Thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội trong tỉnh đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, vị trí, tầm quan trọng, mục tiêu, nội dung và phương hướng xây dựng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã phối hợp với các doanh nghiệp xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực; tích hợp kiến thức, kỹ năng và phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học vào quá trình đào tạo; kiểm định chất lượng chương trình đào tạo và cơ sở giáo dục nghề nghiệp; tăng thời gian và thời lượng thực tập kỹ năng nghề tại các doanh nghiệp; phối hợp với doanh nghiệp giáo dục ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần trách nhiệm, thái độ làm việc cho học viên. Về chương trình đào tạo giáo dục nghề nghiệp, trình độ cao đẳng, trung cấp được quy định cụ thể về chuẩn kiến thức, kỹ năng của người học sau khi tốt nghiệp; cách thức đánh giá kết quả học tập đối với từng ngành, nghề phù hợp và xây dựng chuẩn đầu ra theo khung năng lực trình độ quốc gia Việt Nam.
Trong giai đoạn 2014 - 2018, các trường đã tiến hành xây dựng mới và điều chỉnh bổ sung 09 chương trình đào tạo và 430 giáo trình hệ cao đẳng; 14 chương trình đào tạo và 610 giáo trình hệ trung cấp, trong đó có 01 nghề trọng điểm cấp độ ASEAN và 08 nghề trọng điểm cấp độ quốc gia được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phê duyệt nghề trọng điểm. Hằng năm, tỉnh đã ưu tiên phân bổ kinh phí từ ngân sách Trung ương và của tỉnh cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, nhằm nâng cao chất lượng, từng bước đạt chuẩn đào tạo; phân bổ kinh phí do ngân sách Trung ương cấp thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu giáo dục nghề nghiệp - việc làm và an toàn lao động, các dự án nghề trọng điểm cấp độ khu vực và quốc gia… cùng với nguồn vốn của tỉnh để phát triển mạng lưới và nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao theo hướng chuẩn hóa và hiện đại, trong đó, ưu tiên đầu tư xây dựng các trường cao đẳng, trung cấp hiện chưa đạt chuẩn, không đáp ứng yêu cầu về cơ sở vật chất. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp xây dựng các tiêu chí, thành lập hội đồng tự đánh giá, kiểm định chất lượng đào tạo, trên cơ sở đó có kế hoạch điều chỉnh, bổ sung chương trình, giáo trình, bồi dưỡng giáo viên theo chuẩn để đào tạo học viên… phù hợp với thị trường lao động và nhu cầu doanh nghiệp.

Ảnh minh họa
Cùng với đó, công tác xây dựng và phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý đào tạo nhân lực có tay nghề cao tiếp tục được quan tâm. Đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cơ bản đã được bố trí theo vị trí việc làm, đáp ứng tiêu chuẩn, quy định về hoạt động của từng cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Toàn tỉnh có 256 cán bộ quản lý và 644 giáo viên trực tiếp giảng dạy tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; trong đó, trường cao đẳng có 174 giáo viên, trung cấp có 180 giáo viên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên có 290 giáo viên. Trên cơ sở tiêu chuẩn, quy định về chức danh nghề nghiệp, nhu cầu phát triển ngành nghề đào tạo; các cơ sở giáo dục nghề nghiệp rà soát, quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng chuẩn hóa giai đoạn 05 năm và hằng năm. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã tổ chức đào tạo, bồi dưỡng trong nước và ngoài nước cho cán bộ quản lý và nhà giáo; trong đó, thạc sĩ, cử nhân, kỹ sư, kỹ năng nghề quốc gia, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản cho 86 người; bồi dưỡng nghiệp vụ - chuyên môn cho 383 lượt cán bộ, giáo viên. Sau khi được đào tạo, bồi dưỡng, trình độ chuyên môn, nhận thức chính trị của cán bộ, nhà giáo được nâng lên, hiệu quả công tác tốt hơn.
Ngoài ra, tỉnh đã tập trung tổ chức các hội giảng, hội thi cấp tỉnh và tạo điều kiện cho giáo viên ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tham gia hội giảng, hội thi quốc gia với mục đích tạo phong trào thi đua dạy tốt; khuyến khích, động viên nhà giáo nghiên cứu, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, phát minh các sáng kiến, phương pháp đào tạo tốt, chế tạo các thiết bị, đồ dùng phục vụ công tác đào tạo.
Có thể khẳng định, thời gian qua, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã từng bước đổi mới nội dung, phương pháp, chương trình, giáo trình giảng dạy; công tác đào tạo nghề được nâng lên về số lượng và chất lượng. Đội ngũ cán bộ, giáo viên được tham gia bồi dưỡng, đào tạo để nâng cao nghiệp vụ chuyên môn. Học viên nắm bắt những kiến thức khoa học, kỹ thuật, vận dụng vào quá trình sản xuất và đời sống; nhiều học viên sau khi học nghề đã tìm được việc làm để tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, góp phần giảm nghèo, ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Bảo Hân