nghĩa, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

PV: Thưa đồng chí, hiện cả nước đang trong những ngày kỷ niệm một dấu mốc lịch sử hào hùng của dân tộc, 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Xin đồng chí cho biết những suy nghĩ, chia sẻ về ý nghĩa của Chiến thắng 30/4 trong bối cảnh hiện nay?

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân: Chiến thắng năm 1975 là bài học lịch sử, là chiến thắng vĩ đại, đánh thắng một đế quốc hiện đại vào bậc nhất thế giới. Dân tộc ta có truyền thống đánh giặc, nhưng đánh giặc có súng ống, đạn dược với sức mạnh áp đảo là thách thức vô cùng lớn.

Trong quá trình tìm đường cứu nước, Bác Hồ đã đưa Chủ nghĩa Mác - Lênin về Việt Nam, mang lý luận của nhân loại, thời đại đến với một dân tộc lạc hậu. Một đất nước có thể yếu kém về vật chất, nhưng không thể để lạc hậu về trí tuệ.

Bác Hồ cũng đã nói: Nhờ đại đoàn kết dân tộc mà trong bao thế kỷ, nhân dân Việt Nam đã bảo vệ được độc lập, tự do của mình. Nhờ đại đoàn kết mà nhân dân Việt Nam đã đánh thắng chủ nghĩa thực dân, làm nên Cách mạng Tháng Tám thành công và kháng chiến thắng lợi. Nhờ đại đoàn kết mà Việt Nam chúng ta nhất định sẽ thống nhất.

Tuy nghèo khó, nhưng khi phát huy tinh thần đại đoàn kết sẽ trở thành sức mạnh lớn hơn rất nhiều. Bài học đại đoàn kết vẫn hết sức quan trọng, phát huy hiệu quả trong thời đại hiện nay.

Một bài học quan trọng khác là, nếu một dân tộc có một đường lối đúng, có con đường chính nghĩa, tận dụng sức mạnh thời đại sẽ có thể chiến thắng được kẻ thù rất lớn. Hay nói cách khác là, cần tận dụng sức mạnh thời đại để vượt qua khó khăn, thách thức.

Trong giai đoạn đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, sức mạnh thời đại là sự đồng thuận với mục tiêu giành lại hòa bình, thống nhất đất nước. Hiện nay, sức mạnh thời đại là khả năng đồng thuận giữa các quốc gia. Mỗi quốc gia đều quan tâm đến lợi ích, độc lập, chủ quyền quốc gia mình, nhưng không được xâm phạm quyền của quốc gia khác.

Bên cạnh đó, sức mạnh thời đại cũng là khả năng của các cơ hội toàn cầu hóa, thị trường mở rộng. Đây là thời cơ đặc biệt mà một đất nước, dù xuất phát điểm có thể thấp hơn so với các quốc gia khác, vẫn có thể vươn lên nhanh.

PV: Sau 40 năm nhìn lại, đồng chí đánh giá như thế nào về những đóng góp của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đặc biệt là Chiến thắng 30/4/1975?

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân: Lịch sử cho thấy, Hiệp định Geneva có quy định đến tháng 7/1956 sẽ tiến hành Tổng tuyển cử. Mọi người dân đều có tâm trạng chờ đợi, nhưng cuối cùng, Tổng tuyển cử vẫn không diễn ra. Một câu hỏi lớn được đặt ra đối với đồng bào, cán bộ, chiến sỹ miền Nam là đất nước thống nhất bằng cách nào.

Một tháng sau Hiệp định Geneva hết hạn (tháng 8/1956), nguyên Tổng Bí thư Lê Duẩn (lúc đó được Đảng phân công ở lại miền Nam) có viết "Đề cương cách mạng miền Nam". Trong Đề cương xác định, con đường cách mạng Việt Nam là đấu tranh vì hòa bình, nhưng phải tiến tới thống nhất đất nước, giành độc lập dân tộc, đánh đuổi xâm lược Mỹ và lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm. Trong quá trình đó, con đường căn bản là phải phát triển một Mặt trận Dân tộc thống nhất.

Đồng chí Lê Duẩn viết: Phải xây dựng khối liên minh công - nông, khơi dậy lòng yêu nước trong các tầng lớp tiểu tư sản, học sinh, sinh viên, trí thức; lôi cuốn họ tham gia vào phong trào dân tộc dân chủ; bồi dưỡng, nâng cao ý thức chính trị, phát triển phong trào đấu tranh của các tầng lớp công thương, dân tộc; tăng cường đoàn kết với tôn giáo: Đạo Phật, đạo Thiên Chúa, đạo Cao Đài, đạo Hòa Hảo; đi sâu vận động đồng bào các dân tộc thiểu số thực hiện tốt chính sách đoàn kết dân tộc anh em trong Mặt trận thống nhất, phát huy năng lực to lớn của thanh niên, phụ nữ.

Những điều được đồng chí Lê Duẩn viết cách đây nửa thế kỷ, đến nay vẫn mang tính thời sự. Để biến điều này thành hiện thực, cần có một tổ chức làm nhiệm vụ thực hiện liên minh công - nông, tập hợp đoàn kết các giới, khơi dậy phong trào của các tầng lớp.

Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời năm 1960 đã hiện thực hóa đường lối cách mạng của Đảng, thể hiện qua tác phẩm "Đề cương cách mạng miền Nam" của nguyên Tổng Bí thư Lê Duẩn và sau này là Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng.

Vai trò đầu tiên của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam là biến đường lối của Đảng thành hiện thực, thông qua việc tập hợp lực lượng nhân dân ở tất cả các vùng miền. Sau một năm, phong trào đấu tranh chính trị đã phát triển nhanh chóng. Nhờ đó, nhân dân đã có sáng kiến là đấu tranh chính trị, kết hợp với binh vận, từ đó, tiến hành vũ trang cục bộ và tạo ra phong trào Đồng Khởi.

Phong trào Đồng Khởi chưa được xác định hình thái trong tác phẩm của nguyên Tổng Bí thư Lê Duẩn, nhưng chính quần chúng nhân dân đã chứng minh: Từ chính lực lượng chính trị đấu tranh, các binh vận có khả năng hình thành lực lượng vũ trang nhỏ, đánh địch, chiếm lại từng phần đất và dần dần hình thành một lực lượng kết hợp chính trị, binh vận, vũ trang.

Cuối năm 1964, lực lượng vũ trang cơ bản đã phá tan được ấp chiến lược của chế độ Sài Gòn; từ đó, chuyển cách mạng sang một giai đoạn khác, buộc Mỹ phải tiến hành Chiến tranh đặc biệt. Đến năm 1965, vùng giải phóng được thành lập.

Như vậy, sau 5 năm, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời, với sự kết hợp đấu tranh ở miền Nam và chi viện của miền Bắc. Từ chỗ nhân dân ta phải đấu tranh trong lòng địch, thì nay đã có vùng giải phóng. 

Tại các vùng giải phóng, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam có chức năng quản lý chính quyền. Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam có vai trò chuyển từ trực tiếp hỗ trợ đấu tranh chính trị vũ trang sang xây dựng vùng giải phóng; đồng thời, tiếp nhận chi viện của miền Bắc để hình thành một hệ thống quản lý Nhà nước thống nhất. Vai trò của Mặt trận trong giai đoạn này là hết sức quan trọng.

Khi thực hiện đàm phán Hiệp định Paris, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã yêu cầu Mỹ là phải có Mặt trận dân tộc giải phóng Việt Nam miền Nam mới tiến hành đàm phán. Vì vậy, ngay tại phiên đầu tiên họp đàm phán Hiệp định Paris đã có đại diện của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam với vai trò như một chính quyền nhân dân ở phía Nam.

Những năm sau đó, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tiếp tục phát động các cuộc đấu tranh chính trị, binh vận, vũ trang cùng với lực lượng chủ lực miền Bắc tạo nên cuộc Tổng tiến công năm 1975 và Chiến thắng 30/4.

Có thể nói, sự ra đời của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam là kết quả của đường lối cách mạng đúng đắn với sáng kiến vô cùng sáng tạo của nhân dân. Mặt trận đã góp phần xứng đáng vào thắng lợi vẻ vang của dân tộc.

PV:  Phát huy tinh thần Chiến thắng 30/4 trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội hướng về thực hiện những mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng nào, thưa Chủ tịch?

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân: Năm 2014, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, trong đó, xác định 05 chương trình hành động. Bên cạnh hoạt động truyền thống, Mặt trận cần làm tốt hơn việc vận động để nhân dân hiểu đúng đường lối, chính sách của Đảng, tạo sự đồng thuận, từ đó phát huy sáng kiến để thực hiện.

Trong công tác truyền thông, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhấn mạnh nhiệm vụ là phản ánh tiếng nói của nhân dân đối với Đảng, chính quyền các cấp, với phương châm: Nghe nhân dân nói, cùng nhân dân suy nghĩ, chuyển ý kiến nhân dân tới tổ chức các cấp, trong đó, có một nội dung quan trọng là lắng nghe ý kiến của Việt kiều ta sinh sống ở nước ngoài.

Bên cạnh đó, trước thách thức của tình hình trong nước và quốc tế, muốn phát triển bền vững cần tổ chức các hoạt động phong trào thi đua để người dân phát huy sáng kiến, góp phần xây dựng đất nước. Một trong những nhiệm vụ đặc thù của Mặt trận cần kể đến, đó là phát huy dân chủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt, làm vai trò giám sát, phản biện xã hội theo yêu cầu của Hiến pháp năm 2013. Đây là một trách nhiệm thiêng liêng.

Nhiệm vụ quan trọng tiếp theo là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cần xây dựng tổ chức vững mạnh thực sự từ cấp Trung ương đến cơ sở, nhằm đáp ứng mong mỏi của nhân dân và Đảng, Nhà nước.

Trong bối cảnh hiện nay, các cấp, các ngành cần tiếp tục tuyên truyền về thành tựu của đất nước sau 40 năm giải phóng, thấy được thời cơ và thách thức trong thời đại mới. Nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đặt ra là: Huy động sức mạnh đại đoàn kết, xây dựng đất nước phát triển nhanh, bền vững.

