Cụ thể hóa từ Chỉ thị số 37-CT/TW, ngày 06-6-2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao, trong những năm qua, công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao ở tỉnh Gia Lai đã có nhiều chuyển biến tích cực. Trong đó phải kể đến vai trò của công tác quản lý Nhà nước.
Bắt đầu từ thay đổi từ mạng lưới giáo dục nghề nghiệp, sắp xếp, sáp nhập các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đã tinh gọn được tổ chức bộ máy, giảm đầu mối, giảm số lượng cán bộ hành chính, sử dụng có hiệu quả, hợp lý đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Để quản lý công tác đào tạo nghề, cấp tỉnh có phòng Dạy nghề thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; các huyện, thị xã, thành phố bố trí cán bộ chuyên trách phòng lao động - thương binh và xã hội. Đến nay toàn tỉnh có 24 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, gồm 02 trường cao đẳng, 06 trường trung cấp, 03 trung tâm đào tạo lái xe (trong đó có 02 trung tâm tư thục), 13 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên do ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý trực tiếp.
Song song với đó, công tác quy hoạch, kế hoạch phát triển nguồn nhân lực có tay nghề cao gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội được chú trọng. Năm 2011, tỉnh ban hành Quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh Gia Lai, giai đoạn 2011 - 2020; trên cơ sở đó, các địa phương, đơn vị căn cứ vào nhu cầu để xây dựng kế hoạch thực hiện hằng năm và đề ra một số mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nhằm nâng cao trình độ, tay nghề cho lao động trên địa bàn.

Ảnh minh họa
Trong giai đoạn 2014 - 2019, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã tuyển sinh và đào tạo được 5.699 lao động; trong đó, trình độ cao đẳng 1.325 người, trung cấp 4.374 người. Ngoài đào tạo, rèn luyện kỹ năng nghề cho người học, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn chú trọng đến công tác giáo dục vệ sinh, an toàn lao động, ý thức tác phong công nghiệp. Phần lớn học viên sau khi đào tạo đã áp dụng những kiến thức và kỹ năng được học vào thực tế đời sống, sản xuất, tham gia vào thị trường lao động ở địa phương, ngoài tỉnh hoặc xuất khẩu lao động, tăng thu nhập, từng bước ổn định cuộc sống.
Bên cạnh đó, việc thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo Điều 15, Nghị định 16/2015/NĐ-CP, ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ về quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập, đến nay, toàn tỉnh có 07/24 cơ sở giáo dục nghề nghiệp tự chủ một phần chi thường xuyên với tỷ lệ 20% - 30%, riêng Trung tâm dạy nghề lái xe Gia Lai, Trường Cao đẳng nghề số 21 đã thực hiện tự chủ hoàn toàn chi thường xuyên.
Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã tổ chức tự đánh giá chất lượng theo các tiêu chí, tiêu chuẩn, quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Đồng thời, tăng cường các biện pháp quản lý, nâng cao chất lượng đào tạo, như: Thường xuyên kiểm tra, giám sát và thanh tra theo các tiêu chí đảm bảo chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Công khai, minh bạch trong công tác tuyển sinh, đánh giá kết quả học tập của học viên, phát động các phong trào chống tiêu cực và bệnh thành tích trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; khuyến khích công tác giám sát chất lượng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thông qua thu thập ý kiến đánh giá của người lao động được đào tạo có đáp ứng được các yêu cầu của các doanh nghiệp, các đơn vị tuyển dụng.
Có thể khẳng định, qua 05 năm thực hiện Chỉ thị 37-CT/TW, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội trong tỉnh đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, vị trí, tầm quan trọng, mục tiêu, nội dung và phương hướng xây dựng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động; gắn công tác đào tạo nghề với Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã từng bước đổi mới nội dung, phương pháp, chương trình, giáo trình giảng dạy; công tác đào tạo nghề được nâng lên về số lượng và chất lượng. Đội ngũ cán bộ, giáo viên được tham gia bồi dưỡng, đào tạo để nâng cao nghiệp vụ chuyên môn. Học viên nắm bắt những kiến thức khoa học, kỹ thuật, vận dụng vào quá trình sản xuất và đời sống; nhiều học viên sau khi học nghề đã tìm được việc làm để tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, góp phần giảm nghèo, ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Minh Tân