Nhiệm kỳ qua, Đảng bộ huyện Ia Pa đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp về phát triển văn hóa - xã hội, trong đó việc chú trọng nâng cao đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số được Đảng bộ huyện quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo.
Công tác giáo dục và đào tạo có nhiều chuyển biến tích cực; chất lượng dạy và học được nâng lên, tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình lớp học, cấp học tăng so với đầu nhiệm kỳ; đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục từng bước được chuẩn hoá về chuyên môn; tỷ lệ cán bộ quản lý, giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn ở các cấp học đạt 99,7%. Hệ thống trường, lớp, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tiếp tục được quan tâm đầu tư. Xã hội hóa giáo dục được triển khai thực hiện, tạo được sự đồng thuận của toàn xã hội đối với sự nghiệp giáo dục của huyện; các hoạt động khuyến học, khuyến tài có sức lan tỏa. Có 9/29 trường đạt chuẩn quốc gia (bằng 112,5% chỉ tiêu Nghị quyết, gấp 1,8 lần so với năm 2015); tỷ lệ huy động trẻ em mẫu giáo đến lớp đạt 82% (vượt 2% so với chỉ tiêu Nghị quyết). Công tác y tế - dân số có tiến bộ; chất lượng khám, chữa bệnh, tinh thần thái độ phục vụ đối với bệnh nhân có chuyển biến tích cực; quản lý hành nghề y dược tư nhân và thanh tra, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm đạt một số kết quả quan trọng. Công tác phòng, chống dịch bệnh, chương trình mục tiêu về y tế - dân số được thực hiện đúng quy định. Nguồn nhân lực y tế, đặc biệt là đội ngũ y, bác sỹ được tăng cường; cơ sở vật chất, trang thiết bị ngành y được quan tâm đầu tư, nâng cấp, từng bước đáp ứng nhiệm vụ khám, chữa bệnh cho nhân dân.
Công tác giảm nghèo được quan tâm chỉ đạo, đạt nhiều kết quả quan trọng; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hằng năm là 5,44% (vượt chỉ tiêu Nghị quyết); tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số giảm bình quân hàng năm 4,89%. Cơ sở hạ tầng tại vùng đặc biệt khó khăn được quan tâm đầu tư; triển khai lồng ghép các chương trình, dự án và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận với các nguồn lực để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo; đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số chuyển biến tích cực, góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện. Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn được quan tâm thực hiện, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 32% (bằng 100% chỉ tiêu Nghị quyết). An sinh xã hội được đảm bảo; việc thực hiện chế độ chính sách cho các đối tượng xã hội, người có công và đồng bào bào dân tộc thiểu số được triển khai kịp thời, đầy đủ, đạt kết quả tích cực. Đã hỗ trợ 1,5 tỷ đồng để sửa chữa 30 căn nhà cho các gia đình có công cách mạng nghèo từ nguồn ngân sách Nhà nước và vận động các nguồn hỗ trợ khác để làm mới, sửa chữa gần 100 căn nhà cho các hộ nghèo, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với tổng kinh phí trên 2 tỷ đồng; đồng thời, huy động nhiều nguồn lực, lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng sâu, vùng xa.
Sự lãnh đạo của cấp ủy đối với công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em được tăng cường; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em có sự chuyển biến tích cực. Các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số được triển khai thực hiện kịp thời. Thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia hỗ trợ các xã đặc biệt khó khăn và các chủ trương mới của tỉnh, huyện đã đề ra nhiều giải pháp để tập trung lãnh đạo giải quyết một số vấn đề về định canh, định cư; hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề, hỗ trợ chương trình, dự án nông nghiệp, vay vốn phát triển sản xuất,… đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ đã được cải thiện đáng kể.
Bên cạnh những kết quả đạt được, chất lượng giáo dục chưa đồng đều; giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh còn hạn chế; tình trạng học sinh nghỉ học theo mùa, nghỉ học dài ngày vẫn xảy ra; công tác xã hội hóa giáo dục còn khó khăn, nhất là ở các xã có tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo cao. Kết quả giảm nghèo chưa thật sự bền vững, tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số trong tổng số hộ nghèo còn cao; khoảng cách giàu nghèo giữa đồng bào Kinh và đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là đối với đồng bào Banar trên địa bàn có xu hướng ngày càng gia tăng.

Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai Dương Văn Trang trong một lần thăm cánh đồng mía của bà con dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Ia Pa.
Các thông tin về thị trường lao động còn hạn chế, chưa kết nối được giữa cung - cầu lao động; công tác đào tạo nghề còn bất cập so với yêu cầu của nền kinh tế và thị trường lao động, chất lượng đào tạo thấp. Nhân lực của ngành y còn thiếu, đặc biệt là bác sỹ, dược sỹ đại học, cán bộ y tế chuyên khoa sâu, cán bộ ở các khoa y tế dự phòng và trạm y tế. Các vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm diễn ra phổ biến; quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực hành nghề y, dược tư nhân còn nhiều hạn chế; hiệu quả chương trình mục tiêu về y tế - dân số chưa cao. Công tác bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số chưa được đầu tư đúng mức và chưa trở thành ý thức tự giác của cộng đồng. Tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào các dân tộc thiểu số vẫn xảy ra. Công tác xã hội hóa lĩnh vực văn hóa, thông tin, thể dục thể thao còn hạn chế. Việc quy hoạch và nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng du lịch còn hạn chế.
Nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng bộ huyện tâp trung lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo; quy hoạch phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục đủ về số lượng, đảm bảo về cơ cấu, có năng lực chuyên môn, phẩm chất chính trị và phù hợp với yêu cầu mới của sự nghiệp phát triển giáo dục của huyệnư. Cải tiến phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động sáng tạo của người học, tăng cường kỹ năng thực hành. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác dạy và học. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua “Duy trì sĩ số học sinh” và “Xây dựng trường học xanh - sạch - đẹp - an toàn”. Đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa giáo dục, khuyến khích và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư phát triển giáo dục. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng. Tăng cường đầu tư cho giáo dục và đào tạo, phát triển hệ thống trường, lớp học.
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án số 02-ĐA/HU, ngày 08/12/2014 của Huyện ủy về “Nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở vững mạnh giai đoạn 2013 - 2020”, nhất là các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể; tuyên truyền, vận động nhân dân xóa bỏ các hủ tục lạc hậu. Nâng cao chất lượng phong trào thể dục, thể thao trong nhân dân, phát huy thế mạnh các môn thể dục thể thao truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện. Tiếp tục củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở, chú trọng công tác đào tạo nâng cao chất lượng cán bộ quản lý, đội ngũ y bác sỹ, quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng nhu cầu khám và điều trị. Nâng cao chất lượng bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Triển khai có hiệu quả các chương trình mục tiêu về y tế - dân số. Thực hiện tốt công tác truyền thông dân số, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân; chính sách khám chữa bệnh cho đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo và các đối tượng chính sách.
Phối hợp, lồng ghép các chương trình, dự án cho chương trình xóa đói giảm nghèo, tập trung vào các mục tiêu chính là: phát triển sản xuất lương thực để ổn định đời sống, phát triển giáo dục – đào tạo để nâng cao mặt bằng dân trí, phát triển y tế để nâng cao sức khỏe. Đầu tư các cơ sở hạ tầng thiết yếu cho sản xuất và đời sống đi đôi với cho vay vốn phát triển sản xuất, cung cấp dịch vụ, chuyển giao công nghệ, khuyến nông khuyến lâm, nâng cao năng lực cho người lao động.
Phương Anh