PV: Hiện nay, sau 40 năm đất nước thống nhất, không phải là không còn những tiếng nói định kiến về hòa giải, hòa hợp dân tộc. Vậy Mặt trận sẽ làm gì để góp phần xóa bỏ những định kiến đó, xây dựng vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc?

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân: Việc một nước có chiến tranh, chia hai phe trong một đất nước là điều không mong muốn và cũng gây ra rất nhiều khổ đau. Nhưng đó là thực tế lịch sử!
 
Từ năm 1946, khi chúng ta vừa giành chính quyền từ cuộc Cách mạng Tháng Tám, Bác Hồ đã nói: “Tôi khuyên đồng bào đoàn kết chặt chẽ và rộng rãi. Năm ngón tay cũng có ngón ngắn, ngón dài. Nhưng ngắn dài đều hợp nhau lại nơi bàn tay. Trong mấy triệu người cũng có người thế này, thế khác, nhưng thế này hay thế khác đều dòng dõi của tổ tiên ta. Vậy nên ta phải khoan hồng đại độ, ta phải nhận rằng đã là con Lạc cháu Hồng thì ai cũng có ít nhiều lòng ái quốc. Đối với những đồng bào lạc lối, lầm đường, ta phải lấy tình thân ái mà cảm hóa họ. Có như thế mới thành đoàn kết, có đại đoàn kết thì tương lai chắc chắn sẽ vẻ vang”. 

Với cách nhìn nhân ái, độ lượng như vậy, tôi tin rằng, trong lịch sử, cho dù có lúc đối diện nhau, cho dù có những khi đã chĩa súng vào nhau, dù mỗi bên đều đã mất mát người thân của mình, nhưng nhớ lại lời dạy của Bác, thì chúng ta đều một gốc cả, đều là con cháu vua Hùng, đều có lòng yêu nước. Bác Hồ đã khẳng định: Ai cũng có ít hay nhiều lòng ái quốc. Đó chính là điểm tựa của chúng ta để cùng hướng về quê hương.

Hai tiếng "Quê hương" đối với đồng bào ta ở nước ngoài đã thấm vào máu thịt qua các thế hệ. Chúng ta mong tất cả bà con ta ở nước ngoài, nếu trong 40 năm qua chưa có dịp về nước thì bây giờ hãy về. Tổ quốc, Đất Mẹ luôn luôn sẵn sàng đón mời những người con xa Tổ quốc. Về để nhìn lại làng quê của mình đã thay đổi đến thế nào, gặp lại họ hàng thân thiết của mình để thấy được sự phát triển của  quê hương, của đất nước. Chúng ta đã thấy rất nhiều trường hợp khi trở về, thấu hiểu thực tiễn thì không cần nói gì nhiều, họ sẽ đều tự trở về với tâm niệm phải làm gì đó cho quê hương, cho đất nước. Hãy xây thêm một viên gạch, hãy trồng thêm một cây xanh, góp thêm một sáng kiến... để cho đất nước chúng ta ngày càng phát triển.

Tôi nghĩ rằng, chưa bao giờ thuận lợi như bây giờ để chúng ta tạo được sự đồng thuận cao nhất trong việc xóa bỏ hoàn toàn các định kiến về hòa hợp, hòa giải dân tộc, để xây dựng và phát triển đất nước. Thực tế, mấy chục năm qua, đồng bào ta trở về rất nhiều. Chúng ta có hơn 4 triệu kiều bào, mỗi năm khoảng nửa triệu lượt người đi về. Đã có 4.500 dự án của bà con kiều bào đầu tư về Việt Nam, mỗi năm có từ 10 - 11 tỷ USD kiều hối gửi về Việt Nam. Đó là nguồn lực rất lớn; đồng thời, đó cũng là tình cảm, là ý chí của bà con kiều bào. Ở nhiều nước, hội sinh viên con em gốc Việt dù không sõi tiếng Việt nhưng họ vẫn luôn tự hào giới thiệu mình là người Việt Nam. Tất cả những điều đó cho thấy nguồn cội quê hương, Tổ quốc thiêng liêng đến thế nào!

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

(Theo ĐCSVN)

(Bấm vào đây để nhận mã)

Tin liên quan

60 năm chiến thắng điện biên phủ

Ảnh Xem tất cả >>

Video

Kỳ họp thứ 2 HĐND tỉnh Gia Lai khóa XII: Thông qua 14 nghị quyết quan trọng

Công an Gia Lai: Hỗ trợ công dân các tỉnh đi xe máy từ vùng dịch về

Những chuyến xe nặng nghĩa tình

Kỳ họp thứ nhất HĐND tỉnh Gia Lai bầu các chức danh chủ chốt của HĐND và UBND tỉnh

Nông dân "bắt nhịp" nông nghiệp-dịch vụ

Tỷ giá - Thời tiết

Chọn thành phố

Liên kết website

Biển Hồ  Biển Hồ
Quản lý văn bản Văn phòng Tỉnh ủy
BlueZone
Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XII, nhiệm kỳ 2021 - 2026
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Gia Lai năm 2016
LÊN ĐẦU TRANG