Những năm gần đây, tình hình thiên tai diễn biến ngày càng bất thường, phức tạp, gây tổn thất nặng nề về người, tài sản, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của nhân dân và sự phát triển bền vững của tỉnh (trong 05 năm qua, ước giá trị thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn tỉnh khoảng 1.975 tỷ đồng, làm 17 người chết, 25 người bị thương).
Trên địa bàn tỉnh, các cấp ủy, chính quyền địa phương đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt trong phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn các cấp từng bước được kiện toàn; công tác dự báo, cảnh báo thiên tai được cải thiện. Tuy nhiên, công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai vẫn còn một số hạn chế, như: Công tác chỉ đạo, điều hành ứng phó thiên tai của một số ngành và địa phương vẫn còn lúng túng; việc triển khai huy động, ứng phó theo phương châm “bốn tại chỗ” còn bị động, chưa linh hoạt; công tác thông tin, báo cáo chưa kịp thời; trang thiết bị, phương tiện phục vụ tìm kiếm, cứu nạn không đáp ứng điều kiện thực tế của địa phương; sự chủ động trong công tác phòng tránh, ứng phó thiên tai của người dân còn hạn chế.
.JPG)
Giúp nhân dân xây dựng lại nơi ở mới.
Nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn tỉnh và khắc phục tình trạng chủ quan, lơ là trong phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình số 107-CTr/TU, ngày 09/7/2020 về chương trình hành động thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW, ngày 24 tháng 3 năm 2020 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.
Cũng theo đó, mục đích của chương trình hành động nhằm cải thiện năng lực phòng, chống thiên tai thích ứng với biến đổi khí hậu, nhất là năng lực ứng phó tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ, giảm tổn thất về người, tài sản của Nhà nước và nhân dân; tạo điều kiện phát triển bền vững, từng bước xây dựng cộng đồng, xã hội an toàn trước thiên tai. Đồng thời, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát và xử lý các vụ vi phạm về phòng, chống thiên tai. Từng bước kiện toàn tổ chức bộ máy phòng, chống thiên tai các cấp theo hướng đồng bộ, thống nhất, chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ phòng, chống thiên tai trong tình hình mới trên cơ sở sắp xếp lại tổ chức bộ máy hiện có, không tăng thêm đầu mối và biên chế. Huy động tối đa các nguồn lực đầu tư cho công tác phòng, chống thiên tai phục vụ công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả và phục hồi tái thiết sau thiên tai.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng xác định cụ thể các nhiệm vụ giải pháp để thực hiện; trong đó củng cố, kiện toàn, bổ sung nguồn lực, trang thiết bị thiết yếu, từng bước nâng cao năng lực, kỹ năng và các điều kiện bảo đảm để thực thi kịp thời, xử lý linh hoạt các tình huống thiên tai theo phương châm “bốn tại chỗ” phù hợp với địa phương. Đảm bảo nguồn lực và các điều kiện hoạt động cho cơ quan và lực lượng làm công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai cấp tỉnh, huyện, xã, đặc biệt là lực lượng xung kích ở cơ sở.

Thành ủy Hà Nội hỗ trợ nhân dân tỉnh Gia Lai bị thiệt hại do lũ lụt với số tiền 02 tỷ đồng.
Hiện đại hóa, tự động hóa hệ thống quan trắc khí tượng thủy văn, hệ thống theo dõi, giám sát chuyên dùng chuẩn hóa và hiện đại nhằm nâng cao chất lượng công tác dự báo, cảnh báo thiên tai; đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích, tạo điều kiện cho khu vực tư nhân tham gia cung cấp dịch vụ quan trắc khí tượng thủy văn; tăng cường dự báo dài hạn về thiên tai, nguồn nước sông, suối trên địa bàn tỉnh, nhất là sông Ba, sông Sê San, sông Sêrêpôk.
Sử dụng hiệu quả nguồn lực từ ngân sách nhà nước, nguồn đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân, Quỹ phòng, chống thiên tai và các nguồn lực hợp pháp khác cho công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; ưu tiên đầu tư nâng cao năng lực, khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng, nhất là các hồ chứa nước để đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt; cơ sở vật chất, trang thiết bị, bảo đảm tiếp nhận, xử lý thông tin kịp thời.
Tăng cường công tác truyền thông, thông tin, đào tạo, đảm bảo thông tin dự báo, cảnh báo, chỉ đạo, điều hành ứng phó thiên tai của các cấp chính quyền đến được với người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; phổ biến kiến thức về phòng, chống thiên tai, dạy kỹ năng bơi lội, phòng, chống đuối nước trong nhà trường, nhất là cấp tiểu học và trung học cơ sở.
Hoàng Thanh