Trong những năm gần đây, công tác đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm được các cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở quan tâm chỉ đạo; các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, tuyên truyền hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và nhân dân trên địa bàn chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm; qua đó đa số các cơ sở đã chấp hành tốt các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.
Thực trạng tình hình vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn huyện
Hiện nay toàn huyện có 648 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, chủ yếu là các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ phục vụ cho nhu cầu tại chỗ; hầu hết nguồn thực phẩm phục vụ nhu cầu của người dân trên địa bàn đều phải nhập về từ các địa phương khác nên việc kiểm soát nguồn gốc thực phẩm gặp nhiều khó khăn (nhất là các mặt hàng phục vụ chủ yếu trong các dịp lễ, tết).
Từ năm 2011 đến nay, trên địa bàn huyện đã xảy ra 02 vụ ngộ độc thực phẩm với 34 người mắc (năm 2013). Trước tình hình vệ sinh an toàn thực phẩm trên cả nước tiếp tục có diễn biến phức tạp, vấn đề thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm không đảm bảo an toàn vẫn có nguy cơ xảy ra do ý thức của một số hộ kinh doanh nhỏ lẻ và do một bộ phận người tiêu dùng thực phẩm chưa thực sự quan tâm đến chất lượng mà chỉ quan tâm đến giá thành của sản phẩm; ngoài ra, phong tục ăn uống của một bộ phận người đồng bào dân tộc thiểu số còn lạc hậu, việc chuyển tải thông tin đến vùng sâu, vùng xa còn có mặt hạn chế nên vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm còn khó kiểm soát.
Trong thời gian qua, công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm trong nhân dân đã được cấp ủy các tổ chức cơ sở đảng, Mặt trận và các đoàn thể huyện, các cơ quan tuyên truyền, Ban Chỉ đạo liên ngành Vệ sinh an toàn thực phẩm huyện quan tâm thực hiện nghiêm túc. Tập trung tuyên truyền, hướng dẫn sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu dùng thực phẩm an toàn, nâng cao vai trò trách nhiệm, tầm quan trọng của việc thực hiện tốt các quy định bảo đảm an toàn trong sản xuất, kinh doanh bánh, kẹo, rượu, bia, nước giải khát; nghiêm cấm sử dụng phụ gia thực phẩm ngoài danh mục, bảo quản và tiêu dùng thực phẩm rau, thịt an toàn, nhất là không được sử dụng chất cấm trong sản xuất, chế biến thực phẩm, góp phần giảm thiểu ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm. Trong những năm qua đã tổ chức được 414 buổi nói chuyện chuyên đề về vệ sinh an toàn thực phẩm với số lượng khoảng gần 3.000 người nghe; phát 95 tin, bài trên hệ thống Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện, loa phát thanh của các xã, thị trấn; cắt, treo 255 băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền về vệ sinh an toàn thực phẩm; xây dựng 06 cụm Pano tuyên truyền về vệ sinh an toàn thực phẩm tại thị trấn Phú Hòa và các xã Nghĩa Hưng, Ia Nhin, Hòa Phú, Ia Mơ Nông, Nghĩa Hòa.
Kịp thời biểu dương các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia các hoạt động bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, đồng thời phê phán, đưa tin các đơn vị, cá nhân vi phạm các quy định pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm. Tập trung tuyên truyền, hướng dẫn cho các đối tượng hiểu đúng, thực hiện đúng Luật An toàn thực phẩm, Nghị định hướng dẫn Luật An toàn thực phẩm, Thông tư quy định bảo đảm an toàn thực phẩm.

Khu bếp ăn của học sinh dân tộc nội trú huyện
Tăng cường công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm
Từ thực trạng về an toàn thực phẩm, huyện đã tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm. Hàng năm, Ban chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm huyện tổ chức định kỳ 03 đợt kiểm tra vào các dịp Tết nguyên đán, tháng hành động và tết trung thu. Ngoài ra còn tổ chức kiểm tra đột xuất về an toàn thực phẩm đối với các cơ sở. Tổng số cơ sở được kiểm tra trong 10 năm là 453 cơ sở (số cơ sở đạt: 145 cơ sở, số cơ sở vi phạm: 308 cơ sở, trong đó xử phạt vi phạm hành chính: 20 cơ sở, tổng số tiền xử phạt: 19.200.000 đồng). Thực hiện các test nhanh như: phẩm màu, hàn the, foocmon, acid vô cơ dấm ăn, nitrit, nitrat, salicilis, độ ôi khét dầu mỡ, sulfite, borax, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chất tẩy trắng. Từ năm 2011-2016 đã có 870 test được cấp, trong đó có 423 mẫu đạt, tỷ lệ đạt: 49%. Công tác cấp giấy xác nhận kiến thức và giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm được thực hiện chặt chẽ. Ngành Y tế từ năm 2013 đến nay đã ký 174 bản cam kết đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, cấp 305 giấy xác nhận kiến thức tập huấn về vệ sinh an toàn thực phẩm và 14 giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn huyện.
Tăng cường công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. Chú trọng đến đào tạo cán bộ và đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho công tác an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo thực hiện tốt Chương trình mục tiêu Quốc gia về an toàn vệ sinh thực phẩm. Thường xuyên kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm. Tạo điều kiện cho các đoàn thể, tổ chức xã hội chủ động tham gia tư vấn, hướng dẫn, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật liên quan đến an toàn thực phẩm cho các cơ sở nuôi trồng, sản xuất, chế biến, vận chuyển, kinh doanh thực phẩm.
Phòng Y tế: Tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan trong thanh tra, kiểm tra, kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm; xây dựng quy chế phối hợp, phân định rõ trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong thực hiện nhiệm vụ; đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kịp thời phát hiện, phòng ngừa, khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm; truy xuất nguồn gốc thực phẩm, thu hồi và xử lý đối với thực phẩm không bảo đảm an toàn; triển khai Chiến lược quốc gia về an toàn thực phẩm đến năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ đảm bảo đúng theo quy định. Tăng cường đầu tư từ ngân sách nhà nước cho công tác an toàn thực phẩm. Triển khai nhân rộng các mô hình quản lý, sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm an toàn. Chứng nhận điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, chứng nhận hợp quy hoặc chứng nhận phù hợp chất lượng hàng hoá… theo quy định của pháp luật. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Tập trung chỉ đạo việc nâng cao chất lượng nông sản thực phẩm, định hướng sản xuất thực phẩm theo Quy chuẩn kỹ thuật, theo các tiêu chuẩn VietGAP, VietGAHP và các tiêu chuẩn tương đương khác. Thực hiện hiệu quả một số chính sách hỗ trợ áp dụng Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông, lâm nghiệp và thuỷ sản theo tinh thần của Quyết định số 01/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Triển khai việc giết mổ tập trung nhằm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm cho các loại thực phẩm có nguồn gốc từ thịt. Sản xuất nguyên liệu thực phẩm, chế biến, kinh doanh thực phẩm gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới.
Nhìn chung, công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm tiếp tục được củng cố và tăng cường; nhận thức của người sản xuất, người quản lý, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng đã có sự chuyển biến tích cực, tình trạng an toàn thực phẩm đã được cải thiện đáng kể. Việc giám sát, kiểm tra, đánh giá công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực an toàn thực phẩm của Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn đã được thực hiện thường xuyên. Qua công tác kiểm tra, đánh giá cho thấy các xã, thị trấn hiểu rõ vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm cho nhân dân theo quy định của pháp luật.
Nguyễn Văn